Các tác phẩm truyện, ký giai đoạn này đã đề cập không ít đến chuyện tình yêu. Những mối tình trong truyện, ký phần nào cũng nói lên được đời sống hiện thực lúc bấy giờ.
2.2.1.1. Huyền ảo hóa những câu chuyện tình với khát vọng lứa đôi mãnh liệt
Trong xã hội phong kiến vấn đề hôn nhân không đơn thuần là việc hai người lấy nhau mà là việc hai bên cha mẹ dựng vợ gả chồng cho con cái. Điều này xuất phát từ quan niệm của người Việt, con người là con người của cộng đồng nên mọi việc liên quan đến cá nhân cũng đồng thời liên quan đến cộng đồng, kể cả hôn nhân là lĩnh vực riêng tư nhất. Trong cái nền kiên cố của truyền thống và chế độ phong kiến đó, tiếng nói cá nhân về tình yêu trong văn học thế kỷ XVIII - XIX luôn cựa quậy để bứt phá ra khỏi sự ràng buộc của khuôn phép.
Rất nhiều truyện, ký giai đoạn này viết về chuyện tình yêu, đa số dùng yếu tố huyền ảo để tạo ngụ ý và tính hấp dẫn cho câu chuyện. Nổi bật hơn hết là Truyền kỳ
tân phả của Đoàn Thị Điểm. Xưa nay, người Việt quan niệm người con trai thường chủ động trong chuyện tình yêu. Nhưng con trai đương thời là các nho sinh, vấn đề quan tâm nhất của họ là chuyện thi cử, công danh nên họ ít hoặc không nói đến chuyện tình yêu. Vì thế, ở thế kỷ XVIII - XIX, văn học chứng kiến những tiếng nói tình yêu cất lên từ nỗi lòng của người phụ nữ, họ có một cách nói khác, mãnh liệt và khát khao nhưng cũng đầy nữ tính. Viết về chuyện tình yêu, Đoàn Thị Điểm hết lời ca ngợi tình yêu và đề cao đạo đức, tài hoa của người phụ nữ. Cùng với tuyệt tác dịch phẩm Chinh
phụ ngâm khúc, Truyền kỳ tân phả là lời ca khát vọng tình yêu mãnh liệt.
Vẻ đẹp đầu tiên của tình yêu là lòng chung thủy. Đinh phu nhân trong Truyện
người liệt nữ ở An Ấp yêu chồng say đắm mãnh liệt. Khi Đinh Hoàn đi sứ Trung Quốc,
nàng mỏi mòn chờ đợi nhưng Đinh Hoàn không trở về, vì tiết trời mùa đông giá lạnh nên ông bệnh mà chết. Nghe tin chồng chết nàng đau đớn, “buồn mê man bất tỉnh, khi
tỉnh dậy muốn chết theo” nhưng người nhà ngăn cản. Một hôm, phu nhân đang buồn
rầu, chong đèn ngồi một mình thì thấy linh hồn của chồng về bảo: “Ta từ khi về chầu Thiên Đình, được trông coi việc bút nghiên, nơi Thiên tào công việc nhiều, không có
thì giờ đến thăm nàng, còn tấm lòng khăng khít thủy chung không bao giờ thay đổi” và
dự báo: “Nàng không cần phải bi phiền về nỗi hạc lánh gương tan, cái ngày chúng ta
gặp nhau gần đến rồi” [15, tr.84-85]. Chi tiết huyền ảo này nhằm khẳng định tình yêu
chung thủy, sâu nặng của cả hai người. Nó là nguyên nhân cho nỗi chờ đợi của nàng trước đây và ý nguyện muốn chết theo chồng sau này. Bởi sau khi nằm mộng, nàng đã xé chiếc áo la y mà chồng tặng ngày trước tự vẫn. Về sau, vua chúa sắc phong cho nàng là người “tiết liệt”. Đinh phu nhân chết theo chồng không phải vì nàng bị ám ảnh bởi công thức cứng nhắc “Liệt nữ bất canh nhị phu” (người liệt nữ không lấy hai chồng) mà xuất phát từ tình cảm vợ chồng sâu nặng. Có lẽ nàng muốn chết để được sống cùng chồng ở thế giới bên kia. Mượn câu chuyện từ thần tích đền Liệt nữ, truyện ca ngợi tình yêu thủy chung và đề cao người phụ nữ.
