Huyền ảo hóa chuyện đời sống với những số phận khốn cùng và sức

Một phần của tài liệu yếu tố huyền ảo trong truyện, ký việt nam thế kỷ xviii xix (khảo sát qua tang thương ngẫu lục lan trì kiến văn lục và truyền kỳ tân phả) (Trang 81 - 86)

sống kì diệu của con người

2.2.2.1. Huyền ảo hóa đời sống khốn cùng của nhân dân

Sống trong một xã hội đầy biến động, nhân dân phải gánh chịu những hậu quả khôn lường từ những cuộc nội chiến. Như đã nói, lịch sử giai đoạn này ghi nhận những trận đói, dịch bệnh. Trong Lịch sử nội chiến ở Việt Nam từ 1771 đến 1802, Tạ Chí Đại Trường viết:

Trong giai đoạn chiến tranh này, dân chúng đã trải qua những tai họa khủng khiếp. Ta đã nói tới những thảm cảnh đói ở Thuận Hóa năm 1775, đã tưởng tượng trận dịch tể làm hao mòn một nửa quân Trịnh ở nơi đó rồi… Ở Quảng Nam, Thuận Hóa cũng phải chịu áp lực của những người có chút chức vị và lính tráng tàn ngược. Ở Gia Định, lính và cả quan cũng đi trộm cướp… [62, tr.243].

Vì thế các tác phẩm truyện, ký giai đoạn này cũng viết nhiều về đời sống khốn cùng đó của nhân dân. Điều này được nói đến trong truyện Dốc Đầu Sấm (Lan Trì

kiến văn lục): Năm Kỷ Mùi, niên hiệu Vĩnh Hựu, hai vợ chồng ở huyện Cẩm Giàng đi

bán vàng mã vô tình nghe hai vị thần dự báo về chiến tranh, dịch bệnh tràn lan và hiện thực đúng như vậy: “Năm sau (1740), giặc cướp nổi lên như ong, khắp nơi bị vơ vét

cướp bóc. Lại thêm đói khát dịch bệnh hoành hành. Người chết đói đầy đường nghẽn lối. Vùng Đông Bắc bị hại nhiều nhất” [60, tr.28].

Trong tình cảnh đó, nhân dân phải gánh chịu những cơn đói kém triền miên, nên phải bỏ làng, bỏ ruộng đất để đi ăn xin. Vì thế, Tang thương ngẫu lục mới có truyện

Người làm mướn ở kinh thành phải nhờ Phạm Viên cho chữ trên tay để xin được tiền,

hay Lan Trì kiến văn lục có truyện Tiên ăn mày giúp cho anh Ất tốt bụng và trừng phạt vợ chồng Giáp tham lam. Cả hai truyện đều giống truyện cổ tích hoặc truyện ngụ ngôn nhưng cũng phần nào phản ánh cuộc sống nghèo đói của nhân dân.

Tang thương ngẫu lục, nhiều truyện đã đề cập về vấn đề này. Trong truyện

Người nông phu ở Như Kinh, Phạm Đình Hổ kể lại sự việc năm Kỷ Dậu (1789), “loạn

lạc vừa yên thì chứng dịch tả lại phát dữ dội”. Ban ngày thường trông thấy ma. “Đâu

đâu cũng nghe thấy tiếng rên rỉ, khóc than”. Bạn của ông, Ninh Quý Hoằng, có kể câu

chuyện như sau: có người nông phu ở làng Như Kinh ra đồng kiếm củi, gặp một toán quân rất đông, trong đó có người bạn cũ đội cái khăn đỏ, người ấy tháo chiếc khăn đỏ quàng cho, rồi dắt anh ta vào quán mời uống rượu. Họ ăn uống một bữa no say. Khi ăn xong thấy xe ngựa kéo đến ầm ầm, người bạn vội giật lấy chiếc khăn đỏ đi ra, bác nông phu ngồi trơ giữa quán. Mọi người bắt giữ lại vì cho là ma. Bác nông phu thực tình kể lại câu chuyện, chủ quán mới tha cho về [37, tr.34-35]. Qua câu chuyện kì lạ này, người đọc thấy được hiện thực đói kém đương thời, người và ma lẫn lộn. Nghèo đói đến độ, người nông dân phải nhờ ma che giấu để vào quán ăn uống mà không phải trả tiền.

Không chỉ thế, cuộc sống nghèo đói đến nỗi nông dân phải đi ăn trộm và đối mặt với bao nguy hiểm rình rập: bị hổ vồ (Anh kẻ trộm làng Lâm Hộ - Tang thương ngẫu lục), ăn trộm của người âm đến nỗi suýt bị đá đè chết (Hang núi giữa biển - Lan Trì kiến văn lục).

