Biểu tượng làng

Một phần của tài liệu Đề tài nông thôn trong sáng tác của Kim Lân (Trang 93 - 97)

Trong sáng tác của Kim Lân đề tài nông thôn, hình ảnh làng được trở đi trở lại nhiều lần và mang ý nghĩa biểu tượng. Biểu tượng làng được nhà văn Kim Lân đề cập, khai thác dưới nhiều góc độ khác nhau, có khi hiển hiện trực tiếp bằng cái tên, địa danh cụ thể, nhưng cũng có khi tồn tại dưới những dạng biến thể mang đặc điểm, sắc thái, linh hồn của làng quê.

Với cách biểu hiện trực tiếp, trong một số sáng tác Kim Lân nói tới biểu

tượng làng bằng những cái tên cụ thể như làng Trang Liệt (Đôi chim thành),

với thú chơi chim lưu giữ từ lâu đời, thu hút được nhiều nghệ nhân lão luyện,

sành sỏi trong làng, hay làng Cẩm Giang (Cầu đánh vật), làng Bính Hạ (Con

Mã Mái), làng Đại Sơn, Dưỡng Mông (Chó săn)... thú chơi gà chọi, chó săn.

Mỗi làng quê ấy, đều lưu giữ trong mình những nét đẹp về cảnh quan thiên nhiên, những nếp sống văn hóa hay những phong tục tập quán ngàn đời.

Có thể thấy thông qua biểu tượng làng nhà văn Kim Lân đã đưa người đọc đến với làng quê Việt Nam qua các thú chơi tao nhã như chọi gà, thả

chim, chơi chó săn, cây cảnh... với cách miêu tả tỉ mỉ, tường tận, qua đó người đọc thấy được sự quan sát kỹ lưỡng, vốn hiểu biết dày dặn của nhà văn về các thú chơi này.

Điều mà người đọc dễ nhận thấy hơn cả là biểu tượng làng trong sáng tác của Kim Lân được thể hiện cụ thể, sinh động qua những sinh hoạt, hội hè, những phong tục cổ xưa. Biểu tượng làng được nhà văn thể hiện qua các phong tục văn hoá từ ngàn đời. Qua đó thể hiện niềm tự hào về văn hoá dân tộc, đồng thời nhà văn cũng cảm nhận được sức mạnh của cộng đồng trong các truyền thống văn hoá đó. Nó không chỉ là kết quả trí tuệ, tài năng và sức mạnh của tập thể mà còn là nơi gắn kết cộng đồng, nơi tô đậm tình cảm giữa con người với con người, con người với thiên nhiên, với quê hương đất nước.

Trong các sáng tác viết về nông thôn, biểu tượng làng được hiện lên qua

các phong tục dân gian, có thể thấy trong tác phẩm: Con Mã Mái, Đôi chim

thành hay Chó săn... Đọc tác phẩm chúng ta thấy được thú chơi thả chim hay

chọi gà, chơi chó săn được tác giả tái hiện tỉ mỉ qua cách miêu tả từ cách nuôi, cách chăm sóc, cách chơi, qua đó thấy được sự quan sát tỉ mỉ, vốn hiểu biết dày dặn của tác giả về các thú chơi dân dã. Từ đó, người đọc nhận thấy cuộc sống thôn quê thanh bình êm ả, bao nỗi nhọc nhằn vất vả thường ngày giờ đây nhường chỗ cho những thú chơi thư giãn, lành mạnh. Không chỉ dừng lại ở đó, trong các sáng tác về phong tục làng quê ấy, Kim Lân còn chú ý miêu tả các

đám đông trong lễ hội để làm rõ tính cộng đồng ở thôn quê. ở Con Mã Mái

tác giả viết: “Khách mỗi lúc thêm đông, gian nhà vừa lụp xụp vừa chật chội bộn lên những tiếng người. Tiếng cười nói xôn xao ầm ĩ”. Hay “Cu Trạm lách qua vòng người chạy ra gọi đồ Thảo khoe rối rít trong khi ông này tưởng Mã Mái thua mười mươi chán nản ra ngồi hàng nước, chẳng buồn nhìn nhõi đến gà nữa ... Vòng người xô hẹp lại”.

