Dạy học theo dự án

Một phần của tài liệu Dạy học tích cực hóa người học môn giáo dục chính trị tại viện đào tạo nghề nghiệp trường đại học công nghệ thành phố hồ chí minh (Trang 45 - 47)

Dạy học theo dự án được hiểu như một phương pháp dạy học theo hướng tích cực hóa người học, trong đó giảng viên tổ chức, hướng dẫn người học tự lực thực hiện một nhiệm vụ học tập phức hợp thông qua quá trình giải quyết một bài tập tình huống gắn với thực tiễn - dự án [40].

Dạy học theo dự án là một kiểu tổ chức dạy học, trong đó người học thực hiện một nhiệm vụ học tập phức hợp, có sự kết hợp giữa lí thuyết và thực tiễn, thực hành, tạo ra các sản phẩm có thể giới thiệu. Nhiệm vụ này được người học thực hiện với tính tự lực cao trong toàn bộ quá trình học tập, từ việc xác định mục đích, lập kế hoạch đến việc thực hiện dự án, kiểm tra, điều chỉnh, đánh giá quá trình và kết quả thực hiện.

Trong dạy học theo dự án, dự án được tập trung vào những câu hỏi hay những vấn đề định hướng cho người học để tiếp xúc với những khái niệm và nguyên lý trọng tâm của môn học. Điều này thường được thực hiện thông qua bộ câu hỏi định hướng.

Bộ câu hỏi định hướng gồm câu hỏi khái quát (Essential Question), câu hỏi bài học (Lesson Question) và câu hỏi nội dung (Content Question). Trong đó, câu hỏi khái quát và câu hỏi bài học thuộc loại câu hỏi mở. Loại câu hỏi mở có nhiều hơn một phương án đúng nhằm phát triển năng lực tư duy bậc cao. Loại câu hỏi nội dung chỉ có một phương án đúng duy nhất, còn gọi là câu hỏi đóng.

Với phương pháp dạy học theo dự án có thể được phân loại theo nhiều phương diện khác nhau như: Phân loại theo chuyên môn (dự án trong môn học và dự án liên môn); Phân loại theo quỹ thời gian (dự án nhỏ, dự án trung bình và dự

36

án lớn); Phân loại theo nhiệm vụ (dự án tìm hiểu, dự án nghiên cứu, dự án thực hành và dự án hỗn hợp).

1.5.2.1. Cách thức thực hiện

(1)

Chọn đề tài và xác định mục đích của dự án

Người dạy và người học cùng nhau đề xuất, xác định đề tài và mục đích của dự án, đó là một tình huống có vấn đề chứa đựng một nhiệm vụ cần giải quyết;

Căn cứ vào dự án nhỏ hay lớn để lập các thành viên trong nhóm.

(2)

Xây dựng đề cương, kế hoạch thực hiện

Người học xây dựng đề cương, kế hoạch thực hiện cho dự án: Xác định công việc cần làm, thời gian dự kiến, vật liệu, kinh phí,…

(3)

Thực hiện dự án

Các thành viên trong nhóm thực hiện kế hoạch dự kiến đã đề ra.

(4)

Thu thập kết quả và công bố sản phẩm

Kết quả dự án có thể được thực hiện bằng bài báo cáo, luận văn, sản phẩm trưng bày,…

(5)

Đánh giá dự án

Người dạy và người học đánh giá quá trình thực hiện và kết quả;

Rút ra những kinh nghiệm, bài học cho những dự án tiếp theo (nếu có).

1.5.1.2. Ưu và nhược điểm của phương pháp

Ưu điểm

- Gắn kết lý thuyết với thực hành, thực tiễn của đời sống; gắn tư duy và hành động; giữa nhà trường và xã hội. Giúp cho việc học tập trong nhà trường xích lại gần hơn với thế giới khách quan.

37

- Kích thích được động cơ, hứng thú học tập của người học, phát huy tính độc lập, khả năng sáng tạo, tự định hướng hoạt động học tập, tự khám phá, tích hợp, trình bày, tự chủ động tổ chức hoạt động học tập.

- Rèn luyện năng lực làm việc nhóm, vận dụng kiến thức lý thuyết, năng lực thiết kế, giải quyết vấn đề phức hợp, tăng cường khả năng đánh giá, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin,… của người học.

Nhược điểm

Bên cạnh những ưu điểm kể trên, phương pháp dạy học theo dự án gặp một số nhược điểm cơ bản như: tốn nhiều thời gian, hạn chế việc người học nắm vững tri thức ở phần lý thuyết một cách hệ thống. Phương pháp này cũng đòi hỏi phương tiện vật chất, tài chính phù hợp, khó áp dụng đại trà trong tất cả các bài học hay môn học.

Một phần của tài liệu Dạy học tích cực hóa người học môn giáo dục chính trị tại viện đào tạo nghề nghiệp trường đại học công nghệ thành phố hồ chí minh (Trang 45 - 47)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(169 trang)