2.3.1.1. Niềm tin vào linh hồn
Xuất phát từ niềm tin vào linh hồn, người Việt thời trung đại tin là có ma quỷ. Đây là những linh hồn vì một điều gì đó nên không được siêu thoát mà tồn tại ở thế giới giữa trần gian và địa ngục. Cũng như các nền văn học, văn hóa khác trên thế giới, hiện tượng ma quỷ xuất hiện phổ biến trong văn học Việt Nam, để lại nhiều dấu ấn trong tâm thức người Việt. Đặc biệt, chịu ảnh hưởng nhiều từ thể loại truyền kỳ (Trung Quốc), truyện, ký thời trung đại sử dụng yếu tố này như một đôi cánh thần kì giúp tác giả miêu tả đời sống bằng một cách khác. Và bằng yếu tố huyền ảo, truyện, ký thế kỷ XVIII - XIX viết về chuyện ma quỷ đem lại nhiều ý nghĩa xã hội sâu sắc mà theo Nguyễn Đăng Duy: “có phần thiêng liêng trong ý thức con người, và niềm tin tâm thức cũng là niềm tin thiêng liêng. (…) Mọi biểu tượng thiêng liêng đều chứa đựng những
giá trị cao cả và giá trị thẩm mỹ” (Theo Nguyễn Đăng Duy, Văn hóa tâm linh, NXB
Hà Nội, 1996). Tang thương ngẫu lục có 13/71 truyện/ký, Lan Trì kiến văn lục có 6/39 truyện và Truyền kỳ tân phả có 1/3 truyện viết về đề tài này.
Ma chỉ là hình bóng, là linh hồn của người đã khuất, đúng như câu “hồn ma bóng quế”, nên khó thể xác định rõ hình dáng của nó. Thêm nữa, ma hay bay lơ lửng, chân không chấm đất, không có bóng, tới lui nhẹ nhàng như làn gió lạnh thoảng qua. Ma không có cơ thể sống như con người. Xã hội của ma theo nhiều người là
“âm phủ” còn chỗ ở của ma là cái mộ (sống cái nhà, thác cái mồ). Ma cũng có
thể vương vất ở những nơi tăm tối, vắng vẻ, nơi có liên quan khi họ còn sống [75].
Các tác giả giai đoạn này không chủ yếu miêu tả hành trạng của ma quỷ mà qua hình tượng ma quỷ, họ muốn gửi gắm thông điệp về cuộc sống. Trước hết, hiện tượng ma quỷ xuất hiện nhiều trong văn học là do đời sống hiện thực của con người quá nhiều đau khổ. Họ phải gánh chịu sự đói kém, dịch bệnh, có khi là đi lính, phục dịch mà chết. Trước những trận đói, dịch bệnh xảy ra, người chết như ngã rạ nên con người cho rằng linh hồn của họ khó siêu thoát. Những truyện như Thơ ma, Mẹ ranh càn sát, Người nông phu ở An Mô, … (trong Tang thương ngẫu lục), Đẻ lạ, Ma trơi, Đánh ma,
Ma cổ thụ, … (trong Lan Trì kiến văn lục) viết về chuyện này với lòng cảm thương thể
hiện tinh thần nhân đạo.
Nhân vật ma quỷ thường hiện lên dự báo cho con người về tương lai, vận mệnh của họ, đặc biệt là các nho sinh (Truyện Ma Đồng Xuân, Ông Nguyễn Trọng Thường,
Ông Dương Bang Bản trong Tang thương ngẫu lục và Ma cổ thụ trong Lan Trì kiến
văn lục). Điều này cũng phản ánh tư tưởng thiên mệnh của nho giáo và quan niệm về
ba giới hợp nhất (thiên phủ - trần gian và địa phủ) trong tín ngưỡng dân gian.
Một mặt, các tác phẩm giai đoạn này còn thể hiện quan điểm không tin hoặc không sợ ma quỷ. Bởi họ cho rằng ma quỷ là những linh hồn chết oan nên thường làm những điều gây hại cho đời sống nhân dân, nhất là về mặt tinh thần. Chuyện Võ Công Trấn trêu ghẹo cô gái ma, Trần Văn Vĩ để mặt cho ma trêu (Tang thương ngẫu lục), hay chuyện Nguyễn Kính ném thuốc vào mặt ma cổ thụ, Đỗ Uông ôm ma cây đa, Nguyễn Hãn đánh ma (Lan Trì kiến văn lục) thì chắc chỉ có trong văn học, đặc biệt là truyện, ký giai đoạn này.
Trước bọn ma quỷ hưng yêu tác quái thì kẻ sĩ sẵn sàng đi đánh ma, diệt ma để tiêu trừ giúp nhân dân. Nguyễn Hãn trong truyện Đánh ma (Lan Trì kiến văn lục) là người Thanh Trì, một nông dân có sức khỏe, thường khơi nước ở bờ ruộng, ban đêm
đặt đó bắt cá. Nhưng nhấc lên toàn là đó không. Ngờ là trộm lấy mất, hôm sau, Hãn cầm gậy núp ở gần đó. Cuối canh ba, thấy một người vừa cao vừa đen đến bờ ruộng trộm cá. Hãn vụt đứng dậy, giơ tay gậy đánh, không tha. Lát sau, thấy khí đen bay tản ra ruộng, mới biết đó không phải là người, nhìn chỗ ma ngã chẳng thấy gì, chỉ thấy nhiều mảnh sàng rách, chổi rách và những mảnh quần áo rách bươm vứt bừa bãi ở đó, không biết là loài ma quái gì. Kết truyện Vũ Trinh còn viết lời bình “Bọn thất phu, thất
phụ thường hay sợ ma. Người hiểu biết thì cho là không có. Ma Quỷ cố nhiên là có,
nhưng vì cớ gì mà con người lại sợ những giỏ tàn, chổi rách, quần áo rách bươm đó?”
