Yêu cầu hợp lý là yêu cầu rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả của QĐHC. Tuy nhiên, do yêu cầu này liên quan đến kỹ thuật, nghệ thuật quản lý nên chúng ta khó có thể quy định một cách chặt chẽ, rõ ràng trong hệ thống pháp luật.
QĐHC hợp lý thì mới có khả năng thi hành cao nhưng phải nhấn mạnh rằng QĐHC có hợp lý hay không chỉ khi nó hợp pháp. Điều đó có nghĩa là QĐHC phải đảm bảo yêu cầu của tính hợp pháp, tránh ban hành các quyết định chỉ nhằm phục vụ lợi ích của Nhà nước mà gây cản trở thiệt hại cho công dân. Không thể vì lý do hợp lý, phù hợp với yêu cầu của địa phương, của cơ sở mà coi thường tính hợp pháp của một QĐHC. Như vậy, việc đảm bảo yêu cầu hợp pháp của QĐHC luôn đặt lên hàng đầu. Một QĐHC được coi là hợp lý khi nó đảm bảo các yêu cầu:
- QĐHC phải đảm bảo được lợi ích của nhà nước và nguyện vọng của nhân dân
QĐHC phải bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, tập thể và cá nhân. Nhà nước là đại diện cho ý chí và quyền lợi của nhân dân nên không thể vì lợi ích của nhà nước mà làm ảnh hưởng đến lợi ích của nhân dân cũng như không thể vì lợi ích của nhân dân mà làm tổn hại đến lợi ích của nhà nước. Vì vậy, yêu cầu đặt ra là phải đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, tập thể, cá nhân. Yêu cầu này đòi
hỏi sự cân đối hợp lý lợi ích của nhà nước và xã hội, coi lợi ích của nhà nước và lợi ích chung của công dân làm tiêu chí để đánh giá tính hợp lý của QĐHC.
- Đảm bảo sự phù hợp của QĐHC với các điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội thực tế
Tính quyết định của kinh tế đòi hỏi hoạt động xây dựng QĐHC phải tôn trọng thực tế khách quan, các quy định được tạo ra trong quyết định phải là sự ghi nhận, bảo vệ, tạo điều kiện cho các quan hệ kinh tế tồn tại, phát triển có hướng và hợp quy luật. Không thể dùng các QĐHC để tạo ra các quan hệ kinh tế này hay phủ nhận quan hệ kinh tế khác một cách duy ý chí hay đưa ra các quyết định vượt quá khả năng cho phép của nền kinh tế khiến cho những quy định đó chỉ mang tính chất hình thức, không có khả năng thực hiện.
Về sự phù hợp với các yếu tố văn hóa, xã hội cũng là một yêu cầu tất yếu đối với QĐHC. Sự phù hợp của các yếu tố này với QĐHC thể hiện ở sự hài hòa giữa các yếu tố điều chỉnh nói chung cùng hướng tới những đối tượng điều chỉnh nhất định. Mặt khác, QĐHC thể hiện ý chí của nhà nước, điều chỉnh các quan hệ mang tính áp đặt, cứng rắn, chủ yếu vì lợi ích nhà nước, đảm bảo được thực hiện bằng sức mạnh cưỡng chế của nhà nước. Trong khi đó, các yếu tố xã hội thể hiện ý chí của xã hội, điều chỉnh các quan hệ mang tính mềm dẻo hơn, vì lợi ích xã hội hơn, được đảm bảo thực hiện bằng dư luận xã hội, ý thức, trách nhiệm… Nói cách khác, chế tài pháp luật là chế tài bên ngoài, còn chế tài văn hóa, xã hội là chế tài bên trong, dựa trên cơ sở tự giác của các chủ thể. Nếu QĐHC phù hợp với các yếu tố văn hóa, xã hội sẽ kết hợp được cả chế tài bên ngoài và chế tài bên trong, khi đó hiệu quả điều chỉnh xã hội của QĐHC sẽ tăng lên rất nhiều.
- Tính dự báo và tính kịp thời của QĐHC
Đời sống xã hội luôn luôn vận động và thay đổi không ngừng, sự vận động và thay đổi đó xuất phát từ nhiều nguyên nhân bao gồm sự vận động tương tác giữa các lĩnh vực, các bộ phận, các thành tố của chính thực thể xã hội theo những quy luật riêng vốn có và sự tác động của con người theo định hướng nhằm hướng tới những mục đích mà con người định ra. Xét trong mối quan hệ tác động qua lại
giữa đời sống xã hội và pháp luật thì có thể nói mọi sự thay đổi của xã hội đều dẫn đến sự thay đổi của pháp luật và mọi thay đổi của pháp luật đều dẫn đến sự thay đổi của đời sống xã hội. Nói cách khác, bất kỳ một quy phạm, văn bản quy phạm pháp luật nào cũng chỉ điều chỉnh các quan hệ xã hội tương ứng trong những điều kiện, hoàn cảnh nhất định mà quy phạm, văn bản đó có khả năng được thực hiện, được đảm bảo thực hiện và mang lại những kết quả tác động tích cực. Khi xã hội vận động vượt quá tầm điều chỉnh của quy phạm thì quy phạm hoặc là kìm hãm xã hội phát triển hoặc là bị chính đời sống xã hội loại bỏ. Trong trường hợp này tất yếu phải có quy phạm pháp luật mới phù hợp với trạng thái tồn tại mới của các quan hệ xã hội để điều chỉnh thì mới có hiệu quả cao.
Bên cạnh đó, sự vận động của xã hội còn có thể làm phát sinnh những vấn đề, những quan hệ hoàn toàn mới cần đến sự điều chỉnh của pháp luật, đảm bảo cho các quan hệ mới này vận động trong trật tự cần thiết mà nhà nước hướng tới.
Trong thực tế đời sống cho thấy rất nhiều QĐHC ban hành đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về tính hợp pháp nhưng khi thực hiện trên thực tế thì gặp nhiều khó khăn, hiệu quả điều chỉnh thấp, nhiều quyết định ban hành không lâu đã phải sửa đổi bổ sung hoặc bãi bỏ ảnh hưởng đến tính ổn định của hệ thống pháp luật. Điều đó cho thấy để quyết định thực sự là phương tiện quản lý hữu hiệu thì hợp pháp thôi chưa đủ mà giá trị thực tế của QĐHC phụ thuộc vào mức độ hợp lý của nội dung, cách thức thể hiện các quy định và thời điểm ban hành quyết định.