Phật giáo Thiền tông Việt Nam thời Lý Trần

Một phần của tài liệu giá trị nhân sinh của thơ thiền việt nam thời lý – trần xét từ phương diện hình tượng (Trang 37)

6. Cấu trúc luận văn:

1.3.2. Phật giáo Thiền tông Việt Nam thời Lý Trần

Trên đây là những triết lý nhân sinh cơ bản của Phật giáo nói chung làm nền tảng tư tưởng và đường lối tu hành cho những nhà sư và cư sĩ cầu đạo. Các học thuyết đó du nhập vào nước ta khá trọn vẹn và dễ dàng hoà hợp với văn hoá tư tưởng và tập quán của người Việt. Thiền tông Việt Nam cũng tiếp thu đầy đủ hệ thống tư tưởng này, biểu hiện nổi trội nhất là ở hai thuyết: Vạn pháp giai không và Vạn vật vô thường. Các nhà sư thời Lý - Trần dường như gạt ra ngoài những quan niệm rối rắm về nhân quả, luân hồi, thập nhị nhân duyên mà chú trọng ở việc giác ngộ lẽ vô thường của vạn vật để trở về với cái bản thể “chân không diệu hữu” sẵn có trong mỗi con người và cảm nhận được những giây phút giác ngộ thiêng liêng. Điều đó chứng tỏ quan niệm nhân sinh trong thơ thiền Lý - Trần chịu ảnh hưởng của quan niệm nhân sinh Phật giáo. Tuy nhiên, để có được một quan niệm nhân sinh

tươi sáng, tích cực phải xuất phát từ nhiều yếu tố chứ không đơn thuần là bản thân nội tại của thế giới quan Phật giáo. Chúng ta thấy tông phái tiếp nhận tinh thần này chính là Thiền tông Việt Nam. Đây lại là một đạo thiền đầy sức sống. Thành quả đó có được là do hai tư tưởng cơ bản của Thiền học Việt Nam thời kỳ này mang lại.

Thứ nhất là tư tưởng “Hoà quang đồng trần” (tức hòa cùng ánh sáng, lẫn cùng bụi bặm). Triết học Phật giáo Thiền Tông Việt Nam thời Lý - Trần mà tiêu biểu là “thiền ba phái” ở thời Lý, “thiền một phái” ở đời Trần và sau đó là “thiền phục hưng” thời Lê - Nguyễn đều lấy tư tưởng trên làm cơ sở chi phối đến hành động sống của người tu hành trong thời kỳ này. Một đặc điểm nổi bật của tư tưởng này là quan điểm sống “tùy tục”. Quan điểm này làm cho người tu hành không câu chấp ở những giáo lý gò bó, những công thức, nguyên tắc của các giới luật mà hành đạo và đạt đạo trong tinh thần tự do, tự tại, tự lực, tự cường nên Thiền học Việt Nam không xa rời thực tiễn, không quay lưng lại với cuộc đời mà trái lại vào đời hành đạo một cách tích cực. Đó là một đạo thiền đầy sức sống, mang bản sắc văn hóa riêng nên Phật giáo trong thời kì này không phải là thứ thuốc phiện ru ngủ mà trở thành thuốc bổ, nuôi dưỡng tâm hồn con người trong cố kết cộng đồng, trong chống xâm lược, xây dựng và bảo vệ đất nước, làm cho có “quá nửa dân trong nước đi tu”, song lại là chống xâm lăng vẻ vang và xây dựng tổ quốc hào hùng như thời đại Lý - Trần là một minh chứng tiêu biểu. Nhìn chung, Thiền nhưng đã đi vào đời sống, phản ánh đời sống, phục vụ đời sống. Tư tưởng trên dẫn đến những kết quả mà nhà nghiên cứu Nguyễn Phạm Hùng trong chuyên luận Thơ thiền Việt Nam –

những vấn đề lịch sử và tư tưởng nghệ thuật (NXB Đại học quốc gia Hà Nội, 1999)

đã chỉ ra như: Sự nhập thế của các nhà sư (tiêu biểu là các tín đồ Phật giáo đời Lý); sự tùy tục trong đời sống đạo (giúp cho nhà tu hành có điều kiện gắn bó với tổ quốc và nhân dân) hay tạo nên những tác phẩm nghệ thuật vừa siêu thoát, bay bổng, vừa hiện thực trần thế (thơ thiền).

Thứ hai là tinh thần “tam giáo đồng nguyên”. Tinh thần ấy biểu hiện cụ thể ở những phương diện sau:

 Sự hội nhập của Phật giáo và Đạo giáo: Ở đấy, tư tưởng “phóng nhiệm” của Đạo học đã hội nhập với tư tưởng “hoà quang đồng trần”, với quan điểm “ưng vô sở trụ nhi sinh kì tâm” của Phật giáo tạo nên một thái độ thẩm mỹ và một thế giới quan độc đáo của con người thời quá khứ trong nhìn nhận và giải minh thế giới. Thực tế lịch sử đã có những nhà sư vừa tu Phật, vừa tu Đạo như: Dương Không Lộ, Từ Đạo Hạnh, Nguyễn Minh Không, Hiện Quang…Thơ ca của họ vừa mang màu sắc thiền, vừa có hình bóng Đạo giáo. Bài thơ Tán Giác Hải thiền sư

thông huyền đạo nhân đã thể hiện khá rõ điều đó. Ở đây, thần tiên với Phật cùng

sống bên nhau, cùng được tôn trọng như nhau. Trong bài thơ Truy tán Vạn Hạnh

thiền sư, Lý Nhân Tông cũng ca ngợi cái thông tuệ cả “tam tế” của Vạn Hạnh, đó

cũng là sự thông tuệ cả “tam giáo” của nhà sư này.

