Đánh giá chung hiện trạng nuôi trồng thuỷ sản tỉnh Quảng Trị

Một phần của tài liệu Đánh giá hiện trạng ô nhiễm nguồn nước do nuôi trồng thuỷ sản, vấn đề xâm nhập mặn tỉnh Quảng Trị và đề xuất các giải pháp góp phần phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ môi trường (Trang 58 - 59)

2. Mô hình nuôi trồng thuỷ sản nước mặn, lợ

2.1.9. Đánh giá chung hiện trạng nuôi trồng thuỷ sản tỉnh Quảng Trị

Trong năm 2006, tình hình nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có sự chuyển biến tương đối mạnh mẽ.

Diện tích nuôi trồng thuỷ sản năm 2006 đạt 2380,4 ha tăng 6,07% (tức là 144,6 ha) so với năm 2005. Trong đó, diện tích nước ngọt là 1600,2 ha, chiếm 67,2%; tăng 221,5 ha so với năm 2005, và chủ yếu diện tích là nuôi cá. Diện tích nuôi nước mặn, lợ là 780,2 ha chiếm 32,8%, chủ yếu là diện tích nuôi tôm (737,3 ha), giảm 65,7 ha so với năm 2005. So với diện tích quy hoạch phát triển nuôi trồng thuỷ sản Quảng Trị đến năm 2010, hiện nay, diện tích NTTS đã chiếm 14,8% diện tích tiềm năng của toàn tỉnh.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có 136 hộ nuôi cá lồng. Phương thức nuôi cá lồng đã có từ lâu nhưng hiệu quả mang lại không cao, vì vậy bà con nông dân ít đầu tư vào lĩnh vực nuôi trồng này.

Sản lượng đạt được trong ngành NTTS tại tỉnh Quảng Trị năm 2006 (3.694,7 tấn) vượt 257,7 tấn so với năm 2005 (3.437,0 tấn). Hiện nay, sản lượng thuỷ sản đã đạt được hơn 35% sản lượng quy hoạch đến năm 2010 của UBND tỉnh về NTTS.

Đối tượng nuôi chủ yếu vẫn là các đối tượng nuôi truyền thống, các giống loài mới chưa được phát triển. Với các loài cá truyền thống nước ngọt, đã có sự chủ động cung cấp con giống cho nhu cầu sản xuất. Nuôi nước lợ chủ yếu là nuôi tôm sú nhưng một lượng con giống vẫn phải nhập từ các tỉnh lân cận. Tình hình các dịch vụ khác như hoá chất, thuốc phòng trừ dịch bệnh, khuyến ngư cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu về lượng, nhưng thiếu sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng.

Trong những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã có sự đầu tư và phát triển trong NTTS, góp phần nâng cao thu nhập của người lao động. Theo Niên giám thống kê tỉnh Quảng Trị, năm 2006, NTTS đạt 145.864 triệu đồng, chiếm gần 3,6% tổng thu nhập của toàn tỉnh. Ngoài lợi ích kinh tế mang lại, hoạt động này đã tạo công ăn việc làm cho một lượng lớn lao động, nâng cao đời sống cho người dân, với 13.232 người tham gia nuôi trồng thuỷ sản, trong đó có 10.827 người lấy nuôi trồng thuỷ sản là nghề lao động chính.

Với các thành tựu đã đạt được và các điều kiện thuận lợi của tỉnh về nguồn lao động, tiềm năng diện tích, các chủ trương khuyến khích phát triển NTTS của chính quyền các cấp, ngành thuỷ sản của Quảng Trị hoàn toàn có khả năng phát triển phù hợp với tiềm năng. Đặc biệt, khả năng định hướng phát triển nuôi tôm sú trên các loại hình ruộng nông nghiệp nhiễm mặn được chuyển đổi và hình thành các vùng nuôi trồng nước ngọt tập trung.

Bên cạnh đó, một vấn đề khó khăn cho người tham gia NTTS là việc vay vốn. Một số ngân hàng chưa tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được vay vốn bởi tính rủi ro trong ngành này đưa lại trong những năm gần đây.

Sản phẩm thuỷ sản sau khi thu hoạch, không qua quá trình chế biến, được bán cho các thương nhân trong và ngoài tỉnh. Trước đây, trên địa bàn Quảng Trị có 2 phân xưởng chế biến thuỷ sản: Cửa Tùng và Cửa Việt, hiện chỉ có phân xưởng Cửa Việt còn hoạt động, nhưng tại đây chỉ chế biến hải sản. Chính vì vậy, không nâng cao được các giá thành các sản phẩm khi bán ở dạng tươi. Đó là một hạn chế trong ngành NTTS của tỉnh ta.

Một phần của tài liệu Đánh giá hiện trạng ô nhiễm nguồn nước do nuôi trồng thuỷ sản, vấn đề xâm nhập mặn tỉnh Quảng Trị và đề xuất các giải pháp góp phần phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ môi trường (Trang 58 - 59)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(197 trang)