Điều kiện hình thành và phát triển du lịch làng nghề.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu vai trò của quản lý Nhà nước đối với phát triển du lịch làng nghề ở Hà Nội (Trang 29 - 35)

- Về thời gian: Tài liệu và số liệu nghiên cứu chủ yếu là năm 2009, 2010, 2011 chú trọng thời gian từ năm 2003 đến 2011.

CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

1.2.1.2. Điều kiện hình thành và phát triển du lịch làng nghề.

* Những điều kiện để một làng nghề trở thành làng nghề du lịch đó là:

Thứ nhất là các giá trị văn hóa làng nghề: Điều này thể hiện thông qua tính truyền thống của công nghệ và kỹ nghệ sản xuất, đó là kết quả của một quá trình kết tinh, truyền tải từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đặc thù sản phẩm của làng nghề không phụ thuộc vào dây chuyền sản xuất hiện đại, năng suất cao mà chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, bí quyết, tài hoa của người thợ chế tác đồ thủ công, sản phẩm sản xuất đơn lẻ từng chiếc do đó nó mang đậm dấu ấn tình cảm và cá tính của người thợ. Trong xu hướng quốc tế hóa mọi mặt của đời sống, giá trị văn hóa truyền thống có sức thu hút đặc biệt đối với khách du lịch, bởi vậy du lịch làng nghề là một cách tiếp cận với các giá trị văn hóa truyền thống, tìm hiểu nhân sinh quan, thế giới quan và quan niệm của người Việt Nam.

Thứ hai là các giá trị lịch sử: Làng nghề phải có tuổi nghề khá cao, sản phẩm thường gắn với đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân nên lưu giữ cả những yếu tố tín ngưỡng, phong tục tập quán của các làng nghề. Bởi vậy các làng nghề thường gắn kết với các lễ hội truyền thống, gắn

với cảnh quan thiên nhiên truyền thống của làng quê Việt Nam như bến nước, dòng sông, đình làng...

Thứ ba là mức độ tham gia của cộng đồng cao: Động cơ của khách du lịch khi lựa chọn đến các làng nghề là được tận mắt quan sát quá trình sản xuất và mua sắm sản phẩm thủ công, ngoài ra họ còn muốn tham gia vào đời sống sinh hoạt thường nhật của làng quê. Quá trình này đòi hỏi mức độ tham gia của cộng đồng là rất lớn, từ khâu hướng dẫn sản xuất, cho thuê cơ sở lưu trú, mời khách các món ăn truyền thống đến thuyết minh cho khách về phong tục tập quán truyền thống của làng mình. Bởi vậy, DLLN đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ giữa khách du lịch với người dân địa phương và với đơn vị kinh doanh du lịch. [5]

* Trong cuốn “Thực trạng và giải pháp phát triển du lịch làng nghề truyền thống Hà Tây” đã nêu các tiêu chí để xây dựng làng nghề du lịch gồm có:

- Làng nghề có sản phẩm thủ công độc đáo, đặc sắc, tinh xảo gắn liền với đội ngũ nghệ nhân.

- Có nơi sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ để biểu diễn quy trình sản xuất cho khách du lịch tham quan.

- Có các cửa hàng, gian hàng trưng bày và bày bán các sản phẩm của làng nghề tạo ra để khách du lịch xem và mua bán.

- Làng nghề có công trình văn hóa, lịch sử (cây đa, bến nước, sân đình...) - Công ty du lịch hoặc là đại diện của làng nghề du lịch có nhân viên thuyết minh, hướng dẫn khách du lịch trong quá trình tham quan sản phẩm, di tích lịch sử văn hóa của làng nghề.

- Làng nghề có cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ khách trong quá trình lưu lại tham quan sản phẩm của làng (bãi đỗ xe, nhà vệ sinh, nhà hàng ăn uống, lưu trú...).

- Cơ sở hạ tầng giao thông và mạng lưới giao thông thuận lợi, có bảng chỉ dẫn rõ ràng phục vụ khách tham quan.

- Tạo ra môi trường trong sạch, sản xuất sản phẩm không làm ô nhiễm môi trường.

