Lý thuyết về quản lý danh mục hiện đại của nhà kinh tế học Harry Markowitz xuất hiện vào đầu thập niên 50, đã thổi làn gió mới vào hoạt động ngân hàng. Trong thực hành, các nhà ngân hàng đã từng bước chuyển từ quản lý các giao dịch cho vay một cách truyền thống sang công việc quản lý danh mục dưới quan điểm của một nhà đầu tư. Một số nội dung quản lý danh mục cho vay bắt đầu được áp dụng. Cụ thể vào năm 1968 tại Mỹ, lần đầu thực hiện chứng khoán hóa dựa trên các khoản cho vay có thế chấp, thông qua cơ chế chuyển giao, do tổ chức Ginie Mac thực hiện, dưới sự bảo lãnh của Hiệp hội thế chấp Quốc gia của Chính phủ - The Government Mortgage National Association. Tiếp sau đó vào những năm 80, chứng khoán hóa được sử dụng rộng rãi hơn cho mục đích thay đổi cơ cấu danh mục cho vay. Bên cạnh biện pháp chứng khoán hóa, các nhà ngân hàng cũng chú ý nhiều hơn đến việc thiết lập các giới hạn an toàn nhằm hạn chế rủi ro tập trung trên danh mục. Tại Mỹ có những quy định pháp lý nhằm kiểm soát loại rủi ro này. Chẳng hạn giới hạn cho vay đối với các ngành nhạy cảm như bất động sản được quy định cụ thể: dư nợ ngành kinh doanh bất động sản không được vượt qua vốn tự có của ngân hàng hoặc là 70% nguồn huy động ký thác của ngân hàng. Tương tự như vậy, tại Anh, quy định giới hạn cho vay một khách hàng hoặc một nhóm khách hàng không vượt quá 10% vốn tự có của ngân hàng.
Tuy nhiên trong thực tế hiện tượng tập trung cho vay quá nhiều vào một số ít ngành nhạy cảm vẫn xảy ra dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Chẳng hạn đầu thập niên 80 các ngân hàng miền tây nước Mỹ có dư nợ rất lớn tập trung vào ngành năng lượng dầu mỏ. Khi giá dầu giảm thấp, một loạt ngân hàng (trong đó có Continental Illinois Bank – ngân hàng lớn thứ bảy của nước Mỹ) mất khả năng thanh toán, phải nhận sự cứu trợ của Ngân hàng Trung ương Mỹ. Hơn một năm sau đó tình trạng này lại được tái lập với các ngân hàng miền Tây Bắc nước Mỹ. Trường hợp khác như ngân hàng Johnson Malthey Bankers (ngân hàng của Anh) vào năm 1984 có giá trị tổn thất cho vay lớn hơn 1/2 giá trị các khoản vay trong danh mục. Trước đó vào năm 1983, ngân hàng này đã được cảnh báo về việc cho vay quá giới hạn cho phép (10% vốn tự có của ngân hàng) tập trung vào các nước thuộc thế giới thứ ba (nhất là tại Nigeria). Tuy nhiên cảnh báo này không được lưu ý và hậu quả sau đó là ngân hàng này mất khả năng thanh toán, phải nằm trong dạng kiểm soát đặc biệt, nhận gói cứu trợ từ Ngân hàng Anh quốc vào tháng 10/1984. Do đó, có thể thấy rằng từ sau khi xuất hiện lý thuyết về quản lý danh mục hiện đại của Harry Markowitz cho đến trước những năm 90, hoạt động quản lý danh mục cho vay bắt đầu được chú ý, thông qua việc quy định
các giới hạn an toàn trên danh mục cho vay, bước đầu sử dụng công cụ chứng khoán hóa nhằm tái cơ cấu, giảm rủi ro trên danh mục cho vay. Tuy nhiên, đó mới chỉ là những khởi đầu còn khá đơn sơ, chưa hình thành trào lưu mạnh mẽ và phổ biến như giai đoạn sau này.