1.3.1. Quản lý kế hoạch, chương trình giảng dạy
Kế hoạch dạy học chính là kế hoạch của môn học, bài học theo từng thời gian nhất định. Trong đó xác định mục tiêu, nội dung môn học, hoạt động của giáo viên và học sinh, các phương tiện hỗ trợ cho bài học…
Chương trình dạy học là văn bản do Bộ giáo dục và Đào tạo ban hành, trong đó quy định cụ thể mục đích, mục tiêu mỗi môn học, phạm vi và hệ thống nội dung môn học, số tiết dành cho môn học nói chung và dành cho từng phần, chương môn học. Về cấu trúc, chương trình môn học gồm 4 phần như mục tiêu môn học, nội dung môn học, định hướng phương pháp dạy học môn học và kiểm tra, đánh giá môn học. Chương trình giảng dạy là căn cứ để Bộ giáo dục và Đào tạo thực hiện việc chỉ đạo, giám sát và thanh tra hoạt động giảng dạy của nhà trường, và còn là căn cứ để mỗi cơ sở trường học, giảng viên triển khai hoạt động giảng dạy và sinh viên tiến hành học tập. Vì vậy việc nắm vững chương trình giảng dạy là nhiệm vụ của tất cả các cán bộ quản lý nhà trường, của cả giảng viên và sinh viên.
Ở bậc đại học, chương trình đào tạo được dựa trên chương trình khung của Bộ giáo dục và Đào tạo, có chỉnh sửa, đáp ứng mục tiêu và phù hợp với đặc trưng của từng trường. Vì thế nội dung chương trình mang tính ổn định tương đối và mang tính pháp nhân.
Nội dung chương trình được cụ thể hóa dưới dạng giáo trình, tài liệu tham khảo bộ môn. Giảng viên đại học có trách nhiệm viết giáo trình, tài liệu tham khảo bộ môn và nhà trường có trách nhiệm in, phát hành sau khi đã hoàn tất các thủ tục về thẩm định, biên tập. Có giáo trình được lưu hành rộng rãi, có giáo trình lưu hành nội bộ tùy theo tính chất, chất lượng của giáo trình
Quản lý kế hoạch, chương trình giảng dạy học là quản lý việc dạy học đúng, dạy đủ chương trình quy định. Thực hiện yêu cầu này, Hiệu trưởng hoặc Trưởng khoa phải làm một số việc sau:
- CBQL và giảng viên phải nắm vững chương trình, không được tùy tiện thay đổi, thêm, bớt hoặc làm sai lệch nội dung chương trình giảng dạy. Việc nắm vững chương trình giảng dạy là tiền đề bảo đảm hiệu quả quản lý hoạt động giảng dạy. Cụ thể, cần nắm vững những vấn đề sau:
+ Những nguyên tắc cấu tạo chương trình giảng dạy của bậc học, trường học
+ Nguyên tắc cấu tạo chương trình môn học, phạm vi kiến thức từng môn
+ Phương pháp giảng dạy đặc trưng của từng môn. + Kế hoạch giảng dạy từng môn
- Yêu cầu giảng viên lập kế hoạch giảng dạy môn học. Kế hoạch sau khi xây dựng cần trao đổi kỹ trong tổ chuyên môn.
- Bảo đảm thời gian quy định của chương trình (biên chế năm học). Nghiêm cấm việc cắt xén chương trình để dành thời gian cho hoạt động khác.
- Hiệu phó và phó hiệu trưởng phải theo dõi việc thực hiện chương trình hàng tuần, hàng tháng của giảng viên.
- Sử dụng các phương tiện hỗ trợ cho việc theo dõi như bảng biểu, sổ sách, phiếu báo giảng bài, sổ dự giờ, sổ ghi đầu bài hay lịch kiểm tra học tập…
Thực hiện chương trình ở các trường đại học cũng tuân thủ theo các yêu cầu về số lượng môn học, thời lượng cho từng môn và dung lượng kiến thức của từng môn nhưng mang tính mở hơn, cụ thể có thể thay đổi môn học trong chương trình hay thời lượng của từng môn bằng việc thay đổi các chuyên đề tự chọn sao cho vẫn đảm bảo khối lượng kiến thức và thời gian đào tạo. Việc thay đổi chương trình như trên được dựa trên chất lượng đầu ra của nhà trường và những thông tin phản hồi từ phía thị trường sử dụng sức lao động và từ người học.
