Sự thể hiện lòng yêu đời và tinh thần tích cực nhập thế

Một phần của tài liệu giá trị nhân sinh của thơ thiền việt nam thời lý – trần xét từ phương diện hình tượng (Trang 81)

6. Cấu trúc luận văn:

2.4.2. Sự thể hiện lòng yêu đời và tinh thần tích cực nhập thế

Thấm nhuần tư tưởng trên, con người trong thơ thiền Lý – Trần đã thể hiện lòng yêu đời và tinh thần tích cực nhập thế như thế nào?

Trên bước đường vạn dặm về với cõi Phật, người tu hành trong thơ của các vị thiền sư không lánh đời, thoát tục, không vướng chút bụi trần ai nơi thế giới sa - bà mà ở họ có thể thấy một tư tưởng hết sức tiến bộ và vô cùng đáng trân trọng là sự nhập thế. Điều này tưởng chừng như mâu thuẫn và đối nghịch với quan điểm nhà Phật, rằng đã vào cửa chùa là phải tước bỏ những vướng lụy của phù sinh, không còn “nặng nợ” với đời. Nhưng vấn đề không hẳn như vậy, bởi lẽ, vào chốn cửa

Phật, như trên đã nói, con người ta vẫn phải ở trong thế giới này, trên chính mặt đất này và phải sống với cuộc đời này. Do đó, tư tưởng nhập thế là hết sức quan trọng ở các bậc chân tu.

Nhà sư tìm thấy niềm vui trong cõi đời này không phải là những gì cao xa, viễn vông. Đó có thể là chọn được mảnh đất đẹp để có một cuộc sống an vui, thanh nhàn. Điều đó được sư Không Lộ gửi gắm qua lời thơ rất đỗi bình dị :

Trạch đắc long xà địa khả cư Dã tình chung nhật lạc vô dư

(Ngôn hoài - Không Lộ)

(Chọn được mảnh đất long xà có thể ở được

Tâm tình nơi đồng quê suốt ngày vui không chán) (Tỏ lòng)

Câu thơ dù hiểu theo cách nào đi chăng nữa vẫn thấy ánh reo vui với thú quê mộc mạc, gần với tự nhiên của thiền sư. Nghĩa là niềm vui ấy được thêu dệt và sẵn có trên trần thế, chính trên mặt đất này chứ không phải là một thế giới siêu nhiên, huyễn hoặc nơi không không, có có. Một nhà tu hành như Không Lộ theo quan niệm thông thường là “thoát tục” nhưng không chỉ gắn bó với trần thế mà còn hòa đồng vào cuộc sống trần thế để vui với chính cuộc đời này. Điều đó đáng trân trọng biết dường nào.

Sư Huyền Quang là tổ thứ ba của thiền phái Trúc Lâm, người mà Lê Qúy Đôn đã từng cho là lời lẽ “tựa hồ chẳng phải là lời nói của nhà tu hành” khi ông đọc một bài thơ của thiền sư. Quả vậy, đọc thơ của Huyền Quang, ta không thấy “dáng mạo” của nhà tu hành mà thấy hiển hiện một tâm hồn thi sĩ đậm đà chất đời, chất thực:

“Ổỉ dư cốt đột tuyệt phần hương Khẩu đáp sơn đồng vấn đoản chương Thủ bả suy thương hòa thái thác Đồ giao nhân tiếu lão tăng mang” (Địa lô tức sự)

(Củi đã tàn cũng chẳng thắp hương

Miệng trả lời chú bé con trong núi hỏi về những chương sách ngắn

Tay cầm ống thổi, tay nhặt mo nang

Luống để người ta cười ông sư già này bận bịu) ( Trước bếp lò tức cảnh)

