Trong lĩnh vực quản lý khoáng sản

Một phần của tài liệu Bảo đảm quyền con người khi ban hành quyết định hành chính (Trang 62 - 65)

7 Hỗ trợ gia đình chính sách Hộ 5.000.000 01 5.000

2.2.2.2.Trong lĩnh vực quản lý khoáng sản

Thời gian qua, hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; UBND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành nhiều văn bản quản lý, hướng dẫn thực hiện các chính sách, pháp luật liên quan đến lĩnh vực quản lý khoáng sản.

Tuy nhiên, việc cấp giấy phép và hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản vẫn còn thiếu chiến lược và quy hoạch cụ thể, các doanh nghiệp chưa chú trọng đầu tư về vốn, kỹ thuật, công nghệ để khai thác, sử dụng quặng nghèo, làm giàu quặng hoặc chế biến ra sản phẩm có giá trị cao (tinh quặng, kim loại, hợp kim...) mà chủ yếu vẫn còn tập trung khai thác các loại khoáng sản có chất lượng cao để xuất khẩu nguyên liệu thô làm cạn kiệt, lãng phí tài nguyên khoáng sản. Gần đây các hoạt động khai thác, chế biến, mua bán, vận chuyển, xuất khẩu khoáng sản trái phép tại một số huyện trong tỉnh Bắc Kạn đang có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp làm thất thoát tài nguyên khoáng sản, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng lớn đến tình hình an ninh trật tự, đời sống và sản xuất của nhân dân địa phương.

Thực tế trên đặt ra vấn đề, người dân xung quanh khu vực mỏ sẽ là đối tượng chịu ảnh hưởng lớn nhất, trực tiếp nhất khi việc khai thác khoáng sản diễn ra. Vậy nhưng, trong một thời gian dài, việc thăm dò, khảo sát của cơ quan chức năng để cấp phép khai thác mỏ thì họ lại không được biết. Chỉ đến khi doanh

nghiệp đã được cấp phép, người dân biết thông tin, mới phản đối quyết liệt. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của cả người dân và doanh nghiệp, đồng thời tác động tiêu cực đến việc đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương.

Những người dân đều phải gánh chịu hậu quả và hầu như không nhận được ích lợi nào từ khai thác khoáng sản trên địa bàn.Vấn đề đặt ra ở đây là người dân không có quyền lựa chọn khi mà các hoạt động tham vấn hầu như bỏ ngỏ và người dân không được tham gia vào bất cứ hoạt động nào để kiểm soát việc các công ty, doanh nghiệp đang khai thác khoáng sản trên địa bàn.

Theo Luật Khoáng sản 2005, về cơ bản, quyền cho phép thăm dò và khai thác khoảng sản được phân cấp cho các Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh (chỉ trừ khoáng sản thuộc diện “quy hoạch khai thác, chế biến của cả nước” hoặc diện “dự trữ tài nguyên, khoáng sản quốc gia”).

Trở lại chế độ sở hữu toàn dân đối với tài nguyên khoáng sản, nhân dân (dù là xét theo phạm vi cả nước, hay cộng đồng dân cư tại địa phương được tổ chức theo đơn vị hành chính) là người chủ sở hữu chứ không phải các cơ quan chính quyền. Câu hỏi mang tính tình huống là: “Giả sử Uỷ ban nhân dân tỉnh cấp một giấy phép khai thác mỏ mà người dân tại tỉnh đó không đồng tình thì họ có quyền khiếu nại không?”.

Thời gian gần đây, tại một số điểm mỏ khoáng sản trên địa bàn tỉnh xảy ra tình trạng một số doanh nghiệp đã được UBND tỉnh Bắc Kạn cấp phép khai thác nhưng lại vấp phải sự phản ứng quyết liệt của người dân địa phương. Người dân cho rằng, nếu những mỏ khai thác này hoạt động sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống, môi trường và nhiều quyền lợi khác của người dân trong vùng.

Việc thực hiện chính sách bảo hộ quyền lợi của nhân dân địa phương chủ yếu thông qua các hoạt động cụ thể, mang tính chất “tự nguyện” của doanh nghiệp như hỗ trợ xây dựng hạ tầng kỹ thuật; hỗ trợ các quỹ phúc lợi của địa phương; sử dụng lao động địa phương… mà chưa thông qua “Phương án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nơi có khoáng sản được khai thác” cũng như “Phương án bảo hộ ổn định đời sống và sản xuất cho tổ chức, bộ phận nhân dân nơi có khoáng sản được khai thác” do chính UBND cấp tỉnh xây dựng và phê

