8. Phương pháp thu thập thông tin
1.2.3. Lý thuyết thân chủ trọng tâm
Cách tiếp cận thân chủ trọng tâm (Client – centred therapy) được ra đời và phát triển vào những năm cuối của thập kỷ 40. Lý thuyết này thuộc trường phái tâm lý học nhân văn và đại diện cho thuyết là nhà tâm lý học lâm sàng Carl Rogers. Lý thuyết này cho rằng cá nhân có khó khăn tâm lý xã hội là do họ tập nhiễm cách ứng xử không phù hợp. Việc trị liệu có mục đích nhắm đến sự chấp nhận bản ngã như là một thực thể độc đáo và có khả năng tự lực, lòng tin vào thân chủ như là nhân vật trung tâm của tiến trình trị liệu, thân chủ là nhà trị liệu của chính mình, và việc trị liệu phải nhấn mạnh vào các trải nghiệm đang xảy ra trong hiện tại hơn là những gì đã xảy ra trong quá khứ... (Raskin & Rogers; 1989). Theo Rogers, chính thân chủ là người biết rõ điều đau khổ của họ là gì, hướng đi của họ sẽ về đâu và vấn đề nào là cấp thiết. Do đó nhiệm vụ của nhà tham vấn trong quá trình can thiệp là hỗ trợ thân chủ tháo bỏ những rào cản trong môi trường xã hội, giúp họ hiểu được chính mình, chấp nhận hoàn cảnh và tự điều chỉnh bản thân để đạt được trạng thái cân bằng. Trị liệu thân chủ trọng tâm dựa trên quan điểm tích cực của mỗi người rằng mỗi thân chủ luôn vận động để hoàn thiện bản thân. Do đó mục đích lớn nhất của quá trình tương tác là phải tạo ra được bầu không khí an toàn và tin tưởng, giúp họ tự khám phá bản thân, tự ý thức được hoàn cảnh, vấn đề và tiềm năng của mình. Nhiệm vụ của nhà tham vấn là giúp thân chủ nhận biết được tiềm năng của chính họ. Theo Rogers, công cụ để tạo sự thay
đổi ở thân chủ đó là: sự thành thực, sự thấu hiểu và chấp nhận vô điều kiện
của nhà tham vấn đối với thân chủ.
Về sau, Rogers áp dụng quan điểm của mình một cách sâu rộng hơn ra ngoài các môi trường khác không thuộc tâm lý trị liệu và làm việc với các nhóm người không phải là thân chủ... Quan điểm “Thân chủ trọng tâm” ảnh hưởng sang cả ngành giáo dục ở Hoa Kỳ, và điều đó khiến Rogers đặt lại tên cho phương pháp của mình là “Nhân vị trọng tâm” (person-centred) để phản
ánh sự chuyển đổi đối tượng của phương pháp không chỉ bao gồm những thân chủ trong tâm lý trị liệu mà còn nhắm đến bản chất con người và các mối tương tác xã hội nói chung.
Lý thuyết thân chủ trọng tâm được ứng dụng trong hoạt động công tác xã hội với ý nghĩa lấy thân chủ làm trung tâm của các hoạt động hỗ trợ can thiệp. Đây cũng là nguyên tắc và là trách nhiệm của nhân viên xã hội trong thực hành công tác xã hội. Trong mọi hoàn cảnh thì thân chủ luôn là người hiểu rõ mình đang gặp phải vấn đề gì, nguyện vọng của mình thế nào và hướng đi của mình ra sao. Nhân viên xã hội cần giúp đối tượng tự lập và có khả năng tự quyết từ đó chính họ sẽ đưa ra các giải pháp khác nhau hoặc chọn một quyết định đúng đắn, có cơ sở để giải quyết vấn đề của mình. Có thể hiểu nhân viên xã hội ở đây chỉ đóng vai trò là người thúc đẩy, giúp cho thân chủ tự nhận biết vấn đề của mình, tự mình đưa ra các giải pháp và lập kế hoạch giải quyết vấn đề của mình.
Trong phát triển cộng đồng, lý thuyết thân chủ trọng tâm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với cách tiếp cận từ dưới lên trong việc giải quyết các vấn đề cộng đồng. Thân chủ ở đây được hiểu là cộng đồng đang can thiệp. Tác viên phát triển cộng đồng luôn lấy cộng đồng làm trung tâm của sự can thiệp, từ việc thúc đẩy cộng đồng xác định vấn đề của mình là gì, cộng đồng đưa ra các phương án giải quyết vấn đề cho đến khâu thực hiện kế hoạch. Tác viên phát triển chỉ đóng vai trò là người khơi gợi, thúc đẩy là liên kết các nguồn lực giải quyết vấn đề cho cộng đồng mà thôi. Bởi cộng đồng hiểu rõ họ đang thiếu gì, họ cần gì và cách giải quyết như thế nào là phù hợp với đặc tính cộng đồng của họ.