- Thu nhập về du lịch chiếm ít nhất 25% tổng thu nhập của làng nghề. * Do vậy, điều kiện hình thành và phát triển du lịch làng nghề bao gồm:

- Vị trí địa lí:

Đây là yếu tố rất quan trọng, có ý nghĩa quyết định tới sự hình thành và đảm bảo sự tồn tại, phát triển lâu dài đối với bất cứ làng nghề du lịch nào ở nước ta.

Thực tế cho thấy, hầu hết các làng nghề đều nằm ở vị trí thuận lợi về giao thông đường thủy, đường bộ hoặc gần nguồn nguyên liệu. Tại các lưu vực sông Hồng, sông Chu, sông Cầu, sông Thương…đã quần tụ nhiều làng nghề du lịch, tạo thành các trung tâm sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ nổi tiếng. Nằm tại các đầu mối giao thông này cho phép các làng nghề chẳng những có thể dễ dàng chuyên chở vật liệu, trao đổi và bán sản phẩm với cả trong và ngoài vùng, mà đây còn là yếu tố tạo thuận lợi cho làng nghề trong việc đón du khách đến tham quan.

- Dân cư và lao động:

Là một trong những nguồn lực quan trọng nhất của sự phát triển kinh tế nói chung và làng nghề du lịch nói riêng. Dân số và quy mô dân số có ảnh hưởng lớn đến sự hình thành và phát triển các làng nghề du lịch. Tại những vùng nông thôn có mật độ dân số cao, diện tích đất nông nghiệp ít, thu nhập chủ yếu từ nông nghiệp nhưng khá thấp, tình trạng dư thừa lao động trong thời kì nông nhàn diễn ra thường xuyên, đã tạo điều kiện để hình thành các nghề phi nông nghiệp. Dần dần, từ các làng nghề phi nông nghiệp kiêm buôn bán, quá trình chuyên môn hoá sản xuất, tích tụ vốn, kinh nghiệm sản xuất đã dẫn đến các làng nghề chuyên nghề, các làng thủ công nghiệp kiêm buôn bán, làng nghề du lịch. Đây cũng chính là nguyên nhân giải thích tại sao Đồng bằng Bắc Bộ tập trung rất nhiều các làng nghề, làng nghề du lịch, làng nghề thủ công truyền thống...

Nghệ nhân, những người thợ thủ công và những chủ cơ sở sản xuất kinh doanh cũng có những ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển các làng nghề du lịch. Những nghệ nhân với đôi bàn tay khéo léo, đôi bàn tay vàng đã tạo nên những sản

phẩm quý giá, tinh xảo và độc đáo. Đó cũng là những sản phẩm văn hoá sống mãi với thời gian, góp phần làm vẻ vang cho dân tộc và các làng nghề du lịch, đó chính là bí quyết của làng nghề mình. Điều này không chỉ là dạy nghề mà còn là truyền nghề, bởi thế hệ nối tiếp chính là con, cháu, họ hàng của các nghệ nhân. Mỗi làng nghề thường có ba thế hệ thợ thủ công cùng tham gia sản xuất, kinh doanh, duy trì và phát triển ngành nghề này ngày càng thịnh vượng hơn. Chính tính đa dạng và khác biệt của các yếu tố kỹ thuật của các nghệ nhân đã tạo nên tính đa dạng, phong phú của các sản phẩm làng nghề du lịch, đáp ứng nhu cầu của của khách du lịch đến tham quan.

Hiện nay, ở nhiều làng nghề du lịch vẫn còn rất nhiều nghệ nhân tâm huyết với nghề, muốn gìn giữ và phát triển nghề. Bên cạnh đó, một lực lượng lao động dồi dào, cơ cấu lao động trẻ, có khả năng thích ứng với điều kiện mới của nền kinh tế thị trường đã trở thành nhân tố quan trọng quyết định đến sự kế tục và phát huy các làng nghề du lịch. Tuy nhiên, một hạn chế rất lớn là chất lượng nguồn lao động chưa cao, trình độ chuyên môn và trình độ văn hoá thấp, nhất là đối với các chủ doanh nghiệp, là một lực cản lớn trong việc thúc đẩy các làng nghề, đặc biệt là các làng nghề du lịch truyền thống.