Tình yêu trong Truyền kỳ tân phả còn thể hiện khao khát hạnh phúc trần gian. Nàng Liễu Hạnh trong Truyện nữ thần ở Vân Cát xem tình yêu là lẽ sống cao nhất. Liễu Hạnh nguyên là Giáng Tiên xuống trần gian gặp Đào sinh. Như mọi người phụ nữ khác, nàng làm người vợ tốt, dâu thảo, mẹ hiền. Nhưng khi 21 tuổi đã phải về chầu
trời, nàng không sao chịu được. Vì “tơ tình còn nặng”, nàng lại phải xuống trần lần thứ hai, lần này nàng gặp một thư sinh ở vườn đào, là hậu sinh của Đào lang. Không bao lâu hết hạn, nàng lại về trời. Và ít lâu sau, nàng lại xuống trần lần thứ ba, mang theo hai nàng tiên khác và không về trời nữa. Hạnh phúc ái ân đã có sức hấp dẫn kì diệu. Trên trời dưới đất ở đâu dường như cũng có tình yêu. Nhưng qua câu chuyện huyền ảo, nữ sĩ họ Đoàn đã khẳng định dứt khoát chỉ có ở cõi trần này mới có yêu đương nồng thắm, và đó là tình yêu đích thực.
Tình yêu ở đây vượt ngoài lễ giáo phong kiến. Lần thứ hai, Liễu Hạnh xuống trần gặp Đào sinh ở vườn đào, nàng ngỏ ý muốn cùng chàng kết tóc xe tơ. Đào sinh còn e ngại, muốn phải có mối lái cho hợp lễ giáo phong kiến, nàng liền gạt đi và nói rằng:
“Người trượng phu làm việc gì không cần câu chấp lễ nghi lặt vặt. Kìa xem như nàng
Văn Quân, nàng Hồng Phất, đời sau cũng chẳng ai chê là trái nghĩa mà chỉ khen là biết yêu tài. Thiếp với lang quân, trên không có cha mẹ, dưới không có thân thích, tri kỉ gặp nhau một lời vàng đá, còn cần gì phải mối lái!” [15, tr.132-133].
Nhận định về điều này, Hoàng Hữu Yên cho rằng:
Liễu Hạnh công chúa của nhà trời chắc hẳn có thân thích ruột rà với đấng Thiên tử (con trời - vua chúa phong kiến tự xưng như thế) đã nguỵ biện với lễ giáo phong kiến, hơn nữa đã tuyên chiến với lễ giáo phong kiến! Tình yêu xuất phát từ trái tim nồng cháy đã hạ lễ giáo xuống hàng “lặt vặt”. Trác Văn Quân đang có tang chồng nhưng vì mê khúc “Tư mã cầu hoàng” mà trốn theo Tương Như. Hồng Phất đang đêm lẩn ra khỏi nhà Dương Tố để đoạn tuyệt với cuộc đời kỹ nữ. Nàng đi theo Lý Tĩnh vì Lý là người có tài, mặc dù Lý là bề tôi của Dương Tố.
Lần đầu tiên trong văn học ta, Văn Quân và Hồng Phất được đề cao như gương
mẫu của tình yêu tự do [15, tr.28-29].
