Chuyện về con vật

Một phần của tài liệu yếu tố huyền ảo trong truyện, ký việt nam thế kỷ xviii xix (khảo sát qua tang thương ngẫu lục lan trì kiến văn lục và truyền kỳ tân phả) (Trang 97 - 104)

Là những chuyện kì lạ được ghi chép từ dân gian hoặc có thể do tác giả hư cấu, chuyện về các con vật mang đến những thông điệp cho người đọc. Lê Thánh Tông với

Thánh Tông di thảo là tác giả mở đầu cho loại chuyện này trong văn xuôi trung đại.

Giống những câu chuyện ngụ ngôn, các câu chuyện về con vật đem lại những bài học mang tính chất giáo huấn, lấy hình ảnh con vật để nói đến đời sống loài người. Những câu chuyện phần nào đem lại sự thú vị, hấp dẫn cho người đọc.

2.3.2.1. Ẩn dụ về đạo đức con người

Ở một góc độ nào đó, các yếu tố huyền ảo trong văn học còn giúp các tác giả thể hiện nhiều bài học luân lí để răn dạy, giáo dục con người. Theo Vũ Quỳnh trong Lời

giới thiệu Lĩnh Nam chích quái, việc ghi chép sưu tầm truyện dân gian hay chuyện

thần kì quái dị không chỉ thể hiện niềm tự hào về “núi non kì lạ, đất đai linh thiêng,

nhân dân anh hào” hay chỉ để lưu truyền những sự lạ mà quan trọng hơn để “khuyên

điều thiện, trừng điều ác, bỏ giả theo thật, để khuyến khích phong tục” và “tất cả có

quan hệ đến cương thường phong hoá” [48, tr.29-32]. Giống như Đoxtoiepxki đã từng

nói “cái có tính huyền hoặc là cần thiết để tiếp cận hiện thực” thì có thể xem yếu tố huyền ảo là phương thức cần thiết để thể hiện tính giáo huấn trong mục đích của các tác giả. Nhờ màu sắc hoang đường, kì ảo mà những bài học đạo đức không quá nặng nề về giáo huấn.

Các con vật đề cập nhiều nhất trong Tang thương ngẫu lụcLan Trì kiến văn lục là: rắn hay thuồng luồng (8 truyện), hổ (5 truyện), rùa (3 truyện), rết, khỉ, ngựa, trâu, gấu, giải, cá, ba ba (mỗi con vật được nhắc đến 1 lần). Riêng Truyền kỳ tân phả

Truyện con rồng và con hổ tranh nhau về tài lạ vì có nhiều ý kiến cho rằng không

phải sáng tác của Đoàn Thị Điểm nên chúng tôi không đưa vào đề tài. Với dụng ý ẩn dụ, mỗi câu chuyện về con vật cung cấp cho người đọc những bài học về con người.

Trong những con vật được nhắc đến ở các tác phẩm, chỉ có chuyện về con hổ là được nói đến nhiều và viết thành 3 câu chuyện riêng trong Lan Trì kiến văn lục của Vũ Trinh: Con hổ hào hiệp, Con hổ nhân đức, Con hổ có nghĩa. Hình ảnh con hổ trở thành phương tiện nghệ thuật chuyên chở tư tưởng của nhà văn. Dưới hình thức kín đáo này, nhà văn đã hướng đến mục đích chính là giáo huấn, răn dạy con người.

Hổ thường được xem là chúa sơn lâm. Trong quan niệm dân gian, hổ còn là biểu tượng cho vị thần trấn giữ tà ma, yêu quái, thường được ví trong cặp đôi phong thủy “Thanh Long - Bạch Hổ”. Và dân gian kiêng gọi tên mà thường gọi là Ông Hổ hay Ông Ba Mươi. Trong hầu hết các truyện của Vũ Trinh, chúa sơn lâm hiện lên với một tấm lòng nhân đức. Trong Con hổ có nghĩa, một con hổ đã mang ơn bà đỡ vì bà đã đỡ đẻ cho hổ cái và trả ơn bằng cách cho bà mười lạng bạc, nhờ vậy bà được cứu sống ngay năm mất mùa đói kém. Lại có một câu chuyện về người nông dân cứu một con hổ hết mắc xương, hổ cũng đã trả ơn: “Một đêm nọ, nghe ngoài cổng có tiếng gầm dài

