7. Kết cấu của luận văn
1.1.3. Khái niệm thông tin an ninh văn hóa
Hiến pháp năm 2013 (Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 28/11/2013 và có hiệu lực từ 1/1/2014) đã hiến định quyền hưởng thụ các giá trị văn hóa. Đây là một bằng chứng rõ rệt về lập pháp đối với quyền thụ hưởng các giá trị văn hóa ở nước ta.
Thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của báo chí được ban hành trong Luật Báo chí năm 2016, là diễn đàn của nhân dân, báo chí Việt Nam đã góp phần tích cực vào việc đảm bảo quyền tự do tiếp cận thông tin, quyền hưởng thụ các giá trị của văn hóa dân tộc. Bằng việc tuyên truyền, phổ biến, báo chí góp phần quan trọng trong việc xây dựng, bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; giữ vững ổn định chính trị; đáp ứng nhu cầu văn hóa lành mạnh của nhân dân. Thông qua báo chí, người dân ngày càng có điều kiện hưởng thụ các giá trị văn hóa tốt đẹp hơn không chỉ ở trong nước, mà còn tiếp nhận những tinh hoa văn hóa của nhân loại để không ngừng làm giàu thêm đời sống tâm hồn của mình. Báo chí với những nội dung cốt lõi là xây dựng môi trường văn hóa, định hướng tư tưởng, đạo đức, lối sống lành mạnh, điều chỉnh các hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa, hành vi văn hóa … sẽ tạo điều kiện thuận lợi để người dân tham gia sáng tạo và hưởng thụ văn hóa, tiếp cận các quyền văn hóa của mình. Đây là một kênh rất quan trọng để tuyên
truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, tạo cơ hội cho người dân thực hiện các quyền về hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa.
Trong xây dựng môi trường văn hóa, thông tin có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. "Nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu văn hóa lành mạnh của nhân dân, bảo vệ và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc" [60], với lợi thế đặc biệt của mình, thông tin có khả năng đưa các nhân tố văn hóa tinh thần, nhân văn thấm sâu vào các lĩnh vực của đời sống xã hội, qua đó gìn giữ, phát huy được truyền thống và bản sắc văn hóa dân tộc trước sự tác động của những yếu tố bên ngoài.
Môi trường văn hoá tác động tới con người thông qua hệ thống các giá trị, truyền thống... được kết tinh lại trong các phong tục, tập quán, khuôn mẫu ứng xử của cộng đồng nhằm phối hợp điều hoà, kiểm soát cuộc sống, ứng xử của các thành viên trong gia đình, gia tộc và của cả cộng đồng. Thông tin góp phần bảo vệ an ninh văn hóa thông qua việc tham gia điều chỉnh các quan hệ xã hội, xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống của từng cá nhân và cả cộng đồng theo hướng ngày càng tốt đẹp hơn; giảm thiểu những nguy cơ làm phương hại đến môi trường văn hóa, góp phần xây dựng một môi trường văn hóa lành mạnh. Đó chính là vai trò của thông tin trong việc bảo vệ an ninh văn hóa, bảo vệ an ninh quốc gia; góp phần quan trọng trong việc xây dựng Đảng, giữ vững và bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa; làm thất bại âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch chống phá Việt Nam; làm cho văn hóa trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là mục tiêu, là động lực phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay, giao lưu, tiếp biến văn hóa là một xu thế tất yếu. Có thể nói, không một quốc gia, dân tộc nào có thể đứng ngoài quá trình này về mọi phương diện, trong đó có văn hóa. Để quá trình giao lưu văn hóa diễn ra đúng quy luật là đón nhận những giá trị ngoại sinh làm giàu, hiện đại hóa nền văn hóa dân tộc, góp phần đưa đất nước hội nhập với khu vực và thế giới mà vẫn khẳng định được vị thế quốc gia đòi hỏi có một bản lĩnh, bản sắc văn hóa dân tộc. Thông tin chính là cầu nối giúp chúng ta tiếp thu những tinh hoa văn hóa thế giới; bảo vệ an ninh văn hóa
trong việc duy trì sự ổn định, duy trì những giá trị văn hóa cốt lõi, đồng thời tạo điều kiện để giữ gìn và phát huy bản sắc, bản lĩnh trong giao lưu văn hóa quốc tế.
Giữ gìn, giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam; làm cho Việt Nam trở nên gần gũi hơn với cộng đồng quốc tế, với những người Việt Nam sống xa Tổ quốc; chủ động tiến công, phát hiện, ngăn chặn kịp thời; đấu tranh vô hiệu hóa mọi hoạt động chống phá của kẻ thù, phòng ngừa sự "xâm lăng" về văn hóa; đẩy lùi, vô hiệu hóa sự xâm nhập và tác hại của các sản phẩm đồi trụy, phản động; bồi dưỡng và nâng cao sức đề kháng của công chúng, nhất là thế hệ trẻ; ngăn chặn các nguy cơ làm hủy hoại các di sản văn hóa; đảm bảo cho các tài sản văn hóa của quốc gia lưu thông một cách hợp pháp, kiểm soát việc mua bán trái phép các sản phẩm văn hóa... đó chính là những đóng góp quan trọng của thông tin trong việc bảo vệ an ninh văn hóa.
