Định hướng của NHNN đối với hoạt động M&A ngân hàng

Một phần của tài liệu M&A ngân hàng – Kinh nghiệm thế giới và bài học thực tiễn cho Việt Nam (Trang 63 - 64)

NGÂN HÀNG TẠI VIỆT NAM

3.1.1. Định hướng của NHNN đối với hoạt động M&A ngân hàng

Theo Đề án 254 về Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011- 2015, Chính phủ chủ trương khuyến khích và tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng sáp nhập, đặc biệt là các NHTM hoạt động yếu kém hợp nhất, mua bán lại theo nguyên tắc tự nguyện, từ đó nâng cao sức mạnh tài chính, tăng quy mô và khả năng cạnh tranh. Như vậy, định hướng khung pháp lý đã và đang mở ra cho hoạt động ngân hàng một khuynh hướng phát triển tích cực.

Cùng với đó, Quốc hội và các cơ quan chức năng cũng đã đưa ra những nghị quyết về việc cơ cấu lại thị trường tài chính, các doanh nghiệp, đầu tư công nhằm chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế theo hướng dựa vào chất lượng, hiệu quả kinh tế. Khu vực ngân hàng Việt Nam sẽ bước vào một vòng cải cách mới thực sự từ năm 2012. Thực tế, việc hợp nhất 3 ngân hàng vừa qua đã cho thấy, việc cơ cấu lại ngân hàng theo hình thức sáp nhập tự nguyện và được giám sát, hỗ trợ về tài chính từ một ngân hàng lớn đang được coi là giải pháp phù hợp đối với Việt Nam hiện nay. Vì phương pháp này xử lý được các khó khăn hiện tại, duy trì kỷ cương thị trường, không gây áp lực lên ngân sách nhà nước, không phá vỡ chính sách tiền tệ và không gây tổn hại đến các lợi ích xã hội tổng thể.

Bên cạnh đó, NHNN sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc cơ cấu lại khu vực ngân hàng trong năm 2012 với những mục tiêu chính là tăng cường năng lực tài chính, khả năng tuân thủ và minh bạch của hệ thống. NHNN cũng lên kế hoạch sáp nhập từ 5 đến 8 ngân hàng trong năm 2012. Về nguyên lý, quá trình này cần được thực hiện song song với việc cải thiện niềm tin của người dân vào đồng bản tệ, cũng như tăng cường mức độ dự đoán được của chính sách tiền tệ. Bên cạnh đó, rào cản đối vớicác

nhà đầu tư chiến lược nước ngoài tham gia vào thị trường ngân hàng đang tiến tới gỡ bỏ hoàn toàn đã thu hút nhiều hơn nữa các nhà đầu tư này vào thị trường để thúc đẩy mạnh mẽ quá trình tái cơ cấu ngân hàng. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nếu theo hướng đó, lợi ích mang lại không chỉ là tăng cường năng lực tài chính cho ngân hàng mà còn cải thiện được cả về quản trị và công nghệ. Nếu có sự tham gia của nước ngoài, viễn cảnh sáp nhập tự nguyện trong ngành ngân hàng Việt Nam năm 2012 có thể sẽ sôi động hơn và thực chất hơn.

Định hướng và chiến lược phát triển đối với các NHTM Việt Nam hướng đến năng cao năng lực quản trị điều hành và năng lực tài chính để có thể đủ sức cạnh tranh một cách bình đẳng và lành mạnh giữa các ngân hàng trong xu thế hội nhập quốc tế, giữ vững lòng tin của công chúng đối với hệ thống ngân hàng, cũng như cung cấp dịch vụ ngày càng chất lượng, đa dạng, đảm bảo nhu cầu ngày càng cao của người sử dụng dịch vụ. Định hướng này đòi hỏi các ngân hàng phải xây dựng mục tiêu, chiến lược, lộ trình cụ thể để nâng cao năng lực của ngân hàng mình, trong đó việc xây dựng chiến lược, quy trình liên quan đến sáp nhập, mua lại cũng cần được các ngân hàng quan tâm nghiên cứu, triển khai và vai trò của hệ thống pháp lý, của các tổ chức tư vấn, đặc biệt là của NHNN trong kết nối, định hướng hoạt động M&A trong hệ thống ngân hàng Việt Nam là vô cùng quan trọng và và điều kiện cần để thúc đẩy hoạt động này.

Một phần của tài liệu M&A ngân hàng – Kinh nghiệm thế giới và bài học thực tiễn cho Việt Nam (Trang 63 - 64)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(83 trang)
w