Theo Shoemaker (1959), bào tử B. oryzae từ cây lúa mọc trên dung dịch có ít hay không có kali thì độc tính cao hơn, để hình thành bào tử nấm đòi hỏi phải có cả hai giai đoạn tối và sáng, ánh sáng gần cực tím là thích hợp nhất cho việc hình thành bào tử, khoảng thời gian được chiếu sáng quan trọng hơn liều lượng ánh sáng. Ánh sáng xanh ức chế sự hình thành bào tử. B. oryzae tiết ra hai loại độc tố là Cochliobolin gây độc cho cây mạ, hạn chế sự phát triển của rễ lúa ở nồng độ 30ppm; Ophiobolin gây độc cho rễ, diệp lục và gây héo úa cây ở nồng độ 2-5ppm. Các độc tố này có thể bị oxychlorua đồng làm bất hoạt. Nấm B. oryzae có thể có nhiều chủng sinh lý, các chủng này khác nhau về hình dạng, đặc tính nuôi cấy, sinh sản và cả về độc tính gây bệnh. Nếu B. oryzae phát triển trên môi trường ít hay không có kali, độc tính gây bệnh sẽ gia tăng. Từ một bào tử hay nuôi cấy từ một tế bào ngọn, B. oryzae có thể tạo nên các dòng có độc tính khác nhau. Ảnh hưởng của pha tối pha sáng đối với việc sinh bào tử cũng khác nhau giữa các chủng.
Đã có nhiều nghiên cứu về biến đổi gen và biến đổi độc tính của B. oryzae,
Misra et al. (1962) đã tìm ra sự khác biệt về tính độc và sự hình thành bào tử giữa hai ioslate phân lập được. Các nghiên cứu của Weikert- Oliveira et al. (2002); Kamal and Mia (2009) dựa trên giả thiết sự đa dạng di truyền của nấm B. oryzae có thể bị ảnh hưởng ít nhiều bởi vùng địa lý và có mối liên hệ giữa cấu trúc gen với bệnh lý của cây trồng. Tuy nhiên không có sự liên quan giữa các vùng địa lý với sự đa dạng của cấu trúc gen hay bệnh lý và khả năng gây bệnh của nấm được tìm ra. Mức độ gây thương tổn cho cây trong điều kiện tự nhiên có sự tương quan với khả năng gây bệnh của các isolate. Tác giả cũng cho rằng khả năng gây bệnh của nấm bị ảnh hưởng theo hưởng giảm khi sử dụng cây trong thí nghiệm lây bệnh nhân tạo đã già. Có 8 nhóm được phân ra sau khi phân tích bằng phương pháp VNTRs
(Variable Number of Tandem Repeats- Mr primer) của Bridge et al. (1997). Vùng địa lý là một yếu tố ảnh hưởng đến cấu trúc gen của nấm B. oryzae. Sơ đồ đa dạng được mô tả tại hình 2.6.
Hình 2.6. Sơ đồ mô tả vùng địa lý là một yếu tố ảnh hưởng đến cấu trúc gen của nấm B. oryzae
Nghiên cứu về biến đổi của gen và độc tính của nấm, 352 isolate đã được thu thập tại 11 địa phương của Philippin để thống kê về mặt đa dạng sinh học. Khả năng gây bệnh của nấm được so sánh thông qua triệu chứng gây bệnh trên lá, có 4 loại triệu chứng bao gồm: vết bệnh tạo chấm nâu trên lá, vết bệnh hình ovan màu nâu, vết bệnh kéo dài màu nâu và vết bệnh tròn ở giữa bị chết hoại. Độc tính của các isolate phân loại dựa trên các triệu chứng bệnh. Sự đa dạng sinh học tại một địa điểm thu thập mẫu đã được tìm thấy, có cả hai loại gen cổ điển và vô tính (Burgos, 2013). Các isolate được thu thập ở các địa phương không cách xa nhau, một số thu được trên cùng một cánh đồng nhưng vẫn có sự đa dạng di truyền, việc này được lý giải bằng sự trao đổi hạt giống giữa các nông dân tự để giống, sự di chuyển các giống chuyên trồng ở vùng thấp lên vùng cao và ngược lại. Hiện tượng này tác giả gọi là gen được di chuyển trong khoảng cách ngắn, tạo sự đa dạng sinh học trong cùng một địa phương.