Không chỉ có Liễu Hạnh, Đào sinh cũng xác định tình yêu là lẽ sống. Dù từng được giáo dục về Nho gia, từng theo đòi “cửa Khổng, sân Trình”, đậu đại khoa và sung chức Hàn lâm, thế mà khi Giáng Tiên về trời, Đào sinh tình nguyện vứt bỏ tất cả công danh sự nghiệp để đi theo tiếng gọi của tình yêu: “Tiện sinh này có phúc được gặp tiên, sinh đẻ con cái, gia đình sum họp, ngờ đâu giữa đường chia phôi, phượng loan gãy cánh, chăn đơn gối chiếc, tịch mịch nhường nào, nay tiện sinh xin đi theo để
thỏa tấm lòng khao khát” [15, tr.106]. Không được cùng người yêu chung hưởng ái ân, chàng thấy trước mình có thể chết mất: “Tiện sinh không phải không biết giữ gìn lấy hơi tàn, nhưng chỉ e vì buồn rầu về nỗi thương con nhớ vợ, không chắc gì có thể sống
ở đời được” [15, tr.106]. Và cuối cùng chàng cáo quan, đắm mình trong khói mây và
thơ rượu, cho khuây khoả nỗi nhớ thương sầu muộn. Truyện kết hợp từ truyền thuyết (Liễu Hạnh) và nhân vật trong lịch sử (Phùng Khắc Khoan từng xướng họa thơ ca với Giáng Tiên) cùng những yếu tố huyền ảo để chứng minh cho tình yêu trần thế. Từ đó, truyện đưa ra quan niệm, tình yêu có thể xóa bỏ mọi rào cản về không gian, thời gian, môn đăng hộ đối. Tiếp thu sâu sắc trào lưu tình cảm của thời đại, cùng với ca dao, dân ca, các truyện kể dân gian, các truyện Nôm khuyết danh và hữu danh, tiếng nói tình yêu trong Truyền kỳ tân phả thật là say đắm, mãnh liệt và táo bạo, như một bài ca đẹp ca ngợi quyền sống và quyền hạnh phúc của con người, vượt mọi lễ giáo phong kiến.
Các tác giả của Tang thương ngẫu lục và Lan Trì kiến văn lục là nhà Nho, nhưng trong tác phẩm của họ, vấn đề tình yêu cũng dược đề cập không phải là ít. Như trên đã nói, các câu chuyện về nho sinh luôn gắn liền với chuyện tình yêu. Cái tình ở đây luôn đi đôi với cái nghĩa. Như những câu chuyện cổ tích, chuyện Ông Uông Sĩ Đoan và Ông Nguyễn Văn Giai (trong Tang thương ngẫu lục), hay Tháp Báo Ân và
Trạng nguyên họ Nguyễn (trong Lan Trì kiến văn lục) là thế. Trong những truyện này,
các nho sinh đều nhớ lại cái ơn trước đây với người phụ nữ đã giúp đỡ khi mình khó khăn mà quay về đền đáp. Tuy nhiên, khác với các nhân vật của Đoàn Thị Điểm, hình ảnh người phụ nữ trong hai tác phẩm trên thường giữ cho mình sự đoan trang, tiết hạnh không dám vượt ra ngoài lễ giáo phong kiến trong khi các nho sinh thì rất tự do phóng túng trong tình yêu. Truyện Trạng nguyên họ Nguyễn là một ví dụ. Trước đó đã có tình ý với cô gái sau một lần gặp mặt, khi biết nhà của cô, Nguyễn Đăng Đạo, một nho sinh “ăn mặc gọn ghẽ” lại “vượt mấy lớp tường rào, lần thẳng đến chỗ người đẹp,
khoét tường chui vào buồng cô, lên ngay giường nằm chung với cô” và thổ lộ; trong
khi cô gái vừa e thẹn nhưng cũng bình tĩnh khuyên chàng phải giữ “thanh danh, tiết hạnh” cho mình [60, tr.152]. Truyện không có nhiều chi tiết huyền ảo nhưng yêu đến độ vượt tường, khoét vách như Nguyễn Đăng Đạo thì quả là mãnh liệt hết sức. Cho nên, tình yêu có thể vượt mọi định kiến là như vậy. Cũng giống như Trạng nguyên họ
