Sáng tạo của nhà văn

Một phần của tài liệu yếu tố huyền ảo trong truyện, ký việt nam thế kỷ xviii xix (khảo sát qua tang thương ngẫu lục lan trì kiến văn lục và truyền kỳ tân phả) (Trang 141 - 144)

Nhận xét về sự phát triển của văn học chữ Hán giai đoạn nửa cuối thế kỷ XVIII - nửa đầu thế kỷ XIX, Nguyễn Lộc cho rằng: văn học giai đoạn này “phát triển mạnh về

văn xuôi hơn là về thơ” và “cả thơ chữ Hán lẫn văn xuôi chữ Hán giai đoạn này đều

tăng cường nội dung hiện thực, chất liệu hiện thực, đều cố gắng bám sát cuộc sống,

đồng thời cố gắng vươn lên mức độ hoàn thiện về phương diện nghệ thuật” [40, tr.26].

Điều này cho thấy ý thức sáng tạo của các nhà văn giai đoạn thế kỷ XVIII - XIX, trong đó có các tác giả truyện, ký. Ý thức sáng tạo đó thể hiện qua hai phương diện: đề cao tính hiện thực trong văn học và làm mới hình thức thể loại.

3.3.4.1. Đề cao tính hiện thực trong văn học

Hiện thực lịch sử xã hội thế kỷ XVIII - XIX luôn là nguồn cảm hứng cho các nhà văn, nhà thơ. Đặng Trần Côn với Chinh phụ ngâm, Nguyễn Du với Truyện Kiều đều thành công khi viết về đề tài số phận con người trong xã hội. Dù viết về trữ tình hay tự sự, các tác giả giai đoạn này đều có ý thức đề cao tính hiện thực trong văn học. Với truyện, ký, ý thức này như một đòi hỏi thôi thúc từ thể loại đến tư tưởng và nhu cầu thời đại, thể hiện trách nhiệm của người nghệ sĩ trong việc phản ánh hiện thực đời sống. Tuy nhiên những tác giả giai đoạn này phần lớn là những nhà Nho nên việc nói một cách trực tiếp về triều đại mình đang sống thường là điều cấm kị. Vì thế có những truyện mượn cái ảo để nói cái thật là lựa chọn phù hợp hơn cả. Thông qua cái vi diệu, huyền hoặc của thế giới ảo mà đời sống hiện thực vẫn hiện lên rõ nét. Đây là một hiện thực được nhìn qua lăng kính huyền ảo. Điều này giống như Lưu Hiệp trong Văn tâm

điêu long đã đúc kết: “Một khi đã lấy cái kín đáo làm cốt yếu thì cái nghĩa của văn

chương là ở ngoài văn bản, cái vi diệu của nó vang lên thông sang bên cạnh; cái đẹp

ẩn nấp dần dần phát lộ” [31, tr.134]. Theo cách nói của Lưu Hiệp thì cái đẹp ẩn nấp ở

đây là hiện thực cuộc sống, là lịch sử, xã hội đương thời trong truyện, ký huyền ảo thế kỷ XVIII - XIX.

Ý thức được điều này, trong hầu hết các tác phẩm truyện, ký thế kỷ XVIII - XIX đều ghi chép đầy đủ những địa danh, thời gian hay tên tuổi của nhân vật thật chính xác. Mà theo Trương Chính trong Lời giới thiệu Tang thương ngẫu lục là “Đối chiếu

với lai lịch, sự tích của chính những người đó trong Lịch triều hiến chương loại chí

của Phan Huy Chú (1782-1840), cũng có thể thấy hai ông thực sự cầu thị đến mức

nào. Vì vậy, các nhà nghiên cứu xưa nay thường dẫn Tang thương ngẫu lục ra làm

bằng chứng, tin những sự việc chép ở đây, là có căn cứ.” [37, tr.14].

Vì thế, qua truyện, ký thế kỷ XVIII - XIX, người đọc có cái nhìn phong phú hơn về lịch sử, một cách đọc sử không nặng nề, khô cứng mà đầy hấp dẫn, lí thú. Và những câu chuyện có tính huyền ảo, nửa thực nửa hư này có lẽ sẽ kích thích trí tò mò của độc giả trong việc tìm hiểu nhân vật, câu chuyện lịch sử. Điều đó là một đóng góp không nhỏ của các tác giả viết truyện, ký giai đoạn này.

3.3.4.2. Làm mới hình thức thể loại

Muôn đời, con người luôn muốn sáng tạo và làm những điều khác với những người đi trước. Lưu Hiệp đã từng nói: “Phàm kẻ sĩ muốn sáng tạo ra một ý thì đều muốn tạo ra điều lạ; đều để tinh thần rong ruổi ở nơi đạo lí tịch mịch” [31, tr.135], và cũng chính sáng tạo đã hình thành cái riêng của mọi người - đó là tài năng, bởi “Vũ trụ mênh mông, dân đen ở khắp nơi, hỗn tạp. Chỉ có người khôn và có tài mới nổi bật ra khỏi người thường mà thôi” [31, tr.179].

Ở thế kỷ XVIII - XIX, khi chủ nghĩa cá nhân dần hình thành, tiếng nói cá nhân được cổ vũ, con người càng có ý thức làm mới những điều đã cũ, dù có khi chỉ là những thử nghiệm chưa thật sự thành công.

