Giọng điệu dí dỏm, hóm hỉnh

Một phần của tài liệu Đề tài nông thôn trong sáng tác của Kim Lân (Trang 107 - 110)

Giọng điệu dí dỏm, hóm hỉnh thấm đẫm trong những trang viết về đề tài nông thôn với những thú chơi dân gian, những phong tục tập quán của quê hương ông. Người nông dân vùng quê văn vật có tiếng tuy cuộc sống nghèo túng nhưng rất đỗi yêu đời, lạc quan dí dỏm. Chất giọng dí dỏm, hóm hỉnh đóng vai trò quan trọng để tạo nên sự lạc quan. Một số truyện của Kim Lân viết về cảnh buồn nhưng không bi lụy, viết về những khó khăn, éo le trong cuộc sống như không hề bi quan. Đó là cách lựa chọn giọng điệu của Kim Lân. Đọc tác phẩm của ông ta thấy trong bóng tối đã hiện dần lên ánh sáng của ngày mai, của tương lai, của hi vọng, của niềm lạc quan và tin tưởng. Đó là thứ ánh sáng được tạo ra từ những điệu cười, giọng cười, đan xen ý nhị đúng lúc, đúng chỗ với những chi tiết hóm hỉnh đáng yêu giàu chất khôi hài. Chính giọng điệu này góp phần rất lớn trong tạo sức hấp dẫn “ma mị” của sáng tác Kim Lân.

Sống ở mảnh đất giàu truyền thống văn hóa, những con người ở làng quê đặc biệt say mê, trân trọng, gìn giữ những thú chơi, phong tục, những nét đẹp văn hóa của làng quê. Vào mỗi dịp đầu xuân, họ lại say sưa, háo hức phô diễn những hiểu biết, tài hoa của mình trong những cuộc chọi gà, đấu vật, thả chim. Chính những sinh hoạt lành mạnh đó ở thôn quê đã đem đến cho họ tiếng cười sảng khoái, vơi đi bao nhọc nhằn của đời thường. Kim Lân kể về những thú chơi bằng giọng dí dỏm, hóm hỉnh của một người rất am hiểu, từng

trải. Trong các tác phẩm Đôi chim thành, Con Mã Mái, Cầu đánh vật, chất dí

dỏm bộc lộ rõ trong câu chuyện. Đây là niềm vui sướng của ông Trưởng Thuận trước sự trở về của đôi chim quý:

“... Đôi chim đã bay sà xuống mái nhà. Cu Trạm mừng rỡ cuống quýt gọi: - Thầy ơi! Đôi chim thành đã về.

Ông Trưởng đang rên hừ hừ, vùng trở dậy, run lẩy bẩy chạy ra sân miệng hỏi:

- Đâu? Thật không?

Ông dịu giọng nhìn lên mái nhà. Quả đôi chim quý báu của ông thật. Chúng nó đang há mỏ ra thở, lông cánh phờ phạc, nom gầy hóp đi. Hai mắt sáng lên vì vui sướng, cặp môi héo của ông nở một nụ cười rất tươi.

- Tao biết tỏng đôi chim này tinh lắm, mất thế nào được. Còn về nữa cho mà xem.

Cu Trạm bỗng giật mình kêu: - Thôi chết, trào ấm thuốc rồi. Ông trưởng ngọt ngào:

- Mặc thuốc đấy. Hãy lấy thóc cho chim ăn đã con. [37, tr.48 - 49]. ở đoạn văn trên, người kể chuyện tinh quái đã đối lập hai nét tâm trạng trái ngược nhau của Trưởng Thuận: buồn bã, chán chường, tiếc đến phát ốm khi mất đàn chim và rồi vui sướng, vui mừng trước sự trở về của đôi chim quý. Người kể nhập vào tâm lý nhân vật vừa kể sự kiện vừa như muốn trêu nhại nhân vật, tạo nên chất giọng dí dỏm đùa vui.

Chất giọng dí dỏm, hài hước còn bộc lộ rõ trong những lời bông đùa vừa tếu táo vừa tình tứ của Cả Chuẩn với vợ. Nhưng đằng sau những lời đùa tếu táo ấy, ta cảm nhận được niềm vui mừng, thích thú, ngất ngây của Cả Chuẩn trước thú chơi. Cả Chuẩn mê thích gà chọi lắm.

- Đấy, bà mày nghe xem. Có phải con gà mái kêu: “Vừa đau vừa rát! Vừa đau vừa rát!” thì con gà trống ở đâu te tái chạy lại dỗ dành: “Ai cũng thế! Ai cũng thế! Ai cũng thế không! Dứt lời, ông cười ha hả” [37, tr.90 - 91].