[60, tr.110-111]. Truyện Tượng Già Lam ở chùa Đông (Tang thương ngẫu lục) cũng tương tự. Truyện kể về một người đàn bà ở làng Kim Ngưu, huyện Văn Giang cùng chồng ra đồng thì bị một người đàn ông to lớn, cao hơn một trượng, mặt đỏ như gấc trong ngôi chùa giữa đồng, đi ra lôi người đàn bà vào làm chuyện xằng bậy. Anh cùng mọi người xông vào chùa, đạp đổ pho tượng, phá huỷ đi [37, tr.140]. Hai truyện trên đều rất giống với truyện Chuyện chức phán sự ở đền Tản Viên và Chuyện cái chùa
hoang ở Đông Triều trong Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ. Qua truyện, người viết
ca ngợi sự dũng cảm và sức mạnh của con người. Truyện còn ngụ ý phê phán những kẻ giả thần thánh, ma quỷ để gây hại cho dân. Mặc dù đề cao thần thánh, cảm thông cho người chết nhưng nếu là thần thánh hay ma quỷ gây hại cho dân thì con người luôn dũng cảm diệt trừ. Và trong cuộc sống cũng vậy, người nào làm hại cho dân thì đều đáng bị phê phán và trừng trị.
Khi viết về chuyện ma quỷ, các tác giả thường thể hiện thái độ không tin nhưng câu chuyện được kể như thật, thường có kết thúc gây lấp lửng cho người đọc. Điều này cũng cho thấy thái độ ghi chép khách quan của nhà văn.
2.3.1.2. Nhận thức về thế giới bên kia
Cũng xuất phát từ niềm tin tâm linh, con người trung đại quan niệm thế giới loài người có ba giới (ba phủ): thiên đình - trần gian - địa ngục (sau còn thêm một phủ: thủy cung). Nếu thế giới thần tiên là chốn thiên đình (và cả thủy cung) đầy lấp lánh, thoát tục thì thế giới địa phủ chỉ toàn là âm u, tịch mịch. Con người trong thế giới đó phải ở những nơi vắng vẻ, tối tăm. Đó là “một cái gò, cây cối rậm rạp” (Mẹ ranh càn sát - Tang thương ngẫu lục) [37, tr191]. Đó là cái hang trong Bài ký chơi núi Phật Tích
(Tang thương ngẫu lục) “tối đen mù mịt, ngày cũng như đêm. Đốt đuốc đi vào hai ba ngày hãy còn nghe tiếng gà, tiếng chó kêu trên mặt đất. Đi vào càng sâu càng thấy cảnh khác lạ. Ở một chỗ thấp lõm, có những xương người chồng chất, nhũ đá rủ
xuống thành ra vô số hình hiểm quái: người đi, thú chạy, giường ghế giá áo ngổn
ngang không biết bao nhiêu mà kể cho xiết được”[37, tr.84].
Tuy không miêu tả nhiều và cụ thể, các tác phẩm giai đoạn này cũng cho một cái nhìn về nhận thức của con người đối với thế giới ma quỷ. Trong thế giới ấy, đa phần có những sự vật, con người, hành động việc làm có liên quan, hoặc xuất phát từ thế giới hiện thực nhưng luôn kì lạ, quái dị. Ví như truyện Ma trơi (Lan Trì kiến văn lục) tả lại: “Đến canh năm lại bùng lên từ chỗ mất, theo đường cũ bay về chỗ bùng lên ban đầu rồi mất. Cứ như thế mấy đêm liền. Cha tôi lấy làm lạ, ban đêm, ra ngồi ngay trên đường ma trơi đi qua, thì thấy đốm ma trơi vẫn bùng lên và mất đi ở hai chỗ cũ như
bình thường” [60, tr.101]. Ở truyện Nguyễn Danh Dược, Vũ Trinh cũng kể:
Dược kinh hoàng, nằm im thin nít. Bỗng thấy tâm thần mê man, hai tai ù ù, chân tay như bị trói không nhúc nhích được. Lúc ấy nghe có tiếng người đi lại, mở miệng định nói, nhưng cổ họng có gì nhét chặt, không lên tiếng được. Đã rất lâu không ăn, nhưng vẫn không thấy đói, chỉ biết nằm thẳng đuỗn như người chết thôi. (…) mắt nhắm chặt, đầu cúi gằm, nằm giữa bùn nước dưới ruộng sâu, hỏi cũng không nói, nhấc lên không được, ở trạng thái nửa sống nửa chết, như si như điếc [60, tr.116].
Điều này cho thấy, người xưa nhận thức về ma là những linh hồn không siêu thoát, sự việc hành động ở thế giới đó cứ lặp đi, lặp lại gây một nỗi ám ảnh, hoang mang cho con người. Đó là thế giới của những linh hồn chết oan - một hiện thực khác cũng đau xót không kém hiện thực xã hội đương thời.
Tóm lại, viết về chuyện ma quỷ, các tác giả muốn thể hiện đời sống xã hội đương thời bằng yếu tố huyền ảo. Có những chuyện con người không dám nói thì mượn chuyện quỷ thần sẽ nói dễ hơn. Điều này tuy đi ngược với tư tưởng của Nho giáo “Tử
bất ngữ quái, lực, loạn, thần” nhưng cách thể hiện cũng phản ánh vấn đề tâm linh ăn