7. Bố cục của đề tài
3.2.2. Định hướng phát triển bền vững nông – lâm – thuỷ sản
3.2.2.1. Định hướng phát triển bền vững nông nghiệp
3.2.2.1.1. Định hướng phát triển chung
Phát triển kinh tế vườn theo chiều sâu, hình thành các vùng chuyên cây ăn trái sản xuất sản phẩm hàng hóa quy mô tập trung, từng bước tiếp cận và đạt chất lượng xác nhận nhằm phát huy hiệu quả canh tác và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường tiêu thụ; đồng thời cũng chú trọng phát triển các loại hình cây ăn trái xen canh trong vườn dừa, kết hợp với khai thác tổng hợp tiềm năng kinh tế vườn nhằm gia tăng hiệu quả sản xuất trên 1 đơn vị diện tích, đa dạng hóa sản phẩm.
Ổn định và phát triển vững chắc kinh tế dừa trên cơ sở thâm canh, đa dạng hóa các loại hình nuôi trồng xen canh (ca cao, cây ăn trái,...) trên các địa bàn thích nghi.
Xóa diện tích lúa phân tán trong khu vực quy hoạch kinh tế vườn, ổn định các vùng
chuyên canh lúa tăng vụ (kết hợp với chăn nuôi heo, bò) và một số diện tích lúa luân canh thủy sản. Chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm và đa dạng hóa hệ thống canh tác trên nền lúa.
Phát triển các hệ thống canh tác có rau màu trên giồng cát và luân canh với lúa, từng bước đưa lên chất lượng an toàn và sạch nhằm phục vụ nhu cầu thực phẩm đô thị trong và ngoài tỉnh.
Ổn định vùng chuyên canh mía trên các địa bàn thích nghi.
Phát triển theo chiều sâu nghề sản xuất giống cây ăn trái, phát triển mạnh nghề hoa kiểng trên cơ sở cải thiện quy mô và chất lượng sản xuất các làng nghề.
Phát triển đàn heo về số lượng và về chất lượng trên cơ sở tăng dần quy mô nuôi/hộ, đẩy mạnh chăn nuôi trang trại nuôi tập trung, cải thiện vòng quay, trọng lượng xuất chuồng và tình trạng nạc hóa.
Tập trung phát triển mạnh đại gia súc, hình thành vùng chăn nuôi và cung ứng giống
bò thịt có quy mô lớn nhất vùng, từng bước phát triển lên bò thịt công nghiệp, kết hợp với quy hoạch đồng bộ vùng trồng cỏ cao sản.
Phục hồi đàn gia cầm và phát triển ổn định với nhiều hình thức nuôi đa dạng (thả vườn, công nghiệp, bán công nghiệp) theo hướng kiêm dụng, trong đó, chú trọng phát triển hình thức nuôi công nghiệp.
Phát triển các loại hình khu nông nghiệp công nghệ - kỹ thuật cao làm hạt nhân phát triển và chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp; đồng thời gia tăng tỉ trọng, chất lượng các loại hình dịch vụ nông nghiệp và các ngành nông nghiệp có sản phẩm hướng thị trường tiêu thụ đô thị, du lịch.
Các sản phẩm chủ lực, đặc trưng cho ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre trong giai đoạn
phát triển 2010 – 2020 là trái cây đặc sản, dừa, thịt bò, thịt heo, giống cây ăn trái và giống bò, hoa kiểng.
3.2.2.1.2. Định hướng phát triển một số cây trồng chủ lực
- Cây lương thực:
+ Cây lúa: diện tích canh tác lúa dự kiến còn khoảng 25.000 ha vào năm 2020 (giảm
4,2%/năm) do sự phát triển kinh tế vườn, rau màu và các loại đất chuyên dùng. Diện tích
gieo trồng giảm còn 79.400 ha năm 2020 (giảm 0,1%/năm), nhưng chậm hơn so với tốc độ giảm diện tích canh tác, nhờ tăng vụ lúa (Đông Xuân, Hè Thu) trên địa bàn huyện Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú theo tiến độ hoàn thiện các công trình thủy lợi ngăn mặn tạo nguồn ngọt. Năng suất lúa dự kiến tăng từ 45,72 tạ/ha/vụ (năm 2010) lên khoảng 46,83 tạ/ha/vụ (năm 2020) (tăng 0,2%/năm), nhờ đẩy mạnh thâm canh. Sản lượng lúa dự báo vẫn có xu hướng tăng nhẹ (0,1%/năm), năm 2020 ước đạt khoảng 371.860 tấn.