Qua các sáng tác trên, ta có thể hình dung một nông thôn với nhiều phong tục đặc sắc được truyền lại từ nhiều đời. Biểu tượng làng không chỉ

biểu hiện ở các thú chơi đậm đà bản sắc dân tộc mà ta còn thấy ở đó một văn

hoá làng qua cách xư xử với nhau, tiếp đãi nhau. ở Đôi chim thành nội dung

xoay quanh thú chơi chim của ông Trưởng Thuận, người dân quê. Trưởng Thuận sành chơi chim như thế, bình thường không bao giờ ông thả chim trong điều kiện thời tiết xấu. Nhưng khách đến chơi toàn người mê thú chơi chim như ông, họ toàn là người hàng xóm, là các tay sành sỏi vì nể ông đáp lại yêu cầu của họ, thả chim cho họ xem mặc dù trong lòng còn ngần ngại. Cơn giông đến gió đánh bạt lồng chim làm ông ốm. Qua đó thấy được cách đối xử ân cần, nhiệt tình của gia chủ với khách.

Biểu tượng ấy còn được thể hiện một cách gián tiếp qua thú chơi cổ truyền, tinh thần thượng võ của nhân dân ta, đó là đấu vật, đánh võ. Biểu tượng làng không được gọi tên cụ thể như trên mà được nói đến qua các hoạt động văn hóa của làng, các địa điểm tổ chức hoạt động văn hóa ấy, đó là các

xới vật, xới võ. Trong Thượng tướng Trần Quang Khải - Trạng vật nhà văn đã

gợi lại không khí đậm chất văn hoá dân gian của những vùng quê đồng bằng Bắc Bộ vào những dịp lễ hội đặc sắc đầu xuân. Đánh vật, đấu võ là phong tục có từ lâu đời được nhân dân yêu thích. Nó không chỉ là thú vui mà bên cạnh đó còn rèn luyện sức khỏe, rèn luyện ý chí con người. Mỗi khi có hội vật, hội võ, người dân quê thường tới sân vật xem, cổ vũ cho đô vật mà mình yêu thích. Nhà văn tái hiện sinh động qua đoạn: “Trên một khoảng đất rộng ước chừng một sào ruộng đất cao, có cọc tre đóng xung quanh cho khỏi lở, dùng làm sới vật, lực sĩ các lộ thi nhau trổ tài. ở đây toàn những đô vật chọn lọc kỹ càng có tài, có sức cả”.

Đức Thái Tông Trần Cảnh cũng ngự xem, và có cả quan Thái sư Trần Thủ Độ cầm chầu cho thêm long trọng. Cờ xí, tàn quạt rợp trời. Nam phụ não ấu đứng vây quanh xem đông như kiến cỏ. Đô vật các lộ ngồi hai bên trên ghế chờ xướng đến tên là ra thi sức. Cứ lần lượt hết cặp này đến cặp khác ra vật”.

Với vốn hiểu biết phong phú về phong tục và tài quan sát các trò chơi dân gian mang tính chất văn hoá cộng đồng nơi thôn dã, Kim Lân đã làm hiện lên một làng quê với nhiều phong tục văn hoá lành mạnh cùng sự đam mê của dân nơi ấy một cách sinh động, đáng yêu. Cái không khí náo nức nhộn nhịp

của hội vật, hội võ còn được thể hiện trong Ông Cản Ngũ: “Năm ấy hội vật

Đền Đô vào đám to, tiếng đồn bay dậy khắp mọi vùng xứ Bắc, chính vì có tên ông Cản Ngũ về phá giải. Các sân vật, các tay đô vật những người thích ham mê môn vật, đâu đâu cũng nghe bàn bạc, sôi nổi về ông Cản Ngũ”.

Tiếng trống nổi lên dồn dập. Người tứ xứ đổ về đông như nước chảy. Ai ai cũng náo nức muốn được xem mặt, xem tài ông Cản Ngũ. Người ta chen lấn, quây kín quanh sới vật, nhiều người phải trèo lên cây trồi, cây nhội gần đấy xem cho rõ”.

