Thiên nhiên dân dã, bình dị

Một phần của tài liệu giá trị nhân sinh của thơ thiền việt nam thời lý – trần xét từ phương diện hình tượng (Trang 93)

6. Cấu trúc luận văn:

3.1.2. Thiên nhiên dân dã, bình dị

Thi hứng của các thiền sư luôn kí thác nơi cuộc sống hiện thực quanh mình. Điều đó đã rõ nhưng thiên nhiên ấy đâu phải được tìm thấy trong lầu son gác tía hay

trên những con đường đi sứ, con đường trẩy quân mà đâu đó là những tên đất, tên làng, tên của những mái chùa cụ thể hết sức thân thương, là những cảnh vật rất nhẹ nhàng, dân dã và bình dị, gắn liền với cuộc sống tiêu dao, tự tại và mộc mạc của thiền gia. Một câu hỏi được đặt ra là tại sao con người thiền lại can đảm vứt bỏ hết những hệ lụy của cuộc đời để tìm đến những thú vui thanh nhàn và cảm thấy thật sự thoải mái và sung sướng như vậy? Niềm vui ấy phải chăng được xuất phát từ chính cuộc sống nội tâm tràn đầy của con người. Sỡ dĩ đời sống của chúng ta trở thành rối rắm và phức tạp, kể cả việc tranh giành và sát phạt lẫn nhau, cũng chỉ vì chúng ta cứ đuổi bắt hoài những niềm vui đến từ bên ngoài mà không sống bằng chính sức mạnh nội tâm của mình. Chính nhờ sức mạnh kì lạ này mà ta có thể tìm thấy niềm vui trong cuộc sống từ những điều bình dị nhất.

Có thể gặp trong thơ hình ảnh của thiên nhiên sông nước mà các thiền gia từng sống và đặt bước ngao du đến. Cảnh vật rất bình dị, đơn sơ nhưng thật để lại ấn tượng sâu sắc, khó quên bởi được lọc qua tâm hồn nghệ sĩ nhạy bén và giàu rung cảm. Một cảnh rất bình thường nơi thôn dã là đi thuyền trên sông đã được Huyền Quang ghi lại bằng một bài thơ tứ tuyệt ý vị:

“Nhất diệp biển chu hồ hải khách Xanh xuất vi hàn phong thích thích Vi mang tứ cố vãn triều sinh

Giang thủy liên thiên nhất âu bạch” (Chu trung)

(Một lá thuyền con, một khách hải hồ Chèo khỏi hàng lau, tiếng gió xào xạc

Bốn bề mịt mù, con nước buổi chiều đang lên

Một cánh chim âu trắng giữa khoảng nước trời liền nhau) (Trong thuyền)

Hình ảnh sóng nước hùng vĩ và âm thanh mái chèo khua nước cũng đã tạo cho nhà thơ Trần Quang Triều một sự hưng phấn rất đặc biệt:

Lỗ thanh di nhập bích vân hàn” (Điếu tẩu)

(Sóng cả dồn đẩy nước triều lên dòng thác biếc Tiếng mái chèo đưa hơi lạnh vào mây xanh) (Ông già câu cá)

Đó còn là cảnh vật của thiên nhiên thôn xóm thanh bình nơi phủ Thiên Trường, quê hương vua Trần:

Thôn hậu thôn tiền đạm tự yên

Bán vô bán hữu tịch dương biên

Mục đồng địch lý quy ngưu tận Bạch lộ song song phi hạ điền”

(Thiên Trường vãn vọng – Trần Nhân Tông)

(Thôn trước thôn sau đều mờ mờ như khói phủ

Bên bóng chiều (cảnh vật) nửa như có mà cũng nửa như không Trong tiếng sáo mục đồng lừa trâu về hết

Từng đôi cò trắng hạ xuống đồng) (Ngắm cảnh chiều ở Thiên Trường)

Bài thơ đã vẽ ra một cảnh nông thôn thái bình, êm ả. Đó là khi chiều tà, ánh chiều đã nhạt, sương chiều đã dâng. Trên bối cảnh đó, một đàn trâu đang thong thả khuất dần về chuồng, trên lưng vắt vẻo mấy chú trẻ chăn trâu đang mê theo điệu sáo của mình và trên mặt ruộng xanh, từng đôi cò trắng tựa nhau đáp xuống. Chân trâu thì chầm chậm, cánh cò thì là là, nhè nhẹ. Điệu sáo chắc cũng thư nhàn. Màu ruộng xanh, màu cò trắng, thanh thoát dìu dịu. Toàn cảnh ấy hài hòa, quen thuộc, thân thương, toát lên một hương vị thanh bình. Đó cũng là một cảnh ấm no, hạnh phúc, một cảnh sống yên vui, bình dị.