1.3.2. Quản lý phân công giảng dạy
Phân công giảng dạy thực chất là công tác tổ chức của cán bộ quản lý dựa trên năng lực, trình độ của từng GV để phân công cho phù hợp. Việc phân công này phải tạo điều kiện cho các GV được thể hiện mình trong tập thể sư phạm một cách tốt nhất, từ đó tạo niềm tin cho các GV trong nghề nghiệp. Phân công giảng dạy là một công việc hết sức quan trọng, nó sẽ ảnh hưởng đến tâm tư, tình cảm, tư tưởng của cá nhân và đơn vị, phát huy hay kìm hãm năng lực của GV trong giảng dạy.
Các biện pháp quản lý phân công giảng dạygồm:
- Nắm vững đặc điểm chuyên môn của từng GV, năng lực, trình độ của từng người;
- Xác định hình thức phân công GV; - Định chuẩn phân công GV;
- Phân công giảng dạy theo đúng chuyên môn và trình độ được đào tạo, có chú ý đến hoàn cảnh, của từng giảng viên như phụ nữ có con nhỏ, nhà xa trường…
- Phân công ít nhất có hai GV trở lên đảm nhận một môn trong chương trình giảng dạy để có thể giúp đỡ và hỗ trợ lẫn nhau. Mỗi GV có thể đảm nhận từ 2-3 môn gần nhau trong chuyên ngành được đào tạo
- Đảm bản sự cân đối, kế thừa giữa các GV trong cùng một chuyên sâu môn sâu.
1.3.3. Quản lý công tác chuẩn bị kế hoạch giảng dạy
Hoạt động giảng dạy bao gồm các công đoạn như lập kế hoạch giảng dạy, triển khai kế hoạch giảng dạy ở trên lớp và kiểm tra đánh giá kết quả học tập của SV. Vì thế, quản lý hoạt động giảng dạy buộc phải quản lý từng công đoạn của quy trình giảng dạy của GV, trong đó công đoạn đầu tiên là việc chuẩn bị lên lớp thông qua việc chuẩn bị kế hoạch giảng dạy.
Chuẩn bị kế hoạch giảng dạy là khâu rất quan trọng, giúp cho GV chuẩn bị được nội dung bài học và chủ động được thời gian giảng dạy trên lớp. Trên cơ sở nghiên cứu kĩ chương trình, kế hoạch giảng dạy, đọc và phân tích kĩ nội dung môn dạy, Hiệu trưởng hoặc Trưởng khoa cần phổ biến đến GVcác việc làmdưới đây nhằm quản lý tốt việc chuẩn bị kế hoạch bài dạy:
- Xây dựng các quy định thống nhất về kế hoạch dạy học, kế hoạch bài dạy. Một kế hoạch bài dạy được thiết kế tốt sẽ giúp giảng viên tự tin, chủ động triển khai ở trên lớp đạt chất lượng cao. Hiệu trưởng hoặc Trưởng khoa cần phổ biến hoặc tập huấn cho giảng viên những yêu cầu cần thiết để lập kế hoạch bài dạy như:
+ Nhận dạng bài dạy (bài dạy lý thuyết hay bài dạy kỹ năng) + Viết mục tiêu bài dạy (kết quả cần đạt đến của bài dạy)
+ Thiết kế bài dạy, bao gồm nội dung, phương pháp, phương tiện, hình thức tổ chức
- Chỉ đạo tổ chuyên môn xác định thống nhất hệ thống mục tiêu, chuẩn kiến thức bài dạy, trao đổi phương hướng giảng dạy từng bài, những bài khó, những tư liệu mới cần bổ sung vào bài dạy, những thiết bị cần thiết cho bài dạy.
- Xây dựng các tiêu chuẩn đánh giá bài dạy, xếp loại kế hoạch bài dạy, kế hoạch môn dạy
- Kiểm tra định kỳ và đột xuất việc lập và sử dụng hiệu quả kế hoạch bài dạy, kế hoạch môn dạy
1.3.4. Quản lý thực hiện kế hoạch giảng dạy
Thực hiện kế hoạch dạy là hoạt động lên lớp của GV, nó không chỉ là việc GV triển khai kế hoạch bài dạy đã thiết kế ở trên lớp, mà còn thể hiện tài nghệ sư phạm của GV trước các tình huống cụ thể trong lớp học. Qua việc lên lớp, GV có dịp nhìn lại kỹ năng dạy học của mình từ đó mà điều chỉnh, rèn luyện bản thân, nâng cao năng lực sư phạm của mình.
