Nông thôn khung cảnh tự sự

Một phần của tài liệu Đề tài nông thôn trong sáng tác của Kim Lân (Trang 53 - 57)

Tự sự là phương thức tái hiện đời sống qua các sự kiện, biến cố và hành vi con người trong toàn bộ tính khách quan của nó. ở đây, tư tưởng và tình cảm của nhà văn thâm nhập sâu sắc vào sự kiện và hành động của con người, nhà văn kể lại, tả lại những gì đã xảy ra bên ngoài mình, khiến cho người đọc có cảm giác rằng hiện thực được phản ánh trong tác phẩm là một thế giới tạo hình xác định đang tự tồn tại phát triển, không phụ thuộc vào tình cảm ý muốn của người viết.

Viết về nông thôn, chắc chắn Kim Lân không thể xây dựng một không gian xa lạ với người nông dân, bởi dựng được bối cảnh chân thực nhà văn sẽ giúp cho các nhân vật của mình có điều kiện bộc lộ tính cách rõ nét. Vì vậy, trong các tác phẩm của mình Kim Lân rất chau chuốt khi tả cảnh. Bức tranh làng quê hiện ra có đậm nhạt, sáng tối, có mau thưa. Mỗi tác phẩm nhà văn lại mang đến cho người đọc những cảm nhận khác nhau về cuộc sống của người dân quê sau lũy tre làng. Làng là nơi mọi người đều tham gia vào một môi trường văn hóa thống nhất, đều chịu những quy định, tập tục hết sức chặt chẽ và bền vững. Mỗi người nông dân khi sinh ra, lớn lên gắn bó đời mình với ngôi làng tới khi kết thúc cuộc đời. Không chỉ người nông dân gắn bó và coi trọng làng, mà ngay cả những dòng họ phong kiến cũng coi trọng làng quê, nơi phát tích của tổ tiên, mở đầu một triều đại. Làng quê mãi là một tổ chức quan trọng đối với mỗi người nông dân Việt Nam.

Các nhà văn khi viết về người nông dân cũng miêu tả khung cảnh làng quê, nhưng với mỗi nhà văn với vốn hiểu biết về cuộc sống khác nhau đã lựa chọn cho mình một cách thể hiện riêng mang những dấu ấn đậm nét. Mỗi nhà

văn đều để lại những dấu ấn riêng của mình trong những bức tranh phong cảnh làng quê Việt Nam, góp phần làm nên những đặc trưng cho phong cách nghệ thuật riêng của mình.

Nhưng nhà văn viết nhiều về nông thôn như Kim Lân, ông cũng tìm đến làng quê để miêu tả, nhưng đó là bức tranh làng quê mang những dấu ấn của mảnh đất quê hương ông, với những khung cảnh vừa thơ mộng, vừa mộc mạc, chân quê. Làng quê trong sáng tác của Kim Lân vừa phảng phất hương vị xứ Bắc lại vừa mang những đặc điểm chung, gần gũi thân quen của làng quê Bắc Bộ Việt Nam.

Bức tranh quê trong sáng tác của Kim Lân không tĩnh tại mà có sự mở rộng phạm vi thể hiện theo những thay đổi về môi trường sống của nhân vật. Các sáng tác trước cách mạng của Kim Lân viết nhiều về các phong tục với những thú chơi lành mạnh nơi thôn quê. Bởi vậy, làng quê Việt Nam hiện lên với vẻ đẹp cổ xưa cũng như những địa danh cụ thể. Đó là làng Đại Sơn, Dưỡng

Mông, Chợ Chè trong tác phẩm Chó săn, trong Con Mã Mái là Đồng Kỵ, Bính Hạ, Cầu Bò, trong Cầu đánh vật từ ngôi đất “hình nhân bái tướng” đến

chuyện “Voi Cái Ngựa lồng” là cánh đồng Tràng, đình Cẩm Giang, chợ Yên Phụ, chợ Chờ. Nhắc tới các địa danh tác giả đã mang lại cảm giác gần gũi với mỗi người đọc. Trong những tác phẩm của Kim Lân thấp thoáng có những hình ảnh ngôi chùa, đình làng, những di tích lịch sử. Sự có mặt của những hình ảnh này làm cho cảnh vật của bức tranh thôn quê thêm phần chân thực, sinh động.

