Xêmina là một trong những hình thức tổ chức dạy học cơ bản vừa là hình thức dạy học đặc trưng ở bậc cao đẳng, đại học. Trong từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học định nghĩa xêmina (seminar) là buổi sinh hoạt để thảo luận vấn đề chuyên môn học thuật bậc cao đẳng, đại học hoặc trên đại học.
Như vậy, có thể hiểu xêmina là một trong những hình thức tổ chức dạy học, mà ở đó giảng viên điều khiển trực tiếp còn sinh viên trình bày, thảo luận, tranh luận về những vấn đề khoa học nhất định.
Hình thức xêmina thường được áp dụng khi bài học có một chủ đề khoa học nhất định, từ đó sinh viên chuẩn bị trình bày báo cáo, thảo luận, tranh luận. Giảng viên lúc này với vai trò hướng dẫn và điều khiển.
Trong xêmina giảng viên có thể yêu cầu sinh viên tìm hiểu những tài liệu đã có về một vấn đề nào đó trong chương trình học mà giảng viên chưa trình bày hoặc trình bày chưa đầy đủ. Giảng viên giới thiệu các phương án giải quyết một vấn đề và yêu cầu sinh viên phân tích, đưa ra ý kiến lựa chọn của mình. Sinh viên trình bày ý kiến của mình và tranh luận bảo vệ ý kiến đó trước tập thể.
38
Có nhiều cách tổ chức Xêmina trong dạy học ở bậc cao đẳng, đại học. Hai tác giả Đặng Vũ Hoạt và Hà Thị Đức trong cuốn Lý luận dạy học đại học đã tiến hành phân loại xêmina theo 4 loại tiêu chí [7].
Theo mức độ và phạm vi sử dụng, có 4 kiểu xêmina: tiền xêmina (hình thức xêmina sơ khai, có tính chất chuẩn bị, tập dợt); xêmina gắn với giáo trình; xêmina gắn với một số phần hay chương cơ bản của giáo trình; xêmina gắn với chuyên đề.
Theo tính chất, mức độ phát triển nhận thức của sinh viên, có 3 kiểu xêmina: xêmina thông báo – tái hiện; xêmina tìm kiếm bộ phận; xêmina nghiên cứu.
Theo phương thức tiến hành, có 2 kiểu xêmina: xêmina thảo luận, tranh luận tự do; xêmina báo cáo (theo chỉ định).
Theo phạm vi tổ chức, có 2 kiểu xêmina: xêmina theo tổ (hay liên tổ), xêmina theo lớp.
1.5.3.2. Cách thức thực hiện
(1) Chuẩn bị
Người học tiếp cận chủ đề khoa học;
Phân công nhiệm vụ cho từng thành viên, lên kế hoạch thực hiện chủ đề;
Thu thập thông tin, dữ liệu, xử lý thông tin;
Viết đề cương, trao đổi giữa các thành viên trong nhóm.
↓
(2)
Trình bày kết quả
Người dạy kiểm tra sự chuẩn bị của người học, khái quát mục đích, yêu cầu và định hướng người học vào chủ đề của xêmina;
Người học lần lượt trình bày kết quả nghiên cứu; Người dạy nhấn mạnh những điểm quan trọng cần tập trung thảo luận;
Người học thảo luận, tranh luận.
↓
(3) Kết luận
Người dạy phân tích các ý kiến đúng, sai;
Nhận xét và ghi nhận những đóng góp của cá nhân và nhóm;
39
Nêu lên một số vấn đề để người học tiếp tục phải suy nghĩ (nếu có).
1.5.3.3. Ưu và nhược điểm của phương pháp
Ưu điểm
- Theo tác giả Phan Trọng Ngọ (2005), tài liệu dạy học và phương pháp dạy học trong nhà trường thì xêmina hội tụ và tổng hợp nhiều kỹ thuật dạy học: các phương pháp dùng lời (người học phải học cách thuyết trình vấn đề được chuẩn bị), các kỹ thuật trao đổi vấn đáp, các kỹ thuật làm việc trực tiếp với đối tượng (tìm kiếm thông tin, nghiên cứu tài liệu, ghi chép, thực hành, thực nghiệm), các kỹ thuật thảo luận [31].
- Kích thích nhu cầu nhận thức, hứng thú tìm tòi, sáng tạo của người học, người học chủ động tiếp thu tri thức. Qua đây, tính tích cực chủ động, sáng tạo của người học được phát huy, họ thực sự là chủ thể, là trung tâm của quá trình dạy học.
- Tạo cơ hội để các thành viên trong lớp học làm quen, trao đổi, hợp tác với nhau, góp phần làm tăng không khí hiểu biết, tin cậy, thân thiện và đoàn kết giữa các học viên. - Tạo không khí lớp học sôi động, hào hứng. Từ đó giúp cho người học hiểu bài và khắc sâu tri thức.
Nhược điểm
- Tính hệ thống của bài học không được thể hiện rõ do phụ thuộc vào sự lựa chọn đề tài và quá trình thuyết trình, tranh luận.
- Sự thống nhất quan điểm giữa các sinh viên, giữa giáo viên và sinh viên thường không triệt để.
- Những sinh viên yếu, kém khó tiếp thu bài học.
- Việc tổ chức phương pháp này còn gặp một số khó khăn như: thiếu thốn tài liệu và điều kiện thực hành, nghiên cứu; lớp học quá nhiều sinh viên yếu kém; Giáo viên có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ trung bình hoặc yếu,…
40