Biểu tượng làng còn được thể hiện qua tình yêu và nỗi nhớ của người

dân quê đối với làng với nước. Tiêu biểu là các tác phẩm Làng, Bố con ông

gác máy bay trên núi Côi Kê, Bà mẹ Cẩn, Người chú dượng.

ở tác phẩm Làng, nhân vật chính là ông Hai, câu chuyện tưởng như chẳng có gì khi kể về việc gia đình ông Hai phải đi tản cư, xa làng, xa quê. Thời gian đầu ông hay đi khoe với mọi người về làng của ông với niềm tự hào khó giấu, sau đó nghe tin làng chợ Dầu của ông theo Tây ông hết sức đau khổ, đến nỗi chẳng thiết ra ngoài nữa. Khi cái tin đó được cải chính ông mới tự hào hồ hởi, vui vẻ. Tình yêu của ông với ngôi làng đã trở thành máu thịt, thành niềm tin và sức sống trong ông.

“Tây nó đốt nhà tôi rồi bác ạ. Đốt nhẵn! Ông chủ tịch làng tôi vừa mới lên trên này cải chính, ông ấy cho biết... Cải chính cái tin làng chợ Dầu chúng tôi đi Việt gian ấy mà! Láo! Láo hết! Toàn là sai sự mục đích cả”. “Chao ôi! Ông lão nhớ làng, nhớ cái làng quá”. Với mỗi người dân Việt Nam, có lẽ không có gì gắn bó với họ hơn mảnh đất họ sinh sống và làm chủ. Biểu tượng làng là phạm vi gắn kết của cả cộng đồng, là nơi mỗi cá nhân thể hiện quan hệ

của mình với làng xóm, họ mạc, người thân. Biểu tượng làng ngoài là phạm vi sinh hoạt rộng lớn, còn mảnh đất ngôi nhà là phạm vi sinh hoạt thu hẹp, ở đó mỗi cá nhân có quyền thể hiện tư cách làm chủ của mình.

Trong Bố con ông gác máy bay trên núi Côi Kê, tình yêu làng của ông

Tư Mủng thể hiện bằng tình yêu ngôi nhà, mảnh vườn, con lợn, con gà, cây chuối, những thứ rất đỗi bình dị hàng ngày của người nông thôn. Đối với ông Tư Mủng ngoài đứa con ông quí hơn mạng sống của mình thì mảnh đất nhà ông là thứ tài sản ông quí nhất đáng để ông bảo vệ nhất. Ông nói với con “Trước ngày đẻ con ra, bố mẹ lang thang xiêu dạt bao nhiêu năm giời không kiếm đâu ra được mảnh đất. Mình là con người nhà nông, rời mảnh đất ra là thấy ngay cái đói nghèo, cay cực rồi”.

Với ông Tư Mủng mảnh đất mà gia đình ông khai hoang chính là làng, là quê hương là cuộc sống, là tất cả những gì thân thiết nhất. Biểu tượng làng không chung chung trừu tượng, mà trở nên rất giản dị. ở đâu có những người như ông sinh sống lập nghiệp được là làng đấy, là gia đình đấy.

Bên cạnh những tên gọi làng cụ thể, làng trong sáng tác của Kim Lân còn được thể hiện qua những kiến trúc tiêu biểu của làng quê Việt Nam: Đền,

chùa, lăng, có thể kể đến chùa Vân Điềm, đền (Đuổi tà), chùa Dận (Trả lại

đòn) hay là lăng trong Làng.

Qua khảo sát, tìm hiểu các tác phẩm viết về đề tài nông thôn, chúng tôi nhận thấy biểu tượng làng được Kim Lân thể hiện trong tác phẩm khi thì cụ thể trực tiếp, nhưng có khi lại gián tiếp, tất cả đều toát lên làng là sự gắn bó giữa con người với con người, con người với cộng đồng, làng là cuộc sống, là cuộc sinh tồn, là phần hồn của mỗi con người. Cao hơn nữa làng chính là quê hương xứ sở, là đất nước, dân tộc.

Một phần của tài liệu Đề tài nông thôn trong sáng tác của Kim Lân (Trang 93 - 97)