+ Màu lương thực: diện tích dự báo khoảng 1.780 ha (năm 2020) với 1.280 ha ngô và
500 ha khoai (tăng 2,8%/năm). Sản lượng dự kiến đạt khoảng 5.700 tấn ngô và 5.000 tấn
khoai vào năm 2020.
- Cây thực phẩm: Theo tiến độ phát triển đô thị và nâng cao đời sống, diện tích gieo trồng rau đậu vào năm 2020 dự kiến khoảng 10.100 ha (tăng 5,5%/năm), sản lượng ước đạt khoảng 161.6000 (tăng 5,1%/năm).
- Cây công nghiệp hàng năm:
+ Mía: diện tích mía dự kiến thu hẹp dần thành vùng chuyên ổn định 5.000 ha (giảm
1,6%/năm). Tập trung gia tăng năng suất, chữ đường và hiệu quả sản xuất nhằm đạt sản
lượng khoảng 467.500 tấn (năm 2015) và ổn định trong khoảng 450.000 tấn (năm 2020), giảm 0,2%/năm.
+ Lạc: diện tích khoảng 500 ha, sản lượng khoảng 1.500 tấn/năm, phân bố chủ yếu tại Mỏ Cày Nam và Ba Tri.
+ Cói: phân bố chủ yếu tại 2 xã Khánh Thạnh Tân và Nhuận Phú Tân (Mỏ Cày Bắc), diện tích khoảng 500 ha, sản lượng khoảng 4.500 tấn/năm (năm 2020).
- Cây công nghiệp lâu năm:
+ Dừa: diện tích dự báo sẽ dần ổn định do quỹ đất thích nghi không còn nhiều hoặc đã quy hoạch trồng mía, tập trung tại Giồng Trôm, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Châu Thành, Bình Đại, Thạnh Phú. Dự kiến đến năm 2020, diện tích dừa khoảng 54.000 ha (tăng 0,5%/năm), năng suất 81 tạ/ha, sản lượng 437.400 tấn.
+ Ca cao: chủ yếu trồng xen trong vườn dừa (theo tiến độ phát triển dự án), dự kiến
đạt trên 10.000 ha vào năm 2020, tập trung tại Châu Thành, Giồng Trôm, Mỏ Cày Bắc và Mỏ Cày Nam, sản lượng (trái tươi) đạt khoảng 45.000 tấn.
- Cây ăn quả: Xây dựng các vùng chuyên canh cây ăn quả đặc sản với quy mô khá tập
trung và đạt chất lượng xác nhận: bưởi da xanh (6000 - 7.000 ha), sầu riêng (3.000 - 4.000
ha), chôm chôm (4.000 - 4.500 ha), măng cụt (5.200 - 5.800 ha). Diện tích dự kiến sẽ ổn
định trong khoảng 33.600 ha (năm 2020), phân bố chủ yếu tại Châu Thành, Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc và TP Bến Tre, sản lượng đạt khoảng 418.000 tấn vào năm 2020 (tăng 2,8%/năm). - Sản xuất cây giống và hoa kiểng:
+ Ổn định vùng sản xuất giống cây ăn trái Chợ Lách – Mỏ Cày từ Sơn Định đến
Vĩnh Thành, Sơn Phú, Tân Thanh. Do nhu cầu cây giống trong và ngoài vùng ĐBSCL sẽ bão hòa dần nên sản lượng có khuynh hướng giảm dần và ổn định trong khoảng 7,5 triệu cây giống/năm vào năm 2020.
+ Hình thành các làng nghề sản xuất hoa kiểng, trong đó khu vực Cái Mơn sẽ là hạt
nhân phát triển hoa kiểng. Dự kiến sản lượng hoa kiểng sẽ tăng và đạt trên 3,5 triệu đơn vị/năm vào năm 2020.
- Giá trị sản xuất và chuyển đổi cơ cấu giá trị sản xuất ngành trồng trọt:
+ Giá trị sản xuất ngành trồng trọt (theo giá so sánh 1994) ước đạt 3.895.623 triệu đồng năm 2020 (tăng 3,1%/năm).
+ Về cơ cấu giá trị sản xuất ngành trồng trọt (theo giá so sánh 1994) có sự chuyển
dịch theo hướng: giảm tỉ trọng lương thực, cây công nghiệp; tăng tỉ trọng cây ăn quả; ổn định tỉ trọng cây thực phẩm, sản phẩm khác và dịch vụ.