mà sắc. Sáng hôm sau ra nhìn thấy có một con nai chết ở đó. (…) Mấy năm sau bác

tiều già chết rồi. Khi chôn cất có một con mãnh hổ đột nhiên tới trước mộ phủ phục vật vã. Những người đưa đám bỏ chạy cả. Từ xa họ nhìn thấy hổ dùng đầu dụi vào quan tài, gầm rống chạy quanh mộ vài vòng rồi bỏ đi”[60, tr.49-51].

Điều này thể hiện quan niệm “Cứu vật vật trả ơn” trong dân gian. Song không dừng lại ở chỗ ca ngợi con hổ biết lễ nghĩa, hơn hết tác giả còn muốn nhắn nhủ: Con vật còn biết trả ơn, biết sống nghĩa tình thì con người cũng đừng nên để kém thua con vật. Ở truyện Con hổ hào hiệp, trước hành động gian ác của người cha vì tình riêng mà muốn giết đứa con để lấy vợ mới, con hổ đã cõng đứa trẻ về trước nhà bà ngoại và cứu được đứa trẻ này [60, tr.80-84]. Dân gian có câu: “Hổ dữ không nỡ ăn thịt con”, vậy mà người cha trong truyện lại đang tâm vứt bỏ con mình. Con người này thật không bằng loài cầm thú, vì tình riêng của mình mà nỡ giết hại một sinh linh - là con mình. Còn truyện Con hổ nhân đức kể về một người lỡ đường trên núi đã được con hổ canh giữ cho qua đêm, nay thấy con hổ được một người dâng lên phủ Chúa, thấy con hổ này rất giống con hổ xưa đã cứu anh, anh ta hỏi nó thìnó nhìn anh ứa nước mắt, rồi gật đầu hai lần. Anh ta cảm ân đức cứu mệnh của nó, mới sửa một bữa để bày tỏ chút lòng thành của mình [60, tr.140-141]. Đây là sự cảm phục của người đối với vật. Có thể thấy rằng viết về con vật cứu người, Vũ Trinh đã trung thành với hình ảnh con hổ. Việc lấy chúa sơn lâm làm nhân vật trong truyện đã mang đến những ý nghĩa mới cho tác phẩm. Chúa sơn lâm thường được xem là loài hung ác vậy mà còn động lòng trắc ẩn trước hoàn cảnh con người và ra tay cứu giúp, thế thì con người tại sao lại nỡ đối xử tàn nhẫn với nhau? Qua những câu chuyện huyền ảo, tác giả muốn nhắn nhủ con

người cần phải biết yêu thương, đùm bọc nhau vượt qua hoạn nạn. Chính việc lấy hình ảnh con hổ đã đem đến cho tác phẩm tính giáo dục về lòng thương người và tinh thần biết giúp đỡ người khác. Việc con người phải lấy con vật để học tập trong truyện của Vũ Trinh đã được nói nhiều trong các truyện cổ tích, ngụ ngôn.

Không chỉ tác phẩm của Vũ Trinh, truyện, ký giai đoạn này cũng thường viết về hình ảnh con hổ. Truyện Hổ Ông ở Tống Sơn trong Công dư tiệp ký của Vũ Phương Đề rất giống câu chuyện Con hổ có nghĩa. Điều này có thể khẳng định những câu chuyện về hổ cũng xuất phát từ những chuyện đường rừng, phản ánh quá trình khai hoang lập ấp và mở rộng lãnh thổ theo chủ trương của triều đình trong thời gian này. Những câu chuyện được kể mang màu sắc huyền ảo nhưng con người vẫn tin là có thật, ngoài tin vào linh hồn của con người, họ còn tin cả vào linh hồn của con vật. Người Việt thời trung đại cho rằng bất kì sự vật nào tồn tại lâu năm cũng có linh hồn. Đôi khi linh hồn của người nhập vào vật và ngược lại.