duyệt. Thực tế này dẫn tới việc không có cơ sở để các cấp chính quyền cơ sở (cấp huyện, xã) cũng như các cơ quan chuyên môn (các Sở liên quan của tỉnh) hướng dẫn và giám sát quá trình thực hiện. Đồng thời, người dân địa phương cũng không được biết nội dung cụ thể của các phương án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, bảo hộ ổn định đời sống, sản xuất khi có một dự án khai thác, chế biến khoáng sản được triển khai trên địa bàn. Do vậy, việc thực hiện nội dung nào, mức độ đến đâu, có triển khai các phương án nhằm bảo hộ quyền lợi người dân hay không đều phụ thuộc vào sự tự giác và “lòng hảo tâm” của doanh nghiệp. Đây cũng là lý do chưa có cơ sở pháp lý để xây dựng cơ chế cung cấp thông tin hai chiều làm cơ sở giám sát, dẫn tới những xung đột về mặt lợi ích giữa tổ chức, cá nhân khai thác với địa phương và người dân như đã từng diễn ra tại địa bàn tỉnh Bắc Kạn trong thời gian qua.

Qua những phân tích kể trên để thấy rõ vai trò tác động của việc ban hành chính sách của Hội đồng nhân dân và UBND tỉnh trong lĩnh vực khoáng sản ở tỉnh Bắc Kạn có ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người dân ra sao.

Quyết định 2758/2008/QĐ-UBND, ngày 25-12-2008, về việc ban hành danh mục các dự án khuyến khích đầu tư và quy định các chính sách ưu đãi áp dụng cho các dự án khuyến khích đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn ghi rõ: các nhà đầu tư đầu tư vào lĩnh vực phát triển du lịch theo danh mục dự án khuyến khích đầu tư được hưởng nhiều ưu đãi như: Được giảm 50% tiền sử dụng đất và tạo điều kiện nhanh nhất về thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng; miễn tiền thuê đất trong 15 năm; được hỗ trợ đào tạo nghề với mức 1,5 triệu đồng/người; và đặc biệt là được cấp phép khai thác các mỏ vàng trên địa bàn tỉnh [43].

Có thể coi đây là một chủ trưởng thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch của tỉnh Bắc Kạn đúng hướng thế nhưng lại không phát huy tác dụng, các doanh nghiệp chỉ ồ ạt khai thác khoáng sản mà lại quên, hoặc cố tình quên không đầu tư cho hạ tầng du lịch và để lại rất nhiều hệ lụy cho người dân.

Hệ quả là quyết định này mới được khoảng một năm thực hiện, đã bị phản ứng dữ dội từ cơ sở và người dân. Tỉnh ủy Bắc Kạn đã họp và có Thông báo số 1238-TB/TU, ngày 28-7-2010, đã chỉ rõ: “Việc thực hiện đầu tư vào lĩnh vực du

lịch chưa đúng với chủ trương của Tỉnh, chỉ tập trung vào khu vực Vườn quốc gia Ba Bể, có nguy cơ gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và quy hoạch tổng thể phát triển du lịch hồ Ba Bể; đối với công tác quản lý khoáng sản từ khâu lập quy hoạch, thủ tục, chất lượng hồ sơ xin cấp phép còn bất cập…và đã chỉ rõ những yếu kém của Quyết định 2758/2008/QĐ-UBND, ngày 25-12-2008 rằng: “Trước khi UBND tỉnh ban hành quyết định này đã không thông qua HĐND tỉnh xem xét, quyết định được quy định tại Khoản 2, Điều 11 và Khoản 2, Điều 13, Chương II, Luật Tổ chức HĐND và UBND; việc cấp giấy phép khai thác, thăm dò…chưa đúng với điểm c, Khoản 1, Điều 6, Chương II, Nghị định số 160/2005/NĐ-CP ngày 27-12-2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật khoáng sản, nên tạm dừng thực hiện chủ trương này.

Có thể coi đây là một minh chứng cho một quyết định không bảo đảm tính hợp pháp và cũng chưa để ý đến lợi ích của người dân khi ban hành chính sách không hợp lý.

Như vậy, để bảo đảm quyền lợi của người dân một cách thực chất nhất, UBND tỉnh cần phải lập quy hoạch và các chính sách về khai thác khoáng sản trên địa bàn bằng phương thức thật sự dân chủ, công khai, minh bạch, có sự tham gia của người dân và được Hội đồng nhân dân quyết định trên cơ sở xem xét toàn diện mọi khía cạnh, bao gồm cả việc bảo đảm để người dân địa phương thực sự được hưởng lợi từ việc khai thác mỏ. Việc cấp phép hay đấu thầu khai thác mỏ sẽ do Uỷ ban nhân dân tỉnh tổ chức và chỉ được tiến hành sau khi các quy hoạch và chính sách nói trên được ban hành.

Một phần của tài liệu Bảo đảm quyền con người khi ban hành quyết định hành chính (Trang 62 - 65)