Bài thơ hiện lên hình ảnh một nhà sư thật bình dị, cởi mở. Vừa làm những công việc lao động chân tay lặt vặt của cuộc sống hàng ngày “tay cầm ống thổi, tay nhặt mo nang” vừa chuyện trò với con trẻ “miệng trả lời chú bé con trong núi hỏi về những chương sách ngắn”. Có thể thấy thiền sư sống rất đời thường, bận bịu với bao nhiêu công việc, không phải chỉ mỗi ngày chăm lo ngồi thiền hay tụng niệm. Trong việc đời (nhóm bếp, thổi lửa), có việc đạo (trả lời đoạn sách ngắn). Trong việc sống đạo cũng hòa lẫn với sự đời. Tất cả hòa quyện vào nhau để giúp cho con người sống thiện, sống đẹp. Không có thái độ sống cực đoan, cố chấp, ông già ở đây sống rất an nhiên, phóng khoáng. Tình cảm của vị sư già thật dạt dào và được biểu thị một cách thành thực.

Chất đời, chất trần tục ấy còn được sư Huyền Quang gửi gắm qua bài thơ “Đề chùa Bảo Khánh”. Cũng chính vì sự hòa nhập cuộc đời đó mà đọc bài thơ ta thấy lắng đọng một chút “sầu” rất đỗi con người:

“Hoang thảo tàn yên dã tứ đa

Nam lâu bắc quán tịch dương tà

Xuân vô chủ tích, thi vô liệu Sầu tuyệt đông phong kỷ thụ hoa” (Thứ Bảo Khánh tự bách gian đề) (Mây khói đồng hoang quê vắng vẻ Lầu Nam quán Bắc xế vừng hồng Thơ không tài liệu, xuân không chủ Mấy khóm hoa sầu nhớ gió đông).

Và cái thành thực mang nặng chất đời ấy nhiều lúc được nhà sư thể hiện rất bộc trực, không hề giấu giếm:

Dục hướng thương thương vấn sở tòng

Lẫm nhiên cô trĩ tuyết sơn trung Chiết lai bất vị già thanh nhãn Nguyện tá xuân tư ủy bệnh ông” (Mai hoa)

(Muốn hướng lên trời xanh hỏi cớ tại sao

Trơ trơ đứng một mình trong núi tuyết Bẻ cành không phải đón người mắt xanh Chỉ muốn mượn tình xuân để an ủi ông đau) ( Hoa mai)

Thật vậy, các thiền sư sống cùng mọi người nhưng không hề làm ra vẻ khác người, vẫn sẻ chia buồn vui tự nhiên cùng nhân tình thế thái. Như hoa sen tinh khiết vươn lên từ chốn bùn lầy, các vị sống trà trộn giữa đời nhưng mọi cám dỗ cuộc đời không làm vấy bận tâm thái an thường tĩnh lặng. Cuộc sống hiện thực trần thế mà nhà thơ hướng đến là cuộc sống vật chất đạm bạc, không màng danh lợi xa hoa:

“Áo miễn chăn đầm ấm qua mùa, hoặc chằm hoặc xể;

Cơm cùng cháo đói no đòi bữa, dầu bạc dầu thoa” (Cư trần lạc đạo phú - hội thứ năm)

Tinh thần nhập thế của thiền gia có khi còn được đẩy lên rất cao. Nếp sống thiền không còn giới hạn trong khuôn viên của những thú vui thanh nhã đạm bạc hàng ngày mà còn ra vào tự tại mọi nơi. Thậm chí ngay giữa chiến trường bảo vệ non sông tổ quốc trong ý nghĩa “chiến trường là thiên đường”.