Bước chân con người còn đến cả những vùng núi cao, nhà đá, am mây. Ở đó, con người tự do, tiêu dao, không cần biết đến ngày tháng, tha hồ hưởng thụ của báu “kho trời vô tận”, mây xanh núi biếc, trăng bạc nước trong, hoa nở bướm lượn, tâm hồn được cởi mở thoải mái mà quên đi những tranh chấp của cuộc đời. Một “giấc

mộng mát mẻ trong rừng phong”, “giấc mộng ban ngày chưa tàn” trên một chiếc gối trong gió mát của Huyền Quang đã nói lên điều đó:

 “Vũ quá khê sơn tịnh

Phong lâm nhất mộng lương” (Ngọ thụy)

(Sau mưa, khe và núi đều sạch làu

Một giấc mộng mát mẻ trong rừng phong) (Ngủ trưa)

“Mộc tê song ngoại thiên cưu địch

Nhất chẩm thanh phong trú mộng dư” (Trú miên)

( Trên cây quế ngoài cửa sổ, ngàn con chim cưu vắng tiếng Một chiếc gối trong gió mát, giấc mộng ban ngày chưa tàn) (Ngủ ngày)

Tâm hồn con người giờ đây đã “hoàn toàn yên tĩnh” để lắng nghe tiếng “gió thu sịch động bức rèm” trong một ngôi nhà trong núi:

“Thu phong ngọ dạ phất thiềm nha Sơn vũ tiêu nhiêm chẩm lục la” (Sơn vũ)

(Đêm khuya, gió thu sịch động bức rèm

Nhà núi đìu hiu gối đầu vào lùm dây leo xanh biếc) (Nhà trong núi)

Cảnh thiên nhiên núi non, tịch mịch còn xuất hiện trong những vần thơ của vua Trần Nhân Tông khi lên thăm chơi núi Bảo Đài:

“Địa tịch đài du cổ Thời lai xuân vị thâm Vân sơn tương viễn cận Hoa kính bán tình âm” (Đăng Bảo Đài sơn)

(Đất hẻo lánh, đài thêm cổ kính Theo thời tiết, mùa xuân về chưa lâu Núi mây như xa như gần

Ngõ hoa nửa sáng, nửa tối) (Lên chơi núi Bảo Đài)

Một bộ phận thiên nhiên dân dã, bình dị xuất hiện nhiều lần là cảnh thiên nhiên chùa chiền sinh động, nên thơ. Đó là ngôi chùa Phổ Minh hay một ngôi chùa cổ ở Châu Lạng trong thơ của Trần Nhân Tông, chùa Diên Hựu, chùa Đạm Thủy trong thơ của Huyền Quang:

“Đạm Thủy đình biên dã thảo đa Không sơn vũ tể tịch dương tà” (Đề chùa Đạm Thủy - Huyền Quang) (Bên đình Đạm Thủy nhiều cỏ nội

Núi quang, mây tạnh, bóng chiều chênh chếch) (Đề chùa Đạm Thủy)

Qua khảo sát 30 bài thơ trực tiếp miêu tả thiên nhiên, thấy được đa số các nhà thơ thiền đều viết về thiên nhiên với nhiều góc độ, nhiều sắc thái khác nhau, thể hiện được vẻ đẹp đa dạng, phong phú. Tuy nhiên những hình ảnh thiên nhiên xuất hiện nhiều là: mái chùa (7 lần), con thuyền (3 lần), bến nước và quán bên sông (6 lần), thôn xóm (3 lần), chim bướm (12 lần), hoa cỏ (14 lần), màu xanh da trời (3 lần)… Số liệu ấy một lần nữa khẳng định vẻ đẹp thiên nhiên dân dã, bình dị trong thơ của các vị thiền sư.

Một phần của tài liệu giá trị nhân sinh của thơ thiền việt nam thời lý – trần xét từ phương diện hình tượng (Trang 93)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(153 trang)