6. Bố cục của luận văn
1.1.4.4. Chèo thời Nguyễn và thuộc địa Pháp (từ 1802 đến 1945)
Nhà Nguyễn thống nhất đất nước từ năm Nhâm Tuất (1802) đã mau chóng ổn định được sự thống trị trong cả nước, tất cả mọi nỗ lực khôi phục lại nhà Lê và nhà Tây Sơn đều bị dập tắt. Thưở đầu, triều Nguyễn cố gắng đưa lại niềm tin cho mọi công dân yên tâm sản xuất nhưng về sau do bảo thủ, các chính sách của triều Nguyễn mà đặc biệt là “bế quan toả cảng” đã gây nên những hậu quả tai hại, làm suy yếu đất nước tạo điều kiện cho thực dân Pháp xâm lược nước ta (1858).
Có thể nói giai đoạn này là thời diễn ra cuộc đấu tranh thật mạnh mẽ giữa hai giá trị văn hoá : văn hoá dân tộc và văn hoá phương Tây do Pháp mang tới. Trong bối cảnh đất nước bị xâm lược, người Việt Nam, mỗi người có một thái độ khác nhau, song cùng chung tâm lý : yêu đất nước, yêu giống nòi, nên không một ngày ngồi yên, luôn luôn tính toán, cảnh tỉnh đồng bào, từ ít đến nhiều chung sức nhau lại để chống Pháp. Từ lúc này, chèo bắt đầu đứng trước nhiều mâu thuẫn, đòi hỏi phải giải quyết như :
– Mâu thuẫn giữa đòi hỏi đổi mới về mặt trình diễn với khả năng hạn chế (của truyền thống).
– Mâu thuẫn giữa yêu cầu có nhiều kịch mục với vốn kịch bản cũ không nhiều.
– Mâu thuẫn giữa hình thức sân khấu tả ý với sân khấu tả thực.
Đó là những mâu thuẫn chủ yếu làm xuất hiện phong trào Chèo Văn minh và Chèo Cải lương.
Dựa vào một số sử liệu và cứ liệu ít ỏi ghi trong sách báo trước đây, một số di vật quý hiếm còn tồn giữ và lời kể của các nghệ nhân từng chứng kiến hoặc trực tiếp hoạt động Chèo qua các giai đoạn của thời kỳ, vào số cáo bạch, quảng cáo … hiện còn lưu giữ tại Thư viện Quốc gia Trung ương, các nhà nghiên cứu đã tổng hợp về thời kỳ cha ông ta trên đường đưa Chèo vào thành phố “phục vụ” thị dân mấy thập niên nửa đầu thế kỷ XX như sau.
Theo một số nghệ nhân cao tuổi, trước đây Hà Nội không có phường Chèo bản địa. Những dịp đình đám hội hè, giỗ chạp khao vọng, xóm phố lại cử người ra ngoại thành mười phường chèo quanh đấy về hát giúp dăm bảy bữa với cung cách biểu diễn và thưởng thức nghệ thuật không khác mấy Chèo sân đình.
Sau khi chiếm thành Hà Nội, Pháp sai Đội Nghỉ chiêu mộ nghệ nhân lập phường, hát mỗi tuần vài ngày trên bãi chợ Hôm, cho lính ngụy xem để “củng cố tinh thần”. Sợ quân Cần Vương đánh lén, chúng tổ chức hát từ 9, 10 giờ sáng kéo tới chiều tối. Tại đây, nghệ nhân Chèo đã đặt bàn thờ Tổ ghé vào nội tẩm Giáo phường quán của phường nhà Trò (Ca Trù) chuyên hát cho hội đình làng Hoà Mã hàng năm, xây sát liền bên cạnh. Mặc dầu địa điểm có phần chật chội, các phường vẫn diễn những tích như Trương Viên, Quan Âm, Lưu Bình, Tống Trân Cúc Hoa … qua đó, nổi lên số nghệ nhân tài năng như hề Quýnh nổi bật trong vai Hai Móm, kép Hỷ, Nữ Lã (nam đóng giả gái) của gánh ông Trùm Dương (Hưng Yên); phường Chèo ông Tổng Bốn (Sơn Tây) có đào Xuyến nổi tiếng về những vai đào thương và đào lẳng, có nữ Hỗ là nam đóng Châu Long duyên dáng …
Khoảng năm 1905, một tư thương ở Hàng Bạc lập gánh kinh doanh gọi là gánh Chèo ông cả Vỵ, đây là gánh chèo chuyên nghiệp đầu tiên ở Hà Nội tập làm ăn theo lối tư bản chủ nghĩa.
