Khái niệm du lịch làng nghề.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu vai trò của quản lý Nhà nước đối với phát triển du lịch làng nghề ở Hà Nội (Trang 26 - 29)

- Về thời gian: Tài liệu và số liệu nghiên cứu chủ yếu là năm 2009, 2010, 2011 chú trọng thời gian từ năm 2003 đến 2011.

CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

1.2.1.1. Khái niệm du lịch làng nghề.

* Khái niệm về làng nghề:

Khái niệm làng nghề được hiểu là làng tuy vẫn diễn ra các hoạt động trồng trọt theo lối tiểu nông và chăn nuôi nhỏ lẻ, cũng có một số nghề phụ khác (đan lát, làm nương, làm chiếu….) song đã nổi trội lên một nghề cổ truyền, tinh xảo, với một tầng lớp thợ thủ công chuyên nghiệp hay bán chuyên nghiệp, có phường, có hội, có ông trùm, phó cả…cùng một số thợ chính và phó nhỏ đã chuyên tâm, có quy trình

công nghệ nhất định và sống chủ yếu bằng nghề đó. Họ sản xuất ra những mặt hàng thủ công có tính mỹ nghệ. Những sản phẩm này trở thành sản phẩm hàng hoá có quan hệ thông thương với thị trường trong nước và tiến tới mở rộng xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Những làng nghề này ít nhiều đã nổi danh từ lâu, có quá khứ hàng trăm năm. Tên làng cũng có khi đã đi vào lịch sử, ca dao tục ngữ…trở thành di sản văn hoá dân gian.

Như vậy, có thể thấy làng nghề là một thiết chế kinh tế - xã hội ở nông thôn, được tạo nên bởi hai yếu tố làngnghề, tồn tại trong một không gian địa lí nhất định, trong đó bao gồm nhiều hộ gia đình sinh sống với nguồn thu chủ yếu từ nghề thủ công, giữa họ có mối liên kết về kinh tế, xã hội và văn hoá.

Theo tác giả Đặng Kim Chi “Làng nghề là làng nông thôn Việt Nam có ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, phi nông nghiệp chiếm ưu thế về số lao động và thu nhập so với nghề nông” [6].

Có rất nhiều ý kiến và quan điểm khác nhau khi đề cập đến tiêu chí để một làng ở nông thôn được coi là một làng nghề. Theo Báo cáo môi trường làng nghề Việt Nam năm 2008 [4] của Bộ Tài nguyên môi trường, tiêu chí công nhận làng nghề gồm có 3 nội dung sau:

- Có tối thiểu 30% tổng số hộ trên địa bàn tham gia các hoạt động ngành nghề nông thôn.

- Hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định tối thiểu 2 năm tính đến thời điểm đề nghị công nhận.

- Chấp hành tốt các chính sách pháp luật của Nhà nước. Như vậy, các tiêu chí công nhận làng nghề gồm:

- Giá trị sản xuất và thu nhập từ phi nông nghiệp ở làng nghề đạt trên 50% so với tổng giá trị sản xuất và thu nhập chung của làng nghề trong năm; hoặc doanh thu hàng năm từ ngành nghề ít nhất đạt trên 300 triệu đồng.

- Số hộ và số lao động tham gia thường xuyên hoặc không thường xuyên, trực tiếp hoặc gián tiếp đối với nghề phi nông nghiệp ở làng ít nhất đạt 30% so với tổng số hộ hoặc lao động ở làng nghề có ít nhất 300 lao động.

- Sản phẩm phi nông nghiệp do làng sản xuất mang tính đặc thù của làng và do người trong làng tham gia.

* Khái niệm du lịch làng nghề.

Du lịch làng nghề là một hình thức của loại hình du lịch văn hóa. Để hiểu được khái niệm DLLN, trước tiên tác giả xin được đề cập về khái niệm du lịch văn hoá theo luật Du lịch Việt Nam năm 2005. Tại khoản 20, điều 4, chương 1, luật Du lịch có ghi rõ “Du lịch văn hoá là hình thức du lịch dựa vào bản sắc văn hoá dân tộc với sự tham gia của cộng đồng nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống” [35]. Từ đó chúng ta có thể hiểu được sản phẩm DLLN được hình thành dựa trên mối liên kết giữa ba đối tượng: Làng nghề - chủ thể cung ứng sản phẩm du lịch - đối tượng sử dụng sản phẩm DLLN. Vì vậy, DLLN mang ý nghĩa tổng hợp của ba chủ thể trên.

- Đứng trên phương diện người cung ứng: Là một quá trình xây dựng sản phẩm du lịch từ những yếu tố thuộc về làng nghề có khả năng đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng, các yếu tố bao gồm: yếu tố văn hóa (vật thể - phi vật thể), yếu tố nghề (sản phẩm, quá trình chế biến vật liệu, công cụ sản xuất…), yếu tố môi trường, nhân lực … kết hợp với năng lực tổ chức để hình thành sản phẩm DLLN bán và thực hiện cho khách du lịch nhằm mục đích thu lợi nhuận. Đối tượng cung ứng sản phẩm du lịch không trục tiếp tham gia sử dụng sản phẩm DLLN mà là người “sản xuất”, tổ chức tiêu thụ thông qua năng lực tổ chức và các nguồn lực làng nghề với mục đích đạt được tối đa các mục tiêu kinh tế.

- Người sử dụng các sản phẩm DLLN: Đó là khách du lịch trực tiếp tiêu thụ các giá trị văn hóa - tự nhiên - kinh tế - dịch vụ tại các làng nghề với mục đích phục hồi sức khỏe và nâng cao tại chỗ nhận thức về các đối tượng làng nghề. Đối tượng này đóng vai trò là “cầu” du lịch, tham gia hoạt động du lịch để thỏa mãn các nhu cầu, động cơ cá nhân và mang lại lợi ích kinh tế cho điểm tham quan - du lịch mà họ đến.

- Làng nghề: Đóng vai trò là nguồn tài nguyên du lịch nhân văn, là nơi tiến hành thực hiện sản phẩm du lịch, thỏa mãn nhu cầu của khách du lịch thông qua

việc cung cấp các sản phẩm hữu hình và vô hình nhằm mục đích mang lại lợi ích kinh tế cho làng nghề, bảo tồn nền văn hóa địa phương và đáp ứng các mục tiêu xã hội khác của làng nghề.

Như vậy, chúng ta có thể giới thiệu về cách hiểu DLLN như sau:

Du lịch làng nghề là loại hình du lịch khai thác các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, các sản phẩm do nghề thủ công của làng nghề tạo ra như là một đối tượng tài nguyên du lịch có giá trị, được khai thác để phục vụ cho nhu cầu vui chơi giải trí, nghiên cứu tìm hiểu văn hóa, tham quan du lịch của khách du lịch và nhân dân; mang lại lợi ích kinh tế cho địa phương và đất nước góp phần tôn vinh, bảo tồn giá trị truyền thống văn hóa và tăng cường vai trò kinh tế của làng nghề. [16]

Một phần của tài liệu Nghiên cứu vai trò của quản lý Nhà nước đối với phát triển du lịch làng nghề ở Hà Nội (Trang 26 - 29)