Nhà tâm lý học John Deway đã nhấn mạnh rằng: “việc học để làm GV và trở thành GV thành đạt trong nghề không thể xảy ra như một phép lạ, nó không chỉ phụ thuộc vào sự cố gắng của bản thân mà còn phụ thuộc vào mối quan hệ tương tác giữa giáo viên và các đồng nghiệp của họ” [24]
Quản lý hoạt động lên lớp của GV thông qua hoạt động dự giờ và góp ý về bài dạy của đồng nghiệp. Hơn nữa, việc dự giờ dạy của những GV có nhiều kinh nghiệm và đả thành công trong công tác giảng dạy sẽ giúp cho các GV khác, nhất là đối với những GV trẻ mới bước vào nghề học hỏi được những kinh nghiệm hay để vận dụng vào việc cải tiến việc lên lớp của bản thân. Để quản lý tốt việc dự giờ, Hiệu trưởng hoặc Trưởng khoa cần hướng dẫn tổ bộ môn và giảng viên các yêu cầu dưới đây:
- Quán triệt tinh thần khoa học, trách nhiệm nghề nghiệp trong dự giờ và góp ý giờ dạy; xây dựng mối quan hệ tin cậy và giúp đỡ lẫn nhau trên tinh thần khoa học, xây dựng, đoàn kết giữa các GV trong tập thể sư phạm của khoa, của trường
- Xây dựng tiêu chuẩn đánh giá cho từng loại bài dạy đối với từng môn. Đây là công việc chung của tập thể sư phạm nhà trường, nhất là tổ chuyên môn. Tiêu chuẩn đánh giá khoa học không chỉ là cơ sở đánh giá đúng bài dạy, mà còn làm cơ sở để giảng viên phấn đấu, rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề, dù cho đó là những tiêu chuẩn quy định tối thiểu, cơ bản, cần thiết. Ví dụ:
+ Về mục tiêu: mục tiêu bài dạy có xác định hướng vào người học, mục tiêu bài dạy được xác định đúng, đủ, ngắn gọn, rõ ràng, mục tiêu bài dạy thực hiện được, đo lường được.
+ Về nội dung: kiến thức của bài dạy có đáp ứng đúng mục tiêu và phù hợp với đặc điểm, khả năng của SV trong lớp học cụ thể, có kiến thức cơ bản và kiến thức mở rộng, kiến thức nâng cao dành cho SV giỏi, có kiến thức cũ dành cho SV hổng kiến thức, có bài luyện tập trên lớp và bài tập ở nhà, kiến thức được sắp xếp theo trình tự hợp lý tuân theo logic khoa học, logic sư phạm theo thời gian và theo công việc
+ Về phương pháp: phương pháp được lựa chọn phù hợp với nội dung và đáp ứng được mục tiêu bài dạy, phương pháp được sử dụng linh hoạt khéo léo để duy trì giao tiếp tích cực giữa giảng viên và SV, ưu tiên sử dụng các phương pháp dạy học phát huy tính tích cực nhận thức của SV. Dạy học trong thời đại hiện nay đòi hỏi phải đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích cực hóa người học có sự hỗ trợ của đa phương tiện. Vì thế nhiệm vụ dạy học quan trọng ở đại học là dạy phương pháp cho SV: phương pháp tự học, phương pháp nghiên cứu. Việc dạy phương pháp học tập – nhận thức cho SV
được thực hiện trong chính quá trình hình thành khái niệm khoa học ở SV chứ không tách riêng thành một khâu, bài dạy trong hoạt động dạy học. Vì thế, GV dạy ở đại học phải là người có kiến thức và kỹ năng về tự học, nghiên cứu khoa học, có nhiều kinh nghiệm về tự học và nghiên cứu khoa học, tự học và nghiên cứu khoa học thành công. Có như vậy mới có thể hướng dẫn SV tự học và nghiên cứu khoa học trong chính hoạt động dạy học bộ môn. GV dạy đại học phải biết cách tổ chức hoạt động dạy học sao cho SV chiếm lĩnh tri thức và rèn luyện kỹ năng tự học, nghiên cứu khoa học.
+ Về phương tiện và kỹ thuật dạy học được lựa chọn phù hợp với điều kiện dạy học của nhà trường và khả năng của GV, ứng dụng các thiết bị kỹ thuật một cách hiệu quả nhằm giảm bớt những lao động không tính sáng tạo của GV ở trên lớp, đồng thời kích thích hứng thú học tập của SV.
+ Phong cách giảng dạy: tự tin, chủ động, sư phạm, sử dụng hiệu quả các kỹ năng cơ bản liên quan đến ngôn ngữ, hình dáng và cử chỉ điệu bộ tạo không khí tự nhiên và giao tiếp tích cực trong lớp học.