Những bài học giáo huấn trên càng làm rõ nhận định của Lê Nguyên Long: “Do

vậy, ở những câu chuyện đó, thế giới ma quái hư ảo được tạo ra không hoàn toàn

nhằm mục đích cuối cùng là hiệu ứng hoang mang trước sự rạn nứt của hiện thực mà chủ yếu chỉ là phương tiện để chuyển tải tư tưởng, bài học nhân sinh, đạo lí của cuộc đời” [72]. Chính điều này là một điều quan trọng đem lại tính nhân văn cho tác phẩm tạo nên xu hướng nhân văn và “tiếng kêu cứu” trong văn học giai đoạn thế kỷ XVIII - XIX.

2.3.2.2. Ẩn dụ về lịch sử, xã hội

Bên cạnh những bài học về đạo đức con người, chuyện loài vật cũng ẩn dụ cho vấn đề lịch sử, xã hội. Cũng lấy hình ảnh con hổ như trong các phẩm của Vũ Trinh, truyện Hóa hổ (Tang thương ngẫu lục) của Nguyễn Án lại cho một cái nhìn khác. Truyện kể có anh kia ở Sơn Vi vào rừng lạc đường, gặp một ông cụ già cởi áo mặc cho và dặn đi sau. Anh thấy ngứa ngáy, một lúc sau thấy mình hóa thành con hổ, các hổ khác kéo đến cùng mình thân cận, cùng ăn cùng ở, được thịt thì chia cho mình ăn. Một hôm về nhà, nghe thấy vợ đương khóc, anh thương xót gầm lên, muốn chết, vợ sợ hãi khua thanh la để hăm dọa, anh sợ phải đi. Mỏi mệt nằm trên một tảng đá, lại thấy ông già đến bảo rằng: “Xin trả lại cái áo mượn của ta ngày trước”. Nói rồi, cưỡi lên bụng

hổ lấy gươm rạch rồi lột da, đau đớn tưởng chết được. Ông già chợt đi đằng nào mất, nhìn lại mình đã trờ thành người ngày xưa, đi tập tễnh về nhà thì sắp đến kì giỗ đầu. Vạch lưng ra, thấy hãy còn những vết lông [37, tr.93]. Câu chuyện thật lạ lùng, được kể ngắn gọn và hấp dẫn, kết truyện, tác giả còn đưa ra nhận xét: “Chao ôi! Mỗ là hổ

mà lại là người, người đấy mà lại là hổ. Thật lạ lùng hết chỗ nói!”. Vậy thông điệp ẩn

đằng sau câu chuyện là gì? Mỗi con người chúng ta có thể có một phần con hổ chăng? Đó là sự giận dữ, hung ác, bạo lực. Dù làm con hổ sẽ có sức mạnh nhưng hạnh phúc nhất vẫn là được làm con người. Và mỗi khi con người làm điều gì ác thì khó có thể xóa đi dấu ấn của cái ác. Mặt khác, truyện còn phản ánh thời kỳ xã hội loạn li, nhân dân đói khổ, nhiều người đã phải bỏ nhà cửa vợ con lang thang đó đây, vào rừng kiếm ăn rồi bị hoá ra hổ mà không biết.