 Sự hội nhập Nho - Phật: Đây là sự hội nhập mang tính chất hiển nhiên, chúng ta biết rằng tất cả các thiền sư - thi sĩ đều học chữ nho, tiếp xúc với sách vở, văn hoá Nho giáo trước khi xuất gia tu hành. Một bộ phận khá lớn các nhà tu hành đã trải qua cuộc đời làm quan, làm nho sĩ, thậm chí có khi làm vua. Vì vậy, dấu ấn Nho giáo tất yếu xâm nhập vào trong thơ thiền của họ. Biểu hiện ở đây trước hết là truyền thống thi ca nói chí, ghi tình, miêu tả thiên nhiên hay đời sống đạo, vốn là thói quen trước thuật của nhà nho. Ta cũng thấy ở đây những giá trị thiết thực, cụ thể, đới tục của quan niệm Nho giáo trong nhiều bài thơ nói về đời sống Phật giáo. Và đặc biệt trong rất nhiều bài thơ thiền, các thi sĩ thiền đã sử dụng rộng rãi các điển tích, điển cố, các hình ảnh, từ ngữ, những nhân vật, sự kiện, những so sánh ẩn dụ, tượng trưng … có nguồn gốc trong các sách vở Nho gia và quen thuộc với mỹ học Nho giáo.

Qua đây, một lần nữa chứng minh sự rung cảm thẩm mỹ tương hợp với thơ ca của các nhà Nho hay các Đạo gia. Điều đáng quý ở đây là con người thời quá khứ đã rất có ý thức bằng sáng tạo nghệ thuật, cố gắng đưa các tư tưởng tôn giáo, triết học rất khác nhau này tiến xích lại gần nhau trong tinh thần hoà hợp tôn giáo, hoà hợp dân tộc, thống nhất cộng đồng, để xây dựng một nền văn học nghệ thuật của chung cho mọi người.

Tóm lại, Phật giáo truyền vào Việt Nam như một hạt giống gặp mảnh đất màu mỡ, thích hợp nên đã nảy nở và phát triển nhanh chóng mà cao điểm là Phật giáo Thiền tông Lý - Trần và quan niệm nhân sinh của Phật giáo thật sự có ý nghĩa tích cực khi đó là quan niệm nhân sinh của triết lý Phật giáo Thiền tông thời Lý – Trần.

CHƯƠNG 2: GIÁ TRỊ NHÂN SINH CỦA HÌNH TƯỢNG CON NGƯỜI TRONG THƠ THIỀN LÝ - TRẦN

Con người - đối tượng chủ yếu và mục đích cuối cùng của văn học, bao giờ cũng được người nghệ sĩ hướng đến thể hiện bằng cả tài năng và tâm huyết của mình. Trong thơ thiền Lý – Trần, tùy theo nguyên tắc, tiêu chí riêng và phạm vi tham chiếu nhất định mà mỗi người nghệ sĩ đến với hình tượng con người với một phát hiện riêng, lý thú riêng. Từ đó, hình tượng con người trong thơ bộc lộ một cách phong phú, toàn diện và sâu sắc, góp phần làm nên diện mạo của một thời đại văn học.

Với mục đích góp phần truyền tải những thông điệp mà các nhà thơ thiền để lại cho mai hậu, đề tài đã đi vào tìm hiểu giá trị nhân sinh được thể hiện qua phương diện hình tượng thơ. Như vậy, phạm vi tham chiếu của đề tài là khảo sát các hình tượng con người trong thơ nhưng tiêu chí được xét lựa và tuyển chọn là những hình tượng ấy phải biểu đạt được giá trị của sự sống - hướng con người đến một cuộc sống tốt đẹp, sống có ích cho đời, với một thái độ tích cực lạc quan, tin tưởng vào hiện tại và tương lai.

Người viết cũng xuất phát trên quan điểm ấy mà cho rằng: Quan niệm nhân sinh của triết lý Phật giáo Thiền tông đã phát huy hết giá trị qua hình tượng con người trong thơ. Đó là những người không chỉ ngộ ra lẽ thiền mà còn biểu hiện triết lý sống lành mạnh ấy của Thiền tông qua tư tưởng và hành động sống tích cực, qua quan điểm và lập trường đúng đắn đã được khẳng định trong thực tiễn lịch sử xã hội.

2.1. CON NGƯỜI AN NHIÊN, TỰ TẠI VÌ HIỂU ĐƯỢC QUY LUẬT CỦA CUỘC SỐNG, NHÂN SINH.

Một phần của tài liệu giá trị nhân sinh của thơ thiền việt nam thời lý – trần xét từ phương diện hình tượng (Trang 37)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(153 trang)