Mặt khác, bệnh tật cũng làm cho người dân thống khổ. Vì tức giận triều đình mà Giáng Tiên làm cho cả vùng bị dịch bệnh tràn lan (Truyện nữ thần ở Vân Cát - Truyền

kỳ tân phả). Vì bệnh phong mà cô gái xinh đẹp họ Nguyễn phải sống một mình đến

chết (Tháp Báo Ân - Lan Trì kiến văn lục), vì bệnh mà người phụ nữ chưa kịp làm mẹ

Ngoài ra, giặc giã, chiến tranh tràn lan nên hiện tượng triều đình bắt lính để phục vụ cho mục đích bảo vệ quyền lực các tập đoàn phong kiến mà chống lại các cuộc khởi nghĩa nông dân cũng gây bao điêu đứng cho nhân dân. Truyện Người nông phu ở An

(Tang thương ngẫu lục) cũng do ông Ninh Quí Hoằng, bạn của Phạm Đình Hổ kể

lại: Cũng năm ấy (1789), tại ấp An Mô có một nông phu nghèo phải đi ăn mày ở bãi tha ma. Tối đến, cùng một bạn hành khất khác phải nằm ngủ trong một cái quán bỏ không bên cạnh đường cái quan. Đêm khuya, bụng đói trằn trọc mãi không ngủ được. Bỗng thấy xe ngựa kéo qua, đông như đàn cá nối đuôi, hai người nhìn nhau sợ quá chui xuống gầm sàn, đu mình lên sàn nín hơi không dám thở. Sau nhận thấy một người quì giống hệt pho tượng Thành Hoàng thờ ở đình làng nhận trát bắt lính, trong đó có tên bác nông phu đang ở dưới gầm sàn, còn một người nữa cũng là hạng nghèo đói ở trong làng không nơi nương tựa. Gà gáy sáng, bác nông phu sợ toát mồ hôi, cùng người bạn lật đật ra về. Nhưng bác nghĩ lại cũng thấy vui lòng vì đã nghe tin sắp thoát được bể khổ, liền đi đến những nhà trong ấp cầu xin một bữa ăn no say rồi chết. Người trong ấp cũng sẵn lòng cho. Quả nhiên cách mấy hôm, bác ta ốm chết và người cùng có tên trong sổ bắt lính hôm ấy cũng chết [37, tr.36-37]. Người đọc truyện không thể không cảm nhận được sức tố cáo qua câu chuyện đầy ám dụ này. Ở âm phủ cũng có cảnh bắt lính như cõi trần. Và tuy biết phải chết nhưng con người lại vui lòng vì được thoát cảnh đói rách khốn cùng nơi bể khổ trần gian. Nhưng biết đâu, chết rồi, linh hồn vẫn chưa yên? Nói về điều này, bài ký Thơ ma viết về một bài thơ được in trên vách chùa Nguyệt Đường cũng khiến lòng người cám cảnh, đại ý bài thơ như sau: “Đã mấy năm nay không đến chùa Nguyệt Đường, cảnh chùa còn nguyên phong ngấn lệ. Cỏ cũ trước mồ, mọc lên nỗi hờn của vợ và của em gái, một cánh bãi hoang chôn vùi ba cái hồn”. Tác giả cho rằng “lời rất thê thảm, ngờ đó là thơ ma” [37, tr.131]. Không chỉ chịu nhiều đau khổ khi sống mà khi chết, linh hồn của họ vẫn không được siêu thoát. Vì thế, nhân dân thời này cho rằng ma nhiều hơn người, người và ma lẫn lộn. Ở đây, tác phẩm đã lên án các tập đoàn Lê - Trịnh tuyển binh và xô đẩy biết bao người dân vô tội vào cuộc chiến phi nghĩa, khiến họ sống không lành mà chết cũng không yên.

Các truyện giai đoạn này còn tái hiện cuộc sống vất vả của người dân khi phải xa làng xóm, bỏ nhà cửa vợ con lang thang đó đây, vào rừng kiếm ăn rồi bị người khổng

lồ ăn thịt (Người khổng lồ - Tang thương ngẫu lục), bị hổ đuổi (Con hổ nhân đức - Lan