Nguyễn, truyện Ông Võ Công Trấn (Tang thương ngẫu lục) cũng thế nhưng có phần huyền ảo hơn. Truyện kể Võ Công Trấn, người làng Đôn Thư, huyện Thanh Oai, thuở nhỏ đềnh đoàng, không chịu ở trong vòng câu thúc. Khi ông đến học trọ ở làng Thiết Úng, huyện Đông Ngạn, cổng làng có cái miếu yêu tinh rất thiêng, ông vẫn thường đùa nghịch. Một đêm ngồi học, thấy một người con gái áo trắng quần đen, rón rén đi đến, ngồi ở bên cạnh bàn học. Ông cho là một cô gái lẳng lơ, cầm bút viết đùa ở khoảng không hai chữ “tróc phọc” rồi ôm lấy. Vừa ôm lấy thì không trông thấy gì cả, nhưng buông tay thì thấy vẫn ngồi đấy. Bấy giờ mới biết là một yêu nữ. Cô không thể đi được kêu van ông tha cho. Ông nhất định không nghe. Gà đã gáy, cô ta nói: “U minh khác nẻo, sao lại bức bách nhau như vậy? Há không nghe chuyện đốt sừng tê soi ở hoàng
Ngưu chủ ư?”. Ông hứa tha cho, và hỏi về tiền trình của mình; cô ta nói: “Tiết lộ cơ
trời, tội không nhỏ. Nhưng với ông tôi không dám giấu. Ông sẽ đỗ Đông các ở cả hai
nước, mong đừng quên tôi”. Ông nhận lời rồi mới viết vào khoảng không một chữ
“giải”. Cô ta thoắt biến mất. Sau, ông thi đỗ tiến sĩ, thi Đông các cũng trúng cách. Cảm vì lời linh nghiệm, mỗi bữa ăn thường đặt khấn mời [60, tr.220-221]. Không hẳn kể về tình yêu, nhưng mượn yếu tố huyền ảo, truyện cũng cho thấy sự tự do phóng túng của nho sinh và thái độ giữ gìn tiết hạnh của người phụ nữ.
Xét về chuyện tình yêu, thì tư tưởng trong tác phẩm của Vũ Trinh không hề kém cạnh Đoàn Thị Điểm. Vũ Trinh viết về tình yêu bằng những câu chuyện huyền ảo, qua đó ca ngợi và đề cao tình yêu thủy chung, tự do. Họ yêu nhau từ lần gặp gỡ đầu tiên, từ sự tâm đầu ý hợp chứ không phải mai mối, đặt để. Truyện Sống lại và Câu chuyện tình ở Thanh Trì cho thấy rõ về điều này. Trong Sống lại, hai nhân vật vì tình yêu đã vượt qua ranh giới sống chết để được ở bên nhau, cho dù cô gái đã có chồng và bị chồng vô tình sát hại. Chi tiết thần kì là: Khi Đào Sinh nghe cô gái chết, “ban đêm, lén đem rượu thịt đến lễ mộ cô gái. Bỗng nghe có tiếng động dưới mộ, Sinh thảng thốt, vội đào quan tài xem sao. Khi cậy nắp áo quan ra, thì thấy xác cô gái hơi động đậy, sờ vào thấy còn hơi ấm, Sinh liền đắp lại cái mộ không, rồi cõng cô gái về nhà chạy chữa
thuốc thang. Đến nửa đêm, cô gái thổ ra đến đấu máu rồi tỉnh lại” [60, tr.57]. Người
đọc có thể nửa tin, nửa ngờ về câu chuyện trên nhưng dụng ý ngợi ca tình yêu của Vũ Trinh là rất rõ: tình yêu sẽ thúc đẩy con người vượt qua tất cả, kể cả ranh giới sống
chết. Truyện Câu chuyện tình ở Thanh Trìcũng vận dụng yếu tố huyền ảo để xây dựng một tình yêu đẹp đẽ, sắt son. Chuyện kể về Nguyễn Sinh, người Thanh Trì, một anh lái đò có tiếng hát hay, phong tư đẹp nhưng nghèo. Chàng và một người con gái của phú ông yêu nhau. Vì mến giọng ca tiếng đàn của chàng, cô chủ động nhờ người tặng chàng chiếc khăn và khuyên chàng đến gặp cha mình để hỏi cưới. Trước sự cấm đoán của phú ông, cô gái đã liều lĩnh ăn cắp hai trăm lạng của gia đình gửi cho người tình làm lễ hỏi. Tiếc rằng, Nguyễn Sinh đã phẫn chí ra đi với niềm mong ước kiếm thật nhiều tiền để về cưới cô gái. Còn cô gái thì: “buồn thương sinh bệnh, hơn một năm sau
