Thực trạng xét duyệt và công nhận tổ chức tôn giáo

Một phần của tài liệu Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động tôn giáo ở tỉnh Long An trong giai đoạn hiện nay (Trang 66 - 69)

- Cơ sở vật chất tôn giáo bao gồm: Nơi thờ tự và các cơ sở vật chất

2.2.4.Thực trạng xét duyệt và công nhận tổ chức tôn giáo

Xét duyệt và công nhận tư cách pháp nhân tôn giáo theo đúng thẩm quyền pháp lý. Để bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng cho đồng bào có đạo, đáp ứng nhu cầu cần có một tổ chức tôn giáo để chăm lo việc đạo, đồng thời quản lý các tôn giáo theo Hiến pháp, pháp luật, ngăn chặn âm mưu đội lốt, giả danh tổ chức tôn giáo vì mục đích chính trị của các thế lực xấu, nhà nước đã cấp giấy đăng ký hoạt động và công nhận về mặt tổ chức cho 31 tổ

chức của 12 tôn giáo. Trong đó, 10 tôn giáo đã được chính thức thừa nhận tư cách pháp nhân. Đặc biệt, sau khi có Chỉ thị số 01/2005/CT-TTg về một số công tác đối với đạo Tin lành, đã có gần 1.000 chi hội Tin lành ở Tây Nguyên được công nhận và trên 100 điểm nhóm Tin lành ở khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc được cho phép đăng ký hoạt động [31]

Một số tổ chức tôn giáo đã được công nhận theo quyết định của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như: Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc) năm 1958, Hội đồng Giám mục Việt Nam (1980), Giáo hội Phật giáo Việt Nam (1981), Ban Đại diện cộng đồng Hồi giáo thành phố Hồ Chí Minh (1993), Hội thánh Cao đài Tiên Thiên (1995), Hội thánh Cao đài Minh Chơn đạo (1996), Hội thánh Chiếu minh Long châu (1996), Hội thánh Truyền giáo Cao đài (1996), Hội thánh Cao đài Tòa thánh Tây Ninh (1997), Hội thánh Cao đài Ban Chỉnh đạo (1997), Ban đại diện Phật giáo Hòa hảo (1999), Hội thánh Cao đài Chơn Lý (2000), Hội thánh Cao đài Cầu Kho Tam Quan (2000), Hội thánh Tin lành Việt Nam miền Nam (2001).

Tuy nhiên, các lần công nhận nói trên của nhà nước ta, có trường hợp văn bản nói rõ là công nhận tư cách pháp nhân như với các tổ chức Cao đài, nhưng cũng có trường hợp không nói trực tiếp như với Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nhưng ai cũng hiểu công nhận về mặt tổ chức tức là công nhận tư cách pháp nhân. Riêng Hội đồng Giám mục Việt Nam thành lập năm 1980, vì đặc thù của tổ chức tôn giáo này nên nhà nước đã chấp thuận quá trình vận động và tổ chức đại hội thành lập [35, tr.10].

Qua tìm hiểu các văn bản công nhận các tổ chức tôn giáo nói trên cho thấy chưa có sự thống nhất trong quyết định của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, ngay trong quyết định công nhận các tổ chức Cao đài cũng có

sự không thống nhất, bảy tổ chức được công nhận trước năm 1999 có quyết định về việc “công nhận tư cách pháp nhân”, còn hai tổ chức công nhận năm 2000 có quyết định về việc “công nhận tổ chức và hoạt động” là Cao đài Chơn Lý và Cao đài Cầu Kho - Tam Quan; với các tổ chức tôn giáo khác cũng có tình trạng tương tự, Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam) được “công nhận tư cách pháp nhân” năm 2001; Ban Đại diện Phật giáo Hòa hảo (nay là Ban Trị sự) được chấp thuận về “tổ chức và hoạt động” năm 1999. Ở Long An, Ban Tôn giáo đã tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh công nhận 2 tổ chức là Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương (2008) và Cao đài Vĩnh Nguyên Tự (2008).

Vấn đề đặt ra là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận các tổ chức tôn giáo cả trước và sau khi có Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo có đồng thời thừa nhận về pháp nhân của các tổ chức tôn giáo ấy theo quy định pháp luật dân sự và các tổ chức tôn giáo được công nhận thuộc loại pháp nhân nào. “Rõ ràng, vấn đề pháp nhân tôn giáo liên quan mật thiết đến việc quản lý hành chính và tài sản tôn giáo cũng như các quyền lợi khác về kinh tế, xã hội và văn hóa… của các tôn giáo.

Từ một số quy định của pháp luật về đất đai liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất của tổ chức tôn giáo thấy rằng, quyền sử dụng đất là một trong những tài sản của tổ chức, nhưng với những diện tích được nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất thì tổ chức tôn giáo không được sử dụng khi tham gia các giao dịch về bất động sản trong các quan hệ pháp luật của tổ chức tôn giáo (Điều 17, Luật Đất đai 2003); đặc biệt, với tài sản gắn liền trên đất là các công trình phục vụ cho sinh hoạt tôn giáo như nhà thờ, nhà chùa, thánh thất, thánh đường,v.v. về vật chất, các cơ sở tôn giáo được xác định là tài sản thuộc sở hữu chung của cộng đồng (Điều 220, Bộ Luật Dân

sự 2005); về tinh thần, cơ sở thờ tự của các tôn giáo là nơi tôn nghiêm, chỉ dành cho việc thờ phượng và sinh hoạt tôn giáo của cộng đồng dân cư là tín đồ; về lịch sử, trong đời sống tôn giáo của các tôn giáo ở Việt Nam hầu như chưa có tiền lệ nào về việc tài sản giao dịch trong các quan hệ pháp luật của tổ chức tôn giáo là các cơ sở thờ tự.

Một số quy định pháp luật có liên quan đến công nhận tổ chức tôn giáo và vấn đề pháp nhân, có thể nói khi công nhận các tổ chức tôn giáo, cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa làm rõ tổ chức tôn giáo có phải là một pháp nhân, và là loại pháp nhân nào theo quy định của pháp luật về dân sự. Từ đó, phát sinh những quan điểm không thống nhất về pháp nhân của tổ chức tôn giáo, có quan điểm cho rằng việc công nhận tổ chức tôn giáo đồng thời với việc mặc nhiên coi đó là một pháp nhân [35]. Quan điểm khác cho rằng việc công nhận tổ chức tôn giáo chỉ nhằm bảo đảm cho các tổ chức này được hoạt động tôn giáo trong khuôn khổ pháp luật, chứ không đồng thời với việc thừa nhận pháp nhân theo quy định pháp luật về dân sự của tổ chức tôn giáo được công nhận theo pháp luật về tôn giáo [30].

Một phần của tài liệu Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động tôn giáo ở tỉnh Long An trong giai đoạn hiện nay (Trang 66 - 69)