Tổ chức thực hiện pháp luật viên chức trong thời kỳ hội nhập

Một phần của tài liệu Pháp luật về viên chức ở Việt Nam trong thời kỳ hội nhập (Trang 104 - 109)

- Giai đoạn từ năm 2008 đến nay

3.3.2.Tổ chức thực hiện pháp luật viên chức trong thời kỳ hội nhập

3.3.2.1. Ban hành kịp thời các văn bản có thể hướng dẫn thực hiện luật viên chức

Làm cho người viên chức hiểu quyền và tự có tinh thần trách nhiệm trong "chức danh nghề nghiệp" của mình, việc thực hiện pháp luật về viên chức cần phải có các văn bản hướng dẫn kịp thời và có thể để người lao động thực hiện luật viên chức được sử dụng trong các đơn vị sự nghiệp công lập mà nguồn kinh phí hoạt động chính vẫn từ ngân sách nhà nước do đó vẫn cần có văn bản quản lý nhà nước để thực hiện việc quản lý viên chức:

- Các Nghị định hướng dẫn việc thực hiện luật của Chính phủ bao gồm: Nghị định về đào tạo viên chức; Nghị định về quản lý, tuyển dụng và sử dụng viên chức; Nghị định quy định đối tượng viên chức; Nghị định về thôi việc và thủ tục nghỉ hưu đối với viên chức.

- Các văn bản và thông tư hướng dẫn của các Bộ liên quan về đào tạo, tuyển dụng, kỷ luật, thôi việc, các chế độ về tiền lương và hưu trí của các đối tượng là viên chức.

- Các văn bản khác.

3.3.2.2. Thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật viên chức cho người lao động

Hiện nay số lượng viên chức trong các đơn vị công lập là 1.657.470 người, làm việc trong 52.241 đơn vị sự nghiệp từ Trung ương đến cấp huyện. Với số lượng ngày một đông đảo như vậy việc tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật viên chức là hết sức cần thiết để mỗi viên chức thấy được rõ quyền cũng như nghĩa vụ của mình, nhất là khi luật viên chức vừa được Quốc hội thông qua. Cụ thể là:

Phổ biến cho người lao động được biết quyền lợi và trách nhiệm khi họ ký và thực hiện hợp đồng lao động với các cơ quan tuyển dụng viên chức

- Việc đánh giá viên chức được thực hiện căn cứ vào các cam kết trong hợp đồng làm việc đã ký. Nội dung đánh giá gắn với kết quả thực hiện công việc, nhiệm vụ, tinh thần, trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân…

Viên chức có hai năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ thì đơn vị sự nghiệp công lập được đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc… Ngoài việc được khen thưởng theo quy định hiện hành, viên chức có công trạng, thành tích đặc biệt cũng được xét nâng lương vượt bậc bên cạnh hình thức nâng lương trước thời hạn.

Ngoài 4 hình thức kỷ luật là khiển trách, cảnh cáo, cách chức và buộc thôi việc, viên chức bị kỷ luật cũng có thể bị hạn chế thực hiện hoạt động nghề nghiệp theo quy định của pháp luật có liên quan.

Về tiền lương, viên chức được trả lương tương xứng với vị trí việc làm, chức danh nghề nghiệp, chức vụ quản lý và kết quả thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ được giao; được hưởng phụ cấp và chính sách ưu đãi trong trường hợp làm việc ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số…

- Viên chức có thời gian làm việc 5 năm trở lên tại đơn vị sự nghiệp công lập được xét chuyển thành công chức không qua thi tuyển; viên chức được tiếp nhận, bổ sung vào vị trí làm việc được pháp luật quy định là công chức thì quyết định tiếp nhận, bổ nhiệm đồng thời là quyết định tuyển dụng; viên chức chuyển sang cán bộ, công chức hoặc ngược lại đều được bảo đảm có quyền lợi và chế độ, chính sách.