Với thế mạnh của mình, thông tin góp phần phản ánh kịp thời vấn đề quốc tế về văn hóa qua việc tác động kiến tạo một môi trường văn hóa lành mạnh cũng như đảm bảo các quyền văn hóa, góp phần thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau giữa các quốc gia, dân tộc thông qua việc tham gia các công ước quốc tế, các Hiệp định, Hiệp ước liên quan đến lĩnh vực văn hóa, hướng tới việc xây dựng các giá trị chung toàn nhân loại.
Thông tin có ảnh hưởng, tác động mạnh mẽ đến đời sống cộng đồng, điều này đòi hỏi mỗi nhà báo phải không ngừng phấn đấu rèn luyện ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong đạo đức, cần có lối sống lành mạnh, trong sáng, vô tư, khoa học, thẳng thắn, trung thực, dũng cảm và khiêm tốn. Có như thế mới đủ bản lĩnh để cổ vũ cái mới, ca ngợi cái đúng, tôn vinh cái đẹp và sẵn sàng đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, cái sai trái, kiên quyết tấn công cái ác, những tư tưởng phản động.
Bảo vệ an ninh văn hóa là bảo vệ nền tảng tinh thần của xã hội; bảo vệ những giá trị, thành quả văn hóa trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta; bảo vệ các giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc là nhiệm vụ quan trọng của báo chí. Việc thông tin tuyên truyền trong bảo vệ an ninh văn hóa gắn với xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát
triển toàn diện, thống nhất trong đa dạng, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ; làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh quan trọng của phát triển.
Sự nghiệp đổi mới đòi hỏi chúng ta phải có cái nhìn mới, nhận thức mới. Cần phải làm thay đổi, làm mới nhận thức của cả cộng đồng về bảo vệ an ninh văn hóa Việt Nam. Để làm được điều này, báo chí cần định hướng cho mình một chiến lược tuyên truyền về bảo vệ an ninh văn hóa. Chiến lược tuyên truyền trên báo chí gồm: hoạch định lại về phạm vi, về phương pháp tác động, về cách thức tổ chức trang, chuyên mục; cần đẩy mạnh tuyên truyền qua các báo điện tử, trên website..., đưa những vấn đề bản sắc văn hóa dân tộc giới thiệu với bạn bè trên thế giới. Xây dựng được một chiến lược thông tin tuyên truyền hiệu quả, chắc chắn báo chí sẽ gặt hái được những thành quả hơn nữa trong công tác bảo vệ an ninh văn hóa góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam.
Với cách nhìn nhận về "thông tin", "an ninh", "văn hóa" như trên, trong luận văn này tác giả đưa ra và sử dụng khái niệm thông tin an ninh văn hóa với các nội hàm sau:
Thứ nhất, thông tin an ninh văn hóa là thông tin về vấn đề tư tưởng, đạo đức, lối sống, vấn đề quyền văn hóa, quyền con người;
Thứ hai, thông tin an ninh văn hóa là thông tin về giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc và thể chế văn hóa quốc gia, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, làm nền tảng và động lực cho an ninh quốc gia và sự phát triển bền vững của quốc gia - dân tộc;
Thứ ba, thông tin an ninh văn hóa là những thông tin về xây dựng và phát triển nền văn hóa khoa học, tiến bộ, dân chủ, nhân văn, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đảm bảo quyền tự do sáng tạo và hưởng thụ văn hóa của mọi người dân, góp phần kiểm soát quá trình giao lưu và hợp tác quốc tế về văn hóa;
Thứ tư, thông tin an ninh văn hóa là những thông tin về đấu tranh chống lại sự xâm hại của tự nhiên và con người đối với văn hóa; đấu tranh chống lại việc xâm nhập của các luồng tư tưởng, các hành vi sản xuất, truyền bá sản phẩm phi văn hóa
thiếu lành mạnh, đi ngược lại với đường lối, chính sách của đảng, nhà nước cầm quyền; đấu tranh chống lại các phản văn hóa, phản giá trị, phản nhân văn.
Mục tiêu mà thông tin an ninh văn hóa hướng tới đó là tính nhân văn, vì con người, vì sự đảm bảo cho mọi người có cơ hội và điều kiện phát triển toàn diện, có một đời sống tinh thần phong phú, lành mạnh, thấm nhuần bản sắc dân tộc đồng thời không xa lạ với tinh hoa văn hóa của nhân loại. Thông tin về an ninh văn hóa không chỉ là những thông tin chống phản văn hóa, phi văn hóa, mà bên cạnh đó phải góp phần xây dựng một đời sống văn hóa tốt đẹp, lành mạnh cho mỗi cá nhân và cộng đồng; góp phần xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, phát triển và hội nhập với thế giới nhưng vẫn giữ được bản sắc riêng của dân tộc mình.