3.2.2.1.3. Định hướng phát triển ngành chăn nuôi
Ngành chăn nuôi dự kiến phát triển khá nhanh với tốc độ tăng trưởng bình quân 7,7%/năm. Ngoài ra, ngành còn đặt trọng tâm vào việc cải thiện quy mô và hiệu quả sản
xuất, nâng cao chất lượng, độ đồng nhất của sản phẩm xuất chuồng, cung ứng giống tốt, chú trọng vệ sinh phòng dịch, cải thiện môi trường nuôi...
- Đàn lợn: dự kiến khoảng 391.000 con (năm 2020), sản lượng 89.661 tấn (tăng
3,6%/năm). Chăn nuôi lợn theo nông hộ vẫn là chủ yếu, nhưng quy mô đàn/hộ sẽ có xu
hướng tăng khá nhanh, đồng thời chú trọng phát triển hình thức nuôi tập trung quy mô lớn trang trại nhằm tạo lượng sản phẩm đồng nhất, có chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm.
- Đàn trâu: dự kiến sẽ giảm còn 270 con (năm 2015) và sau năm 2015, đàn trâu sẽ còn không đáng kể, do cơ giới hóa đã phát triển khắp địa bàn.
- Đàn bò: dự kiến ngày càng tăng và đạt 197.690 con vào năm 2020 (tăng 1,7%/năm);
hình thành vùng chăn nuôi bò lớn nhất vùng ĐBSCL và có thể tiến lên hình thành vùng
cung ứng giống bò cấp quốc gia; sản lượng thịt dự kiến là 15.898 tấn (năm 2020).
- Đàn gia cầm: dự kiến 5,89 triệu con (năm 2020), trong đó có 4,12 triệu đầu gà và 1,77
triệu đầu vịt. Sản lượng gia cầm dự kiến 9.612 tấn thịt và 140.182 nghìn quả trứng (năm
2020).
- Giá trị sản xuất và chuyển đổi cơ cấu giá trị sản xuất ngành chăn nuôi:
+ Giá trị sản xuất ngành chăn nuôi (theo giá so sánh 1994) ước đạt 2.006.170 triệu
đồng năm 2020 (tăng 5,0%/năm).
+ Cơ cấu giá trị sản xuất ngành chăn nuôi (theo giá so sánh 1994) có sự chuyển dịch
theo hướng: giảm tỉ trọng thịt và tăng tỉ trọng sản phẩm khác, dịch vụ.
3.2.2.2. Định hướng phát triển bền vững ngành lâm nghiệp
Mở rộng diện tích rừng ngập mặn phòng hộ và rừng đặc dụng tại khu vực đầm lầy mặn
và bãi bồi ven biển, nhằm mục tiêu bảo vệ môi trường ven biển, chống xói lở và đẩy mạnh quá trình bồi lắng ven bờ, phục hồi và phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn, đồng thời giảm dần diện tích nuôi tôm trong đất rừng. Dự kiến diện tích rừng định hình là 7.400 ha (trên 7.833 ha đất rừng) năm 2020.
Xây dựng một số khu vực rừng sản xuất xen canh tôm sinh thái.
Bảo vệ và phát triển thảm thực vật trong khu bảo tồn thiên nhiên Vàm Hồ, Thạnh Hải,
Lạc Địa.
Tập trung trồng mới cây phân tán (khoảng 1,8 – 1,9 triệu cây/năm) trên các trục giao
thông nông thôn, các bờ bao vùng và tiểu vùng thủy lợi; vận động phong trào trồng cây tại khu vực đô thị, các công trình xây dựng công cộng,…
Sản lượng khai thác năm 2020 dự kiến khoảng 8.000 m3gỗ, 59.000 xi te củi, 764.000 tre trúc, trên 17 triệu tàu lá dừa nước, chủ yếu từ cây khai thác phân tán.
3.2.2.3. Định hướng phát triển bền vững ngành thuỷ sản
3.2.2.3.1. Nuôi trồng
Trên các thủy vực vùng ngọt và ngọt hóa, mở rộng diện tích nuôi ao hầm trong khu
vực thổ cư và tập trung phát triển các loại hình nuôi quy mô lớn, chất lượng sản phẩm đồng nhất như nuôi thâm canh - bán thâm canh trên khu vực bãi bồi - cù lao, nuôi tập trung quy
mô trung bình (0,5-2,0 ha/ao) tại vùng trũng chân giồng tiến đến nuôi thâm canh, nuôi bè.
