Đa dạng hóa cơ cấu sản phẩm và hướng tới mặt hàng có giá trị cao

Một phần của tài liệu Xuất khẩu mặt hàng thủy sản vào thị trường EU giai đoạn 2010 – 2020 (Trang 76)

Hiệp định EVFTA khi được kí kết sẽ tạo ra mối quan hệ ngày càng gắn bó nhau giữa Việt Nam – EU, từ đó làm cơ sở cắt giảm các hàng rào thuế quan tạo điều kiện cho việc xuất khẩu và phân phối mặt hàng thủy sản sang thị trường này.

Các doanh nghiệp cần nắm bắt được thông tin và xu hướng tiêu dùng của các quốc gia trong EU. Mặt hàng tôm của Việt Nam hiện đang được ưa thích tại các thị trường như Đức, Pháp, Hà Lan. Mặt hàng mực, cá basa, cá ngừ được ưa chuộng ở thị trường Tây Ban Nha, Đức, Pháp, Bỉ, Hy Lạp…Các doanh nghiệp cần khảo sát nhu cầu của thị trường về các lĩnh vực gồm thị phần, thị hiếu, chất lượng, từ đó xác định tỷ trọng, thị phần của từng mặt hàng riêng biệt để từ đó có các chiến lược riêng như quảng bá, marketing, định vị thương hiệu để mặt hàng thủy sản của Việt Nam được phủ sóng và tiêu dùng trong hầu hết các quốc gia EU chứ không riêng các mặt hàng trong từng thị trường riêng biệt.

Do ảnh hưởng của dịch nên xu hướng tiêu dùng và nhập khẩu thủy sản sẽ có những thay đổi. Các thị trường sẽ tăng cường nhập khẩu thủy sản đông lạnh, tiện dụng, dễ chế biến tại nhà cao hơn so với sử dụng thủy sản tươi sống. Sản phẩm thủy sản đóng hộp, chế biến sẵn cũng sẽ được ưa chuộng. Vì vậy, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản cần tiếp tục đa dạng hóa các sản phẩm chế biến sẵn, bảo quản đông lạnh, sản phẩm thủy sản đóng hộp. Việc đa dạng hóa sản phẩm, thích ứng nhanh với biến động của thị trường là những yếu tố giúp tạo động lực tăng trưởng, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất khẩu thủy sản trong thời gian tới.

Một phần của tài liệu Xuất khẩu mặt hàng thủy sản vào thị trường EU giai đoạn 2010 – 2020 (Trang 76)