Đối với viên chức tuyển dụng trước ngày 01/7/2003 có quyền, nghĩa vụ và được quản lý như viên chức làm việc theo hợp đồng không xác định thời hạn. Viên chức tuyển dụng sau ngày 01/7/2003 đến ngày Luật viên chức có hiệu lực tiếp tục thực hiện hợp đồng làm việc đã ký kết theo quy định của Luật này.

- Luật viên chức đã quy định các quyền của viên chức theo hướng mở hơn so với cán bộ, công chức, tạo điều kiện để viên chức có thể phát huy tài năng, sức sáng tạo, khả năng cống hiến trong điều kiện cơ chế thị trường hiện nay. Đó là quyền góp vốn, tham gia thành lập (nhưng không được trực tiếp tham gia điều hành) các loại hình doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp tư; quyền làm việc ngoài thời gian quy định, quyền được ký hợp đồng vụ, việc với các cơ quan, tổ chức khác mà pháp luật không cấm.

- Trước mắt, việc quản lý, trả lương đối với viên chức tiếp tục được thực hiện như hiện nay. Trong quá trình đổi mới cơ chế quản lý, sử dụng nguồn nhân lực công, cải cách chính sách tiền lương tới đây, Chính phủ cần nghiên cứu, xác định bước đi thích hợp; trong đó có việc chuyển dần sang thực hiện trả lương cho viên chức tương xứng với vị trí việc làm, chức danh nghề nghiệp, chức vụ quản lý và kết quả công việc.

3.3.2.3. Tổ chức thực hiện Luật Viên chức

Luật Viên chức đã được Quốc hội ban hành ngày 29/11/2010. Đây là căn cứ pháp lý quan trọng để các cơ quan hoạch định chế độ, chính sách nói chung đối với viên chức. Để tiếp tục hoàn thiện chế độ, chính sách đãi ngộ

(chủ yếu tiền lương, phụ cấp và bảo hiểm xã hội) đối với viên chức cần có các giải pháp sau:

Thứ nhất, phải làm rõ được mô hình của người viên chức trong thời kỳ đổi mới. Vị trí, vai trò của họ là viên chức thực thi các công việc ở các đơn vị sự nghiệp công lập. Vì vậy, phải có một chính sách ổn định, không theo kiểu có thu thì tuyển dụng vào làm, không thì cho nghỉ…; đời sống của họ không còn phụ thuộc vào kinh tế gia đình như trước đây và luôn luôn suy nghĩ "chân ngoài dài hơn chân trong" nhưng để hoàn thành được việc công, họ phải sống được bằng đồng lương.

Thứ hai, thực hiện quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn hóa đội ngũ viên chức. Mỗi đơn vị sự nghiệp phải xây dựng kế hoạch, có mục tiêu, bước đi cụ thể để thực hiện việc chuẩn hóa đội ngũ viên chức của mình phù hợp với từng chức danh viên chức hay còn gọi là chức danh nghề nghiệp. Sớm khắc phục tình trạng sử dụng viên chức không đủ chuẩn và sử dụng các viên chức không có trình độ chuyên môn và trái ngành nghề.

Thứ ba, chế độ, chính sách tiền lương phải đảm bảo theo đúng tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa X:

Coi việc trả lương đúng cho người lao động là thực hiện đầu tư cho phát triển, tạo động lực để kinh tế phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ công, góp phần làm trong sạch và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước...; cải cách chính sách tiền lương phải tiến tới bảo đảm cho cán bộ, công chức, viên chức sống được bằng tiền lương ở mức trung bình khá trong xã hội...; cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công phải khắc phục được những bất hợp lý về quan hệ tiền lương trong từng khu vực và giữa các khu vực: hành chính, sự nghiệp công lập, doanh nghiệp, lực lượng vũ trang...; Cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu

đãi người có công phải gắn với việc bảo đảm tốt hơn đời sống của người nghèo, đồng bào dân tộc, các đối tượng chính sách xã hội nhằm đạt được mục tiêu của Đại hội toàn quốc lần thứ X của Đảng đó đề ra là: Thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển [28].