Năm 1908, mấy nhân sỹ hợp tác với nhà buôn mua đất ở ngõ Sầm Công, xây Đồng Lạc đài, rạp này chứa hơn trăm khán giả, có sân khấu mô phỏng theo cách làm ở trong Kinh (Huế) và qua thực tiễn làm nghề của mấy rạp Năm Chăn, Thông Sáng nên mang nhiều dáng dấp loại sân khấu hộp. Sân khấu Đồng Lạc được đông đảo khách xem tán thưởng thời gian dài, do Ban Hát có nhiều “canh tân” : lời trò, câu hát, khuôn diễn có trau truốt, cô gọn … Quan trọng là có thêm số tích “ruột:” của mấy phường tỉnh ngoài, như Phạm Tải Ngọc Hoa, Hoàng Trừu; chuyển số tích của Tuồng sang như Tứ Linh, Hán Sở nhất là khai thác truyện cổ dân gian để viết tích mới như Nàng tiên ốc, Chàng Sọ Dừa, Đức bà Chúa Ba … Đồng Lạc là rạp hát đầu tiên thuần diễn Chèo ở Hà Nội. Đồng Lạc đông khách khoảng dăm bảy năm rồi lại rơi vào tình trạng giống bên Hàng Bạc là thiếu tích mới, cho dẫu đã tích cực chuyển từ tích Tuồng và đồ lại chuyện cổ. Rõ ràng, khi ban hát diễn ở một địa điểm cố định, với số nhiều khán giả thị dân có điều kiện mua vé xem thường xuyên, thì vấn đề tích mới là chuyện sống còn, điều mà các phường gánh lưu diễn hàng năm xuân thu nhị kỳ chưa thấy cấp thiết.
Về địa điểm diễn Chèo ở thành thị thì thời gian này, các nghệ nhân còn nhắc đến rạp Tám gian, rạp Nhà Bò ở Hải Phòng, rạp hàng Thao, rạp hàng Rượu ở Nam Định, rạp Tiền An ở Bắc Ninh … Mấy rạp này thường diễn khi thì Chèo, khi thì Tuồng, tuỳ các phường đến thuê, mà chưa tổ chức được đội hát, ban hát chuyên như gánh chèo rạp hàng Bạc và ban hát Chèo rạp Đồng Lạc ở Hà Nội.
Cuối năm 1913, Hội Sán Nhiên với mục đích “chấn hưng nền hý kịch nước nhà cho tiến kịp văn minh thế giới” được thành lập. Hội chiêu mộ người nghề, lập ban hát, được phần lớn anh chị em trong gánh Chèo Hàng Bạc và một số ở ban hát Đồng Lạc hưởng ứng, theo về.
Hội Sán Nhiên vừa tiến hành mọi việc thuận lợi thì bùng nổ Thế chiến thứ nhất, thực dân Pháp dấy lên khắp thành thị nông thôn, tổ chức lạc quyên, thúc ép nhân dân ganh đua “rồng Nam phun bạc” quơ bắt thanh niên đi lính “bảo vệ mẫu quốc”. Nhiều nhà yêu nước nương theo âm mưu thực dân vận động tổ chức đồng bào, tuỳ sức tuỳ hoàn cảnh góp phần duy tân cải cách. Nhiều đoạn lời, ý nghĩa hoặc kín đáo chỉ trích chế độ đương thời, hoặc khéo léo gợi lòng nhớ nước thương nòi ra đời. Không thấy vở diễn sân khấu nào a dua theo thực dân lăn mình vào “phong
trào”, để nỗi một nhà báo thực dân phải thốt lên “Nếu ta nhận rằng, việc làm của chúng ta hơn 60 năm qua, đã tác động đến tinh thần, phong tục tập quán của dân bảo hộ, in dấu trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực tư tưởng thì ta sẽ ngạc nhiên, khi thấy riêng nghệ thuật sân khấu ở đây thoát khỏi ảnh hưởng đó …”
Sau khi Thế chiến I kết thúc (1918), toàn quyền Anbe Sa-rô phát động công cuộc khai thác thuộc địa ở Đông Dương lần thứ hai. Cùng với mỏ than và các xí nghiệp, các nhà máy lớn, giai cấp công nhân hình thành. Phong trào yêu nước ngày càng mạnh mẽ dần dần thống nhất lại dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Trong bối cảnh chính trị – xã hội ấy, Chèo cũng từng bước chuyển mình một cách vượt bậc.
