- Sở Tài nguyên và Môi trường:
3.2.1. Định hướng không gian du lịch.
Hiện nay, làng nghề Việt Nam nói chung, làng nghề Hà Nội nói riêng chưa đủ các điều kiện để hình thành một tour DLLN. Do đó, để phát triển hoạt động kinh doanh làng nghề gắn với du lịch trong thời gian tới cần tập trung đưa làng nghề gắn với các tuyến, điểm du lịch của Hà Nội và một số điểm du lịch nổi tiếng gần Hà Nội; liên kết với một số địa phương có các làng nghề nổi tiếng trong vùng đồng bằng sông Hồng như: Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương v.v...
* Phát triển làng nghề gắn với các tuyến du lịch
Các làng nghề có điểm chung là thường nằm theo các trục đường giao thông cả đường bộ lẫn đường sông. Đây chính là điều kiện thuận lợi cho việc phát triển gắn với các tuyến du lịch. Để khắc phục tình trạng bất cập của du lịch nói chung, du lịch làng nghề nói riêng, Hà Nội nên “bắt tay” hợp tác với các địa phương giàu tiềm năng du lịch như thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Nam, Quảng Ninh, Huế, Lào Cai, Ninh Bình, Thanh Hóa, Đăk Lăk...để phát triển. Trong đó, Hà Nội nên tổ chức du lịch làng nghề kết hợp với các tuyến du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch về cội nguồn, du lịch nông nghiệp.
* Phát triển các làng nghề gắn với các điểm du lịch, các di tích lịch sử Hà Nội cần tập trung đầu tư phát triển các làng nghề du lịch với các điểm du lịch, các di tích lịch sử. Hà Nội cũng nên lồng ghép tham quan làng nghề vào các lịch trình du lịch của khách hình thành nên các tuyến du lịch địa phương đa dạng. Với hệ thống di tích lịch sử gồm nhiều đình, chùa, miếu, đền... nổi tiếng trong và ngoài nước; các món ăn đặc trưng của các vùng nông thôn, Hà Nội có thể xây dựng
các chương trình du lịch khám phá, tìm hiểu văn hoá Hà Nội; trong đó có các làng nghề, đặc biệt là những làng nghề truyền thống.
Căn cứ vào dự thảo Quy hoạch phát triển du lịch đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 cùng đặc điểm tài nguyên, vị trí địa lý, điều kiện kinh tế xã hội và cơ sở hạ tầng của các làng nghề, các tuyến du lịch làng nghề gắn với tham quan di tích lịch sử - văn hóa được tổ chức như sau:
- Tuyến Hà Đông - Thường Tín - Phú Xuyên:
Đây là tuyến du lịch được tổ chức theo quốc lộ 1A để đến với những làng nghề và di tích của hai huyện Thường Tín và Phú Xuyên. Các điểm du lịch chủ yếu trên tuyến này gồm: làng dệt lụa Vạn Phúc, làng sơn mài Hạ Thái, làng nghề mây tre đan Ninh Sở, làng tiện Nhị Khê, làng thêu ren Quất Động, làng mộc Vạn Điểm, làng khảm trai Chuyên Mỹ, chùa Đậu và nhà thờ Nguyễn Trãi.
- Tuyến Hà Đông - Thanh Oai - Chương Mỹ:
Là tuyến du lịch được tổ chức theo trục quốc lộ 21B và 6A nối các điểm du lịch của hai huyện Thanh Oai và Chương Mỹ. Các điểm du lịch chủ yếu trên tuyến này gồm: Làng dệt lụa Vạn Phúc - nón làng Chuông - làng quạt Vác - chùa Bối Khê - chùa Trầm - chùa Trăm Gian - mây tre đan Phú Vinh.
- Tuyến Trung tâm Hà Nội – Gia Lâm – Sóc Sơn:
Các điểm du lịch chủ yếu trên tuyến này gồm các di tích nổi tiếng của thủ đô, làng nghề truyền thống nổi tiếng của Gia Lâm và Đền Gióng của Sóc Sơn: đền Ngọc Sơn - cầu Thê Húc - chùa Một Cột– làng gốm Bát Tràng - Đền Gióng.
* Đưa thêm một số làng nghề vào khai thác du lịch
Hà Nội có thể làm phong phú thêm các tour DLLN bằng việc đưa thêm một số làng nghề như: làng hoa Tây Tựu, cốm làng Vòng, làng lồng chim Dân Hoà, v.v...,những làng nghề này sẽ mang một hình ảnh mới cho DLLN Hà Nội.