- Tổ bộ môn lập kế hoạch dự giờ như thời gian, địa điểm, bài dạy, giảng viên dạy, lớp dạy, phiếu dự giờ, cách thức thu thập dữ liệu và phổ biến đến toàn thể GV trong bộ môn trước khi dự giờ diễn ra ít nhất một tuần
- Khi dự giờ cần quan sát và ghi chép diễn biến của bài dạy theo mẫu đã được thống nhất trước
- Sau khi dự giờ, từng GV độc lập phân tích các dữ liệu so sánh với tiêu chỉ và chuẩn đánh giá bài dạy đã đề ra
- Góp ý về bài dạy cần nêu lên những mặt đạt được, mặt tích cực, chỉ ra những tồn tại trong bài dạy cần được cải thiện, gợi ý những phương hướng khắc phục những tồn tại. Lưu ý tránh tranh luận gay gắt, chuyển từ xung động sự vụ, khoa học thành xung động nhân cách tạo nên sự bất hòa, gây mất đoàn kết nội bộ GV.
- Phổ biến, nhân rộng những ưu điểm, thành tích của GV qua dự giờ trong tập thể GV.
Những điều trình bày ở trên khi áp dụng vào hoạt động dạy học đại học cần phải linh hoạt và mềm dẻo hơn. Chẳng hạn đối với GV trẻ, khoa nên tổ chức dự giờ thường xuyên để góp ý cho GV trẻ về mục tiêu, nội dung kiến thức, phương pháp tác phong đứng lớp, xử lý các tình huống xảy ra ở trên lớp như những điều đã trình bày ở trên. Với GV không trẻ hoặc GV thỉnh giảng nên bàn trước về kế hoạch dự giờ của họ nhằm mục đích chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm giảng dạy giũa các thế hệ GV trong khoa, trong trường góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ GV và chất lượng dạy học
Quản lý giờ lên lớp của GV đại học còn được thực hiện thông qua việc kiểm tra thường xuyên của Trưởng khoa, Trưởng bộ môn hoặc thông tin phản hồi của giám thị hoặc từ SV. Dựa trên những thông tin phản hồi này mà trường, khoa điều chỉnh công tác quản lý hoạt động giảng dạy nói chung và hoạt động lên lớp nói riêng của GV, nhất là đối với GV thỉnh giảng. Quản lý chuyên môn tại trường đại học đã khó bởi mọi GV đều là nhà khoa học, nhất là quản lý chuyên môn đối với đội ngũ GV có học hàm, học vị tiến sĩ hoặc phó giáo sư, giáo sư. Ở các trường đại học, việc quản lý chuyên môn giao hẳn về cho khoa và trực tiếp là Trưởng bộ môn.
1.3.5. Quản lý đổi mới phương pháp giảng dạy, sử dụng phương tiện giảng dạy của giảng viên giảng dạy của giảng viên
Ở bậc đại học, cao đẳng thì hoạt động giảng dạy của GV luôn giữ vai trò chủ đạo. Thông qua hoạt động giảng dạy, GV tổ chức, điều khiển và lãnh đạo các hoạt động học tập của SV để họ thực hiện đầy đủ có chất lượng các yêu cầu của môn học. Vì vậy, phương pháp giảng dạy của GV có tác động trực tiếp đến phương pháp và kết quả học tập của SV.
Đặc điểm của dạy học theo học chế tín chỉ là tối ưu hóa vai trò của người học _ mà các phương pháp dạy học truyền thống không phát huy hết vai trò của người học. Thêm vào đó, con đường ngắn nhất để chinh phục khoa học công nghệ là cải cách giáo dục và đổi mới phương pháp dạy học. Bởi vậy, phải đổi mới phương pháp dạy học. Đổi mới phương pháp giảng dạy có nghĩa là làm sao cho người học tự học, là học cách để người họ tự tìm việc làm
“dạy cho sinh viên là dạy cho họ có thể tự tìm việc làm” (Phan Văn Khải), rèn luyện kỹ năng năng động, sáng tạo, kỹ năng làm việc nhóm.
Đổi mới phương pháp giảng dạy hiện nay không chỉ là một phong trào mà còn là một yêu cầu bắt buộc đối với mỗi GV. Tuy nhiên, việc đổi mới phương pháp giảng dạy phần lớn chỉ dừng lại ở mức chủ trương, chưa thật sự sâu sắc và toàn diện. Vì vậy, quản lý đổi mới phương pháp giảng dạy, sử dụng