Để tối nào cũng sáng đèn biểu diễn, phục vụ khán giả, các rạp được xây dựng chung quanh các giao lộ Hàng Đào – Hàng Ngang – Hàng Bạc và Lương Văn Can – Hàng Quạt. Đáp ứng yêu cầu của khán giả, ngay từ những năm đầu thế kỷ, Chèo phải liên kết với Tuồng mới đủ vốn vở để giữ rạp. Nhờ sự liên kết đó. Chèo
đã tự làm giàu cho mình bằng cách bình dân hoá một số vở Tuồng như Xuân Đào cắt thịt, Thư quán hội lương duyên, Thật hiền quyến, Trần Tư Lệ … Lúc đó nhiều
nghệ sĩ sân khấu truyền thống có thể “diễn sam” cả Tuồng, Chèo như Trùm Thịnh, Năm Ngũ, Dịu Hương, Bạch Trà, Ba Tuyên, Đắc Nhã … Các chủ rạp đã mời một số nhà Nho sáng tác những vở mới như Trần Dư, Phạm Mỹ Thạch, Vũ Hy Tô, Nguyễn Đang, Nguyễn Thúc Khiêm, Đinh Gia Thuyết. Các vở mới sáng tác và biểu diễn trong thời kỳ ấy được gọi là Chèo Văn Minh. Việc tập trung các tài năng sáng tạo ở Hà Nội đã đem lại cho đất này vai trò đầu tầu của phong trào Chèo trong cả nước : tất cả các phường Chèo mạnh đều hướng về Hà Nội, học tập và làm theo mô hình tổ chức của Hà Nội.
Năm 1916, ông Phạm Văn Duyệt tập hợp một số diễn viên Chèo, dựng vở Tư sản quý tộc của Molie (Nguyễn Văn Vĩnh lúc ý dịch là Trường giả học làm sang)
được khán giả thủ đô nhiệt liệt hoan nghênh. Điều đó làm cho những người làm sân khấu truyền thống phải nâng cao nghiệp vụ nhiều hơn nữa. Cũng năm đó, một số nhà giáo và trí thức Hà Nội như Đỗ Thuận, Nguyễn Văn Ngọc, xướng xuất nên Hội chấn hưng Chèo cổ. Hội xây dựng rạp diễn Chèo và Tuồng vừa để tranh khách với kịch nói vừa để thực hiện vai trò giáo huấn của sân khấu truyền thống, ngăn chặn
thanh niên không bị Âu hóa một cách mù quáng, bằng một sân khấu Chèo đổi mới về hình thức, gọi là Chèo Cải lương. Nổi lên trong làng Chèo Cải lương là Nguyễn Đình Nghị.
Chèo Cải lương ra đời làm hình thành nên thế chân vạc trong sân khấu ở Việt Nam lúc đó :
Truyền thống – Thái Tây – Cách mạng
Ba vế đó luôn luôn đáu tranh với nhau, có lúc hòa nhập vào nhau rồi lại tách ra, do đó Chèo luôn luôn chuyển động, chuyển động đến chóng mặt.
Vào những năm kinh tế khủng hoảng kề cận với Thế chiến lần thứ hai, Chèo ở nông thôn hầu như tàn lụi, còn Chèo ở thành thị cũng xẹp xuống. Một số nghệ sĩ Chèo chết đói như : Kép Thiệng, một bậc tài danh hiếm có của làng Chèo, vừa viết vở, vừa đóng nhiều loại vai Tuồng và Chèo, nổi tiếng đẹp trai nhưng nghiện nặng :
… trắng mắt, thâm môi
Làm cho con gái làng tôi phải lòng … !
Nhiều nghệ sĩ phải bỏ nghề và thề không theo đuổi nghề Chèo hát nữa. Chỉ khi đến Cách mạng tháng Tám 1945, các nghệ sĩ còn sống sót sau năm Ất Dậu mới trở lại sân khấu Chèo và cùng với chính quyền nhân dân, họ mở ra một kỷ nguyên mới cho nghệ thuật Chèo.