Ở thời Lý, thiền sư Vạn Hạnh là một bằng chứng hùng hồn cho hành động nhập thế tích cực qua lời ban tặng của vua: “Trụ tích trấn vương kì” (cầm gậy nhà chùa giữ vững kinh đô nhà vua). Ở đời Trần, tinh thần ấy lại càng mạnh mẽ hơn nữa. Tất cả mọi người đều đồng tâm hợp lực từ người nắm giữ vị trí quan trọng tối cao trong xã hội đến những người thấp cùng nhất. Những con người như Trần Thái tông,Trần

Nhân tông sẵn sàng “vong ngã vị tha” lo cho dân nước khi đất nước lâm nguy, họ là những tấm gương cao cả nhất. Như quan niệm của Trần Thái Tông:

Vắt đất thành vàng ròng cho quốc gia

Khuấy sông dài thành sữa ngọt đãi người

(Khóa hư lục)

hay Trần Nhân Tông:

Buông lửa giác ngộ đốt hoại rừng tà ngày trước

Cầm kiếm trí tuệ quét cho xong tính thức thưở nay” (Cư trần lạc đạo phú – hội thứ bảy)

Thật là những cách nói đầy thi vị và nhiệt huyết. Tinh thần nhập thế ấy được biểu hiện trong những việc làm tốt hầu đem lại hạnh phúc cho mọi người, cho dân tộc, biến niềm tự tin thành sức mạnh vạn năng có thể dời non lấp bể. Điều đó đã được chứng tỏ trong suốt công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước lâu dài. Nó phù hợp với mục đích và lợi ích chung của cả một dân tộc. Nếu vai trò nhập thế của các nhà chính trị là chăm sóc dân tình, giữ yên bình cho xã tắc thì vai trò nhập thế của người tu hành là đem ánh sáng của đạo Phật vào đời để giúp đời. Những nhà nhập thế tiêu biểu thời Trần như Trần Thái Tông, Tuệ Trung, Trần Nhân Tông… nhờ có sự kết hợp hài hòa đủ cả hai yếu tố nhập thế này nên mới tạo được thế đứng hiên ngang của lịch sử Việt Nam thế kỉ thứ XIII với những chiến thắng thần tích. Về điểm này, so với vị vua phật tử Lương Võ Đế ở Trung Hoa có thể thấy, cũng là vua, cũng là phật tử thuần thành, thuyết pháp tuyệt hay nhưng khi đất nước lâm vào cơn khói lửa, thay vì xông pha trận mạc, nhà vua lại đóng cốc chỉnh tu đã đưa đến thảm họa đau thương cho nước nhà. Đối với các vị vua – thiền sư đời Trần, dù phải tận dụng mọi lúc rảnh rang để nghiên cứu kinh điển vẫn sẵn sàng “Cởi áo cà sa, khoác chiến bào, khi bờ cõi tổ quốc lâm nguy”.

Như trên đã nói, mô hình “sống ở đời mà vui với đạo” của vua Trần Nhân Tông yêu cầu con người cần phải sống “nhậm vận tùy duyên”: “Hễ đói thì ăn, mệt ngủ liền”. Điều này đã được thể hiện khá rõ qua phong cách sống của các thiền sư

thời Lý – Trần. Bên dòng sông thơ mộng, bên khóm trúc vi vu, họ biết tùy theo cảm hứng để hưởng lạc thưởng ngoạn thiên nhiên. Cuộc sống ấy thật an lạc xiết bao:

“Hứng lai huề trượng du vân kính Khốn tức thùy liêm ngọa trúc sàng” (Tham đồ hiển quyết- Viên Chiếu) (Hứng lên xách gậy dạo đường quê Mệt mỏi buông rèm khểnh chõng tre) (Chỉ rõ bí quyết đạo Thiền cho môn đệ)

Trong “Gian am cỏ chỉ đủ chứa một đôi chân”, nhà thơ sống lặng lẽ qua ngày nhưng thật thảnh thơi, vô sự “ăn cơm, đi ngủ đều tùy ý”:

“Cơ lai bão khiết phạn nhất bát, Thanh thủy mãn bình khả tiêu khát” (Giới am ngâm – Trần Minh Tông) (Lúc đói, no nê một bát cơm

Nước trong bình đủ giải cơn khát) (Bài ngâm về cái am cỏ)

