Biểu tượng là thuật ngữ của mĩ học, lí luận văn học và ngôn ngữ học còn được gọi là tượng trưng, nó có nghĩa rộng và hẹp.
Văn học phản ánh cuộc sống bằng hình tượng nghệ thuật. Đặc điểm cơ bản của hình tượng nghệ thuật là sự tái hiện thế giới, làm cho con người và cuộc sống hiện lên y như thật. Nhưng hình tượng cũng là hiện tượng đầy tính ước lệ. Bằng hình tượng, nghệ thuật sáng tạo ra một thế giới hoàn toàn mang tính biểu tượng. Trong nghĩa rộng “biểu tượng là đặc trưng phản ánh cuộc sống bằng hình tượng của văn học nghệ thuật” [26]. Theo nghĩa hẹp “biểu tượng là một phương thức chuyển nghĩa của lời nói hoặc một loại hình tượng nghệ thuật đặc biệt có khả năng truyền cảm lớn, vừa khái quát được bản chất của một hiện tượng nào đấy, vừa thể hiện một quan niệm, một tư tưởng hay triết lý sâu xa về con người và cuộc đời” [26].
Là một phương thức chuyển nghĩa của lời nói, biểu tượng có quan hệ gần gũi với ẩn dụ, hoán dụ; nhưng vẫn còn có sự khác nhau về cơ bản: biểu tượng không phải bao giờ cũng là những ẩn dụ, hoán dụ. Biểu tượng không loại bỏ ý nghĩa cụ thể, cảm tính của vật tượng trưng hoặc của hình tượng nghệ thuật. ý nghĩa của biểu tượng tồn tại cả ở ngoài văn bản mà chúng ta đang tiếp xúc. Biểu tượng bao giờ cũng mang tính đa nghĩa.
Biểu tượng là những hình ảnh cụ thể, cảm tính, giàu cảm xúc, chứa đựng những tầng ý nghĩa sâu sắc. Biểu tượng không phải một hiện tượng khép kín mà là một cấu trúc mở có khả năng gợi liên tưởng lớn và khả năng tái sinh đến vô tận.
“Biểu tượng được xem là những hình ảnh cảm tính về hiện thực khách quan bộc lộ quan điểm thẩm mĩ của từng tác giả từng thời đại, từng dân tộc, thường được biểu hiện bằng những ẩn dụ, hoán dụ, tượng trưng” [55].
Đã từ lâu biểu tượng được xem như một phương thức tư duy nghệ thuật của nhà thơ, nhà văn mang đến những hình tượng cụ thể cảm tính đa nghĩa,
được lặp đi lặp lại và giàu giá trị nghệ thuật. Biểu tượng được các nhà thơ sáng tạo ra và tham gia vào việc biểu hiện ý nghĩa cấu trúc tác phẩm. Vậy nên, nó có một vai trò đặc biệt quan trọng trong việc lập mã và giải mã ý nghĩa của tác phẩm.
Là người sinh ra và lớn lên trong vùng văn minh sông Hồng nơi Kinh Bắc đậm đà truyền thống văn hóa, nơi có những hội vật, hội võ, chọi gà, thả chim truyền thống, những điệu dân ca nhẹ nhàng mà da diết lòng người, nhà văn Kim Lân hơn ai hết hiểu những giá trị văn hóa lâu đời của quê hương mình. Chính vì lẽ đó, những sáng tác về đề tài nông thôn của ông thường đi sâu tái hiện những truyền thống ngàn đời, những phong tục tập quán của người nông dân sau lũy tre làng. Những hình ảnh đẹp đó đã trở đi trở lại nhiều lần và đã trở thành biểu tượng nghệ thuật cho tác phẩm. Có thể kể đến một số biểu tượng tiêu biểu như: làng, chợ.