7. Kết cấu của luận văn
1.1.2. Khái niệm văn hóa, an ninh văn hóa
Khái niệm văn hóa
Văn hóa là sản phẩm của loài người, là sự tiến hóa của nhân loại. Văn hóa khiến con người trở nên độc đáo trong thế giới sinh vật và tiến hóa nhất trong thế giới động vật. Do có nhiều cách nhìn nhận về văn hóa như vậy nên cho đến nay khái niệm "văn hóa" vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.
Cuốn "Văn hóa, điểm lại bằng cái nhìn phê phán các khái niệm và định nghĩa" của A.L. Kroeber và Kluckhohn xuất bản năm 1952, trong đó các tác giả đã trích lục khoảng 160 định nghĩa về văn hóa, điều này cho thấy, khái niệm "văn hóa" rất đa dạng, phong phú và phức tạp. E.B. Tylor (1871), đưa ra định nghĩa "Văn hóa hay văn minh, theo nghĩa rộng về tộc người học, nói chung gồm có tri thức, tín ngưỡng, nghệ thuật, đạo đức, luật pháp, tập quán và một số năng lực và thói quen khác được con người chiếm lĩnh với tư cách một thành viên của xã hội".
Ở Việt Nam, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặt ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Với cách hiểu này, văn hóa sẽ bao gồm toàn bộ những gì do con người sáng tạo và phát minh ra. Văn hóa theo cách nói
của Hồ Chí Minh sẽ là một "bách khoa toàn thư" về những lĩnh vực liên quan đến đời sống con người.
Các nhà nghiên cứu cũng đưa ra các cách hiểu khác nhau về văn hóa, nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Từ Chi xem văn hóa từ hai góc độ. Góc độ thứ nhất là góc độ hẹp, mà ông gọi là "góc nhìn báo chí"; Góc nhìn thứ hai là "góc nhìn dân tộc học". Đến năm 1994, một số nhà nghiên cứu ở Việt Nam và kể cả ở nước ngoài khi đề cập đến văn hóa, họ thường vận dụng định nghĩa văn hóa do UNESCO đưa ra. Theo định nghĩa này, văn hóa được hiểu theo hai nghĩa: với nghĩa rộng thì văn hóa là một phức hệ - tổng hợp các đặc trưng diện mạo về tinh thần, vật chất, tri thức và tình cảm…, khắc họa nên bản sắc của một cộng đồng gia đình, xóm làng, vùng, miền, quốc gia, xã hội…, văn hóa không chỉ bao gồm nghệ thuật, văn chương mà còn cả lối sống, những quyền cơ bản của con người, những hệ thống giá trị, những truyền thống, tín ngưỡng….; còn với nghĩa hẹp thì văn hóa là tổng thể những hệ thống biểu trưng (ký hiệu) chi phối cách ứng xử và giao tiếp trong cộng đồng, khiến cộng đồng đó có đặc thù riêng …
Các định nghĩa về văn hóa hiện nay, nhìn chung rất đa dạng. Mỗi định nghĩa đề cập dưới những dạng thức hoặc những lĩnh vực khác nhau của văn hóa. Tổng hợp các định nghĩa đã nêu, có thể nói văn hóa chính là nấc thang đưa loài người vượt lên trên những loài động vật khác và văn hóa chính là sản phẩm mà con người tạo ra trong quá trình sống. Văn hóa được hiểu theo nhiều cấp độ: văn hóa cá nhân và văn hóa cộng đồng.
Khái niệm an ninh văn hóa
An ninh, hiểu theo nghĩa đơn giản nhất, là khả năng giữ vững sự an toàn trước các mối đe dọa, đây là một khái niệm động. Các học giả nghiên cứu về an ninh chia khái niệm này ra thành 2 loại: an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống. An ninh truyền thống, chủ yếu nhấn mạnh về đe dọa quân sự và bảo vệ quốc phòng, cùng với những biện pháp đảm bảo an ninh mà các quốc gia cần làm để đương đầu trước các nguy cơ đó. Còn an ninh phi truyền thống xoay quanh tất cả vấn đề khác có khả năng trở thành một mối đe dọa đối với cuộc sống của một quốc gia hay một cộng đồng. An ninh văn hóa thuộc nội hàm khái
niệm an ninh phi truyền thống vì xét ở một phương diện nhất định, an ninh văn hóa có mối quan hệ mật thiết tới hành vi, hình thái ý thức, hệ giá trị, các vấn đề liên quan tới thể chế, chế độ… và nằm trong khái niệm bao trùm an ninh quốc gia.
