Các tiêu chí đánh giá kết quả thực nghiệm

Một phần của tài liệu Dạy học tích cực hóa người học môn giáo dục chính trị tại viện đào tạo nghề nghiệp trường đại học công nghệ thành phố hồ chí minh (Trang 132 - 133)

Để có kết quả đánh giá khách quan về hiệu qủa của các tiết dạy thực nghiệm với việc tích cực hóa người học, tác giả xây dựng và dựa trên các tiêu chí đánh giá cơ bản sau:

- Đánh giá định tính

Tác giả có sự trao đổi với giảng viên dạy thực nghiệm theo dõi việc sinh viên chuẩn bị bài học; cách thức và mức độ sinh viên nêu và phát hiện ra những vấn đề liên quan đến các nội dung đã chuẩn bị trước ở nhà và trong giờ học trên lớp; mức độ tích cực, tự giác, chủ động trong học tập; mức độ hứng thú, say mê tìm hiểu bài, hăng hái phát biểu ý kiến,…

Bên cạnh đó, tác giả tiến hành phỏng vấn bằng phiếu hỏi đối với sinh viên sau giờ học thực nghiệm để có thêm cơ sở đánh giá chính xác hơn mặt định tính về kết quả thực nghiệm dựa trên những biểu hiện sau:

Về thái độ: sinh viên xác định được những yếu tố quyết định đến kết quả học tập của bản thân mình. Sinh viên cũng nhận thấy rằng muốn học tập một cách chủ động, họ phải tự mình huy động mọi phẩm chất, năng lực của mình để thực hiện. Do đó, sinh viên phải nghiêm túc xác định rõ mục tiêu học tập và có kế hoạch cụ thể để thực hiện mục tiêu học tập ấy. Thái độ học tập nghiêm túc, rõ ràng và kế hoạch học tập của bản thân sinh viên cùng với mức độ hứng thú, say mê, tích cực học tập môn học trong và ngoài giờ học đều thể hiện năng lực phát huy tính tích cực của sinh viên.

Về kỹ năng: Đánh giá năng lực của sinh viên được xem xét qua những kỹ năng như kỹ năng làm việc nhóm bao gồm lập kế hoạch, thực hiện kế hoạch và kiểm tra, đánh giá; kỹ năng tìm kiếm, khai thác và làm việc với nguồn tài liệu học tập; kỹ năng phát hiện và giải quyết vấn đề trong quá trình học tập và thực tiễn cuộc sống.

- Đánh giá định lượng

Sau khi hoàn thành bài thực nghiệm, chúng tôi tiến hành kiểm tra các lớp để lấy thông tin đánh giá kết quả thực nghiệm với các biện pháp mà chúng tôi đề xuất. Hình thức kiểm tra, đánh giá là cho sinh viên làm bài kiểm tra trắc nghiệm kết hợp với tự luận. Những câu hỏi kiểm tra như nhau ở cả 2 lớp thực nghiệm và đối chứng. Bài kiểm tra của sinh viên được đánh giá dựa theo các tiêu chí mức độ thấp, trung bình,

123

khá, cao. Thang đo kết quả kiểm tra đánh giá là theo thang điểm 10 và chia làm 4 cấp độ như sau:

Loại giỏi: 9 - 10 điểm, yêu cầu sinh viên phải nắm vững nội dung kiến thức của bài học ở mức độ cao. Thể hiện ở việc sinh viên thực hiện đúng, đủ yêu cầu của bài kiểm tra, trình bày các kiến thức lĩnh hội được một cách chính xác, rõ ràng, mạch lạc; phần vận dụng liên hệ với thực tiễn logic, lập luận chặt chẽ thể hiện khả năng tư duy độc lập, sáng tạo cũng như tư duy phản biện và lập trường tư tưởng rõ ràng.

Loại khá: 7 - 8 điểm, sinh viên giải quyết tương đối tốt các yêu cầu của bài kiểm tra, đảm bảo từ 75% - 85% đúng với đáp án; trình bày bài có phần chưa thật rõ ràng, logic; phần lập luận tương đối chặt chẽ, biết vận dụng, liên hệ với thực tiễn nhưng chưa thật sâu sắc.

Loại trung bình: 5 - 6 điểm, sinh viên thực hiện được yêu cầu cơ bản của bài kiểm tra nhưng trình bày, phân tích còn sơ sài; lập luận thiếu chặt chẽ, chưa thể hiện được khả năng tư duy độc lập, sáng tạo; phần liên hệ vận dụng sơ sài hoặc chưa biết cách vận dụng.

Loại yếu, kém: dưới 5 điểm, sinh viên chỉ thực hiện được một phần yêu cầu của bài kiểm tra, đạt dưới 50% đúng với đáp án, thể hiện mức độ chưa nắm được các nội dung cơ bản của bài học; trình bày còn nhiều sai sót, không logic; khả năng vận dụng, liên hệ yếu hoặc không biết vận dụng và liên hệ thực tiễn.

Một phần của tài liệu Dạy học tích cực hóa người học môn giáo dục chính trị tại viện đào tạo nghề nghiệp trường đại học công nghệ thành phố hồ chí minh (Trang 132 - 133)