Tạo sự lấp lửng, mơ hồ

Một phần của tài liệu yếu tố huyền ảo trong truyện, ký việt nam thế kỷ xviii xix (khảo sát qua tang thương ngẫu lục lan trì kiến văn lục và truyền kỳ tân phả) (Trang 132 - 137)

Phần nhiều các truyện trong ba tác phẩm: Tang thương ngẫu lục, Lan Trì kiến

văn lụcTruyền kỳ tân phả lấy nhân vật từ trong lịch sử, đời sống. Với ý thức ghi

chép lại những sự việc “mắt thấy, tai nghe” hay những câu chuyện mới trong dân gian, dù khách quan, các tác giả vẫn muốn người đọc tin vào những điều mình kể. Vì thế, ở những chuyện có yếu tố huyền ảo, tác giả đã đưa ra tình tiết lấp lửng mơ hồ gây sự hoang mang cho người đọc. Đây là một đặc điểm nghệ thuật không thể thiếu khi sáng tác.

Tình tiết lấp lửng là tình tiết “có tính chất mập mờ không rõ ràng, một cách cố ý

để cho muốn hiểu cách nào cũng được” [23, tr.554]. Vì thế, tình tiết lấp lửng tạo nên

tính chất huyền ảo trong tác phẩm. Khi nghiên cứu đề tài, chúng tôi thấy hai chi tiết thường sử dụng tạo nên sự lấp lửng là giấc mộng và điềm báo.

* Lấp lửng qua giấc mộng

Những chuyện nằm mơ, báo mộng thường xảy ra trong cuộc sống, thật khó lý giải nhưng nó lại gắn liền với niềm tin dân gian, với tâm linh người Việt. Trong văn học, giấc mộng là một biểu tượng mang tính huyền ảo. Giấc mộng cho thấy tiềm thức của con người. Truyện, ký thế kỷ XVIII - XIX cũng viết nhiều chuyện kì lạ về những giấc mộng mà đôi khi chính tác giả cũng không thể lý giải được.

Trong Truyền kỳ tân phả, chuyện Bích Châu báo mộng cho vua Lê Thánh Tông viết thư cho Quảng Lợi Vương để trừng trị tên Giao thần (Truyện đền thiêng ở cửa bể) hay chuyện Đinh Hoàn khi bệnh, nằm mộng thấy Thượng đế vời cho một cái bút lớn biết rằng bệnh không khỏi, sau Đinh phu nhân nằm mộng thấy chồng trở về báo ngày tháng trùng phùng sắp đến (Truyện người liệt nữ ở An Ấp) hay Thái Công mộng về xuất thân của con gái Giáng Tiên (Truyện nữ thần ở Vân Cát)…, tất cả đều có ảnh hưởng đến diễn tiến của câu chuyện. Hành động, việc làm tiếp theo của nhân vật khiến cho người đọc tin giấc mộng là có thật, vì thế cũng tin linh hồn hay thần thánh là có thật.

Tang thương ngẫu lục đề cập nhiều nhất đến giấc mộng. Chuyện vua Lê Kính Tông mộng về xuất thân tiền kiếp của con trai (Thần Tông hoàng đế), Nguyễn Công Hãng và Lê Trãi nhiều lần mơ về thần tiên dự báo “Lê Lợi làm vua, Lê Trãi làm tôi

(Ông Lê Trãi), hay chuyện Bùi Huy Bích (Ông Bùi Huy Bích) nằm mộng thấy Chúa

Nghị tổ Ân vương “thở dài, không nói gì, chỉ tay xuống dưới núi, thì thấy giữa đám núi thịt bể máu, mũ xiêm xe kiệu bề bộn ngổn ngang không biết bao nhiêu mà kể. (…)

Chưa bao lâu nước mất” [37, tr.207]. Giấc mộng trong Tang thương ngẫu lụcthường

báo hiệu những điều liên quan đến lịch sử. Việc nằm mộng phải chăng là dự cảm của kẻ sĩ về những thay đổi thịnh suy của thời cuộc.