Trì kiến văn lục), nhiều khi chính mình hoá hổ mà không biết (Hoá hổ - Lan Trì kiến

văn lục). Trong cuộc tìm kiếm mưu sinh, người dân còn luôn bị bọn lưu manh quấy

nhiễu, cướp bóc, nạn trộm cắp vặt, nạn đàn bà con gái bị trêu ghẹo ngày càng hoành hành. Đó là chân tướng của hai tên trộm hoá hình từ giỏ tàn, chổi rách và quần áo rách trong vườn trộm cá nhà Nguyễn Hãn (Đánh ma - Lan Trì kiến văn lục), là con rắn hóa thành chàng trai tư thông với người đàn bà (Đứa con của rắn - Lan Trì kiến văn lục), hay tên tượng Già Lam dâm đãng, giữa ban ngày ngang nhiên lôi đàn bà vào trong chùa làm chuyện đồi bại (Tượng Già Lam ở chùa Đông - Tang thương ngẫu lục). Thật ra, những hình tượng này cũng phần nào vạch trần bộ mặt những kẻ chuyên đội lốt trí thức, quan lại hay nhà sư mà nhũng nhiễu dân lành. Không chỉ thế, người dân còn phải chịu đựng sự lộng hành của yêu ma hay các loài quái vật (Mẹ ranh càn sát, Núi Rết -

Tang thương ngẫu lục, Rắn thiêng, Con giải - Lan Trì kiến văn lục,…).

Điều đặc biệt là trong các tác phẩm giai đoạn này còn đề cập đến số phận của trẻ em - đối tượng sẽ nối tiếp ông cha mà gầy dựng cuộc sống. Nhưng viết về trẻ em thông qua yếu tố huyền ảo, các tác giả chỉ cho thấy cái nhìn bi quan và đầy thương cảm. Những đứa trẻ đều sinh ra trong một hoàn cảnh trớ trêu. Có đứa trẻ được sinh ra dưới mồ, thân xác của người mẹ đã trương phình (Đẻ lạ - Lan Trì kiến văn lục); có đứa khi sinh ra nửa người nửa rắn (Đứa con của rắn - Lan Trì kiến văn lục, Đền Linh Lang

- Tang thương ngẫu lục) hay nửa người nửa khỉ (Khỉ - Lan Trì kiến văn lục); có đứa hai lần sinh ra hai lần bất hạnh, tám tuổi đã chết, khi được đầu thai làm người lại rất đau khổ vì vẫn nhớ về kiếp trước của mình (Nhớ kiếp trước - Lan Trì kiến văn lục); có đứa vừa lọt lòng đã biết nói, biết việc quá khứ và tương lai nhưng 3 tuổi thì chết (Núi

Đông Liệt - Tang thương ngẫu lục); có đứa sinh ra không biết chính xác là con của ai

(Đứa con đen - Tang thương ngẫu lục). Mới chào đời, các đứa trẻ đã gánh trên mình

một bi kịch quá lớn như thế, rồi cuộc đời các em sẽ ra sao trong xã hội nhiều biến động này? Đọc những truyện này, người đọc không thể nào quên số phận bất hạnh, cuộc đời đáng thương của những đứa trẻ.

Nói chung, cuộc sống của nhân dân đứng trước bao hiểm nguy, nông dân không chịu đựng nổi, phải đứng lên khởi nghĩa chống lại triều đình mà triều đình thì bất lực bó tay, lại đè lên đôi vai những người dân vô tội một gánh nặng về thời cuộc.

Viết về Lịch sử nội chiến ở Việt Nam từ 1771 đến 1802, Tạ Chí Đại Trường đã dẫn:

Ở nơi không có đánh nhau họ vẫn phải chịu ảnh hưởng nặng nề. (…) Thiếu lương

mễ, thuế má, dân góp. Thiếu gỗ ván làm thuyền vận lương, dân đóng mỗi người

mạnh hơn ba quan, già yếu bệnh tật một nửa. Thiếu áo lính mặc, dân phải nộp

vải. Đến đi lính cũng không tránh được đóng góp. (…) Thuế năm nay không đủ

chi dụng thì bắt đóng góp trước thuế năm sau! [62, tr.245].

Với các chi tiết huyền ảo, các tác phẩm truyện, ký giai đoạn này đã tái hiện lại hoàn cảnh khốn cùng của nhân dân: đói kém, dịch bệnh, bị bắt lính, trộm cắp và chịu đựng sự nhũng nhiễu của giai cấp thống trị. Họ phải sống trong một xã hội không tôn trọng và bảo vệ quyền sống của con người - xã hội đó cần được thay đổi. Và cuộc khởi nghĩa Tây Sơn với vị lãnh tụ vĩ đại là Quang Trung xuất hiện làm một cuộc “đổi vạc” là cần thiết.

