Bên cạnh giọng điệu dí dỏm, hóm hỉnh và trầm buồn thủ thỉ, trong sáng tác của Kim Lân viết về đề tài nông thôn, người đọc còn nhận thấy giọng điệu thân mật, suồng sã. Chính giọng điệu này đã làm nên những trang viết miêu tả về đời sống, số phận của những người nông dân nông thôn giản dị mà chất phác, đáng quý.
ở Bố con ông gác máy bay trên núi Côi Kê, giọng thân mật suồng sã được nhà văn kể lại bằng hình ảnh hai bố con ông gác máy bay: “Hai bố con ngồi như hai con cóc trong cái hốc đá ngoài đầu núi”. Người bố khuyên con: “Con ạ, mấy lị bố con mình phải gác máy bay chứ; xuống phố bây giờ người ta cũng chả nghe, người ta lại bắt lên như độ trước ấy”. Giọng điệu ấy còn được thể hiện trong lời kể về công việc bình dị của ông Tư Mủng: “Ông hớn hở vơ lấy cái dùi sắt bằng chiếc đinh “bù loong” lom khom chui ra ngoài. Ông leo lên một mô đất cao, đứng nghênh tai, quan sát bốn phía chân trời thật chắc chắn một lượt rồi quay lại vung tay nện mạnh chiếc dùi sắt vào mảnh bom vỡ vẫn treo lủng lẳng trước hốc đá” có khi len lỏi cả vào bữa ăn đạm bạc của bố con ông “Giữa những tiếng gà xao xác lên chuồng, những tiếng gà gọi bóng đêm xuống ông Tư Mủng ngồi ngật ngưỡng bên cút rượu trên chiếc chiếu trải đầu hè với thằng cu Tý bên cạnh. Mỗi bận đưa chén rượu lên môi, ông Tư Mủng lại xắn miếng đậu, đưa qua mâm, bón cho thằng con. Cái miệng nhỏ bằng đồng hến của nó lại dẩu ra đón lấy như mỏ con chim con đón mồi. Bấy giờ ông mới gắp vào bát mình”. Giọng điệu ấy còn thể hiện trong lời hứa của ông với con và cái tâm trạng nghĩ đến việc thực hiện lời hứa ấy: “ừ thì bố mua cho con cả cái khăn quàng, cả mũ, cả bút mực cho con đi học. Bố mua tất ráo
cả! Ông Tư Mủng bỗng sướng rơn lên. Nói xong được bấy nhiêu thứ mua sắm cho con, ông thích quá! Cứ tưởng đâu như mua sắm “tất ráo cả cho nó rồi”. Lời kể, lời nói không khách sáo, vậy nên nhân vật hiện ra như trong đời sống thực.
ở truyện Làng, giọng điệu thân mật được nhà văn sử dụng ngay từ đầu tác phẩm: “Tối nào cũng vậy, cứ đến lúc con bé lớn ông Hai Thu thủ que đóm cháy lập lòe trong chiếc nón rách tất tả đi từ nhà bếp lên và bà Hai ngồi ngây thuỗn cái mặt trước đĩa đèn dầu lạc, lầm bầm tính toán những tiền cua, tiền bún, tiền chuối, tiền kẹo... thì ông Hai vùng dậy sang bên bác Thứ nói chuyện. Cái giọng thân mật, suồng sã ấy có khi được tác giả dùng để kể về cái thói khoe làng của ông Hai: “ông khoe cái làng ông có cái phòng thông tin tuyên truyền sáng sủa rộng rãi nhất vùng, chòi phát thanh thì cao bằng ngọn tre, chiều chiều loa gọi cả làng đều nghe thấy, ông khoe làng ông nhà ngói san sát, sầm uất như tỉnh. Đường làng toàn lát đá xanh, trời mưa trời gió tha hồ đi khắp đầu làng cuối xóm, bùn không dính đến gót chân. Tháng năm ngày mười phơi rơm, phơi thóc thì tốt thượng hạng, không có lấy một hạt thóc đất”.
“Cứ như vậy, suốt cả buổi tối, ông lão ngồi vén quần lên tận bẹn trên chiếc chõng tre nhà bác Thứ nói liên miên hết cái đường xóm kia tốt, cái giếng xóm kia trong với những chuyện đẩu chuyện đâu về cái làng của ông lão”.