Các xung đột cơ bản

Một phần của tài liệu Đề tài nông thôn trong sáng tác của Kim Lân (Trang 58 - 62)

Qua khảo sát, tìm hiểu các sáng tác viết về đề tài nông thôn nhìn từ cảm hứng sử thi, người đọc nhận thấy ngoài tình yêu làng, yêu quê hương đất nước nhà văn Kim Lân còn đề cập đến một số xung đột cơ bản nảy sinh trong các làng quê ấy, đó là xung đột giữa địch - ta, xung đột giữa chính - tà được thể

hiện rõ nét trong các tác phẩm: Trả lại đòn, Con chó xấu xí, Ông lão hàng

xóm, Làng.

Trong Trả lại đòn nhân vật sư cụ trụ trì chùa Dận, sự đối lập được thể

hiện ngay trong câu chuyện giữa cụ và người khách lạ đến chùa. Qua câu chuyện ấy người đọc thấy được rõ sự xung đột giữa chính - tà. “Rượu càng say, câu chuyện càng đậm đà. Nhà sư luôn kể cho khách nghe những chuyện đâm chém người với đốt nhà lấy của. Những phen vào sinh ra tử, hay những lúc gặp địch thủ ngang tài ngang sức thì lão cười lên sằng sặc, cười đỏ mặt tía tai, cười rũ rượi xuống cả mâm rượu, rúm cả mấy cái sẹo trên má. Nhà sư có vẻ thích trí lắm, say sưa lắm, và hãnh diện với người đối diện mình. Dường như trong đời, lão lấy sự đâm chém người là cái thú để tiêu khiển” [37,tr.153].

“Sư cụ trụ trì chùa này được bao lâu rồi nhỉ?

- Lâu, lâu rồi, dễ có đến mười bảy, mười tám năm... Ôi chà! Sư với mô gì mình, ông bảo. Chẳng qua là nấp bóng cửa thiền làm ăn cho dễ đấy thôi, chứ thiết gì” [37, tr.154].

Trong ngôi chùa làng quê, đằng sau tiếng chuông chùa là sự mâu thuẫn ngay trong con người trụ trì chùa, từ lời ăn tiếng nói tới hành động, khác hẳn với người tu hành mà ta thường thấy. Bên cạnh đó, sự mâu thuẫn xung đột giữa chính - tà mà nhà văn nói tới là sự thâm thù đã lâu đời giữa làng Trang Liệt và làng Đồng Kỵ, để cứ đến vụ lúa là hai làng sang gặt trộm của nhau,

không giải quyết được xung đột ngày càng lớn để rồi phải dùng đến những ngón bí hiểm:

“- Sư cụ bị điểm huyệt rồi đấy. Sư Tuệ hoảng hốt:

- Trời ơi! Tôi... hừ hừ... tôi bị điểm huyệt, ông chánh? Rồi chợt nghĩ ra, lão vừa thở vừa rên rỉ:

- Không... tôi có bị... đòn nào đâu.

- Đích rồi, đây là ông bị trúng “điểm kim sương”

- Vậy à? Hừ hừ... hừ vậy ì... có cách nào chữa được không ông?” [37, tr.175].

ở truyện ngắn Con chó xấu xí, tác giả xây dựng hai hình tượng dường như đối lập nhau khá độc đáo. Con chó xấu xí bị cả nhà xem thường và anh chàng trí thức nửa mùa Nhược Dự lúc nào cũng khinh khỉnh coi thường mọi người, chỉ lăm le đợi con chó có da thịt hơn để cùng chủ thịt. Một bên là con vật khốn khổ hèn mọn, bên kia là con người. Thế mà sau những ngày chiến đấu chống càn, những ngày chạy giặc vất vả, con chó vẫn không bỏ chủ vẫn tìm về căn nhà cũ với bộ dạng xiêu vẹo, đáng thương, chỉ đủ sức lết lại phía chủ tỏ ý mừng rồi chết. Con chó ấy có tình có nghĩa biết bao. Trái lại với con chó xấu xí về thân xác mà đẹp đẽ trong tình cảm. Anh chàng Nhược Dự sau đợt đó đã ham sống sợ chết bỏ bạn bè, bỏ kháng chiến để đi theo giặc. Tác giả

mượn chuyện Con chó xấu xí để nói lên xung đột về lý tưởng yêu nước của

Tôi và thái độ bán nước làm tay sai của anh chàng Nhược Dự.

Tuy tác giả không trực tiếp nói thẳng ra nhưng người đọc nhận thấy ở đó sự ghê tởm trước sự phản bội của Nhược Dự, đúng là nhân cách của Nhược Dự không bằng một con chó có tình.

Nhân vật Đoàn trong tác phẩm Ông lão hàng xóm là người đi bộ đội đến

tận hòa bình mới về làng, anh là đảng viên, trong anh tràn ngập tinh thần yêu nước, chống lại cái sai trái, bênh vực lẽ phải. Anh không chịu được hành động