Trong chuyện thi cử, giấc mộng thường giúp cho nho sinh biết trước được tương lai và công danh của mình. Giống như Tang thương ngẫu lục, Lan Trì kiến văn lục

cũng có nhiều chuyện vận dụng môtip này. Chuyện Vương Dụng Tân (Điềm báo

trước) nằm mộng gặp Cao Sinh van nài cho câu đối, về sau mấy lần thi trượt nhưng

cuối cùng đỗ thi Hoành từ cũng từ câu đối trên [60, tr.113]. Nhân vật Nguyễn Trật ở cả hai tác phẩm vốn học dốt nhưng nhờ vào giấc mộng mà giúp bạn nên vô tình thi đỗ là một câu chuyện thú vị về báo mộng và ứng nghiệm của mộng.

Tương tự môtip phép thuật, có những trường hợp, con người được báo trước về giấc mộng nhưng chưa chắc đã thành hiện thực với mình. Truyện Mộng lạ của Vũ Trinh là một ví dụ. Truyện kể về hai ông Cử họ Nguyễn và họ Trần về Kinh thi Hội. Ban đêm, hai ông ngủ trong ngôi đền cổ thì nghe thần nói về đề bài thi sắp tới và bàn về nó. Hai ông ngầm ghi nhớ từng câu không sót. Sáng hôm sau, ghi lại cả bài rồi đem cất đi và học thuộc lòng. Vào kì thi gặp đề thi quả đúng như mộng, nhưng khi làm bài thì hai ông quên sạch không còn nhớ được câu nào. Sau người đỗ đầu công bố bài phú hoàn toàn giống bài phú mà hai ông cử nghe được trong giấc mộng. Kết truyện, Vũ Trinh có bình luận: “Công danh phú quý là do tiền định. Người không có phận, thì thực cũng thành mơ. Những kẻ lận đận trong chốn bụi hồng cũng có ai chưa hiểu

được điều đó chăng?” [60, tr.156-157]. Quan điểm của tác giả xuất phát từ thuyết

“thiên mệnh” của Nho giáo nhưng qua câu chuyện ta thấy những điềm mộng thường có thật. Ở môtip này cũng như môtip phép thuật, con người có đạt được hay không là

nhờ tài năng hay đức độ của mình. Những điều gian dối, khuất tất, thần Phật sẽ không chứng giám.

* Lấp lửng qua điềm báo

Ngoài giấc mộng, điềm báo cũng thường tạo nên tình tiết lấp lửng trong tác phẩm. Những điềm báo có thể là những điềm tốt, nhưng cũng có thể là những điềm gở. Đứng trên góc độ khoa học thì khó lý giải nhưng nó lại mang dấu vết văn hóa, niềm tin dân gian. Điềm báo thường biểu hiện thông qua sự thay đổi của trời đất, qua giấc mộng và lời sấm truyền của các đạo nhân.

Truyền kỳ tân phả của Đoàn Thị Điểm chủ yếu là những truyện kể dân gian lịch

sử được tác giả ghi chép lại. Như trên đã nói, những truyện này đều có đề cập đến điềm báo từ những giấc mộng. Ngoài ra, điềm báo trong tác phẩm còn được nói đến qua chi tiết Bích Châu nhìn trời thấy bất thường và dùng Kinh dịch bói thì biết chuyến đi của Vua Trần Duệ Tông sẽ đại bại. Và sự việc xảy ra đúng như điềm báo (Truyện đền thiêng ở cửa bể).

Gắn các sự việc trong nhiều truyện với những điềm báo, các tác giả của Tang

thương ngẫu lục cũng đưa đến cho người đọc cái nhìn nửa tin nửa ngờ. Viết về sự suy

vong của triều Lê trong Hồ Gươm, tác giả ghi lại điềm báo trong dân gian:

Mùa hạ năm Bính Ngọ, niên hiệu Cảnh Hưng (1786) đương nửa đêm, giữa hồ

Hoàn Kiếm, bỗng có những vật đỏ ối hiện ra trên đảo, tia sáng nhoáng tỏa ra bốn phía, bay về bờ phía nam rồi biến mất. Sau đó sóng gió ầm ầm nổi lên. Sáng hôm sau thấy xác tôm cá nổi trên mặt nước không biết bao nhiêu mà tả. Có người nói, ở trên nóc nhà Trung Hòa Đường trong phủ Chúa cũng hiện ra những vật tương tự, ánh sáng tỏa ra bốn phía rồi tự nhiên tắt ngấm. Sau đó ít lâu, nhà Lê mất nước

[37, tr.29].

