- Về thời gian: Tài liệu và số liệu nghiên cứu chủ yếu là năm 2009, 2010, 2011 chú trọng thời gian từ năm 2003 đến 2011.
CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
1.2.2. Các đặc trưng, tính chất của du lịch làng nghề.
* Tiêu chí phân biệt làng nghề du lịch với các làng nghề thông thường:
Dưới đây là một vài tiêu chí để nhận biết làng nghề du lịch so với làng nghề thông thường:
- Có hoạt động du lịch tương đối phát triển với:
+ Kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất – kỹ thuật dành cho du lịch đạt chất lượng và số lượng tương xứng với hoạt động du lịch. Đường vào làng nghề, đến các điểm di tích lịch sử văn hóa đã được xây dựng và đạt tiêu chuẩn; đường nội bộ, hệ thống các công trình như bệnh viện - trạm y tế, bưu điện, bến xe …phù hợp với số lượng khách du lịch đến tham gia làng nghề và hoạt động của nhân dân trong làng. Một số công trình liên quan đến hoạt động của nhân dân trong làng. Một số công trình liên quan trực tiếp đến hoạt động du lịch được khuyến khích phát triển: nhà trưng bày và giới thiệu về làng nghề trong đó có các hiện vật về văn hóa - lịch sử làng nghề, công cụ sản xuất truyền thống (canh cửi, máy dệt thô sơ, nong - né để nuôi tằm, bàn quay gốm…), các sản phẩm độc đáo của làng nghề… Những công trình này có năng lực hỗ trợ rất mạnh cho hoạt động hướng dẫn du lịch tại các điểm làng nghề.
+ Số lượng khách tham quan du lịch khá đông đảo: so sánh với số lượng khách đến làng nghề với mục đích tìm kiếm cơ hội kinh doanh, số lượng khách có động cơ du lịch thuần túy thường cao hơn.
+ Lượng sản phẩm thủ công - mỹ nghệ được bán trực tiếp tại làng nghề là tương đối lớn và được khách du lịch mua làm đồ lưu niệm là chính. Tại những cửa hàng có bán đồ lưu niệm hàng hóa xuất xứ từ làng nghề và rất được ưa chuộng với khách tham quan, du lịch đến điểm đó.
+ Xuất hiện các nhân tố xã hội liên quan đến du lịch: Có mặt các công ty lữ hành, cường độ xuất hiện khách du lịch cao, các hình thức cơ sở lưu trú cho thuê đối với khách du lịch (khách sạn, nhà nghỉ, homestay…), các dịch vụ ăn uống và dịch vụ hỗ trợ khác. Những hoạt động này có thể xảy ra thường xuyên hoặc hiếm hoi. Đây là những tiêu chí cơ bản để xác định làng nghề có khả năng thu hút và phát triển hoạt động du lịch hay không.
+ Một bộ phận lao động địa phương tham gia thị trường lao động du lịch - dịch vụ như: thuyết minh viên, nhân viên của điểm bán đồ lưu niệm, nhân viên khách sạn - nhà hàng, công ty lữ hành… Một số hộ có tiềm năng kinh tế đã tự thành lập doanh nghiệp tổ chức hoạt động du lịch kết hợp với công việc đảm nhận khâu trung gian tiêu thụ sản phẩm thủ công cho làng nghề.
- Các hoạt động văn hóa của làng nghề không chỉ diễn ra với mục đích đáp ứng nhu cầu về tín ngưỡng tâm linh, giải trí thuần túy của dân làng mà được thực hiện cùng với mục đích kinh tế, mang lại lợi nhuận cao cho làng nghề, đặc biệt đối với các lễ hội dân gian đầu năm, lễ tế rước, giỗ tổ nghề, các hình thức biểu diễn dân gian (hát Dô, hát chèo Tàu, múa rối nước) không chỉ được tổ chức một cách hiếm hoi mỗi năm một hoặc hai lần theo tập quán và quy ước cũ mà có thể được thực hiện thường xuyên để bán vé và thu hút khách du lịch đến tham quan, chi tiêu tại làng nghề.
