Barclays PLC mua lại ABN Amro

Một phần của tài liệu M&A ngân hàng – Kinh nghiệm thế giới và bài học thực tiễn cho Việt Nam (Trang 40 - 43)

CHƯƠNG II: THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG M&A NGÂN HÀNG TRÊN THẾ GIỚI VÀ TẠI VIỆT NAM

2.1.3.2. Barclays PLC mua lại ABN Amro

Thực trạng hoạt động của các ngân hàng giai đoạn trước M&A

Ngân hàng Barclays PLC đặt trụ sở tại London, Vương quốc Anh, là một trong số những tập đoàn cung cấp dịch vụ tài chính ngân hàng lớn nhất thế giới. Hoạt động kinh doanh của ngân hàng này được tổ chức thành hai mảng chính bao gồm mảng ngân hàng đầu tư, quản lý tài sản và mảng ngân hàng bán lẻ. Barclays có mạng lưới hoạt động trên 50 quốc gia với mạng lưới khách hàng rộng lớn.

Từ năm 2005 đến 2007, Barclay hoạt động kinh doanh tương đối hiệu quả và liên tục mở rộng quy mô hoạt động thông qua nhiều thương vụ M&A như việc mua lại 54% cổ phần của Absa Group Limited – ngân hàng bán lẻ lớn nhất Nam Phi (2005) và HomEq Servicing Corporation từ Wachovia Corp (2006).

Hình 2.1: Tăng trưởng LNST và EPS của Barclay PLC trong ba năm.

(Nguồn: Barclay PLC report – 2005,2006,2007)

Ngân hàng ABN Amro được thành lập năm 1824, đặt trụ sở chính tại Hà Lan và là một trong những ngân hàng lớn nhất châu Âu. ABN Amro xếp thứ 8 tại châu

Âu và xếp thứ 13 thế giới về giá trị tổng tài sản – 999 tỉ EUR với 4.500 chi nhánh trên 53 quốc gia, với nguồn nhân lực hơn 110.000 nhân viên.

Từ đầu năm 2007, ABN Amro phải đối mặt với nhu cầu chuyển đổi cơ cấu mang tính bước ngoặt. Ngân hàng liên tục khônghoàn thành được những chỉ tiêu đã đề ra trong hoạt động kinh doanh dẫn đến sự trì trệ trong giá cổ phiếu của ngân hàng. Kết quả tài chính của năm 2006 đã làm dấy lên mối quan ngại về tương lai của ngân hàng. Chi phí hoạt động tăng với tốc độ nhanh hơn so với doanh thu, cho thấy ngân hàng đã thất bại trong việc tìm kiếm sự hiệu quả thông qua việc tăng quy mô. Tốc độ tăng của các khoản nợ khó đòi ước tính bình quân mỗi năm là 192%. Lợi nhuận ròng của ABN Amro chỉ được đẩy lên khi liên tục thanh lý tài sản.

Sau một loạt những kêu gọi mua lại, sáp nhập và giải thể với mối lo ngại rằng giá cổ phiếu của ABN Amro không phản ánh giá trị thực tế của tài sản cơ sở, cuối cùng vào ngày 23/4/2007, ngân hàng Barclays đã công bố thỏa thuận mua lại ABN Amro trong một thương vụ trị giá 89.7 tỉ USD, đồng thời, bán lại LaSalle – một chi nhánh lớn tại Mỹ của ABN Amro cho Bank of America như một phần của hợp đồng.

Nhận xét

Điểm tích cực:Thương vụ sáp nhập giữa ABN Amro và Barclays đã tạo nên một trong những tập đoàn ngân hàng khổng lồ, chi phí hoạt động của ngân hàng mới dự kiến sẽ tiết kiệm được 3,5 tỷ EUR vào năm 2010, cùng với sự cắt giảm 12.800 nhân viên do sự trùng hợp về công việc và chuyển giao 10.800 nhân viên tới những thị trường khác nhỏ hơn.

Việc mua lại LaSallecũng được xem như một cơ hội quý báu cho Bank of America tiếp cận với nhiều khách hàng hơn và mở rộng hệ thống chi nhánh phủ rộng khắp nước Mỹ. Đồng thời, khi kết hợp với 141 chi nhánh của LaSalle tại Chicago, Bank of America sẽ tăng cường cạnh tranh trước các đối thủ khác như Citigroup và JPMorgan Chase & Co.

Điểm hạn chế:Trước khi thương vụ mua lại ABN Amro của Barclays thành công, đã có sự chạy đua gay gắt giữa Barclays với liên minh đối thủ bao gồm ba ngân hàng Royal Bank of Scotland PLC, Fortis NV (Bỉ - Hà Lan) và Banco Santander Central Hispano SA (Tây Ban Nha). Liên minh này có ý định phân chia ABN Amro thành nhiều phần để chia nhau điều hành và gây sức ép đối với các cổ đông của ABN Amro bằng việc quyết định nâng giá mua ABN Amro lên mức 75 tỷ EUR, cao hơn 10% so với mức giá mà Barclays đã đề nghị trước đó. Đồng thời, liên minh ba ngân hàng cũng cho biết sau khi mua lại, họ sẽ cắt giảm chi phí của ABN Amro khoảng 4,23 tỷ EUR (cao hơn 50% so với mức dự tính của Barclays) và đạt lợi nhuận khoảng 5,45 tỷ EUR vào năm 2010.

Tuy nhiên, kế hoạch này của liên minh ngân hàng đã đổ vỡ khi trước đó, như là một phần trong thỏa thuận mua lại của Barclays, ABN Amro đồng thời sẽ bán LaSalle cho Bank of America. Với động thái này, ABN Amro đã đưa mình vào tình thế lựa chọn khó khăn. Nếu ABN Amro từ chối điều kiện bán LaSalle thì đồng nghĩa với việc từ bỏ vụ chuyển nhượng có tiềm năng nhất và sẽ phải bồi thường khoản chi phí lớn do đã phá vỡ hợp đồng với Bank of America. Nhưng nếu ABN Amro đồng ý việc bán LaSalle thì ngân hàng này đã bỏ lỡ mức giá hấp dẫn mà liên minh ngân hàng đưa ra.

Bài học rút ra từ thương vụ

Thành công trong việc giành quyền ưu tiên mua lại ABN Amro từ liên minh ba ngân hàng đã cho thấy sự hiệu quả trong công tác đàm phán và chuẩn bị kế hoạch mang tính chiến lược của Barclays PLC.

Thương vụ này cũng cho thấy sự thiếu sót của ABN Amro trong việc lựa chọn đối tác và quản lý tính minh bạch của thương vụ dẫn tới việc làm xấu hình ảnh ngân hàng trước dư luận và ảnh hưởng tới giá trị của các cổ đông. Thay vì tạo lợi thế cho một bên tham gia đấu thầu (Barclays PLC), ABN Amro có thể gộp toàn bộ tập đoàn lại (bao gồm cả LaSalle), đưa ra đấu giá, thực thi một quy trình minh bạch hơn, công bằng đối với tất cả các bên tham gia và có thể tạo ra lợi nhuận tối đa cho các cổ động. Ngân hàng Hà Lan này cũng đã có thể thu hút sự quan tâm với hệ thống

hợp nhất vốn có, và cũng đã có thể tránh được những tranh cãi xung quanh lợi ích của tập đoàn.

Một phần của tài liệu M&A ngân hàng – Kinh nghiệm thế giới và bài học thực tiễn cho Việt Nam (Trang 40 - 43)