cô qua đời”. Điều kì lạ là ở chỗ sau khi chết, xác cô được hỏa thiêu biến thành “một
vật to bằng cái đấu sắc đỏ như son, không phải ngọc, cũng chẳng phải đá, nó trong như gương, búa đập không vỡ, nhìn bên trong thì có bóng con đò, trên đó có một
chàng trai đang ngả đầu tựa mái chèo nằm hát”. Sau Nguyễn Sinh thi đỗ trở về, lấy
vật đó ra cầm, “xúc động khóc rống lên, nước mắt nhỏ xuống khối đá, bỗng nhiên, khối
đá tan chảy đầm đìa thành máu tươi, ướt đẫm tay áo chàng” [60, tr.71-74]. Truyện
phần nào đã lên án tệ phân biệt đẳng cấp, phá vỡ tình yêu đôi lứa. Đồng thời qua truyện, ta thấy người con gái phú ông rất chủ động và say đắm trong tình yêu. Đối với cô, tình yêu với Nguyễn Sinh là tất cả, cô tìm mọi cách để được yêu và được làm vợ chàng. Nỗi chờ đợi chàng trong tuyệt vọng đã biến thành khối đá trong lòng cô. Câu chuyện gần với sự tích Trương Chi - Mỵ Nương, tuy nhiên qua chi tiết huyền ảo, truyện ngợi ca tình cảm cao đẹp, thủy chung và cổ xúy cho sự tự do trong tình yêu và hôn nhân. Truyện đã gây sức ám ảnh cho người đọc mọi thế hệ.
2.2.1.2. Huyền ảo hóa vai trò người phụ nữ
Khi viết về chuyện tình yêu, hình tượng trung tâm là nhân vật người phụ nữ. Ở truyện, ký thế kỷ XVIII - XIX, người phụ nữ trong tình yêu là người thủy chung và luôn giúp đỡ cho người yêu. Mặc khác, dù say đắm và có phần tự do hơn trong tình yêu nhưng họ vẫn giữ được vẻ đẹp tâm hồn và phẩm chất đáng quý: thủy chung, son sắt, hết lòng vì người mình yêu và không phân biệt giàu nghèo, xem thường phú quý
(Phu nhân Lan quận công)…
Người phụ nữ bao đời nay vẫn là đối tượng chịu nhiều hy sinh mất mát hơn cả, nhưng lại có vai trò quan trọng trong sự phát triển của nhân loại. Đã có một thời trong
quá khứ, thân phận của người phụ nữ Việt Nam không hề được xem trọng. Đến thế kỷ XV trở đi, khi xã hội phong kiến bộc lộ những hạn chế của nó, đề tài người phụ nữ trong văn học được các tác giả trung đại quan tâm, thể hiện.
Ngoài tình yêu, người phụ nữ trong truyện, ký giai đoạn thế kỷ XVIII - XIX còn được ca ngợi về phẩm chất và tài năng. Những nhân vật chính trong ba truyện của
Truyền kỳ tân phả đều là phụ nữ. Họ là những người xuất thân từ thần thánh (Giáng
Tiên) hoặc sau được phong thần bởi hành động cao cả (Nguyễn Thị Bích Châu, Đinh phu nhân). Ngay cả vẻ đẹp của họ cũng vừa thực vừa hư. Giáng Tiên (Truyện nữ thần
ở Vân Cát) được miêu tả: “da trắng như sáp đọng, tóc sáng như gương soi, lông mày
cong như mặt trăng mới mọc, mắt long lanh như sóng mùa thu, ví với hoa là hoa biết
nói, ví với ngọc là ngọc có hương” [15, tr.64]. Tài năng của Giáng Tiên thể hiện ở chỗ