Bên cạnh hình tượng con hổ, các tác phẩm còn dùng hình tượng con rắn để viết nên những câu chuyện huyền ảo. Rắn hay thuồng luồng cũng có nguồn gốc gần với con rồng trong biểu tượng “Rồng - Tiên”. Nên hình ảnh con rắn thường gắn với những câu chuyện lịch sử. Ví như Thị Lộ là hóa thân của rắn trong bi kịch cuộc đời Lê Trãi, hoàng tử con vua Lý hóa thành thuồng luồng ở đền Linh Lang, hay Giao thần cũng là thuồng luồng, bắt vua Trần Duệ Tông cống nạp nàng cung phi Bích Châu ở bể Kỳ Hoa… Trong đó câu chuyện Đứa con của rắn (Lan Trì kiến văn lục) là một câu chuyện khá đặc biệt: Có người đàn bà họ Nguyễn, một lần đi kiếm củi dưới chân núi bị một con rắn lớn quấn quanh người, sau con rắn lại bắt bà đi một lần nữa và bà đã có thai, đầy tháng sinh được đứa con trai. Đứa con cũng không có gì khác lạ, chỉ có điều da nó đen như sơn [60, tr.32-33]. Câu chuyện kì lạ, lấy môtip từ việc vật giao hoan với người và thụ thai thần kì. Câu chuyện phần nào phản ánh tư duy của người trung đại: trong thế giới tâm linh, giữa người và vật không có ranh giới rạch ròi. Có khi vật hóa thành người và ngược lại. Tuy nhiên đọc câu chuyện, người đọc không khỏi xót xa cho đứa trẻ, khi sinh ra đã mang hình hài và xuất thân kì lạ. Về môtip này ta bắt gặp ở những truyện khác của Vũ Trinh và Phạm Đình Hổ, Nguyễn Án (Nhớ kiếp trước, Đẻ lạ trong Lan Trì kiến văn lục, Đứa con đen, Đền Linh Lang trong Tang thương ngẫu lục…) tất cả đều cho thấy cái nhìn cảm thông đối với trẻ em, là đối tượng gánh chịu những hệ quả của đời sống xã hội loạn li đương thời.

Một điều thú vị nữa, trong quá trình khảo sát Lan Trì kiến văn lục của Vũ Trinh, chúng tôi phát hiện những truyện dùng hình tượng con vật để ám dụ về hiện thực lịch sử. Truyện Khỉ được kể như một ẩn dụ về vua chúa đương thời. Truyện kể rằng có cô thôn nữ nọ đi kiếm củi trong rừng, vào quá sâu nên quên mất lối ra. Cô bị đàn khỉ bắt vào một hang đá lớn. Con khỉ già bắt cô ngủ chung. Cô gái sợ không dám chống lại. Hơn năm sau, cô gái đẻ ra một chú khỉ con. Cô gái tha thiết xin về thăm nhà, con khỉ già bất đắc dĩ đồng ý. Khi về nhà, cô cùng gia đình tìm cách dụ khỉ già và cả bầy đến. Người nhà ngầm đem thuốc độc trộn với cơm rượu mời khỉ, cả bầy khỉ đều say ngã lăn ra ngủ. Mọi người trói cả lại rồi giết đi [60, tr.77-79]. Truyện rõ ràng có ngụ ý phê phán thú vật cũng muốn làm vua chúa, làm những điều trái tự nhiên, không xem con người ra gì nên nhất định có kết cục thảm hại. Gần với truyện này là những truyện viết về người khổng lồ. Cả Lan Trì kiến văn lụcTang thương ngẫu lục đều có một truyện riêng viết về chuyện này với cùng một tên truyện Người khổng lồ. Các tác giả thường miêu tả người khổng lồ cao lớn, ở trong hang hoặc trên núi, có những hành động giống như con người nhưng kì quặc và không giao tiếp bằng ngôn ngữ. Đây có thể là dấu tích của người Việt cổ mà trong quá trình khai hoang, người dân đã chứng kiến sự xuất hiện của họ nhưng kể lại với tính chất huyền bí. Mặt khác, hiện tượng người không ra người, vật không ra vật cũng có một ý nghĩa phê phán xã hội rất lớn.

