- Giai đoạn từ năm 2008 đến nay
2.2.5. Những quy định về quyền và nghĩa vụ của viên chức
Quyền và nghĩa vụ của viên chức là một trong những nội dung rất quan trọng của pháp luật về viên chức, đặt nền tảng cho mối quan hệ giữa nhà nước và viên chức trong quá trình cung cấp các dịch vụ công. Quyền, nghĩa vụ của viên chức (cán bộ, công chức) thường được chia thành hai nhóm:
Thứ nhất, những quyền, nghĩa vụ như mọi công dân, bởi vì trước khi là viên chức, họ là công dân Việt Nam, nên đương nhiên có những quyền và nghĩa vụ như công dân;
Thứ hai, những quyền nghĩa vụ dành riêng cho viên chức, với tư cách là chủ thể cung cấp các dịch vụ công.
Để xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức (viên chức) của nhân dân, ngay từ những ngày đầu của Nhà nước Việt Nam dân chủ kiểu mới, các quy định về quyền nghĩa vụ của cán bộ, công chức nói chung và viên chức nói riêng đã được Nhà nước ta quan tâm xây dựng, ban hành.
Trong giai đoạn 1945-1959, trên cơ sở Hiến pháp năm 1946, Quy chế Công chức năm 1950, đã quy định quyền, nghĩa vụ của công chức (được áp dụng cho cả viên chức) một cách tương đối đầy đủ.
Nghĩa vụ công chức là "Công chức Việt Nam phải phục vụ nhân dân, trung thành với Chính phủ, tôn trọng kỷ luật, có tinh thần trách nhiệm và tránh làm những việc có hại đến thanh danh công chức hay đến hoạt động của bộ máy nhà nước. Công chức Việt Nam phải cần, kiệm, liêm, chính chí công, vô tư" (Điều 2 Quy chế Công chức 1950).
Các quyền lợi cơ bản của công chức đã được xác lập: hưởng lương; nghỉ hàng năm; trợ cấp; tham gia hoạt động về chính trị, văn hóa, xã hội; quyền chuyển ngạch; quyền được khen thưởng; quyền nghỉ phép; quyền hưu trí…
Các quyền lợi cơ bản của công chức đã được Quy chế đề cập đến. Tuy nhiên, do điều kiện lịch sử, các quy định về quyền, nghĩa vụ công chức chưa được cụ thể hóa, việc tổ chức thực hiện trên thực tế chưa được đầy đủ.
Trong giai đoạn tiếp theo từ năm 1959 đến năm 1980, trên cơ sở các quy định chúng của Hiến pháp năm 1959, các văn bản quy phạm pháp luật từng bước cụ thể hóa, quy định về quyền, nghĩa vụ của công nhân, viên chức như:
- Quyền được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội theo Nghị định 218/CP ngày 27/12/1961 ban hành Điều lệ tạm thời về các chế độ bảo hiểm xã hội đối với công nhân, viên chức nhà nước;
- Nghĩa vụ tuân theo kỷ luật lao động (Nghị định 195/CP ngày 31/12/1964 ban hành Điều lệ về kỷ luật lao động trong các xí nghiệp, cơ quan nhà nước);
- Nghĩa vụ bảo về tài sản nhà nước (Nghị định 49/CP ngày 9/4/1968 ban hành Chế độ trách nhiệm vật chất của công nhân, viên chức đối với tài sản của nhà nước).
Chế độ trách nhiệm, chế độ kỷ luật, chế độ bảo vệ của công và chế độ phục vụ nhân dân của cán bộ, nhân viên cơ quan nhà nước được quy định tương đối đầy đủ tại Nghị định 217/CP ngày 8/6/1979. Đặc biệt là Nghị định 217/CP có riêng một điều quy định về chế độ phục vụ nhân dân: "Mọi tổ chức và cá nhân, mỗi cán bộ, nhân viên cơ quan nhà nước trên mọi lĩnh vực và cương vị công tác đều phải hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân…" (Điều 13 Nghị định 217/CP).
Như vậy, mối quan hệ giữa cán bộ, nhân viên đối với nhân dân đã được Nhà nước quy định tương đối cụ thể.