cửa quyền vô lối của anh cán bộ Đội, người mà giữa cuộc họp toàn dân dám tuyên bố trắng trợn: “... Chồng bảo vợ, cha bảo con, chú bảo cháu... Có những gì khai ra bằng hết! Nếu không thì... Anh đưa mắt nhìn khắp lượt, nhếch mép cười. Tôi tính rằng thừng mới mà nó thít vào bàn tay, ghì lại thì đến mả bố cũng phải bật lên!...Nói thật, chính phủ không thiếu gì tiền mà không xây thêm nhà tù mới!...[37, tr.349]. Nghe những lời như thế, nên giữa cuộc họp anh đã dũng cảm đứng lên chống lại công khai ý kiến của anh cán bộ Đội. Từ đó đã xuất hiện xung đột, mâu thuẫn ấy là mâu thuẫn giữa lý tưởng yêu nước và tay sai cho giặc, anh bị nghi là người của Việt Nam Quốc dân Đảng, Đoàn bị làng xóm và mọi người xa lánh, bị Đội xét hỏi. Tâm lý xa lánh Đoàn của xóm làng là tâm lý quen thuộc của người nông dân Việt Nam, họ biết đâu là phải, là trái, họ cũng nhìn ra được sự thật nhưng không ai dám đứng lên ủng hộ những con người bị oan khuất như Đoàn, họ sợ tai vạ cũng sẽ giáng xuống đầu mình, vì vậy họ đành sống thu mình vì lợi ích cá nhân. Hiểu được những mâu thuẫn, xung đột giữa các phe phái trong xã hội ấy, cũng là hiểu người nông dân đến tận cùng bản chất. Kim Lân đã khéo léo khắc họa chân dung của họ một cách đầy đủ và trung thực hơn. Nhà văn cũng nhận ra rằng bên cạnh những con người có mâu thuẫn với làng xóm như Đoàn vẫn có những người âm thầm bảo vệ, ủng hộ Đoàn. Họ là ông lão hàng xóm, người đêm đêm uống rượu đến khuya với con mèo già và hát những tích tuồng cũ. Dường như ông lão hiểu hết mọi nỗi oan trái mà Đoàn coi là mắc phải, ông cũng hiểu được sự rối ren phức tạp của Đội trong công tác cải cách ruộng đất, ông cũng là người hiểu thời thế.

Đoạn văn ông lão chia sẻ và an ủi Đoàn được nhà văn viết chân thực và cảm động:

“Tiếng ông lão hàng xóm thào thào gọi bên ngoài, hơi rượu xông vào nồng nặc:

Đoàn xích lại gần khe khẽ trả lời: - Anh vẫn đứng đấy à?

- Vâng.

- Chết thật!...Này, anh đã biết gì chưa? Bóng cái đầu khẽ đụng đậy.

- Anh Mùi bị bắt rồi đấy!...

- Mùi bị bắt rồi à? Đoàn hỏi dồn trong hơi thở, hai tai nghe ù ù. Bóng những mảng tối xoay xoay trước mặt, có những mảng xanh mảng đỏ...

- Bắt rồi. Bắt khi chiều. Anh Đoàn này! Anh cũng liệu mà giữ gìn đấy!... Có thế nào bên tôi có cái hầm đảm bảo được anh ạ” [37, tr.363 - 364].

Trong hoàn cảnh trớ trêu của thời cuộc, những người nông dân vẫn không ngừng yêu nước thiết tha. Họ yêu nước bằng tình yêu chân thực nhưng không hề mù quáng. Tin vào Đảng nhưng họ cũng nhận ra những sai lầm mà một số cán bộ, đảng viên của Đảng. Tuy họ không nói ra, nhưng vẫn ngấm ngầm thể hiện rõ quan điểm của mình. Nét tính cách của ông lão hàng xóm là một nét tính cách thường thấy của người nông dân: thâm trầm, kín đáo, sáng suốt, trọng nghĩa tình, chu đáo.

Hay trong tác phẩm Làng sự xung đột giữa địch và ta được nhà văn

khắc họa rõ nét qua nhân vật ông Hai. Tác giả thể hiện sâu sắc tình yêu làng quê và tình yêu nước ở ông Hai qua một mâu thuẫn: khi nghe tin làng theo giặc, hai tình cảm ấy đã dẫn đến một cuộc xung đột ngay trong con người ông Hai. Ông dứt khoát lựa chọn: Làng thì yêu thật, nhưng làng theo Tây thì phải thù. Tình yêu nước rộng lớn bao trùm lên trên tình cảm với làng quê.

Ông Hai đã bị đẩy vào tình thế bế tắc, tuyệt vọng khi mà mụ chủ nhà muốn đuổi gia đình ông đi. Đi đến đâu bây giờ? Không ai muốn chấp nhận cái làng “Việt gian” cũng không thể quay về làng “về làng tức là chịu quay lại làm nô lệ cho thằng Tây”. Có thể thấy mâu thuẫn xung đột giữa địch - ta, giữa lý tưởng yêu nước và làm tay sai cho giặc được nhà văn Kim Lân miêu tả cụ

thể, gợi cảm qua diễn biến nội tâm, qua ý nghĩ của người nông dân mà nhân vật ông Hai là tiêu biểu.

Viết về nông thôn, người nông dân, Kim Lân phát hiện ở họ có nhiều nét tính cách và tâm lý rất đặc trưng của người nông dân gắn bó với làng, với nước. Không chỉ viết về họ với tất cả những mặt đẹp, mặt tốt, nhà văn còn đề cập đến những xung đột, mâu thuẫn, những vấn đề chưa hay ở họ. Nhưng trên hết người đọc vẫn nhận thấy ở họ lung linh vẻ đẹp tâm hồn gắn bó tha thiết với đất đai, quê hương đất nước. Tinh thần yêu nước chứa chan là mạch ngầm chảy suốt lịch sử dân tộc ta. Tinh thần ấy ngấm vào mỗi con người Việt Nam chân chính và các nhà văn bằng tác phẩm của mình đã làm sống dậy tình cảm đặc biệt quý báu đó.

Một phần của tài liệu Đề tài nông thôn trong sáng tác của Kim Lân (Trang 58 - 62)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(129 trang)