Vậy "an ninh văn hóa" là gì? Thuật ngữ "an ninh văn hóa" đã xuất hiện trong khoảng một thế kỷ nay, nó xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1916 và được sử dụng phổ biến từ năm 1930, tần suất sử dụng bắt đầu tăng. Đến năm 1944 thuật ngữ này sử dụng với tần suất cao nhất rồi sau đó giảm dần từ năm 1951 đến năm 2000. Bước sang thế kỷ XXI, thuật ngữ an ninh văn hóa lại được quan tâm sử dụng dưới 3 dạng hình thái: bảo tồn văn hóa bản địa, bảo vệ văn hóa dân tộc và sức mạnh của văn hóa dân tộc.
Tiếp thu các quan niệm về văn hóa, tiếp cận dưới góc độ giá trị, văn hóa trong khái niệm an ninh văn hóa tác giả đề cập ở đây là hệ thống các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra, được bồi đắp, tích lũy trong quá trình hoạt động thực tiễn, trong mối quan hệ giữa con người với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội trong cộng đồng, quốc gia, dân tộc.
An ninh văn hóa là một bộ phận của an ninh quốc gia nhằm duy trì sự ổn định và phát triển của nền văn hóa dân tộc; bảo tồn, bảo vệ các giá trị di sản văn hóa, bản sắc văn hóa dân tộc và thể chế văn hóa quốc gia; đấu tranh chống lại sự xâm hại của tự nhiên và con người đối với văn hóa, chống lại việc xâm nhập các luồng tư tưởng không lành mạnh, sản xuất, truyền bá sản phẩm phi văn hóa, đấu tranh chống lại các phản văn hóa, phản giá trị; là sáng tạo, trao truyền và hưởng thụ những sản phẩm văn hóa nhân văn vì con người, phát triển và hội nhập với thế giới.
Do quan điểm về khái niệm "an ninh" và "văn hóa" của các học giả, các quốc gia có sự khác nhau nên khái niệm về "an ninh văn hóa" cũng vì thế sẽ thay đổi theo nhiều cách khác nhau. Trong luận văn này, xuất phát từ cách tiếp cận về an ninh văn hóa trong thông tin báo chí ở Việt Nam, tác giả sử dụng thuật ngữ này theo quan niệm của các nhà nghiên cứu Việt Nam: "An ninh văn hóa là sự ổn định và phát triển của nền văn hóa dân tộc theo hướng khoa học, dân chủ,
tiến bộ và nhân văn, đảm bảo quyền sáng tạo và hưởng thụ văn hóa của người dân, chống lại các phản văn hóa, phản giá trị" [6, tr.30].
Ở Việt Nam, an ninh văn hóa vẫn là một khái niệm mới mẻ nên các nhà nghiên cứu thường tiếp cận dưới hai cách: tiếp cận từ góc độ văn hóa và tiếp cận từ góc độ an ninh. Tiếp cận từ góc độ an ninh, an ninh văn hóa được hiểu là sự ổn định của nền văn hóa quốc gia, đặc biệt là sự ổn định của hệ tư tưởng, do đó, bảo đảm an ninh văn hóa là một hoạt động của ngành an ninh. Theo Từ điển Bách khoa Công an nhân dân Việt Nam: "An ninh tư tưởng - văn hóa là sự ổn định và bền vững của tư tưởng văn hoá trên nền tảng của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. An ninh tư tưởng - văn hóa là bộ phận của an ninh quốc gia" [10, tr.26].