Trong Vợ nhặt, dù cái đói đã tràn đến xóm này từ lúc nào, nhưng anh cu

Tràng mỗi bận xe thóc liên đoàn tỉnh, gò lưng kéo cái xe thóc vào dốc tỉnh vẫn hò một câu chơi cho đỡ nhọc:

“Muốn ăn cơm trắng mấy giò này! Lại đây mà đẩy xe bò với anh, nì”. Chính cái giọng điệu tự nhiên hóm hỉnh ấy đã khiến cho các cô gái ngồi nhặt hạt rơi vãi ở cửa kho thóc trong phút chốc quên hết cả đói mà “vùng ngay dậy, lon ton chạy lại đẩy xe cho Tràng”. Cái giọng điệu ấy thể hiện ở những lời đối đáp chao chát, chỏng lỏn: “Đã thật thì đẩy sợ gì, đằng ấy nhỉ” “Người thế mà điêu!”, “Hôm ấy leo lẻo cái mồm hẹn xuống, thế mà mất mặt” [46, tr.206]. “Chả hôm ấy thì hôm nay vậy”, “Có ăn gì thì ăn, chả ăn giầu!”, “ăn thật nhé, ừ thì ăn sợ gì”, “Hà ngon! Về chị ấy thấy hụt tiền thì bỏ bố”, “Đã làm đếch gì có vợ”, “chậc kệ!” [46, tr.207].

Trong phút chốc, cái đói dường như tan biến, chỉ còn lại nhân vật với những lời đáp tình tứ. Đó là cái tài khéo léo sử dụng giọng điệu dí dỏm, tự nhiên của Kim Lân. Nhưng giọng điệu ấy được thể hiện rõ hơn, cụ thể hơn ở cách lập luận đáng yêu của anh cu Tràng khi vợ chê là hoang vì thời buổi đói kém, cái gì cũng đắt đỏ mà còn mua dầu thắp tối. Anh cu Tràng tưởng đâu ngớ ngẩn, ế vợ, ấy vậy mà cũng nói được câu triết lí ra phết:

“Vợ mới vợ miếc cũng phải cho nó sáng sủa một tí chứ, chả nhẽ chưa tối đã rúc vào ngay, hí hí” [46, tr.203]. Giọng điệu dí dỏm, hóm hỉnh dùng để khắc họa nhân vật ấy, ta thấy Kim Lân thật tài tình khi thể hiện điểm nhìn của mình “trong cái đói, người ta không thể nghĩ đến con đường chết, mà nghĩ tới con đường sống”. Đó là giá trị nhân bản, nhân văn trong sáng tác của tác giả Kim Lân. ở thời điểm đó, Tràng và cô “vợ nhặt” đều quên đi cái đói và thân phận của mình, họ nói năng tình tứ, đối đáp góc cạnh... Chính điều đó, niềm lạc quan hiếm có ấy, đã giúp cho họ vượt qua khó khăn, thoát khỏi cảnh đói nghèo.

Trong truyện ngắn Làng, ẩn đằng sau câu chuyện về một người yêu

làng mình cũng là một nụ cười hóm hỉnh của nhà văn. Với chất giọng dí dỏm, Kim Lân đã khắc họa tài tình cái tâm lý khoe làng, cá tính khoe làng lạ lùng của ông Hai, từ những lời lẽ kể rành rọt “rất trơn tru, thành thạo mà chẳng đâu

vào đâu cả”, về chuyện tản cư, chuyện Tây khủng bố, chuyện Việt gian, chuyện làng chợ Dầu hăng hái tham gia kháng chiến, đào hầm hố, đào giao thông hào... đến cái cử chỉ nông dân: “Ngồi vén quần lên đến tận bẹn trên chiếc chõng tre nhà bác Thứ mà nói liên miên”, từ cái dáng điệu “đi nghênh ngang trên đường” “hai tay vung vẩy”, “gặp ai quen cũng níu lại cười cười”, “Nắng này là bỏ mẹ chúng nó” cho đến tâm lý “ông ghét thậm những anh cậy ta đây lắm chữ đọc báo lại cứ đọc thầm một mình không đọc ra thành tiếng cho người khác nghe nhờ mấy”, từ những lời khoe làng kì lạ: “Tây nó đốt nhà tôi rồi ông chủ ạ, đốt nhẵn. Ông chủ tịch làng em vừa lên cải chính... cải chính cái tin làng chợ Dầu chúng em Việt gian ấy mà. Ra láo! Láo hết, chẳng có gì sất. Toàn là sai sự mục đích”. Lời kể của tác giả rất dí dỏm, như trêu đùa, trêu nhại một cách thân thiết với nhân vật. Giọng điệu này hiện rõ trong lời kể, tả trực tiếp của nhà văn. Đằng sau câu chuyện của một người yêu làng, ta có thể hình dung được ánh mắt, nụ cười vừa vui vừa ấm áp, yêu mến của nhà văn dành cho nhân vật. Giọng điệu ấy đã tái hiện sinh động chân dung độc đáo về một người nông dân hay chuyện, yêu đời, gắn bó tha thiết với làng quê với cách mạng và kháng chiến.

Một phần của tài liệu Đề tài nông thôn trong sáng tác của Kim Lân (Trang 107 - 110)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(129 trang)