Các hoạt động quảng bá du lịch của Thành phố Hồ Chí Minh Kênh truyền hình, phim tài liệu, kênh du lịch, tạp chí du lịch quốc tế

Một phần của tài liệu Thu hút khách quốc tế đến Thành phố Hồ Chí Minh thông qua hình thức du lịch ẩm thực (Trang 44 - 47)

Kênh truyền hình, phim tài liệu, kênh du lịch, tạp chí du lịch quốc tế

Những năm gần đây, Việt Nam đã đẩy mạnh đầu tư quảng bá ở các kênh truyền hình, tạp chí du lịch quốc tế. Có thể thấy đây là một kênh quảng bá quan trọng đối với nền du lịch nước nhà. Vì “muốn quảng bá cho một thị trường nào đó, anh phải ở trong đó, không thể ở trong nước mà có thể quảng bá ở nước ngoài được”, theo ông Pichai Raktashinha, Giám đốc văn phòng ở Việt Nam, Công ty tư

vấn quốc tế Celadon.

Cụ thể, Hiệp hội Du lịch TP.HCM (HTA) và Công ty truyền thông Điền Quân đã đầu tư hơn 20 tỷ đồng theo đuổi việc quảng bá du lịch Việt Nam qua ẩm thực. Ngày 28.12.2012, HTA vừa công bố hoàn thành giai đoạn một của phim tài liệu “Khám phá Việt Nam cùng Martin Yan” với 26 tập. Chương trình sẽ phát sóng trên các kênh truyền hình chuyên về du lịch ẩm thực của nước ngoài như Asian Food Channel, hệ thống PBS của Mỹ, Malaysia... kể từ tháng 04/2013. Ngoài ra, truyền hình đối ngoại, VTV4 - Đài Truyền hình Việt Nam là một trong những kênh thông tin quảng bá hiệu quả du lịch, ẩm thực, văn hóa, con người VN đến với 4 triệu kiều bào trên thế giới. Cơ sở để khẳng định điều này là tỷ lệ kiều bào về nước có “vốn” thông tin đầy đặn về du lịch, ẩm thực, danh lam thắng cảnh, con người của dải đất hình chữ S chủ yếu qua kênh thông tin VTV4[14]. Như vậy, có thể nói ẩm thực đã trở thành một thế mạnh của du lịch Việt Nam và nó đã được các cơ quan chức năng, bộ ngành quan tâm đúng mức trong việc đầu tư quảng bá đến du khách quốc tế.

Tuy nhiên, việc quảng bá trên các kênh truyền hình thế giới hiện nay vẫn gặp các hạn chế. Kinh phí xúc tiến quảng bá du lịch luôn được nâng lên nhưng chương trình quảng cáo du lịch Việt Nam diễn ra trong thời gian rất ngắn trên một kênh truyền hình, rồi sau đó chuyển qua kênh khác. Vì thế, Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch dự kiến đàm phán để chuyển sang kênh khác như Star Sport, ESPN, Discovey, National Geographic - những kênh mà ngành du lịch Thái Lan, Malaysia, Singapore… đang quảng cáo. Theo quan điểm marketing, quảng cáo trên các kênh truyền hình lớn là cần thiết cho du lịch Việt Nam, nhưng phải đủ kinh phí kéo dài để hình ảnh du lịch Việt Nam đến được với du khách quốc tế[14]. Chính vì thế, nguồn vốn đầu tư cho việc quảng bá du lịch cao nhưng thực sự vẫn chưa đem lại hiệu quả xứng tầm với nguồn vốn bỏ ra và tiềm năng du lịch của Việt Nam.

Nhà hàng Việt Nam trên thế giới

Nhà hàng Việt Nam trên thế giới là một công cụ tuyền truyền quảng bá du lịch ẩm thực hiệu quả ngay tại đất nước của du khách. Nhà hàng có khả năng tác động mạnh mẽ đến các giác quan của thực khách. Mắt nhìn khung cảnh bày trí, mũi ngửi mùi vị của món ăn, tai nghe âm nhạc truyền thống, miệng cảm quan các món

ăn đồ uống. Chính những điều đó tạo nên những ấn tượng mạnh và hấp dẫn để khách có thể nhớ lâu rồi kể lại cho những bạn bè và người thân đến nhà hàng - hình ảnh thu nhỏ của đất nước. Đây là một hình thức tuyên truyền, quảng cáo hiệu quả rất cao.