Đối với vùng kinh tế vườn, phát triển các hình thức nuôi xen trong mương vườn trên cơ sở cải thiện hệ thống canh tác, hệ thống thủy lợi nội đồng và bảo đảm an toàn môi trường nước ngoài sông rạch.
Trên các thủy vực vùng lợ và vùng nhiễm mặn ven biển, với mục tiêu PTBV, ổn định
và nâng cao chất lượng sản phẩm nuôi trồng, cần quy hoạch và xác định các vùng nuôi trồng cụ thể cho các phương thức nuôi tôm nước mặn lợ, trong đó chú trọng phát triển bền vững vùng nuôi tôm bán thâm canh - thâm canh; đồng thời ổn định vùng nuôi quảng canh cải tiến, từng bước tiếp cận và tiến tới hình thức nuôi sinh thái. Bên cạnh đó, khai thác ổn định và bền vững vùng nuôi nghêu, sò trên khu vực bãi triều (kết hợp với vùng dưỡng và khai thác giống); phát triển đa dạng các loại hình nuôi thủy sản mặn lợ khác (cua, cá kèo, cá luân canh trong vuông tôm…).
Diện tích đất có mặt nước nuôi chuyên canh và xen canh, luân canh thủy sản (kể cả
khu vực bãi triều) dự kiến sẽ ổn định khoảng 51.315 ha năm 2020 (tăng 1,9%/năm).
- Về cơ cấu nuôi theo thủy vực, diện tích nuôi nước ngọt khoảng 9.115 ha (tăng 3,4%/năm), nuôi nước mặn lợ khoảng 42.200 ha (tăng 1,6%/năm).
- Về cơ cấu nuôi theo loại hình, diện tích nuôi chuyên khoảng 31.100 ha (tăng 1,3%/năm), nuôi xen 20.215 ha (tăng 2,9%/năm).
- Về cơ cấu nuôi theo đối tượng, diện tích nuôi cá nước ngọt khoảng 5.328 ha, nuôi tôm khoảng 39.287 ha, khoảng 4.500 ha nuôi nghêu, 1.000 ha nuôi sò và 1.200 ha nuôi cua, cá kèo.
Dự kiến sản lượng nuôi trồng năm 2020 là 325.270 tấn (tăng 6,7%/năm), trong đó cá
262.520 tấn (tăng 7,7%/năm), tôm 31.150 tấn (tăng 0,6%/năm). 3.2.2.3.2. Đánh bắt
Cải thiện phương tiện và phương thức đánh bắt theo hướng hiện đại hóa và nâng cao hiệu quả khai thác, đa dạng hóa ngư trường và loại hình đánh bắt theo mùa, trong đó chú trọng phát triển các loại hình đánh bắt chuyên có tổ chức phân công theo đoàn trong phạm vi xa bờ theo hướng hiện đại hóa nhằm ổn định năng suất đánh bắt và gia tăng hiệu quả, chất lượng sản phẩm đánh bắt.
Đồng thời giảm dần quy mô đánh bắt nội địa nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản sông
rạch và vùng ven bờ.
Tàu thuyền đánh bắt dự kiến giảm nhẹ, nhưng về cơ cấu tăng dần tỉ trọng tàu đánh bắt xa bờ. Tổng số tàu thuyền đánh bắt ước đạt 4.000 chiếc (năm 2020), trong đó tàu đánh bắt xa bờ 1.799 chiếc. Nhờ gia tăng công suất các phương tiện nên tổng công suất các phương tiện đánh bắt dự kiến sẽ tăng 1,6%/năm, tương ứng với 740.000 CV (năm 2020).
Sản lượng thuỷ sản khai thác dự kiến sẽ tăng nhẹ 0,2%/năm và đạt 123.511 tấn vào
năm 2020.
3.2.2.3.3. Giá trị sản xuất và chuyển đổi cơ cấu GTSX ngành thuỷ sản:
Giá trị sản xuất ngành thuỷ sản (theo giá so sánh 1994) dự kiến sẽ đạt 6.248.601 triệu đồng năm 2020 (tăng 4,9%/năm).
Về cơ cấu giá trị sản xuất (theo giá so sánh 1994) có sự chuyển dịch theo hướng: giảm nhẹ tỉ trọng nuôi trồng, đánh bắt và tăng tỉ trọng dịch vụ thuỷ sản.