III. Số doanh nghiệp có sai phạm về giá chuyển nhượng
Về phương pháp lựa chọn trường hợp thanh tra
Việc lựa chọn trường hợp thanh tra thuế còn mang tính hình thức, chủ yếu vẫn dựa trên kinh nghiệm và đánh giá chủ quan của cán bộ đảm nhiệm công tác xây dựng kế hoạch, chưa đi sâu phân tích và căn cứ vào kết quả phân tích thông tin doanh nghiệp để lập kế hoạch sát đúng với yêu cầu.
Đối với thanh tra giá chuyển nhương, các trường hợp được lựa chọn thanh tra trong thời gian qua chủ yếu tập trung vào các doanh nghiệp có số lỗ lũy kế lớn, lỗ liên tục trong nhiều năm nhưng vẫn tiếp tục mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.
Nguyên nhân là do hệ thống thông tin của ngành thuế còn nhiều hạn chế. Việc tập hợp và khai thác được các thông tin về NNT từ nguồn trong ngành thuế cũng còn nhiều bất cập do được quản lý phân tán ở nhiều khâu, nhiều bộ phận, nhiều Cục thuế (nhất là đối với các NNT là công ty mẹ có các chi nhánh ở nhiều địa phương) và chủ yếu còn đang được lưu ở dạng văn bản. Những thông tin đã được nhập vào hệ thống ứng dụng tin học của ngành thì còn chưa được rà soát, đối chiếu, cập nhật nên thiếu chính xác... Việc thu thập thông tin về NNT từ nguồn bên ngoài ngành thuế cũng gặp rất nhiều khó khăn do thiếu cả căn cứ pháp lý, cơ chế trao đổi thông tin chưa có, hoặc cách thức trao đổi chủ yếu là thủ công và nhỏ lẻ theo từng trường hợp...
Các phần mềm ứng dụng hiện mới chủ yếu hỗ trợ cho công tác xử lý tờ khai và chứng từ nộp thuế, ứng dụng cho các chức năng thanh tra, trong đó có khâu lập kế hoạch thanh tra chưa có. Hiện nay việc lập kế hoạch thanh tra vẫn được thực hiện thủ công trên Excel. Trong khi đó, với yêu cầu của quản lý thuế theo phương pháp rủi ro, việc phân tích thông tin về đối tượng là rất nhiều, phức tạp và rất cần phải có sự hỗ trợ của ứng dụng tin học, nếu phải thực hiện việc phân tích đó bằng thủ công thì cán bộ thuế sẽ gặp rất nhiều khó khăn và tạo những áp lực công việc nặng nề.