Cuộc sống ấy tự do, tự tại không ai có thể gượng ép được: “Buồn ngủ thì đi ngủ, đói

bụng thì ăn cơm”(1).Tinh thần “vô ý” làm con người hưởng sự tự do, tự tại ở bất cứ

nơi đâu, bất cứ lúc nào:

“Quyện tiểu phại hề hoan hỷ địa Khát bão xuyết hề tiêu dao thang” (Phóng cuồng ngâm – Tuệ Trung) (Đói thì ăn chừ cơm góp muôn phương Mệt thì ngủ chừ nơi chẳng quê hương) (Bài ngâm cuồng phóng)

Và cứ lần theo mạch nguồn của các bài thơ thiền, ta thấy cõi “đạo” và cõi “đời” không còn khoảng cách và rất gần nhau. Người tu hành mang trong mình một tư tưởng nhập thế, không lánh đời thoát tục mà “Cư trần lạc đạo”. Thông thường thì

thơ thiền được biết đến như là những bài kệ khuyên dạy đệ tử của các bậc thiền sư nhưng không thuần túy chỉ là truyền tải những triết lý sâu xa của nhà Phật mà còn ẩn chứa trong đó cái tình, cái thú “nhàn” và cao hơn là sự trải lòng với chính cõi người, cõi trần thế của các thiền sư - thi sĩ. Như vậy, giữa “đạo” và “đời” đã có một sợi dây gắn kết và ánh xạ vào nhau. “Đạo” là sự thể hiện ở “đời”, còn “đời” chính là thước đo để đạt đến “đạo”.

Nhìn vào thực tiễn xã hội thời đại Lý - Trần, với yêu cầu của lịch sử đặt ra là cả nước phải tập trung nhân lực và trí tuệ để xây dựng đất nước. Mọi người dân, phật tử đều phải tích cực vào đời để làm rạng rỡ cho đời. Kế thừa và phát huy truyền thống “Đạo Phật không rời cuộc sống” đó, các vị vua - thiền sư nhà Trần đã “đem Đạo Phật đi vào cuộc đời” một cách hữu hiệu từ phương châm đến hành động: “Lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, lấy tấm lòng của thiên hạ

làm tấm lòng của mình”(1) và hình thành nên “tinh thần nhập thế tích cực” nổi bật

của lịch sử Phật giáo Việt Nam. Sự xuất hiện “luồng gió nhập thế” lớn mạnh ấy của Phật giáo đã dựng lên một bối cảnh huy hoàng của lịch sử Việt Nam trải dài hơn 300 năm, đã tạo nên một trang sử hào hùng, oanh liệt của một dân tộc Đại Việt nhỏ bé đã ba lần thắng Tống, ba lần đuổi Mông – Nguyên, tạo nên một thời đại điển hình về những vị vua anh minh: Lý Thái Tổ, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông, Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông … và mãi mãi lưu danh trong hậu thế về những vị tướng tài ba, trung hiếu: Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Phạm Ngũ Lão… Có thể nói, đây là thời kì phát triển rực rỡ nhất trong lịch sử quốc gia phong kiến tự chủ Đại Việt với những chiến công hiển hách chống ngoại xâm, bảo vệ non sông, gấm vóc. Đây là thời kì có nhiều thành tựu nhất về cả chính trị, xã hội, văn hóa, y tế…

Tiểu kết

1.Trên đây người viết đã xây dựng nên một hệ thống hình tượng con người với bốn luận điểm chính. Đó là con người an nhiên tự tại, con người sống trọn vẹn với thực tại, con người mang vẻ đẹp tự thân với cái chân tâm trong sáng vô biên và trí tuệ siêu việt, con người yêu đời và tích cực nhập thế, đóng góp cho xã hội. Tuy nhiên,

sự phân chia nào cũng mang tính chất tương đối vì giữa các hình tượng này luôn có ảnh hưởng qua lại với nhau. Trong đó, hình tượng con người với cái chân tâm trong sáng vô biên chính là “hạt nhân” cơ bản chi phối tư tưởng và hành động sống tích cực của con người trong thơ thời đại này. Vì thế, trong một chừng mực nào đó, nếu chúng ta xem “con người thật không địa vị” ấy là “thể” thì những biểu hiện của con người như: con người an nhiên, tự tại; con người sống trọn vẹn với thực tại; con người yêu đời và tích cực nhập thế chính là “dụng”. Tất cả tồn tại dung thông, không thể tách rời ra được.