Trong những năm qua, người Việt Nam ở nước ngoài đã mở nhiều nhà hàng Việt Nam tại các nước sở tại, nhất là tại Hoa Kỳ, Tây Âu. Tuy nhiên, quy mô của phần lớn các nhà hàng thường là nhỏ mang tính gia đình, do đó có nhiều hạn chế về mặt không gian, trang trí nội thất, chế biến các món ăn Việt Nam cũng như tay nghề chế biến của nhân viên. Nhiều nhà hàng Việt Nam ở nước ngoài cần đến sự trợ giúp ở trong nước từ khâu nguyên liệu, thực phẩm, gia vị, các dụng cụ thiết bị nấu ăn, phục vụ ăn, uống, các vật trang trí và cả con người phục vụ với tay nghề cao, nhưng chưa có một tổ chức nào ở trong nước chăm lo.

Như vậy, có thể thấy việc quảng bá du lịch ẩm thực qua hệ thống nhà hàng quốc tế là một công cụ cực kỳ hiệu quả nhưng vẫn chưa được khai thác hiệu quả. Để nhà hàng trở thành phương tiện để quảng bá hình ảnh ẩm thực của quốc gia cần có sự quan tâm đúng mức và hỗ trợ từ cơ quan chức năng và Nhà nước.

Các sự kiện văn hóa ẩm thực trong Thành phố và trên thế giới

Trong những năm gần đây, Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức các sự kiện ẩm thực định kỳ. Liên hoan ẩm thực “Món ngon các nước” đã trở thành một sự kiện văn hóa - du lịch thường niên của thành phố vào mỗi dịp cuối năm do sở Văn hóa, thể thao và du lịch phối hợp với hiệp hội Du lịch TP.HCM tổ chức. Ngoài ra, Ngày hội du lịch Thành phố Hồ Chí Minh thu hút một lượng khách đáng kể đến đây. Du khách có cơ hội tìm hiểu ẩm thực Thành phố Hồ Chí Mình ở một khía cạnh mới, các đầu bếp hàng đầu biểu diễn kỹ thuật chế biến món ăn, trưng bày các món ăn đặc trưng. Bên cạnh đó còn có Lễ hội trái cây Nam Bộ nhằm trưng bày, giới thiệu và bán trái cây với giá đặc biệt cho khách tham quan các loại trái cây ngon đặc sản của địa phương. Các sự kiện văn hóa ẩm thực thường niên ở Thành phố Hồ Chí Minh đã phần nào giới thiệu hình ảnh ẩm thực ở đây đến du khách quốc tế.

Ngoài ra, ẩm thực Việt Nam còn được giới thiệu với du khách quốc tế qua các liên hoan ẩm thực trên thế giới và thu hút ngày càng nhiều khách tham quan đến với lễ hội. Các liên hoan ẩm thực đã tổ chức thường xuyên và thành công như

Hương vị lễ hội ẩm thực Việt Nam, Sydney (2011), Liên quan ẩm thực Việt Nam ở New Delhi, Ấn Độ (2012), Lễ hội ẩm thực Việt Nam mùa hè trong chương trình Lễ hội ẩm thực Luân Đôn, Anh (2012),… Những sự kiện ẩm thực trên đã đem đến hình ảnh ẩm thực Việt Nam đến gần hơn với du khách quốc tế.

Các chương trình hành động tại Thành phố Hồ Chí Minh

Tổng cục du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đã phát động chương trình hành động chung qua các năm nhằm kích cầu du lịch. Năm 2009 với chương trình “Ấn tượng Việt Nam”, năm 2010 với chương trình “Việt Nam, điểm đến của bạn”, năm 2011, 2012 với chương trình kích cầu liên kết với các doanh nghiệp hàng không, doanh nghiệp lữ hành nhằm giảm giá tour, chi phí vận chuyển cho du khách quốc tế. Năm 2013, “Chương trình kích cầu du lịch 2013” vừa thông qua chiến dịch quảng bá tại chỗ đối với khách quốc tế đã đến Việt Nam và chiến dịch bán hàng giảm giá vào mùa thấp điểm. Ngoài ra, các đề xuất giảm 50% VAT và miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn và vận chuyển khách du lịch được đưa lên Chính Phủ để chờ thông qua. Bên cạnh chương trình kích cầu quốc gia, các doanh nghiệp lữ hành Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều hình thức khuyến mãi khác làm cho giá tour cho du khách quốc tế giảm.

Ngoài các biện pháp kích cầu du lịch, Việt Nam đã chọn ra ông Võ Quốc làm đại sứ văn hóa ẩm thực Việt Nam. Là một gương mặt xuất sắc trong nghề bếp, ông Võ Quốc hi vọng sẽ đem hình ảnh ẩm thực Việt Nam quảng bá đến bạn bè trên thế giới và thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.

Một phần của tài liệu Thu hút khách quốc tế đến Thành phố Hồ Chí Minh thông qua hình thức du lịch ẩm thực (Trang 44 - 47)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(93 trang)
w