Trên tinh thần hư cấu, truyện Gấu hổ chọi nhau phải chăng dụng ý cho việc tranh giành sức mạnh, địa vị mà con người trong xã hội, nhất là giai cấp phong kiến luôn mải mê theo đuổi. Kết cục của sự tranh giành, “gấu đứt cổ, hổ bị lòi ruột, chết ở sườn núi” [60, tr.130] là bài học thích đáng cho chúng và cũng là bài học cảnh tỉnh cho con người trong cuộc sống. Bài ký Chùa Tiên Tích (Tang thương ngẫu lục) của Nguyễn Án chỉ là ghi chép sự việc nhưng cũng có một chi tiết có ý nghĩa ẩn dụ như thế:

Năm Ất Tỵ (1785) lính canh của nhà chùa nghe tiếng y ỷ như tiếng khóc than cực kì ai oán, lắng tai nghe thì tiếng ấy phát ra ở trên bờ hồ, lúc khóc lúc nín. Sáng

hôm sau ra xem chỗ ấy, thấy nước mắt của hai con trâu đá còn ướt mà cỏ trên

mặt đất đều bị xéo bừa bãi, hình như hai con trâu đá đã chọi húc nhau. Lính canh sợ hãi, báo cáo với triều, triều đình sai thợ đá đập phá cả trâu vất vào lò lửa. Chùa hiện nay bị phá hủy, chỉ còn cỏ rậm rạp phất phơ trong ngọn gió thu, muốn

tìm lấy một vài hòn ngói vụn, viên gạch nát cũng không thể tìm được. Trò đời thịnh suy thay đổi, ngậm ngùi khôn xiết nên lời [37, tr.63-64].

Điều này đã từng được nói đến trong các truyện truyền kỳ ở các giai đoạn trước:

Bức thư của con muỗi (Thánh Tông di thảo - Lê Thánh Tông), Mạt cưa mướp đắng

(Sơn cư tạp thuật - Đan Sơn) và các truyện cùng thời là Ve sầu và nhặng xanh (Tân

truyền kỳ lục - Phạm Quý Thích) và Truyện con rồng và con hổ tranh nhau về tài lạ

(trong Truyền kỳ tân phả - chưa rõ có phải Đoàn Thị Điểm sáng tác). Về cơ bản, các truyện đều hư cấu, người đọc đều không tin là có thật nhưng qua từng câu chuyện, bài học về cuộc sống, đối nhân xử thế vẫn được hiển lộ. Đây là một đặc điểm của yếu tố huyền ảo trong truyện ký trung đại. Chính vì điều này, khi viết lời tựa cho Lan Trì kiến

văn lục, Huyền Trai Ngô Hoàng đã khẳng định:

Lớn thì nhân vật quỷ thần, nhỏ thì cầm thú ngư trùng, những việc gì lạ mà mắt thấy tai nghe đều ghi lại. (…) Có nói đến việc quái dị nhưng không thoát ly đạo thường, có kể về điều biến hóa nhưng không mất đi lẽ chính, đại để là ngụ ý khuyên răn cảnh cáo sâu xa để người xem sau này thấy điều hay thì bắt chước, thấy điều dở thì phòng ngừa, thực có ích cho thế gian [60, tr.15-16].

Tóm lại, một trong những điểm đặc sắc của truyện, ký thế kỷ XVIII - XIX là chuyện về con vật. Không chủ trương kể về sự hình thành loài vật như trong truyện cổ tích, những chuyện về con vật trong truyện, ký đem lại những bài học luân lý, bài học làm người mang tính ngụ ngôn đặc sắc. Đọc truyện, người đọc suy ngẫm về đạo lý, tình người, về cách sống ở đời. Mục đích của các tác phẩm là giúp cho con người hiểu được những chân lý về cuộc sống, hiểu rõ về bản thân và sống sao cho đúng đắn với truyền thống và đạo đức con người, không hổ thẹn với lương tâm của mình. Những câu chuyện trên, vì thế, luôn có sức hấp dẫn đặc biệt.

*Tiểu kết:

Một phần của tài liệu yếu tố huyền ảo trong truyện, ký việt nam thế kỷ xviii xix (khảo sát qua tang thương ngẫu lục lan trì kiến văn lục và truyền kỳ tân phả) (Trang 97 - 104)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(154 trang)