Tích cực hóa người học

Một phần của tài liệu Dạy học tích cực hóa người học môn giáo dục chính trị tại viện đào tạo nghề nghiệp trường đại học công nghệ thành phố hồ chí minh (Trang 32 - 33)

Với khả năng chủ động, sáng tạo của loài người nên việc tiêu thụ của cải vật chất không chỉ dừng lại ở việc khai thác những gì có sẵn trong giới tự nhiên mà thông qua lao động, loài người không chỉ sản xuất ra của cải vật chất cần thiết cho sự phát triển xã hội mà còn sáng tạo ra nền văn hóa ở mỗi thời đại. Bởi vậy, ngày nay việc phát triển tính tích cực trong mỗi người nói chung và hoạt động dạy học nói riêng là một trong những nhiệm vụ chủ yếu trong giáo dục và đào tạo nhằm tạo ra những con người thích ứng với môi trường, năng động góp phần phát triển bền vững cho cộng đồng.

Thái Bá Tuyên (2007), trong công trình Phương pháp dạy học truyền thống và đổi mới cho rằng: “Tích cực hóa là một tập hợp các hoạt động của các nhà giáo dục nhằm biến người học từ thụ động thành chủ động, từ đối tượng tiếp nhận tri thức sang chủ thể tìm kiếm tri thức để nâng cao hiệu quả học tập” [39, tr. 465].

Tính tích cực của con người là trạng thái mà ở đó hoạt động của chủ thể được tương tác với môi trường một cách chủ động. Qua đó, tính tích cực của người học biểu hiện trong những hoạt động khác nhau: lao động, học tập, thể dục thể thao,… trong đó, hoạt động học tập là chủ đạo của lứa tuổi học đường. Nó được biểu hiện thông qua sự cố gắng trên nhiều phương diện, góc độ trong học tập của người học với khát vọng học tập, cố gắng trí tuệ và nghị lực cao trong quá trình nắm vững kiến thức.

Một trong những nhiệm vụ của người dạy trong hoạt động dạy học đó là phát huy tính tích cực hóa hoạt động nhận thức của người học nhằm nâng cao chất lượng dạy học, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội. Trong xu hướng phát triển của xã hội nói chung và xu hướng đổi mới trong dạy học nói riêng, tính tích cực hóa của người học là nội dung được đặc biệt quan tâm, bởi nó phản ánh đến chất lượng đào tạo của ngành giáo dục. Các nhà giáo dục học trên thế giới đang hướng tới việc tìm kiếm con đường tối ưu nhằm tích cực hóa hoạt động nhận thức của sinh viên nhằm hướng tới việc thay đổi vai trò người dạy và người học, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả của quá trình dạy học, đáp ứng yêu cầu dạy học trong thời địa mới.

23

Để thay đổi mối quan hệ giữa thầy và trò, giữa dạy và học ngày càng gắn bó và hiệu quả hơn, bên cạnh những yếu tố tích cực khác thì quá trình tích cực hóa hoạt động nhận thức của người có vai trò đặc biệt quan trọng. Tích cực hóa không chỉ là biện pháp thực hiện mục tiêu dạy học, mà nó còn góp phần rèn luyện cho người học những kỹ năng của người lao động mới trong thời đại mới, đó là: tính năng động, tính tự chủ, tính sáng tạo.

Tích cực hóa hoạt động người học là cách để người dạy có biện pháp để khắc phục những hạn chế của người học khi phát hiện ra những quan niệm sai lệch. Vì vậy, bên cạnh việc cung cấp tri thức trang bị cho người học thì việc khắc phục những quan niệm sai lệch của người học có vai trò quan trọng trong nhà trường nhằm tác động đến hoạt động nhận thức của người học.

Từ những nội dung trên, theo tác giả tích cực hóa người học là một tập hợp nhiều hoạt động với mục đích nhằm thay đổi từ vị trí thụ động sang chủ động của người học, từ đối tượng tiếp nhận tri thức thụ động sang đối tượng tiếp nhận tri thức chủ động để nâng cao hiệu quả trong hoạt động học tập.

Một phần của tài liệu Dạy học tích cực hóa người học môn giáo dục chính trị tại viện đào tạo nghề nghiệp trường đại học công nghệ thành phố hồ chí minh (Trang 32 - 33)