Phân tích tình hình

Một phần của tài liệu PR từ chưa biết đến chuyên gia (Trang 69 - 71)

- Thiết lập phương pháp tiếp cận Xây dựng ngân sách

Chương 5 LẬP KẾ HOẠCH PR 5.1 Giới thiệu

5.3.2. Phân tích tình hình

Nhân viên PR cần phân tích tình hình để mọi người thấy rằng chương trình quan hệ công chúng thật sự quan trọng:

• Có vấn đề hoặc tình huống tiêu cực nào cần phải giải quyết hay không? Ví dụ: thị phần hoặc doanh số bán hàng giảm.

• Có cần thiết tăng cường hỗ trợ cộng đồng để công ty bảo vệ danh tiếng và nâng cao sự hỗ trợ từ phía công chúng hay không?

Đây là những thông tin cơ bản về tình hình cần phải chú ý đến. Phân tích tình hình có thể bao gồm thông tin về lịch sử và văn hóa của công ty, tình trạng của thị trường hoặc ngành công nghiệp, tình hình kinh tế và chính trị xung quanh công ty tại thời điểm đó, mối đe dọa của các cuộc khủng hoảng hay các vấn đề khẩn cấp, quá trình ra mắt một sản phẩm mới...

Mục đầu tiên cần phải có trong kế hoạch PR là bản phân tích tình hình hiện tại dựa trên kết quả nghiên cứu. Bản phân tích này chứa tất cả các thông tin và dữ liệu thu thập được về môi trường bên trong và bên ngoài tổ chức. Tùy thuộc vào số lượng các nghiên cứu được tiến hành và mức độ liên quan của các nghiên cứu đến những vấn đề của tổ chức, mà bản phân tích tình hình có thể dài từ một đến ba trang hoặc gồm nhiều trang.

Phần này giới thiệu ba mô hình các công ty thường sử dụng để phân tích tình hình: Mô hình PESTEL, mô hình Five Force và mô hình SWOT.

Hình 5.1. Mô hình PESTEL 5.3.2.1. Mô hình PESTEL

PESTEL là từ viết tắt của các yếu tố môi trường bên trong và bên ngoài, bao gồm: (P) olitical – Chính trị, (E) conomic – Kinh tế, (S) ocial – Xã hội, (T) echnical – Kỹ thuật, (E) nvironment – Môi trường và (L) egislative – Pháp luật kinh doanh. Các công ty thường tạo ra một khuôn khổ cho cơ cấu tổ chức của họ, theo đó họ xem xét các yếu tố từ mỗi nhóm và đánh giá sự ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực của mỗi nhóm đến việc kinh doanh. Để hoàn thành phần phân tích PESTEL, giám đốc và người quản lý phải trả lời một số câu hỏi cơ bản hoặc tuân theo một số hướng dẫn sau đây:

• Trong kinh doanh, chính trị đóng vai trò như một cán cân, giúp cân bằng giữa thị trường tự do và hệ thống kiểm soát.

• Các yếu tố kinh tế là số liệu đo đạc và đánh giá sức mạnh của một môi trường hoặc một khu vực kinh tế nhất định.

• Các yếu tố xã hội học hoặc nhân khẩu học giúp đánh giá tâm lý của các cá nhân /người tiêu dùng trong một thị trường nhất định.

• Trên thực tế, việc nhận thức được các công nghệ tiềm năng sẵn có nhằm tối ưu hóa hiệu quả nội bộ và tránh để cho một sản phẩm hay dịch vụ trở nên lỗi thời, thực sự là một thách thức lớn cho việc quản lý.

• Cả người tiêu dùng và chính phủ đều sẽ trừng phạt những công ty gây tác động xấu và ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường (ngược lại, họ sẽ tôn vinh những công ty có tác động tích cực).

• Sự hiểu biết pháp luật và các quy định khác nhau trong một lĩnh vực nhất định của hoạt động thật sự rất quan trọng, giúp tránh các chi phí pháp lý không cần thiết.

Các yếu tố chính trị giúp một doanh nghiệp xác định nội dung, hình thức và mức độ can thiệp vào nền kinh tế của chính phủ. Cụ thể, các yếu tố chính trị bao gồm các lĩnh vực như chính sách thuế, luật lao động, luật môi trường, rào cản thương mại, thuế quan, và sự ổn định chính trị. Các yếu tố chính trị cũng có thể bao gồm những hàng hóa và dịch vụ mà chính phủ muốn cung cấp hoặc được cung ứng (hàng khuyến dụng) và những mặt hàng mà chính phủ không muốn được cung ứng (hàng không khuyến dụng).

Các yếu tố kinh tế bao gồm sự tăng trưởng kinh tế, lãi suất, tỷ giá hối đoái và tỷ lệ lạm phát. Những yếu tố này tác động lớn đến việc hình thành cách thức hoạt động và các quyết định quan trọng của doanh nghiệp. Ví dụ, lãi suất không chỉ ảnh hưởng đến chi phí vốn mà còn ảnh hưởng đến mức độ phát triển và mở rộng của một doanh nghiệp. Trong khi đó, tỷ giá hối đoái ảnh hưởng đến chi phí của hàng hóa xuất khẩu, lượng cung và giá cả của hàng hóa nhập khẩu trong một nền kinh tế.

Các yếu tố xã hội bao gồm các khía cạnh văn hóa, nhận thức về sức khỏe, tốc độ tăng trưởng dân số, sự phân bố độ tuổi, thái độ nghề nghiệp và sự chú trọng về an toàn. Xu hướng trong các yếu tố xã hội ảnh hưởng đến nhu cầu sản phẩm của công ty và cách thức hoạt động của công ty. Ví dụ, dân số già đồng nghĩa với lực lượng lao động ít (do đó làm tăng chi phí lao động). Từ đó, các công ty tiến hành thay đổi chiến lược quản lý để thích ứng với những xu hướng xã hội (chẳng hạn như tuyển dụng lao động lớn tuổi).

Các yếu tố công nghệ bao gồm các khía cạnh sinh thái và môi trường, chẳng hạn như các hoạt động R&D (nghiên cứu và ứng dụng), tự động hóa, khuyến khích công nghệ và tốc độ thay đổi công nghệ. Từ đó, doanh nghiệp có thể xác định các rào cản để thâm nhập hay quyết định sử dụng gia công từ các công ty khác. Hơn nữa, sự thay đổi công nghệ có thể ảnh hưởng đến chi phí, chất lượng, và dẫn đến sự đổi mới.

Các yếu tố môi trường bao gồm thời tiết, khí hậu và biến đổi khí hậu. Những yếu tố này ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp như du lịch, nông nghiệp, và bảo hiểm. Hơn nữa, việc phát triển nhận thức về biến đổi khí hậu còn ảnh hưởng đến việc vận hành và các sản phẩm của công ty – đây là hai yếu tố tạo ra thị trường mới, cũng như làm giảm thiểu hoặc phá hủy thị trường đang tồn tại.

Các yếu tố pháp lý bao gồm luật phân biệt đối xử, luật người tiêu dùng, luật chống độc quyền, luật lao động, luật sức khỏe và luật an toàn. Những yếu tố này có thể ảnh hưởng đến quá trình điều hành, chi phí, và nhu cầu sản phẩm của một công ty.

Một phần của tài liệu PR từ chưa biết đến chuyên gia (Trang 69 - 71)

w