- Sự biến động về thị trường khách du lịch:

Sự tồn tại và phát triển của làng nghề du lịch phụ thuộc rất lớn vào thị trường khách du lịch và sự biến động của nó. Những làng nghề du lịch có khả năng thích ứng với sự thay đổi của nhu cầu thị trường khách du lịch thường có tốc độ phát triển nhanh. Đó là những làng nghề du lịch mà sản phẩm của nó, có đủ sức cạnh tranh trên thị trường đáp ứng được sự tò mò, muốn tham quan tìm hiểu của khách du lịch và luôn đổi mới cho phù hợp với nhu cầu và thị hiếu người tiêu dùng. Điều này được chứng minh qua sự phát triển mạnh của một số làng nghề du lịch điển hình của Việt Nam như gốm sứ mỹ nghệ, chạm khắc gỗ, chế biến lương thực thực phẩm. Ngược lại, một số làng nghề du lịch không phát triển được, ngày càng bị mai một, thậm chí có nguy cơ mất đi vì nhiều lí do: Chưa đáp ứng được những đòi hỏi khắt khe của thị trường khách, thị trường du lịch ít sử dụng đến những sản phẩm đó (giấy

dó, tranh dân gian…..) Những làng nghề du lịch nhanh nhạy trong việc biến những sản phẩm của mình trở nên phù hợp hơn với thị hiếu của khách du lịch nhưng vẫn không làm mất đi nét truyền thống như gốm Bát Tràng, gỗ Đồng Kỵ, lụa Vạn Phúc... hiện nay đã mang lại bộ mặt mới cho nền kinh tế của làng nghề du lịch. Như vậy, thị trường có tác động mạnh tới phương hướng phát triển, cách tổ chức sản xuất, cơ cấu sản phẩm và là động lực thúc đẩy sản xuất của làng nghề du lịch phát triển. Mặt khác, thị trường biến động cũng sẽ làm sản xuất không ổn định.

- Kết cấu hạ tầng:

Kết cấu hạ tầng bao gồm hệ thống đường giao thông, cấp thoát nước, bưu chính viễn thông, nhà tiếp đón khách du lịch, nhà trưng bày sản phẩm để khách tham quan, nhà vệ sinh, bãi đỗ xe, các cơ sở lưu trú du lịch, của hàng ăn uống.... Thực tế đã chứng minh, các làng nghề du lịch chỉ phát triển mạnh khi có kết cấu hạ tầng đảm bảo và đồng bộ. Đây là yếu tố có tác dụng tạo điều kiện, tiền đề cho sự ra đời của các cơ sở sản xuất, tạo điều cho sự khai thác và phát huy tiềm năng sẵn có của làng nghề vào quá trình khai thác kinh doanh du lịch. Sự phát triển của yếu tố này sẽ đảm bảo sự vận chuyển và cung ứng nguyên vật liệu, tiêu thụ sản phẩm, mở rộng giao lưu hàng hoá, văn hóa, quảng bá sản phẩm của làng nghề tới khách hàng, đưa nhanh tiến bộ khoa học công nghệ vào trong sản xuất, đồng thời làm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Hệ thống thông tin liên lạc, bưu chính viễn thông sẽ giúp các doanh nghiệp nắm bắt các thông tin thị trường, đưa ra cách xử lí phù hợp và nhanh chóng nhất. Tuy nhiên, cho đến nay sự phát triển của các làng nghề du lịch vẫn gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng bởi sự yếu kém và không đồng bộ của hệ thống kết cấu hạ tầng.