+ Đã hình thành các tuyến, chương trình du lịch và cường độ thực hiện tương đối cao, được tổ chức không chỉ trong phạm vi của địa phương mà còn là một trong những điểm đến có sức hút cao đối với thị trường các địa phương lân cận khác. Hoạt động du lịch không chỉ bó hẹp trong không gian của làng và phát triển một cách bị động mà còn được mở rộng khai thác sang các điểm du lịch khác.
+ Thu nhập từ du lịch trong tổng thu nhập của làng nghề là tương đối cao so với thu nhập từ hoạt động sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ đơn giản và sản xuất nông nghiệp. Tại các làng nghề có mối liên hệ chặt chẽ giữa các ngành nghề du lịch - thủ công - nông nghiệp.
* Đặc trưng – tính chất của du lịch làng nghề:
Sản phẩm DLLN có tính văn hóa, xã hội rất cao và được xây dựng dựa trên những đặc điểm cơ bản của làng nghề truyền thống. Ngoài những đặc điểm chung của sản phẩm du lịch là tính không lưu kho được, quá trình sản xuất và sử dụng diễn ra cùng thời điểm …, du lịch làng nghề truyền thống có những đặc trưng riêng về thị trường và vị trí trong ngành du lịch đó là:
- Sản phẩm DLLN chủ yếu được xây dựng dựa vào nguồn tài nguyên du lịch phi vật thể của làng nghề: đó là bề dày lịch sử, giá trị thẩm mỹ - kỹ thuật sản xuất sản phẩm của làng nghề thủ công truyền thống. Đối với DLLN, yếu tố tự nhiên và sự có mặt của tài nguyên du lịch tự nhiên đóng vai trò thứ yếu chỉ hỗ trợ cho yếu tố văn hóa. Từ đặc trưng trên, đối tượng tham gia du lịch đến với làng nghề cũng có động cơ rất riêng là động cơ nghiên cứu và tìm hiểu văn hóa.
- DLLN chỉ là điểm tham quan trong ngày: do hệ thống cơ sở lưu trú, ăn uống, vận chuyển ít xuất hiện. Nếu có xuất hiện thì hình thức thông dụng nhất là cho khách lưu trú và ăn uống ngay tại nhà chủ hộ sản xuất (homestay).
- Mức độ tham gia của cộng đồng cao: Động cơ của khách du lịch khi lựa chọn đến các làng nghề là được tận mắt quan sát quá trình sản xuất và mua sắm sản phẩm thủ công; ngoài ra họ muốn được tham gia vào sinh hoạt, lối sống bình thường của người dân trong làng và tìm hiểu những nét văn hóa truyền thống của làng quê. Quá trình này đòi hỏi mức độ tham gia của cộng đồng là rất lớn; từ khâu hướng dẫn sản xuất, cho thuê cơ sở lưu trú tại nhà, mời khách các món ăn truyền thống và thuyết minh cho khách hiểu về phong tục của làng.
Yếu tố hình thành chất lượng sản phẩm DLLN ngoài việc dựa vào khả năng tổ chức của các đơn vị du lịch chuyên nghiệp còn phần lớn phụ thuộc vào thái độ cởi mở của dân làng và sự tham gia của người dân địa phương đối với du khách
cũng như trong hoạt động du lịch. Nhìn chung, đây là hình thức du lịch mang tính xã hội cao; tạo nên mối tương tác chặt chẽ giữa người dân địa phương, khách du lịch, các đơn vị kinh doanh du lịch.
- Tính thời vụ thấp: Du lịch văn hóa luôn có tính mùa vụ thấp do chịu ít sự tác động của yếu tố tự nhiên như khí hậu, sự xuống cấp môi trường… Vì vậy, DLLN là loại hình du lịch có thể được khai thác bất kỳ thời điểm nào trong năm. Tuy nhiên nếu đóng vai trò là một điểm trong chương trình du lịch khai thác nhiều điểm khác nhau, làng nghề vẫn phải chịu ảnh hưởng của tính mùa vụ du lịch do sự thay đổi về dòng khách từ các điểm du lịch có tính thời vụ cao khác.