Về hòa giải và chuẩn bị xét xử

Một phần của tài liệu Giải quyết tranh chấp thương mại bằng tòa án theo tinh thần cải cách tư pháp ở việt nam (Trang 87 - 89)

TAND CẤP TỈNH

2.4.11. Về hòa giải và chuẩn bị xét xử

a) Về thời hạn chuẩn bị xét xử

Quy định của Điều 179 BLTTDS về thời hạn chuẩn bị xét xử so với quy định tại Điều 34 PLTTGQCVAKT có điểm mới là kéo dài hơn. Đây là quy định chưa phù hợp, cần sửa đổi. Trước đây là bốn mươi ngày thì nay là hai tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án. Đối với vụ án phức tạp thì thời hạn này trước đây là không quá sáu mươi ngày thì nay là Chánh án Tòa án có thể gia hạn nhưng không quá một tháng. Theo quy định trước đây, trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử Tòa án phải mở phiên tòa thì nay là một tháng, nếu có lý do chính đáng trước đây thời hạn này không quá hai mươi ngày thì nay là hai tháng.

b) Về hòa giải

BLTTDS quy định về nguyên tắc, thủ tục, nội dung của hòa giải từ Điều 180 đến Điều 188 (Điều 36 PLTTGQCVAKT). Điều cần lưu ý là, tại phiên tòa sơ thẩm và phiên tòa phúc thẩm, Hội đồng xét xử chỉ hỏi xem các đương sự có thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án hay không. Nếu các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án và thỏa thuận của họ là tự nguyện, không trái pháp luật hoặc đạo đức xã hội thì Hội đồng xét xử ra quyết định công nhận sự

thỏa thuận của đương sự về việc giải quyết vụ án (Điều 220, điểm c khoản 2 Điều 268 và Điều 270 BLTTDS). Về nguyên tắc của việc hòa giải; phạm vi hòa giải; thông báo về phiên hòa giải; thành phần phiên hòa giải; nội dung hòa giải; biên bản hòa giải lần đầu tiên được quy định chi tiết và cụ thể trong BLTTDS. Quy định mới thông báo về phiên hòa giải giúp cho đương sự chuẩn bị trước được việc hòa giải và đặc biệt tạo cho việc hòa giải của Tòa án có kết quả tốt nhất. Với ý nghĩa và giá trị tương tự như vậy, quy định về thành phần phiên hòa giải cũng ghi rõ vị trí, quyền hạn của Thẩm phán, Thư ký Tòa án trong phiên hòa giải và sự vắng mặt của đương sự trong phiên hòa giải. Tại khoản 2 Điều 36 PLTTGQCVAKT chưa quy định việc gửi biên bản hòa giải thành cho các đương sự thì nay theo khoản 2 Điều 186 BLTTDS, Tòa án phải gửi ngay biên bản hòa giải thành cho các đương sự tham gia hòa giải.

Việc ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, trước đây Tòa án ra ngay quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự khi các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án và lập biên bản hòa giải thành (khoản 3 Điều 36 PLTTGQCVAKT), nay theo BLTTDS thì hết thời hạn là bảy ngày kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành, không có đương sự nào thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận thì Thẩm phán chủ trì phiên hòa giải hoặc Thẩm phán được Chánh án Tòa án phân công ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự và quyết định này được gửi cho các đương sự và VKS cùng cấp trong thời hạn năm ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định này (khoản 1 Điều 187 BLTTDS). Quy định này bảo vệ tối đa quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự bằng việc quy định chỉ đích danh người có quyền ra quyết định công nhận sự thỏa thuận và thời hạn để ra quyết định này cũng như thời hạn để gửi nó cho các đương sự và VKS cùng cấp.

Về tạm đình chỉ và đình chỉ giải quyết vụ án, BLTTDS quy định bỏ ba căn cứ để tạm đình chỉ vụ án theo điểm b, c và đ khoản 1 Điều 38 PLTTGQCVAKT, đồng thời Bộ luật quy định tại Điều 189 về các căn cứ tạm đình chỉ giải quyết vụ án (5 căn cứ). Như vậy, Tòa án vẫn tiến hành giải quyết vụ án theo luật định khi đương

sự vắng mặt hoặc khi Tòa án thụ lý đơn yêu cầu tuyên bố phá sản mà chưa có quyết định mở thủ tục tuyên bố phá sản thì Tòa án vẫn tiến hành giải quyết vụ án bởi không phải cứ thụ lý là sẽ mở thủ tục tuyên bố phá sản. BLTTDS lần đầu tiên cũng quy định về hậu quả pháp lý của việc tạm đình chỉ và đình chỉ giải quyết vụ án, đáng chú ý là việc giải quyết về tiền tạm ứng án phí, lệ phí được sung công quỹ khi có căn cứ đình chỉ giải quyết vụ án (khoản 2 Điều 193 BLTTDS) còn việc tạm đình chỉ được xử lý tiền tạm ứng án phí, lệ phí khi Tòa án tiếp tục giải quyết vụ án. BLTTDS cũng quy định thẩm quyền của người ra quyết định tạm đình chỉ và đình chỉ giải quyết vụ án thuộc về Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án và trong thời hạn năm ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án, Tòa án phải gửi quyết định đó cho đương sự và VKS cùng cấp (Điều 194 BLTTDS).

Một phần của tài liệu Giải quyết tranh chấp thương mại bằng tòa án theo tinh thần cải cách tư pháp ở việt nam (Trang 87 - 89)