Tóm lại, trong giai đoạn từ 1959 - 1980, các quy định về quyền, nghĩa vụ của cán bộ, nhân viên nhà nước cũng như viên chức đã được quy định đầy đủ, chi tiết hơn so với các giai đoạn trước đó. Điều này đã góp phần thuận lợi cho việc quản lý viên chức, xây dựng mối qua hệ gắn bó, mật thiết giữa viên chức với nhân dân, tạo cơ sở cho việc xây dựng đội ngũ viên chức hết lòng phục vụ nhân dân.
Hiến pháp năm 1980 quy định nghĩa vụ phục vụ nhân dân của các cơ quan nhà nước, nhân viên nhà nước nói chung và viên chức nhà nước nói riêng tại Điều 8: "Tất cả các cơ quan nhà nước và nhân viên nhà nước phải hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe và chịu sự giám sát của nhân dân, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa. Nghiêm cấm mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền".
Hiến pháp năm 1980 cũng quy định nghĩa vụ nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp, pháp luật của nhân viên, viên chức tại Điều 12.
Quyền hưởng chế độ bảo hiểm xã hội của viên chức được Hiến pháp năm 1959 quy định tại Điều 59.
Kế thừa và phát triển các quy định của các Hiến pháp trước đó, Hiến pháp 1992 có những quy định trực tiếp về quyền, nghĩa vụ của cán bộ, viên
chức nhà nước. Nghĩa vụ phục vụ nhân dân được quy định tại Điều 8; Nghĩa vụ tuân thủ Hiến pháp, pháp luật được quy định tại Điều 12; Quyền hưởng tiền lương, bảo hiểm xã hội, nghỉ ngơi tại Điều 56…
Bên cạnh các quy định mang tính nguyên tắc của Hiến pháp 1980, Hiến pháp 1992, các quy định cụ thể về quyền, nghĩa vụ của cán bộ, nhân viên nhà nước trong giai đoạn này vẫn được thực hiện theo các quy định trước đó.
Trên cơ sở các quy định của Hiến pháp 1992, Pháp lệnh Cán bộ, công chức được ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua năm 1998, đã cụ thể hóa tương đối tập trung những quyền, nghĩa vụ của cán bộ, công chức.
Năm 2008, Quốc hội khóa XII thông qua Luật Cán bộ, công chức. Theo quy định của Luật Cán bộ, công chức 2008, các quyền, nghĩa vụ của công chức được quy định khá đầy đủ, còn các quyền nghĩa vụ của viên chức chưa có thay đổi mà vẫn theo những quy định của Pháp lệnh Cán bộ, công chức năm 1998.
Như vậy, trong giai đoạn 1998 đến nay, các quy định về quyền, nghĩa vụ của viên chức đã được quan tâm xây dựng, tạo nên một hệ thống cơ sở pháp lý ngày càng đầy đủ, hoàn thiện hơn.
Tuy nhiên, những quy định về quyền, nghĩa vụ của viên chức hiện nay còn có những hạn chế nhất định, đó là:
- Các quy định về nghĩa vụ viên chức được quy định trong Pháp lệnh Cán bộ, công chức năm 1998 (sửa đổi, bổ sung năm 2000, 2003) cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành vẫn mang nặng về định tính, ít các quy định mang tính định lượng, do vậy, khó xác định, đánh giá được trên thực tế; mặt khác các quy định về nghĩa vụ của viên chức phần lớn là các quy định mang tính chính trị nhiều hơn là mang tính pháp lý.
- Chưa quy định rõ quyền, nghĩa vụ của nhóm viên chức lãnh đạo với nhóm viên chức chuyên môn, nghiệp vụ, cũng như các khác biệt về các ngạch viên chức với nhau.
- Do các quy định về quyền, nghĩa vụ (đặc biệt là các quy định về nghĩa vụ) mang nặng định tính nhiều nên làm cho cơ sở để xử lý kỷ luật đối với viên chức khó xác định, việc đánh giá tính chất, mức độ vi phạm không được rõ ràng, dẫn đến việc xử lý kỷ luật trong nhiều trường hợp không chính xác.
Bên cạnh nghĩa vụ chung của viên chức, luật Viên chức năm 2010 còn có quy định rõ nghĩa vụ của viên chức quản lý (Điều 16, 17, 18). Điều này thể hiện rõ tính trách nhiệm cao của người quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập.