Các trung tâm GDTX-KT-HN ở tỉnh Bình Dương được hình thành trên cơ sở sát nhập từ các trung tâm GDTX và trung tâm kỹ thuật tổng hợp từ năm 2008 theo Quyết định [39]. Từ khi được hình thành cho đến nay, các trung tâm GDTX-KT-HN đã thực hiện có hiệu quả hệ giáo dục không chính quy của địa phương và được tỉnh ngày càng quan tâm đấu tư về mọi mặt, cụ thể:
Để đẩy mạnh việc xây dựng xã hội học tập UBND tỉnh Bình Dương đã ra Quyết định số 195/2006/QĐ-UBND, ngày 08/8/2006 về việc phê duyệt Đề án Xã hội hóa giáo dục đến năm 2010 và tiếp đó là Quyết định [41]. Trên cơ sở các Quyết định này giai đoạn 2005 - 2010 và những năm học 2011-2012, 2012-2013 số lượng Trung tâm GDTX, GDTX-KT-HN, Ngoại ngữ, Tin học Bồi dưỡng văn hoá, nghiệp vụ trong tỉnh ngày càng tăng lên, và tỉnh đã đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất cho trung tâm GDTX, GDTX-KT-HN, kết quả 100% trung tâm công lập được lầu hóa.
Về công tác chuyên môn các trung tâm GDTX, GDTX-KT-HN đã tổ chức tốt việc dạy chương trình Bổ túc văn hóa, nghề phổ thông, liên kết đào tạo đại học cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề…; các trung tâm, cơ sở ngoại ngữ, tin học cũng được phát triển, bảo đảm đúng yêu cầu về hoạt động bồi dưỡng, thi chứng chỉ A, B, C Tin học, chứng chỉ ngoại ngữ A, B, C, TOEIC, TOEFL, IETS,... nhằm đáp ứng nhu cầu người học.
Đến năm 2013 toàn tỉnh có 135 cơ sở giáo dục thường xuyên, gồm: 01 trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh, 6 trung tâm GDTX-KT-HN huyện, thị xã, 01 trung tâm ngoại ngữ - tin học cấp tỉnh hệ công lập, 91 trung tâm học tập cộng đồng và 36 trung tâm ngoại ngữ, tin học, bồi dưỡng văn hoá và luyện thi đại học ngoài công lập.
Hiện nay Trung tâm học tập cộng đồng là cơ sở giáo dục thường xuyên do Ủy ban nhân dân cấp xã trực tiếp quản lý và chịu sự chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ của Phòng Giáo dục và Đào tạo cấp huyện. Nhìn chung, hiện nay 100% HTCĐ có khó khăn về cơ sở vật chất và đội ngũ, nhưng do sự cần thiết của giáo dục cộng đồng, các địa phương đã linh động hoá việc đáp ứng yêu cầu cơ sở vật chất cho Trung tâm để phục vụ cho hoạt động khi cần thiết.
Năm 2013, giáo dục thường xuyên đã bảo đảm chỉ tiêu phân luồng sau THCS do tỉnh giao, tỷ lệ tốt nghiệp BTTHPT là 84,42% (Năm 2012: 67,2%).
Về công tác chống mù chữ có 7/7 đơn vị cấp huyện và 91/91 đơn vị cấp xã đạt chuẩn Quốc gia chống mù chữ, trong đó số người biết chữ độ tuổi 15 - 35 là 98,9%, độ tuổi 35 – 60 là 97,1%, tỷ lệ người biết chữ từ 15 đến 60 tuổi trong toàn tỉnh là 98,0%.