Tình hình chung

Một phần của tài liệu Đánh giá hiện trạng ô nhiễm nguồn nước do nuôi trồng thuỷ sản, vấn đề xâm nhập mặn tỉnh Quảng Trị và đề xuất các giải pháp góp phần phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ môi trường (Trang 67 - 68)

2. Qui hoạch đến năm 2020

2.3.1 Tình hình chung

Quy luật thủy triều dẫn đến hiện tượng nước biển xâm nhập qua các cửa sông, tiến sâu vào trong đất liền và kèm theo đó là nước có độ mặn cao gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp. Các thống kê trước đây (Nguyễn Văn Cung và cộng sự, 1981) đã chỉ ra rằng năng suất lúa sẽ giảm khi độ mặn nước tưới nội đồng tăng. Ví dụ khi độ mặn là 0,5 ‰ thì năng suất lúa sẽ chỉ còn 94 %, khi độ mặn là 1,0 ‰, 2,0 ‰ và 5,0 ‰ thì năng suất lúa chỉ đạt tương ứng là 88%, 60,1 % và 50%. Đặc biệt khi độ mặn tăng đến 15 ‰ thì cả lúa và mạ đều chết. Ngoài ra độ mặn còn ảnh hưởng đến tính chất lý hoá của nước như trọng lượng riêng, độ dẫn điện, độ truyền âm, độ hoà tan các chất khí và nguy cơ tồn vong của hệ sinh thái nước ngọt. Do đó, việc đánh giá xâm nhập mặn là hết sức quan trọng, liên quan mật thiết đến điều kiện phát triển kinh tế xã hội và sinh hoạt .

Quảng Trị có 75 km bờ biển với hai cửa sông lớn là Cửa Tùng và Cửa Việt. Ngoài ra, hệ thống sông Ô Lâu có phần diện tích đáng kể thuộc tỉnh Quảng Trị lại đổ ra biển tại Cửa Lác thuộc địa phận tỉnh Thừa Thiên Huế. Sông Ô Lâu nối với hệ thống sông Thạch Hãn qua sông Vĩnh Định chạy dài gần như song song với bờ biển. Do đầu nối sông Vĩnh Định với sông Thạch Hãn có cống ngăn mặn Việt Yên (thôn Triệu Độ, huyện Triệu Phước) và đập ngăn mặn Cửa Lác nên khi xem xét vấn đề xâm nhập mặn các hệ thống sông thuộc tỉnh Quảng Trị chỉ cần xem xét đến hai hệ thống sông chính là hệ thống sông Bến Hải và hệ thống sông Thạch Hãn.

Theo các số liệu đo đạc trước đây (Viện QHTL, 2000; Nguyễn Văn Hợp và cộng sự, 2004) cho thấy vùng hạ lưu của hai hệ thống sông Bến Hải và Thạch Hãn chịu ảnh hưởng rất lớn bởi tác động của thủy triều, đặc biệt vào mùa kiệt, nước mặn xâm nhập làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt và sản xuất. Trên sông Bến Hải mặn xâm nhập đến cầu Tiên An còn trên sông Thạch Hãn, nhiều năm mặn xâm nhập tới chân đập Thạch Hãn.

Vào năm 2000, phong trào nuôi tốm sú nước lợ bắt đầu phát triển nhanh và mạnh (tốc độ tăng diện tích trung bình 25% năm giai đoạn 200-2007) tại địa bàn tỉnh Quảng Trị. Các vùng nuôi tôm sú tập trung chủ yếu ở vùng hạ lưu hai con sông

Bến Hải và Thạch Hãn. Lợi nhuận thu được từ nuôi tôm nước mặn, lợ lớn hơn nhiều so với sản xuất cây nông nghiệp nên đến nay diện tích dành cho nuôi tôm mặn lợ đã phát triển hơn 800 ha. Thu nhập từ nuôi tôm có thể lên đến 100 triệu/ha nếu tôm không bị nhiễm bệnh và phát triển tốt. Tuy nhiên do độ mặn thích hợp nhất cho tôm sú phát triển từ 15 đến 25 ‰ nên việc xác định thời điểm lấy nước và thay nước cho ao nuôi khi nước sông có độ mặn phù hợp cũng là một yêu cầu cần thiết, đặc biệt là khi các vùng nuôi vẫn lấy nước trực tiếp từ sông không qua bể trữ.

Xuất phát từ những vấn đề nêu trên, công trình này đi sâu vào đánh giá hiện trạng xâm nhập mặn trên hai hệ thống sông Bến Hải và Thạch Hãn. Mục tiêu chính là đưa ra được bức tranh toàn cảnh về hiện trạng xâm nhập mặn trên hai hệ thống sông này để từ đó giúp nông dân và các nhà quản lý trong việc khai thác, phát triển bền vững tài nguyên nước, phục vụ cho nông nghiệp, thủy sản và sinh hoạt. Việc đánh giá được thực hiện dựa trên các bộ số liệu mặn lịch sử từ năm 2000 đến 2005 và bộ số liệu đo mặn đồng bộ vào tháng VIII năm 2007 do nhóm nghiến cứu thực hiện theo đề tài này. Nội dung đánh giá bao gồm 1) phân tích quy luật diễn biến độ mặn theo thời gian và không gian, và 2) hiện trạng các công trình đẩy mặn. Hiện tượng xâm nhập mặn vào đất liền có liên quan mật thiết ba nhân tố: triều, lưu lượng nước ngọt từ thượng lưu và địa hình lòng dẫn vùng cửa sông nên đã tiến hành phân tích đặc điểm triều của vùng hạ lưu hai con sông này.

Một phần của tài liệu Đánh giá hiện trạng ô nhiễm nguồn nước do nuôi trồng thuỷ sản, vấn đề xâm nhập mặn tỉnh Quảng Trị và đề xuất các giải pháp góp phần phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ môi trường (Trang 67 - 68)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(197 trang)