Xu hướng quản lý danh mục cho vay sau những năm

Một phần của tài liệu HOÀN THIỆN CÔNG tác QUẢN lý DANH mục CHO VAY tại NGÂN HÀNG THƯƠNG mại cổ PHẦN QUÂN đội (Trang 28 - 29)

Trong thập niên 90 công tác quản lý danh mục cho vay trở thành trào lưu mạnh mẽ, do chịu ảnh hưởng bởi các nguyên nhân sau đây:

Một là: Những khó khăn trong hoạt động cho vay của các ngân hàng trong những thập niên gần đây (sự gia tăng các rủi ro phải đối mặt cũng như sự giảm sút của lợi nhuận thu được) cộng với sự phát triển mạnh mẽ của thị trường các công cụ tài chính, đã tạo ra những ảnh hưởng lớn, buộc các NHTM phải thay đổi hoàn toàn cách thức quản trị, thay vì chỉ quan tâm đến từng giao dịch riêng biệt như trước, các ngân hàng tập trung nhìn nhận rủi ro, lợi nhuận ở góc độ toàn danh mục.

Hai là: Những yêu cầu ngày càng khắt khe trong các tiêu chuẩn giám sát ngân hàng quốc tế (của Ủy ban Basel) buộc các NHTM phải quan tâm đến rủi ro nói chung và rủi ro trên danh mục cho vay nói riêng một cách toàn diện hơn.

Trước bối cảnh đó, hoạt động quản lý danh mục cho vay của các ngân hàng có những chuyển biến rất đáng kể. Một số điểm nổi bật trong xu hướng quản lý danh mục cho vay thời kỳ này như sau:

- Xu hướng coi đa dạng hóa cho vay là phương tiện giảm thiểu rủi ro tập trung trên danh mục cho vay được phát triển tại nhiều quốc gia.

Vào những năm đầu thập niên 90 tại nhiều quốc gia trên thế giới, xuất hiện nhiều bài nghiên cứu, các cuộc hội thảo khoa học về tác động của chiến lược tập trung hoặc đa dạng hóa trên danh mục cho vay đối với hiệu quả kinh doanh của NHTM. Đã có nhiều cuộc khảo sát trên bình diện rộng diễn ra tại các nước như Úc, Đức, Mỹ… liên quan đến vấn đề này. Theo các nghiên cứu, hầu hết các ngân hàng đều nhất trí rằng quản lý danh mục cho vay yếu kém là nguyên nhân chính làm giảm chất lượng danh mục. Từ đó các ngân hàng cho rằng cần phải áp dụng biện pháp đa dạng hóa trong quản lý danh mục, đặc biệt việc tăng cường giám sát theo ủy ban Basel (thông qua các tiêu chuẩn an toàn và quy trình giám sát) là điều kiện hết sức cần thiết để quản lý danh mục cho vay thành công.

- Các mô hình đo lường rủi ro danh mục từng bước được áp dụng.

Các mô hình đo lường rủi ro danh mục đầu tiên xuất hiện trên thế giới trong thập niên 90, được tiếp tục phát triển và cải tiến khá mạnh từ sau những năm 2000. Một trong những đặc điểm chủ yếu của các mô hình hiện đại là chúng đề cập đến rủi ro tín dụng ở góc độ tổng thể danh mục chứ không phải trên phương diện từng giao dịch đơn lẻ.

Các mô hình nhấn mạnh đến mối tương quan giữa các khoản cho vay và tầm quan trọng thiết yếu của sự đa dạng hóa trên danh mục cho vay trong định lượng rủi ro danh mục cho vay. Như vậy, việc sử dụng các mô hình đo lường rủi ro danh mục là một bước tiến mới trong quản lý danh mục cho vay, nó giúp các ngân hàng lượng hóa chính xác hơn mức độ tổn thất rủi ro danh mục so với các phương pháp trước đây.

- Sử dụng các công cụ tài chính hiện đại vào mục đích quản lý danh mục cho vay một cách phổ biến.

Mặc dù đã xuất hiện từ trước, tuy nhiên phải đến giai đoạn sau những năm 90 việc sử dụng các công cụ điều chỉnh cơ cấu danh mục mới trở thành xu hướng phổ biến. Với các công cụ này, danh mục cho vay của các ngân hàng trở nên rất linh hoạt, các khoản cho vay được xem như hàng hóa có thể dễ dàng chuyển nhượng thông qua các công cụ như hoán đổi tín dụng, chứng khoán hóa… Rủi ro tập trung của danh mục cũng từ đó được giảm thiểu. Mỹ là quốc gia đi đầu trong việc ứng dụng các công cụ này với mục đích ban đầu là tái cơ cấu danh mục. Kể từ khi công cụ hoán đổi tín dụng kết hợp với chứng khoán hóa ra đời năm 1997, thị trường công cụ này gần như tăng gấp 2 lần giá trị mỗi năm, hơn 100 tỷ USD vào năm 2000 và đạt hơn 6.4 nghìn tỷ vào năm 2004, đến 2008 con số này là 62 nghìn tỷ USD.

Nhìn chung, giai đoạn từ sau năm 1990 tại nhiều quốc gia trên thế giới, quản lý danh mục cho vay đang dần trở thành một phương thức quản trị hiện đại được áp dụng phổ biến tại các NHTM. Theo kết quả của cuộc khảo sát về quan điểm và thực hành quản trị danh mục tín dụng do tổ chức Rutter Associates (Mỹ) phối hợp với Tạp chí Tín dụng (Credit Magazine) tiến hành vào cuối năm 2000 tại 42 ngân hàng, tổ chức tài chính trên khắp thế giới: có 95% tổ chức được khảo sát cho biết chức năng quản lý danh mục không thể thiếu được trong tổ chức của họ. Điều này cho thấy một sự thay đổi rất căn bản trong nhận thức của các ngân hàng từ xu hướng quản lý giao dịch truyền thống sang xu hướng quản lý danh mục hiện đại. Trong một cuộc khảo sát với mục đích tương tự được tiến hành vào năm 2004 do Rutter phối hợp với một số Hiệp hội quốc tế, thực hiện tại 83 tổ chức tài chính và ngân hàng trên thế giới, cho biết khoảng 64% ngân hàng, tổ chức tài chính thường xuyên sử dụng mô hình định lượng rủi ro kết hợp với phương pháp chuyên gia trong đo lường và quản lý danh mục, khoảng 15% các ngân hàng, tổ chức tài chính chỉ sử dụng mô hình đo lường, số còn lại vẫn sử dụng phương pháp chuyên gia hoặc cho điểm trong quản trị giao dịch cho vay.

Một phần của tài liệu HOÀN THIỆN CÔNG tác QUẢN lý DANH mục CHO VAY tại NGÂN HÀNG THƯƠNG mại cổ PHẦN QUÂN đội (Trang 28 - 29)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(94 trang)
w