Loại tình huống nhận thức xuất hiện trong các sáng tác của Kim Lân
không nhiều. Có thể kể đến: Ông Cả Luốn gốc me, Con chó xấu xí. Trong truyện ngắn Ông Cả Luốn gốc me, Kim Lân để cho nhân vật chính khi đối mặt
với tình huống nhận thức, buộc phải lựa chọn một trong hai con đường, vào hay không vào hợp tác xã, tán đồng hay đi ngược lại chủ trương chính sách của Đảng. ở ông Cả Luốn diễn ra cuộc đấu tranh gay gắt. Không vào hợp tác xã, để cho thằng cháu đi vận động mãi thì cái “uy” của “ông chú họ” giảm đi nhiều quá, còn vào hợp tác xã thì nhiều lợi ích riêng của ông và gia đình sẽ mất, sẽ bị tập thể hóa! Một người “nệ cổ” vốn mang những sợ sệt cố hữu từ thời tổng lí như ông đâu dễ dàng trước một quyết định quan trọng như vậy. Đắn đo, cân nhắc mãi rồi ông cũng tự giác nộp đơn xin vào hợp tác xã. Qua đó ta thấy được sự chuyển biến trong nhận thức, tư tưởng của người nông dân trước sự đổi thay của cuộc sống mới.
Câu chuyện trong Con chó xấu xí có tính nghệ thuật cao, sâu sắc, súc
tích, hàm chứa nhiều tầng bậc ý nghĩa. Khi đọc truyện ngắn này nhiều người
về những người cùng giới cầm bút, về sự phân hóa, sự đào ngũ, phản bội của
một số kẻ trong giới. Con chó xấu xí cũng nói tới thời nhận đường của văn
nghệ sĩ, nói tới lập trường mà nhà văn đã chọn cho mình: đi với dân tộc, đi với kháng chiến. ý nghĩa sâu sắc của tác phẩm không chỉ có thế. Kim Lân tâm sự:
Con chó xấu xí còn chứa những dụng ý nghệ thuật khác nữa. Sau khi viết Ông
lão hàng xóm năm 1958, nói về những sai lầm trong cải cách ruộng đất, Kim Lân bị “đánh” tơi bời, bị coi như là một người không vững vàng, thậm chí như
một kẻ bôi đen chế độ. Bởi vậy, ông viết Con chó xấu xí là để minh oan cho mình và ông gọi nó là “con chó có nghĩa của tôi”. Nên Con chó xấu xí đâu
phải chỉ là chuyện “nhận đường” của giới văn nghệ sĩ mà còn khơi gợi bao điều sâu xa. Phải chăng ông muốn gửi đến những người đọc thông điệp mang ý nghĩa nhân văn và có triết lý sâu sắc: nhìn nhận, đánh giá một sự vật, hiện tượng, một con người có nên chỉ nhìn vào hình thức bề ngoài”. ý nghĩa tư tưởng của tác phẩm được hiện hình rõ nét qua tình huống truyện. Đó là cuộc chạy giặc bất thình lình, là cuộc hội ngộ bất đắc dĩ của các nhân vật trong túp lều của cu bếp Móm. Phải đặt trong thử thách của thời chiến như thế, tính cách của nhân vật mới được bộc lộ một cách rõ nét. Nhược Dự vốn hèn nhát, giờ đứng trước những khó khăn gian khổ của cuộc kháng chiến, anh ta càng tỏ thái độ hờ hững, khó chịu, chán nản, hèn nhát. Nên sự đểu giả, đê hèn, phản bội cách mạng, chửi kháng chiến, chửi cả những người bạn văn của hắn là tất yếu. Tô đậm thêm cho tính cách hèn hạ, phản bội của anh chồng là sự thô lỗ, giả tạo, kệch cỡm của người vợ Nhược Dự.
“Chị bổ cái mặt chị vào mặt tôi:
- Chả có hai lần đình Bùi. Nó đến Nhã Nam rồi anh ạ. Thật là một sự điêu linh. Cũng chỉ tại mấy bố du kích nhà ta thôi anh ạ. Súng ống chẳng có, có mấy khẩu súng kíp còm cũng đậm đọp bắn nó. Nó mới cáu, nó mới đốt cho. Nó đốt đình Bùi, đốt Cao Thượng, bây giờ đốt Nhã Nam đấy. Vợ chồng tôi vừa chạy giặc, vừa ngoảnh lại nhìn ngọn lửa xâm lăng tàn bạo nó đốt nhà,
đốt cửa của đồng bào mà tim vợ chồng tôi tưởng như sắp vỡ tan ra thành từng mảnh, hé, hé, hé” [37, tr.384].
Đằng sau những lời sáo rỗng, ba hoa, những điệu cười giòn giã, giả trá là tâm địa xấu xa của một con buôn lọc lõi, một kẻ đứng ngoài nhìn cuộc kháng chiến của dân tộc với một thái độ giễu cợt. Khắc họa sinh động tính cách đê tiện của vợ chồng Nhược Dự, Kim Lân cũng làm nổi bật tình nghĩa, tấm lòng nhân hậu của nhân vật “Tôi” với con Mực. Một người biết dằn vặt, trăn trở, ân hận, xấu hổ ngay cả đối với một con vật nuôi hẳn không phải là kẻ vô tình, hẳn là người giàu lòng trắc ẩn, nhân ái, đầy yêu thương. Trong bối cảnh chạy giặc, tình nghĩa của con chó đối với “Tôi” càng bộc lộ rõ nét. Con chó xấu xí từ lúc mua đến lúc chết chưa một lần được vuốt ve, vậy mà vẫn một lòng trunh thành tuyệt đối, tình nghĩa tận cùng với chủ. So sánh giữa sự trung thành của con chó với cái phản bội hèn nhát của Nhược Dự hẳn tác giả muốn gợi cho người đọc bao suy nghĩ. Thành công của ông có phần đóng góp quan trọng của nghệ thuật tạo tình huống truyện độc đáo, hấp dẫn, một tình huống mang ý nghĩa nhận thức sâu sắc. Nhà văn đã nói được những điều sâu sắc qua một câu chuyện rất đỗi bình thường.