2. Những kết luận về hình tượng con người mà người viết đã rút ra qua thực tế khảo sát văn bản đã cho thấy con người trong thơ thiền thời Lý – Trần quả đã sống một cuộc sống rất có giá trị. Họ là những con người biết sống, sống đẹp, sống có ý nghĩa. Và càng ý nghĩa hơn khi nó giúp cho chúng ta giải thích về một giai đoạn lịch sử có một nội lực dân tộc hùng hậu và đạt được nhiều thành tựu lớn lao, nhất là về mặt đời sống tinh thần của con người. Có thể nói, các thiền sư, bằng cuộc đời tài hoa đã đem một niềm lạc quan, một cái nhìn ấm áp đến cho cuộc đời. Tất cả nói lên một nhân sinh quan tiến bộ, một thái độ sống lạc quan tự tại, một lối sống nhập thế, một tư tưởng nhập cuộc đầy ý chí và nghị lực – những điều rất đáng để trân trọng, kế thừa và phát huy.

CHƯƠNG 3: GIÁ TRỊ NHÂN SINH CỦA HÌNH TƯỢNG THIÊN NHIÊN TRONG THƠ THIỀN LÝ - TRẦN

Hồ Chí Minh đã từng viết: “Thơ xưa yêu cảnh thiên nhiên đẹp - Mây, gió, trăng, hoa, tuyết, núi, sông”(1). Qủa thật, chính vẻ đẹp tự thân của thiên nhiên đã có sức quyến rũ kì lạ, làm đắm say lòng người, nhất là đối với khách thi nhân. Bên cạnh đó, thiên nhiên còn là một hình ảnh chân thực của thế giới tự nhiên gần với lòng, với Đạo nên dễ được con người Đông phương, nhất là những người theo tư tưởng Lão Trang ưa thích, muốn sống gần gũi để bảo tồn được chân tính và khỏi bị những lễ nghi, phiền toái giả tạo của xã hội ràng buộc. Các nhà thơ thiền của chúng ta cũng rất thích sống gần gũi và chan hòa với thiên nhiên. Ở đấy, họ đã thật sự trải lòng mình ra với cảnh núi cao sông dài, với ánh trăng trên đóa hoa mộc tê, với cánh bạch âu bay ngang lưng trời, với từng đàn cò liệng xuống cánh đồng chiều vãn, với những cánh bướm xuân phơi phới đầy hương sắc… Tuy nhiên, vấn đề chúng ta cần quan tâm không nằm ở tình cảm yêu mến, gắn bó, hay những cảm nhận tinh tế, vi diệu của các thiền sư đối với thiên nhiên mà qua cách các thiền sư cảm nhận về thiên nhiên sinh động của đất trời, từ đó có thể thấy cả những ý niệm, những triết lý nhân sinh về nhân tình thế thái mà con người thiền gia muốn gửi gắm đến cho cuộc đời; nhờ đó con người tự nhận thức lại mình,lựa chọn cho mình một lối sống đẹp, sống có ích cho đời.

Qua thực tế khảo sát, chúng tôi rút ra một số nhận xét về hình tượng thiên nhiên trong thơ thiền Lý – Trần như sau:

Một phần của tài liệu giá trị nhân sinh của thơ thiền việt nam thời lý – trần xét từ phương diện hình tượng (Trang 81)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(153 trang)