Những đặc trưng cơ bản, loại biệt của thơ thiền

Một phần của tài liệu giá trị nhân sinh của thơ thiền việt nam thời lý – trần xét từ phương diện hình tượng (Trang 30)

6. Cấu trúc luận văn:

1.2.2. Những đặc trưng cơ bản, loại biệt của thơ thiền

Về tác giả và độc giả: Tác giả thơ thiền chủ yếu là thiền sư, hay đó là các cư sĩ tại gia, vua chúa, quan lại, quý tộc trong cung đình tôn sùng Phật giáo và am hiểu triết lý thiền, nhìn thế giới bằng cái nhìn đầy chất thiền. Những sáng tác của họ hoặc thuần túy thuyết giảng giáo lý nhà Phật, hoặc ít nhiều chịu ảnh hưởng tư tưởng và cảm quan Phật giáo. Trong các tác phẩm của mình, họ thể hiện cái nhìn thế giới và con người một cách khoáng đạt và siêu thoát, thế nhưng vẫn mang đậm một tinh thần nhập thế mạnh mẽ, tích cực. Nếu Phật giáo chủ trương xuất thế, thoát tục để cầu đạo thì các thiền gia thời Lý - Trần lại tích cực nhập thế, không phủ định thực tại, tất nhiên cũng phải thừa nhận rằng mức độ nhập thế của các thiền gia có giảm dần theo sự diễn biến của thời gian do vị thế ngày càng lên cao của Nho giáo. Nếu Thiền tông chủ trương “bất lập văn tự, trực chỉ nhân tâm” thì các thiền gia thời này lại sáng tác thơ ca, kệ cú để giáo huấn đệ tử, chiêm nghiệm triết lý tu hành. Nếu đạo Phật chủ trương trở về với tự tâm, diệt bỏ lục căn lục trần thì các nhà sư khi trở về với tự nhiên lại thích ca ngợi cảnh đẹp núi rừng, hoa cỏ, thậm chí có bài miêu tả thiếu nữ xinh đẹp ngồi thêu áo… Tư tưởng phóng khoáng đó của các thiền sư cộng với những ảnh hưởng của triết học Lão - Trang đã trở thành những chiếc dùi trống làm cho thơ thiền thời kì này vang ra không biết bao nhiêu thanh âm trong trẻo, tươi mới đến lạ lùng, và lẽ dĩ nhiên, sự tươi mới này được rút ra khi đối chiếu với thơ thiền của các nước khác. Chính vì lẽ đó, nhiều học giả cho rằng không ít bài thơ nếu

thay đổi tựa đề hoặc tên tác giả thì người đọc sẽ ngộ nhận đó là những bài thơ vịnh cảnh thông thường. Thế nên, càng về sau, thơ thiền cũng đậm chất trữ tình và đậm dấu ấn bản ngã hơn. Đây là đặc trưng quan trọng của thơ thiền Lý - Trần so với thơ thiền Đường - Tống của Trung Quốc hay thơ thiền Nhật Bản. Còn độc giả của thơ thiền ban đầu chủ yếu là các nhà tu hành, là tăng chúng, là các đồ đệ cầu học đạo. Về sau này, độc giả thơ thiền còn là đông đảo những người không phải tu hành, nhưng yêu mến và ngưỡng mộ đạo Phật, có nhu cầu nhận thức cuộc sống, nhận thức nghệ thuật bằng những rung động của tâm linh Thiền học.

Thơ thiền được viết bằng kiểu ngôn ngữ vô ngôn, vì thế chú trọng đến tính trực giác. Đối với thiền, ngôn ngữ được xem là lừa dối và sai lạc để thấu hiểu chân lý. Chính vì thế, thơ Thiền có cách “mã hoá” và “giải mã” thông tin đặc biệt. Việc “mã hoá” nghệ thuật được xem là khá phong túng và tự do. Những bài “Kệ ngộ giải” ghi lại giây phút “bừng vỡ giác ngộ tâm phật” của nhà tu hành, có thể được thực hiện bởi lời phát biểu trực tiếp về các phạm trù triết học Phật giáo, bằng lời giải thích trực tiếp và cụ thể của tư duy duy lý, tư biện, hoặc cũng có thể được phát biểu gián tiếp qua những hình ảnh thiên nhiên, cuộc sống sinh động mà nhà tu hành bất ngờ nắm bắt được trong cuộc sống với dáng vẻ tự nhiên, trong trẻo nhất. Nó rất trực giác và trực cảm. Tuy nhiên, do triết lý thiền thì hữu hạn trong khi cái dùng để tượng trưng thì vô hạn nên sự lý giải triết lý thiền không bền vững, nhất quán mà luôn nhiều màu nhiều vẻ. Đó là chưa kể với các nhà sư khác nhau, sự ngộ giải khác nhau, vốn hiểu biết khác nhau và cách thể hiện khác nhau thì việc diễn đạt là vô cùng phong phú. Do đó, không có một chiếc chìa khóa chung để giải mã thơ thiền mà cần phải có sự trải nghiệm, nhưng cũng cần hiểu rằng cùng một triết lý thì cách lý giải thường ít nhiều có một sự tương đồng nào đó. Nói như vậy để thấy rõ tầm quan trọng của trực giác trong việc lãnh hội yếu chỉ thiền học và trong việc tiếp nhận thơ thiền. Như vậy, mục đích của thơ thiền là ghi lại sự giác ngộ thiền lý, nhưng không phải bao giờ nó cũng phát ngôn trực tiếp cho tư tưởng thiền mà thường mượn hình ảnh của thế giới vật chất để thể hiện. Vì thế có rất nhiều bài thơ thiền rất sinhđộng, giàu hình ảnh, âm thanh và màu sắc.

Tóm lại, đặc trưng quan trọng nhất của thơ thiền là thể hiện cảm xúc thiền, triết lý thiền thông qua việc tác giả phát biểu, ngộ giải, bàn luận về mọi sự vật, hiện tượng trong cuộc sống.Muốn biết một bài thơ có phải là thơ thiền hay không cần phải xem kĩ bài thơ ấy có thể hiện cảm xúc thiền và triết lý thiền hay không. Nói cách khác, tiêu chí để phân biệt thơ thiền và các loại thơ khác là đặc điểm có hay không thể hiện thiền ý. Có bài thơ cùng một lúc thể hiện nhiều triết lý thiền, có bài chỉ thể hiện một triết lý thiền, cũng có bài mang hơi hướng thiền nhưng không xác định rõ thể hiện triết lý gì của Thiền tông. Tuy nhiên, việc xác định chất thiền trong thơ quả không phải là một điều dễ dàng nếu ta không có sự am hiểu thiền học và một trực giác nhạy cảm để nhận ra triết lý thiền. Đó cũng là một nguyên nhân khiến cho thơ thiền nhiều lúc khó tiếp nhận.

Một phần của tài liệu giá trị nhân sinh của thơ thiền việt nam thời lý – trần xét từ phương diện hình tượng (Trang 30)