Người đọc không rõ chuyện tác giả kể có thật hay ảo nhưng việc nhà Lê mất là có thật. Mà trong quan niệm của người trung đại, sự thay đổi của một triều đại là một chuyện rất quan trọng. Vua là “thiên tử” nên triều đại thay đổi thì trời đất cũng phải có sự biến thiên. Về điều này, một số truyện khác trong Tang thương ngẫu lụcLan Trì kiến văn lục cũng viết tương tự.

Tóm lại, giấc mộng và điềm báo thường tạo tình tiết lấp lửng cho câu chuyện. Nếu không có giấc mộng, điềm báo, chuyện xảy ra có thật chỉ đơn thuần là ghi chép lịch sử, người đọc sẽ không nghi ngờ. Ngược lại, tác phẩm sẽ tạo ở người đọc cảm giác phân vân: sự việc đúng như dự báo hoặc dự báo trùng hợp với sự việc và câu chuyện trở nên lấp lửng. Giấc mộng, điềm báo luôn ứng vào những việc diễn ra hàng ngày trong đời sống khiến con người nửa tin, nửa ngờ, từ đó hình thành cảm quan tâm linh trong họ. Các tác phẩm truyện, ký giai đoạn này dùng giấc mộng, điềm báo như một chất liệu nghệ thuật tạo nên tình tiết lấp lửng, đem lại niềm tin về những câu chuyện kì lạ mà tác giả muốn truyền đạt. Với việc tạo ra sự lấp lửng, tác phẩm có tính huyền ảo và đạt hiệu quả nghệ thuật cao.

* Lấp lửng qua lời kể

Ở một số câu chuyện, tác giả gây cho người đọc cảm giác nửa tin nửa ngờ về điều được kể. Ở Truyện người liệt nữ ở An Ấp (Truyền kỳ tân phả), khi đọc đến chi tiết Đinh phu nhân thấy linh hồn của chồng về trò chuyện, người đọc cảm giác rất thật nhưng đến đoạn: “Nói xong, có một trận thanh phong, không biết ông biến đi đâu. Phu nhân thương khóc chợt tỉnh dậy, sai thị nữ ra xem trời chỉ thấy sương mù trăng mờ,

đêm gần sáng” [15, tr.85]. Lúc này người đọc mới vỡ lẽ ra là nhân vật đang mơ. Đoạn

kể về việc Hà sinh sau này gặp linh hồn của Đinh phu nhân cũng tương tự: “Hà sinh đứng dậy, vâng lệnh lui ra bỗng thấy mây lành bao phủ, khí thoang thoảng, phu nhân bước lên xe loan đi như bay. Sinh có ý muốn theo thì chợt nghe tiếng gà gáy, trở mình thức dậy hóa ra giấc mộng” [15, tr.92].

Tang thương ngẫu lục của Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án có đôi chỗ tác giả đưa

vào suy nghĩ của người viết cũng tạo nên sự lấp lửng cho câu chuyện. Ở truyện Thần

Tông hoàng đế, sau khi kể lại sự việc hết sức thần kì về xuất thân của vua Lê Thần