Đó là ngôi chùa cổ Vân Điềm trong Đuổi tà được tác giả tả với không

gian: “Tĩnh mịch tôn nghiêm, có thoang thoảng hương trầm của gian tam bảo. Những pho tượng âm thầm trong ánh đèn dầu vàng vọt bóng run run trên vách bởi ngọn gió lọt vào tưởng như đang ngồi ngây ngất thẩm âm” [46, tr.123].

Hay trong Chó săn là cảnh ngôi chùa hoang: “Đó là một ngôi chùa chơ

trụ trì nên cảnh càng đìu hiu, hoang vắng. Những cây muỗm sừng sững gieo lá úa đầy sân rêu cỏ. Mái thì ngói sụt, tường thì long lở ngổn ngang. Trong cái không khí vô cùng tĩnh mịch dãy tượng La Hán sứt mẻ ngồi nghiêm trang trong bóng chiều nhờ nhờ tối như một thế giới không có ở dương gian” [37, tr.64].

Còn trong Trả lại đòn thì lại xuất hiện ngôi chùa Dận với khung cảnh

thanh bình buồn bã thân quen khi chiều buông. Trong bức tranh phong cảnh làng quê ngoài những ngôi chùa, hình ảnh không thể thiếu trong sáng tác của Kim Lân là hình ảnh những ngôi nhà nơi thôn quê. Ngôi nhà là không gian văn hóa thu nhỏ của xã hội, ở đó con người sống và thể hiện tính cách của mình một cách rõ nét nhất.

ở tác phẩm Người kép già là “... gian buồng lụp sụp, ẩm thấp. Cứ tối đến lại leo lắt ánh đèn dầu lạc và tiếng “ro ro” rầu rĩ đưa” [37,tr.28]. Còn

trong Trả lại đòn là hình ảnh ngôi nhà với những khu vườn cây ăn quả rườm

rà, xanh um, với mái hiên có treo những chiếc chiếu tre cho đỡ nóng, là ngôi nhà có khu vườn cảnh, giàn thiên lý, bể cá vàng, những chậu lan, hòn non bộ, là căn nhà rộng rãi, bề thế.

Bức tranh quê còn được nhà văn tả trên cả một bình diện không gian rộng lớn với những ngọn núi lam thẫm, rặng tre và “ruộng trơ gốc rạ, lấp lánh sương mai. Từng đợt gió từ xa lùa tới. Cả lũy tre rung lên những tiếng lào xào.

Bầu trời xanh ngắt không một gợn mây” (Chó săn).

Bên cạnh những cảnh vật quen thuộc ấy, tác giả còn đặc tả trăng. Bóng trăng mang nhiều sắc thái khác nhau, khi thì sáng vằng vặc, lúc lại bị những làn mây che phủ. Khi thì là mặt trăng hạ tuần với những ánh sáng chênh chếch, xanh dịu, mơ hồ, lúc là trăng lưỡi liềm lấp ló sau mấy tầu cau đen thẫm. Có lúc lại là trăng thượng tuần trong cái nền tối của không gian ban đêm, họa hoằn lắm mới có một thứ ánh sáng vàng vọt tỏa ra từ ngọn đèn dầu,

ánh sáng kì diệu của trăng làm cho cảnh vật như bừng lên một sức sống mới từ đêm tối, xóa đi những cảm giác nặng nề, gợi sự thanh bình êm ả cho cảnh vật.

Ngoài các sáng tác về phong tục tập quán, người đọc còn nhận thấy nhà văn Kim Lân còn thành công với đề tài thế sự, chủ yếu nhà văn viết sau cách mạng tháng Tám. Hình ảnh làng quê trong kháng chiến và cách mạng với những thay đổi và sức sống mới được nhà văn tập trung miêu tả. Đó là hình ảnh những ngôi làng vững chãi trước bom đạn, trở thành hậu phương vững chắc cho cách mạng, hay những ngôi làng xơ xác vì chạy giặc, cả những ngôi làng trong cải cách ruộng đất. Có thể thấy tác giả đã quan sát cảnh làng quê bằng con mắt hết sức tinh tế và sinh động.