Ý thức làm mới thể loại trong truyện ký thế kỷ XVIII - XIX thể hiện từ cách đặt nhan đề. Nếu Nguyễn Dữ đã có “thiên cổ kì bút” là Truyền kỳ mạn lục thì Đoàn Thị Điểm mạnh dạn đặt chữ “tân” vào sau chữ “truyền kỳ”. Tức là ngay từ tư tưởng, tác giả đã muốn “canh tân” thay đổi thể loại truyền kỳ vốn có từ trước. Sự “canh tân” này thể hiện ở việc đưa những “thần phả” và sự kiện lịch sử vào trong tác phẩm, điều này tạo nên yếu tố huyền ảo trong mỗi câu chuyện. Lấy nhân vật chính hầu hết là người phụ nữ, “tân truyền kỳ” của bà chủ trương ngợi ca vẻ đẹp của họ và khát vọng hạnh phúc, tình yêu tự do, mang dáng dấp nữ quyền. Điều này trước đây đã được Nguyễn Dữ đề cập nhưng không tập trung. Bởi theo Trần Văn Giáp nhận định: “Nhìn chung,

cả sáu truyện trong Truyền kỳ tân phảđều là những câu chuyện về cuộc đời, về con

người trong buổi xế chiều của xã hội phong kiến Việt Nam được biểu hiện dưới màu sắc hoang đường, quái đản. Đây là một hình thức nghệ thuật khá phổ biến trong văn

xuôi Việt Nam kể từ sau Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ ở thế kỷ XVI” [25].

Điều này cũng được Nguyễn Lộc từng nhắc đến trong sự so sánh: “…về phương diện nội dung thì Truyền kỳ tân phả lại có phần gắn với cuộc sống, với con người hơn

Truyền kỳ mạn lục. Có thể nói nếu Truyền kỳ mạn lục là những chuyện hoang đường

có nhiều yếu tố cuộc sống con người thì Truyền kỳ tân phả chủ yếu lại là chuyện của

con người nhưng còn nhiều yếu tố hoang đường” [40, tr.25].

So với Lan Trì kiến văn lụcTang thương ngẫu lục, Truyền kỳ tân phả thể hiện rõ đặc trưng của truyện nhưng tác giả đã sa vào phô diễn kiến thức, dùng nhiều điển

tích khiến cho người đọc có cảm giác dài dòng. Điều này có lẽ là hạn chế tất yếu của Đoàn Thị Điểm - tác giả đầu tiên có ý thức canh tân thể loại truyện kỳ. Về sau, cũng lấy tên “Tân truyền kỳ”, tác phẩm của Phạm Quý Thích đã khắc phục được hạn chế trên.

Vũ Trinh và Phạm Đình Hổ, Nguyễn Án có sự trùng hợp về tư tưởng khi đặt tên cho tác phẩm của mình. Vũ Trinh chủ trương “ghi chép” (lục) những chuyện “mắt thấy tai nghe” (kiến văn), Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án cũng chủ trương “ghi chép” (lục) những chuyện “bãi bể nương dâu” (tang thương), nói khác đi là những chuyện trong thời đại lịch sử biến động. Với chủ trương như thế, các tác giả ghi chép hết những gì mình thấy, mình nghe, đôi chỗ có thêm vào lời bình luận nhưng đa phần là ghi chép khách quan. Vì thế có những truyện/ký rất ngắn nhưng chứa đựng hiện thực và ý nghĩa sâu xa. Có thể nói, đến Lan Trì kiến văn lục, đặc biệt là Tang thương ngẫu lục, thể loại ký mới rõ ràng hơn và dần có sự phân biệt với truyện trong văn học trung đại. Và chủ trương là “ghi chép” nên tính hiện thực trong những câu chuyện huyền hoặc vẫn được chú trọng.

So với Truyền kỳ tân phả, Lan Trì kiến văn lụcTang thương ngẫu lục có dung lượng ngắn hơn (khác với những truyện truyền kỳ trước đây), chú trọng sự việc hơn là tính cách nhân vật, lời kể ngắn gọn, hàm súc nhưng vẫn hấp dẫn người đọc. Điều này ở truyện, ký trước thế kỷ XVIII chưa thật sự được chú trọng. Xét về thể loại, trong ba tác phẩm, Lan Trì kiến văn lục thành công về truyện và Tang thương ngẫu lục thành công về ký.

Tóm lại, xuất phát từ ý thức sáng tạo cá nhân, các tác giả truyện, ký thế kỷ XVIII - XIX đã đem lại cho văn xuôi tự sự giai đoạn này một “tấm áo mới”, dù “tấm áo” chưa được hoàn hảo nhưng trong ý thức của người nghệ sĩ, sự sáng tạo luôn là nhu cầu của cá nhân và thời đại. Và chắc chắn những gì các tác giả thời kỳ này chưa hoàn thiện thì thế hệ sau sẽ tiếp nối và làm đẹp thêm tư tưởng của tiền nhân.

Một phần của tài liệu yếu tố huyền ảo trong truyện, ký việt nam thế kỷ xviii xix (khảo sát qua tang thương ngẫu lục lan trì kiến văn lục và truyền kỳ tân phả) (Trang 141 - 144)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(154 trang)