Trước mắt, chế độ tiền lương đối với viên chức theo bằng cấp chuyên môn, cộng với các loại phụ cấp: Phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp kiêm nhiệm chức danh; phụ cấp trách nhiệm theo loại; phụ cấp thâm niên vượt khung; phụ cấp khu vực… và có chế độ nâng bậc lương như đối với công chức.

Chế độ tiền lương đối với viên chức cần nghiên cứu theo hướng xếp lương viên chức theo vị trí việc làm, theo chức danh nghề nghiệp, kèm theo phụ cấp bằng cấp chuyên môn, phụ cấp trách nhiệm theo loại; phụ cấp thâm niên vượt khung; phụ cấp khu vực…

Để có cơ sở thực hiện cải cách chế độ tiền lương, Bộ Nội vụ cần có một Đề án tổng thể về chế độ, chính sách đối với viên chức; trước mắt nên nghiên cứu việc thành lập "Vụ phân tích việc làm" để phân tích nhiệm vụ cụ thể đối với từng chức danh nghề nghiệp của viên chức trong đó có viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập; xác định vị trí của từng chức danh; tiêu chí đánh giá kết quả hoàn thành công việc, làm căn cứ đề xuất việc thực hiện kết hợp chế độ tiền lương theo hệ thống chức nghiệp hiện nay với chế độ tiền lương theo vị trí việc làm.

Thực hiện Luật Viên chức 2010 và các nghị quyết của Đảng, kiên quyết không tăng thêm chức danh viên chức, không tăng thêm số lượng viên chức vì họ cũng ăn lương phần lớn từ ngân sách nhà nước. Thực hiện tiêu chuẩn hóa cán bộ đi đôi với tinh giản biên chế, và tiến hành chủ trương nhất thể hóa chức danh Bí thư đảng ủy kiêm thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp công lập.

Thứ ba, áp dụng rộng rãi cơ chế khoán ngân sách và tự chủ tài chính. Tạo điều kiện và đảm bảo cho các cơ sở có quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc tạo thêm các nguồn thu (ngoài nguồn thu ngân sách) và quy định các khoản chi thường xuyên theo định mức… Từ đó, cơ sở được chủ động sắp xếp, bố trí, sử dụng hợp lý đội ngũ viên chức và tăng nguồn thu nhập cho đội ngũ viên chức làm tăng khả năng cống hiến cho các đơn vị sự nghiệp công lập.

Thứ tư, các đơn vị sự nghiệp phải chủ động trong việc xây dựng đội ngũ viên chức, phấn đấu đến năm 2015 phải có 100% số lượng các viên chức đạt đủ chuẩn (trừ những vùng, miền có điều kiện đặc thù), chấm dứt tình trạng sử dụng người trái ngành nghề và không đủ chuyên môn và phẩm chất đạo đức thực hiện các công việc của cán bộ, viên chức.

Thứ năm, cần một cơ chế phối hợp mạnh đủ sức giải quyết những tồn tại về chế độ, chính sách đãi ngộ đối với viên chức tồn tại lâu năm, gây bức xúc thậm chí bất bình trong đội ngũ cán bộ, việc thực hiện tự chủ theo tinh thần Nghị định 43/CP của các đơn vị sự nghiệp có thu cần có các giải pháp cụ thể hơn, nhiều đơn vị vẫn hoàn toàn lệ thuộc vào ngân sách nhà nước, nên tính tự chủ không được thực hiện do vậy chế độ đãi ngộ với viên chức thấp hơn và gây bất bình trong dư luận.

Một phần của tài liệu Pháp luật về viên chức ở Việt Nam trong thời kỳ hội nhập (Trang 104 - 109)