Tông, cuối truyện, người kể chuyện viết: “Như chuyện Lý Thần Tông, kiếp trước là vị

thiền sư Từ Đạo Hạnh, kiếp sau là ông lão hành khất ở chợ Báo Thiên lại kiếp sau nữa

là vua Thần Tông nhà Lê! Như thế thì một vị sư, một người ăn mày đã hai kiếp tái sinh làm vua. Thật là khó hiểu!” [37, tr.20]. Rõ ràng đây là một truyện kể truyền trong dân gian, tác giả ghi chép lại, còn thực hư thế nào thì người đời tự xét. Có những chuyện kể mang nhiều yếu tố thần tiên, để làm tăng tính hiện thực thì người viết đưa thêm

nhân vật làm chứng nhưng cũng khá mơ hồ. Truyện Thành Đạo Tử kể nhiều chuyện kì lạ về nhân vật, cuối truyện, tác giả viết: “Thành Đạo Tử có quen với ông cụ họ Vũ ở làng tôi, mỗi lần đến chơi, lúc uống rượu thường giở ra nói chuyện ấy. Sau không biết đi đường nào mất” [37, tr.53]. Hay Bài ký chơi núi Phật Tích cũng kể câu chuyện hoang đường về sư nữ dạo chơi ở hang Thần Cốc trong núi thì gặp chuyện kì quái khó tin, kết truyện Phạm Đình Hổ viết: “Sư là người tu hành có trì giới rất cao chắc không

nói nhảm. Vậy cũng chép câu chuyện ấy vào đây. Trên đây là kể đại lược cảnh núi còn

những chuyện khác tai mắt không được tiếp xúc thì không dám nói đến.” và ghi chính

xác ngày tháng chép câu chuyện: “Ngày 15, giờ Ngọ, Đông dã điền, Tùng Niên phủ chép” [37, tr.85].

Cách ghi chép của Vũ Trinh ở Lan Trì kiến văn lục cũng tương tự. Ví như ở truyện Đẻ lạ, sau khi kể về sự ra đời kì lạ của đứa trẻ, tác giả kể “mọi người cho là con

người chết nên né tránh không dám đến gần” nhưng kết truyện “Đứa bé sau này lớn

lên cũng không có gì khác những đứa trẻ khác” [60. tr.53]. Hay truyện Ma cổ thụ kể

về Nguyễn Kính thường chê cười người mê tín, bỗng dưng ốm nặng và có hồn ma ở đền gần cây cổ thụ đến “hỏi thăm”, nhưng ông tức giận la lớn “loài yêu quái” rồi ném thuốc vào mặt con ma. Sau ông mệt quá, ngủ li bì suốt ngày, gọi mãi mới tỉnh. Mọi người lo ngại khuyên ông đi tạ tội ở đền nhưng ông nhất định không chịu. “Sau bệnh

ông khỏi mà chẳng có chuyện gì lạ nữa” [60, tr.135]. Cách kể chuyện như thế thì quả

là lấp lửng, khiến người đọc nửa tin, nửa ngờ.

Tuy nhiên, ngoài những chỗ gắn thêm dẫn chứng hay bình luận để làm rõ những điều quái dị trong tác phẩm của mình, phần lớn các truyện đều thể hiện một giọng kể thản nhiên của người ghi chép sự việc. Đọc ở mỗi chuyện, người đọc đều thấy sự trân trọng của người ghi chép đối với từng sự việc dù nhỏ nhặt hay thoáng qua.

Tóm lại, bằng việc tạo ra sự lấp lửng vừa thực vừa hư trong những câu chuyện kể, các tác giả truyện, ký thế kỷ XVIII - XIX đã thành công khi viết những câu chuyện về lịch sử, đời sống mang tính chất huyền ảo. Tính chất lấp lửng này vừa tạo ra sự tò mò, thích thú, vừa đặt cho người đọc nhiều câu hỏi phải khám phá, mà nếu muốn biết, cần phải tìm hiểu qua lịch sử. Thiết nghĩ, đây cũng là một đóng góp quan trọng của

yếu tố huyền ảo trong tác phẩm văn học nói chung và truyện, ký thế kỷ XVIII - XIX nói riêng.

Một phần của tài liệu yếu tố huyền ảo trong truyện, ký việt nam thế kỷ xviii xix (khảo sát qua tang thương ngẫu lục lan trì kiến văn lục và truyền kỳ tân phả) (Trang 132 - 137)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(154 trang)