2.2.2.2. Huyền ảo hóa sức sống kì diệu của con người

Viết về đời sống nghèo đói của nhân dân, Lan Trì kiến văn lục của Vũ Trinh cũng dùng những câu chuyện huyền ảo mang ý nghĩa ẩn dụ sâu sắc. Truyện Đẻ lạ là một trong những truyện rất ngắn trong tác phẩm nhưng gây ám ảnh cho người đọc về bệnh tật và sống chết của con người thời này. Truyện kể về một phụ nữ ở châu Vạn Ninh, Quảng Yên mang thai được bảy, tám tháng thì ốm chết. Nhà nghèo, không đủ khâm liệm, chỉ có cỗ áo quan, bộ quần áo vải, chôn cất sơ sài ngoài đồng. Trong thôn có một bà già quen biết người phụ nữ này từ trước, mở quán trà gần chỗ mộ chị ta. Mấy ngày sau khi người phụ nữ chết, bà thấy chị ta đem tiền đến mua bánh kẹo rồi đi, khi tới ngôi mộ thì biến mất. Cứ thế đến gần mười hôm, bà chủ quán hỏi chị ta mua quà bánh làm gì thì chị ta nói: “Cháu mới sinh không có sữa, nó khóc quá chịu không

được, mua quà bánh về cho nó ăn”. Bà chủ quán kể lại với gia đình người chết về

chuyện đó. Hôm sau, anh chồng ra dò xem. Theo đến mộ vợ thì nghe trong mộ có tiếng gì như trẻ khóc. “Anh chồng liền cùng mọi người đào huyệt lên, mở áo quan ra,

thì thấy một đứa con trai, cuống nhao chưa đứt, đang nằm trên bụng vợ mình khóc, trong miệng vẫn còn một mẫu bánh. Nhìn vợ thì nửa thân dưới đầm đìa máu me, và đã

trương lên rồi. Anh chồng ôm đứa bé về, xin sữa hàng xóm nuôi con” [37, tr.52-53].

Qua sự việc kì lạ, truyện cũng tái hiện cuộc sống nghèo đói, bệnh tật của người dân. Tuy nhiên điểm sáng trong câu chuyện là tình thương con của người mẹ, dù chết vẫn muốn con mình được sống nên cuối cùng đứa bé được cứu. Truyện cho thấy sức sống kì diệu của tình mẫu tử vô bờ bến. Phải chăng viết câu chuyện huyền ảo này, Vũ Trinh cũng ngụ ý rằng, cuộc sống dù khốn cùng nhưng con người vẫn không mất đi những thiên tính tốt đẹp, dù chết, họ vẫn giữ cho mình tình người. Vậy tại sao những người còn sống lại tàn bạo, độc ác với nhau? Truyện Sống lạicũng có ý nghĩa tương tự.

Ngoài ra, ở dâu đó trong các tác phẩm còn thể hiện sức sống kì diệu của con người. Ví như nhân vật Giáng Tiên hay Đào sinh trong Truyện nữ thần ở Vân Cát

(Truyền kỳ tân phả) trải qua ba lần hóa kiếp vẫn ở bên nhau. Tương tự Đẻ lạ, hồn ma

trong Mẹ ranh càn sát (Tang thương ngẫu lục) dù chết vẫn tìm mọi cách để được chăm sóc trẻ con. Hoặc nhân vật đứa bé trong truyện Nhớ ba kiếp hay ông cử trong truyện Nhớ kiếp trước (Lan Trì kiến văn lục) cũng cho thấy sau khi chết linh hồn con người vẫn tồn tại. Điều này xuất phát từ tín ngưỡng dân gian và thuyết luân hồi của Phật giáo. Và ngày nay, bằng việc nghiên cứu khả năng ngoại cảm, con người dần dần hé lộ những bức màn bí mật của tâm linh. Điều đó có lẽ cũng mở ra một góc nhìn khác về sức sống kì diệu mà những tác phẩm trên mang lại.

Tóm lại, viết về chuyện nghèo đói, sống chết, các tác giả truyện, ký thế kỷ XVIII - XIX có ý thức ghi chép lại những chuyện lạ trong dân gian với một tinh thần khách quan (chính tác giả cũng nửa tin nửa ngờ). Nhưng dù thế nào thì qua những câu chuyện, đời sống khốn cùng của nhân dân vẫn lộ rõ, và điều này luôn là thật. Dù viết bằng giọng văn khách quan, nhưng ẩn sâu trong mỗi câu chuyện là sự cảm thông của tác giả trước những nỗi thống khổ của người dân và sự ngợi ca sức sống bất diệt của con người. Đây là một ý nghĩa nhân văn sâu sắc của các tác phẩm.

Một phần của tài liệu yếu tố huyền ảo trong truyện, ký việt nam thế kỷ xviii xix (khảo sát qua tang thương ngẫu lục lan trì kiến văn lục và truyền kỳ tân phả) (Trang 81 - 86)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(154 trang)