Trong tác phẩm Làng Kim Lân tập trung miêu tả cảnh tản cư: “Những

tốp người tản cư mới ở dưới xuôi lên đứng ngồi lố nhố cả dưới mấy gốc đa sù sì. Cành lá rườm rà ken vào nhau rải xuống mặt đường và bãi cỏ một vùng bóng mát rộng”. Chỉ vài dòng nhưng tác giả đã tái hiện được một không khí thời chiến với chia li loạn lạc.

ở Người chú dượng tác giả tả cảnh làng quê thời kì hòa bình lập lại. Khung cảnh đã mang màu sắc của sự sống mới với “Tiếng gà vừa gáy ò o sau mấy quả đồi” Sự đổi thay đến với từng ngôi nhà cụ thể: “Những gùi nếp hương, nếp dâu buộc thành từng đám, như kiểu để lúa giống của người thiểu số, treo san sát vào nhau như một đám lông thú rậm rì”. Sự sung túc của cuộc sống con người còn thể hiện: “đôi chiếu đậu vắt trên xà nhà, chiếc phích nan tre Trung Quốc, bộ cối thủy tinh đặt trên chiếc đĩa nhôm, cái bàn gỗ tạp đóng lấy... và tranh ảnh. Tranh ảnh mua ở hiệu sách về, cắt ở trong các tờ họa báo ra dán la liệt trên mấy mặt tường trình sỏi đỏ...”

Khung cảnh làng quê đã dần thay đổi cùng với sự thay đổi của đất nước, không gian vì thế mà không còn bị bó hẹp trong phạm vi làng, được mở rộng hơn với những thị trấn, thị xã Thái Nguyên, Phú Thọ...

Bức tranh làng quê còn được Kim Lân khắc họa là làng quê của thời kì

cải cách rộng đất. Bức tranh vừa có những màu sắc tươi sáng. Trong Chị

Nhâm tác giả viết: “Nắng sáng lóa trước mặt một khoảng đồng ruộng bát ngát hiện ra rực rỡ. Những mái nhà, những vòm tre, những mảnh ruộng, những con

đường” Nhưng ở Nên vợ nên chồng lại là sự chuyển động của làng quê:

“Người từ các làng, ấp, trại, phố xá đổ ra mỗi lúc một đông, mỗi lúc một nhiều, cờ, ảnh, khẩu hiệu nhấp nhô. Đằng đông, mặt trời mới mọc đỏ rực trên đỉnh núi Khuôn Ngàn, ánh nắng buổi sớm, sáng hồng rải trên cánh đồng bát ngát”. Tuy vậy, không gian trong sáng tác của Kim Lân không thiếu những màu sắc u tối của một thời kì đất nước gặp nhiều khó khăn thử thách. Không

gian trở nên nặng nề và lặng lẽ lạ thường được thể hiện rõ trong Ông lão hàng

xóm.

Bức tranh làng quê hiện lên dưới ngòi bút của Kim Lân vừa hiện thực vừa mang những nét truyền thống văn hóa, những phong tục tập quán ngàn đời của người dân Việt Nam sau lũy tre làng. Bằng những nét chấm phá nhưng nhà văn Kim Lân đã giúp người đọc đến được với làng quê quê hương ông, làng quê Việt Nam. Đó là làng quê vừa chật hẹp nhưng cũng thật rộng lớn, đó là làng quê vừa thân thiết nhưng cũng rất mới mẻ. Bức tranh làng quê với phong cảnh của cuộc sống người nông dân hiện lên chân thực nhưng cũng đầy màu sắc. Trong khung cảnh làng quê ấy người nông dân không chỉ lao động để sống, để lưu giữ những phong tục tập quán, tín ngưỡng hội hè từ ngàn đời, mà ở đó họ còn thể hiện những khát vọng, ước mơ về cuộc sống tốt đẹp hơn.

Một phần của tài liệu Đề tài nông thôn trong sáng tác của Kim Lân (Trang 53 - 57)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(129 trang)