Hiện nay, trong các dự án phục vụ qui hoạch phát triển kinh tế, xã hội, các biện pháp hay tổ hợp các biện pháp được đưa ra phải được xem xét trên quan điểm hệ thống. Điều này có nghĩa là các biện pháp đề xuất giải quyết vấn đề phải được xem xét một cách toàn diện và nhiều mặt, đảm bảo đáp ứng đồng thời được nhiều yêu cầu, cân bằng lợi ích của nhiều đối tượng có liên quan đến vấn đề. Dựa trên cách tiếp cận này, phương pháp phân tích đa tiêu chí đã ra đời, đáp ứng được yêu cầu đặt ra vì nó cho phép người lập kế hoạch có thể xem xét nhiều tiêu chí khác nhau của một dự án ( môi trường, kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng...) mà không chỉ đơn thuần xét lợi ích lớn nhất của một ngành hay lĩnh vực đơn lẻ nào (Arrow và Raynaud, 1986; Martinez-Alier và cộng sự, 1998). Là một công cụ giải quyết xung đột, phương pháp phân tích đa tiêu chí đã chứng tỏ sự hữu ích của mình trong nhiều vấn đề liên quan đến cân bằng giữa mục tiêu phát triển kinh tế trước mắt và các tác động môi trường trong công tác lập qui hoạch đảm phát triển bền vững.
Ưu điểm chính của phương pháp phân tích đa tiêu chí là nó có khả năng giải quyết các câu hỏi đặt ra bởi các ngành, các lĩnh vực có lợi ích mâu thuẫn nhau. Vì vậy, nó cho phép đánh giá tổng hợp vấn đề và đề xuất những giải pháp tổng thể giải
quyết vấn đề đó. Nhìn chung, trong bài toán phân tích đa tiêu chí, không có phương án tối ưu cho tất cả các tiêu chí ở cùng một thời điểm và do đó không thể có được lời giải hoàn thiện. Do đó với bài toán phân tích quyết định đa mục tiêu, thường sẽ không có lời giải tối ưu mà chỉ có lời giải khả thi nhất trong số các phương án đặt ra. Để giải quyết bài toán, có nhiều cách tiếp cận của nhiều tác giả khác nhau dựa trên một số các giả thiết nền tảng khác nhau (Bana và cộng sự, 1990; Keeney và Raiffa, 1976; Munda, 1985; Roy, 1996; Saaty, 1980).
Quá trình phân tích quyết định là một tập hợp các quá trình phân tích một cách có hệ thống vấn đề đặt ra. Những bước này bao gồm: Phân tách vấn đề đặt ra thành các phần nhỏ hơn có thể hiểu được; phân tích từng phần và cuối cùng là tích hợp các phần lại một cách hợp lý để có một giải pháp khả thi (Malczewski, 1997). Nhìn chung, vấn đề phân tích quyết định đa mục tiêu gồm có 6 thành phần chính như sau (Keeney và Raiffa, 1976, Pitz và McKillip, 1984)
1. Mục tiêu hay tập hợp các mục tiêu mà người ra quyết định muốn đạt được
2. Người ra quyết định hoặc nhóm người ra quyết định liên quan đến quá trình ra quyết định với các ưu tiên của họ (mỗi ưu tiên này sẽ tương ứng với một tiêu chí đánh giá),
3. Tập hợp các tiêu chí đánh giá
4. Tập hợp các phương án lựa chọn
5. Tập hợp các biến không điều khiển (biến độc lập) và trạng thái của tự nhiên (môi trường quyết định)
6. Tập hợp các kết quả ứng với từng phương án thực hiện
Phân tích quyết định đa tiêu chí có thể được sử dụng để xác định phương án phù hợp nhất, xếp hạng các phương án hoặc liệt kê các phương án với các đánh giá chi tiết kết quả của nó hoặc loại bỏ các phương án lựa chọn không thể chấp nhận ra khỏi tập hợp các phương án đề xuất.
Sử dụng phương pháp phân tích đa tiêu chí đối với nuôi trồng thủy sản tỉnh Quảng Trị
Mục tiêu của nghiên cứu này được xác định là tìm ra một giải pháp kỹ thuật phù hợp nhất phục vụ phát triển bền vững ngành nuôi trồng thủy sản ở Quảng Trị, nên dưới đây chỉ trình bày các bước thực hiện phân tích quyết định đa tiêu chí phục vụ cho việc xác định phương án phù hợp nhất. Theo đó vấn đề phân tích quyết định bao gồm 3 giai đoạn chính (Hình 4.37).
Giai đoạn 1 (nhận dạng vấn đề): Xác định, dự báo các vấn đề đặt ra ở hiện tại và trong tương lai ở khu vực nghiên cứu;
Giai đoạn 2 (thiết kế): Xác định các phương án để giải quyết các vấn đề đã đặt ra ở giai đoạn 1;
Giai đoạn 3 (lựa chọn): Lựa chọn giải pháp tốt nhất từ các giải pháp đã được đề cử ở bước 2 (Simon, 1960).
Hình 4.37: Sơ đồ các bước thực hiện phân tích đa tiêu chí cho trường hợp lựa chọn phương án tốt nhất