- Nguồn vốn:

Đây là nguồn lực vật chất rất quan trọng đối với quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhiệm vụ chủ yếu của nguồn vốn là đầu tư phát triển sản xuất, đầu tư phát triển cơ sở vật chất và kết cấu hạ tầng tối thiểu đủ để phục vụ khách du lịch, đầu tư đổi mới công nghệ. Vì vậy, sự phát triển của làng nghề du lịch phụ thuộc rất lớn vào nguồn vốn huy động được. Trước đây nguồn vốn để làm ra sản phẩm của

các làng nghề du lịch chủ yếu là các hộ kinh doanh đơn lẻ vì vậy vốn ít, dẫn đến sản xuất quy mô nhỏ lẻ, manh mún, sức tăng trưởng chậm. Hiện nay, vấn đề này chở nên dễ dàng hơn nhờ sự đầu tư có chủ điểm của một số các công ty lớn nhằm khôi phục, giữ gìn và phát triển các sản phầm truyền thống.

- Nguồn nguyên vật liệu:

Yếu tố này có ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất của các làng nghề du lịch. Trước đây, gần nguồn nguyên liệu được coi là điều kiện tạo nên sự phát triển của các làng nghề. Tuy nhiên, hiện nay yếu tố này không còn quá quan trọng nhờ sự hỗ trợ tích cực của phương tiện giao thông và phương tiện kĩ thuật. Tuy nhiên, vấn đề khối lượng, chất lượng, chủng loại và khoảng cách của các nguồn nguyên liệu, vật liệu này vẫn có ảnh hưởng nhất định đến chất lượng và giá thành của sản phẩm. Những làng nghề du lịch sử dụng nguồn nguyên liệu từ tự nhiên như làng gốm (sử dụng đất thạch cao), làng chạm khắc gỗ (dùng gỗ)… thì ngày càng gặp khó khăn do nguồn nguyên liệu cạn dần, không đủ đáp ứng cho sự phát triển của làng nghề.

- Công nghệ và kĩ thuật sản xuất:

Về kĩ thuật, hầu hết các làng nghề đều sử dụng kĩ thuật truyền thống lâu đời do ông cha để lại. Mỗi làng đều có kĩ thuật riêng, kĩ thật ấy bao gồm nhiều công đoạn từ khâu khai thác, chế biến nguyên vật liệu đến khâu cuối cùng là hoàn chỉnh các sản phẩm để đưa ra thị trường. Trong đó bao gồm cả thủ pháp nghệ thuật. Tuy các làng nghề du lịch đều có công đoạn như nhau nhưng lại có những bí quyết riêng về kĩ thuật, tạo nên nét đặc trưng của từng nghề, từng làng. Riêng thủ pháp nghệ thuật thì đa dạng hơn do phụ thuộc vào sự sáng tạo và kinh nghiệm của mỗi nghệ nhân. Điều đó giải thích tại sao làng nghề này không thay thế được làng nghề kia, nghệ nhân này không thay thế được bởi nghệ nhân khác mặc dù họ làm cùng một nghề và cùng sản xuất sản phẩm như nhau.

- Cơ chế chính sách:

Trong quá trình hình thành và phát triển, các làng nghề du lịch nhất thiết phải dựa vào hệ thống chính sách và pháp luật của Nhà nước. Những chủ trương, chính sách kinh tế vĩ mô của Nhà nước có ảnh hưởng rất lớn tới sự tồn tại hay suy vong

của các làng nghề du lịch. Điều này được minh chứng trong lịch sử nước ta, từ thời Lý- Trần, khi hàng hoá thủ công và nông nghiệp dồi dào, nhà vua đã cho phép mở cảng Vân Đồn, Vạn Ninh để trao đổi và buôn bán hàng hoá. Nhà nước phong kiến cũng rất khuyến khích nông dân làm và sử dụng các sản phẩm trong nước. Các nghệ nhân, thợ tài giỏi được tôn vinh, hậu đãi. Qua nhiều thăng trầm trong lịch sử, đến bây giờ các làng nghề được chấn hưng và phát triển.

Những năm gần đây, chính sách mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế hay chính sách miễn thị thực cho khách du lịch từ một số nước đến Việt Nam đã tạo điều kiện để các làng nghề du lịch mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm và thị trường khách du lịch.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu vai trò của quản lý Nhà nước đối với phát triển du lịch làng nghề ở Hà Nội (Trang 29 - 35)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(116 trang)
w